ART & CULTURE

Nghệ thuật graffiti: Một ngôn ngữ calligraphy trong thời hiện đại

Sep 03, 2021 | By Trang Ps

Mỗi nền văn minh đều có những biến thể calligraphy để phục vụ cho nhu cầu và mong muốn sáng tạo khác biệt. Graffiti cùng calligraphy hiện nay đều được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng. Hơn thế, với sự thay đổi không ngừng của nghệ thuật, những nghệ sĩ graffiti đã có những bước tiến đưa bộ môn này vào gallery hay dấn thân vào lĩnh vực thời trang cao cấp,…

Nghệ thuật Calligraphy truyền thống

Calligraphy phương Tây cổ điển sử dụng hệ thống ký tự Latin – xuất hiện lần đầu tại Rome vào khoảng năm 600 trước Công nguyên.

Kể từ giây phút đầu tiên khi chiếc bút lông chạm vào mảnh giấy da, con người đã luôn tự mày mò làm sao để trình bày chữ viết của mình đẹp nhất có thể. Không thể phủ nhận chúng ta luôn yêu thích những thứ có gu thẩm mỹ, tất cả đã thôi thúc sự ra đời của calligraphy – nghệ thuật thực hiện chữ viết tay có tính thẩm mỹ nhất có thể.

Calligraphy Đông Á ghi dấu ấn tại 4 quốc gia, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Calligraphy Nam Á hình thành tại Ấn Độ, Nê-pan, Thái Lan, Tây Tạng.

Calligraphy Hồi giáo (Islamic Calligraphy) được dựa trên các chữ cái tiếng Ả Rập

Calligraphy hay “beautiful handwriting”, là tập hợp những kỹ thuật viết chữ theo một quy chuẩn nhất định để thể hiện tính toàn vẹn về tỷ lệ các con chữ, hài hòa về bố cục cấu trúc hay sự lặp lại của các ký tự để tạo điểm nhấn. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng calligraphy có thể được phân thành bốn loại lớn: calligraphy phương Tây, Đông Á, Nam Á và Hồi giáo.

Calligraphy hiện đại

Calligraphy xuất hiện trên những tấm thiệp cưới

Mặc cho công nghệ phát triển khiến cho việc viết tay trở nên ít đi, calligraphy đang thay đổi để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thời đại. Calligraphy khơi gợi cảm xúc và khác biệt trong những tài liệu hằng ngày của chúng ta như sách, thiệp mời, logo, font chữ,… Nó cũng đóng vai trò là nguồn cảm hứng chính cho nhiều hoạt động nghệ thuật độc đáo. Calligraphy không chỉ có nhiều ứng dụng thực tế trong thời nay, mà còn mang ý nghĩa là một phát minh mà không có một tiến bộ công nghệ nào có thể làm lu mờ giá trị của nó.

Mặc dù đã xuất hiện thêm nhiều trường phái biến thể, nhưng nhìn chung có thể phân loại thành calligraphy truyền thống và hiện đại. Phong cách truyền thống chú trọng vào chiều cao, góc, kích thước của con chữ và viết bởi những công cụ nhất định. Trong khi đó, calligraphy hiện đại không tuân theo các quy tắc cấu trúc của phong cách truyền thống, và có nhiều phong cách khác nhau nên rất khó để định nghĩa cụ thể “calligraphy hiện đại”. Điều quan trọng là nó cho phép người nghệ sĩ tạo ra những biến thể và thể hiện chất riêng của mình. Tuy nhiên, calligraphy hiện đại vẫn cần tuân theo những quy tắc cơ bản nhất.

Calligraphy và Graffiti

Hình thức tagging tên trong graffiti để đánh dấu chủ quyền có phong cách gần giống với calligraphy

Graffiti là bộ môn nghệ thuật vẽ tên – chữ tại địa điểm công cộng với phong cách hiện đại, đường phố. Vì xuất thân từ đường phố nên graffiti không có quy chuẩn chung nhất định. Các kí tự của graffiti chủ yếu thường được vẽ bằng sơn xịt và thể hiện rõ cái tôi của người nghệ sĩ. Trong graffiti có nhánh là hand style – tag, viết các chữ cái như một hình thức ký tên của người nghệ sĩ graffiti, với phong cách được cho là có điểm chung gần giống với calligraphy.

Nhiều nghệ sĩ calligraphy đồng ý rằng sáng tạo là một trong những yếu tố cần lưu tâm của calligraphy. Điều này bắt nguồn sự cá nhân hóa được thể hiện ở hầu hết tác phẩm nghệ thuật. Dấu ấn cá nhân của mỗi nghệ sĩ calligraphy trên tác phẩm là điều làm cho calligraphy trở thành một thành viên hợp lệ của nghệ thuật, phân biệt nó với bút pháp thông thường và những mẫu chữ tiêu chuẩn tạo ra từ công nghệ. Điều này tương tự như cách những nghệ sĩ graffiti thể hiện cái tôi và bản sắc riêng của mình vậy. Calligraphy cũng như một tác phẩm điêu khắc hoặc hội họa, mục tiêu là gợi ra ý nghĩa sâu sắc và giao tiếp với người xem.

Một vài nghiên cứu cho thấy cả graffiti và calligraphy đều có nhiều kỹ thuật giống nhau thông qua việc sửa đổi và tô điểm cho các mẫu chữ, từ đó cho thấy quá trình sáng tạo cũng khá giống nhau. “Người hệ” graffiti chơi với các con chữ giống như nghệ sĩ calligraphy, các chữ cái được sửa đổi, kéo dài, lặp lại, rút ngắn, dày lên… và thậm chí sẽ bỏ qua một vài quy tắc về chính tả để đảm bảo bố cục trông thật thẩm mỹ.

Điều quan trọng là nghệ sĩ calligraphy lẫn graffiti phải hiểu các quy tắc của từng cấu trúc mỗi chữ cái, trước khi bắt đầu thêm thắt tạo kiểu, và phải đồng nhất các chữ cái trong một văn bản theo cùng một phong cách.

Xét về khía cạnh con người, nghệ sĩ calligraphy là những người có thể được dạy bài bản hoặc tự nghiên cứu để thuần thục những những nguyên tắc cơ bản về cách viết các con chữ. Họ nắm bắt những nguyên tắc khoa học đằng sau calligraphy, trong khi đó, nghệ sĩ graffiti không được dạy về những nguyên tắc này. Do đó họ không biết nguyên tắc khoa học đằng sau nó, kết quả là họ không biết cách sử dụng, trừ khi họ dành hàng năm trời để học và nghiên cứu chuyên sâu. Đúng là graffiti không có quy tắc, nhưng thực tế graffiti và cốt lõi của nó là dựa trên sự sáng tạo từ những thứ cơ bản nhất. Graffiti tuân theo tất cả nguyên tắc cơ bản về nét của con chữ, đặc biệt, các nguyên lý về tính thẩm mỹ đối với graffiti được đề cao tương tự như các hình thức nghệ thuật khác. Vậy nên, tựu chung lại sự khác biệt calligraphy và graffiti chỉ là cách chúng ta phóng đại các nguyên tắc và xem chúng quan trọng tới mức nào mà thôi.

Nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo và quan điểm mới về calligraphy

Một tác phẩm trong BST Alchimie của Kongo, nổi bật chủ đạo là các tagging nối liền nhau

Xét về khía cạnh thẩm mỹ học, mặc dù graffiti đã được nghiên cứu bởi khá nhiều nhà phân tích xã hội học, tính thẩm mỹ của graffiti lại được chú ý rất ít, trái ngược với calligraphy, về mặt vai trò của các yếu tố thị giác. Thật ngạc nhiên, vì graffiti hiện đại nhấn mạnh vào các khía cạnh của phong cách thị giác (đặc biệt các chuyển động của chữ cái làm cơ sở tạo ra một tác phẩm graffiti) và cách những điều này làm nền tảng cho bố cục của một tác phẩm. Lý do cho vấn đề thiếu nhìn nhận graffiti như một đối tượng thẩm mỹ có thể một phần do bối cảnh xã hội. Việc tạo ra các bức vẽ graffiti ngày nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi liệu có phải là một hành động phá hoại hay không.

Bức tranh Paris – Ha Noi của Cyril Kongo hài hòa về mặt bố cục, các con chữ được cách điệu cùng với lối chơi màu sắc táo bạo mang đến hiệu ứng thị giác mãn nhãn

Kongo chia sẻ quan điểm của mình đối với graffiti và calligraphy: “Tôi là một nghệ sĩ graffiti. Về cơ bản, graffiti chủ yếu tập trung vào việc viết chữ và tìm kiếm những sự sáng tạo mới từ những đường cong, hình khối. Cuối cùng thì đối với tôi, nó cũng có thể được xem là một hình thức calligraphy trong thời hiện đại. Thật ra calligraphy đã luôn có vai trò quan trọng song hành cùng dòng chảy lịch sử, mỗi quốc gia có những cách trình diễn calligraphy theo cách riêng của mình, phụ thuộc vào tính chất của thời đại. Ngày nay, tôi nghĩ rằng graffiti hoàn toàn có ý nghĩa đối với thời đại chúng ta đang sống, khi mà chúng ta ngày càng ưa chuộng biểu tượng cảm xúc để diễn đạt thay cho ngôn từ, trong khi chữ viết vẫn luôn là phương tiện liên kết với ký ức của nhân loại, là một hình thức thể hiện bản sắc mỗi người.”

Nghĩ đến calligraphy chúng ta thường tưởng tượng đến những con chữ bay lượn, mang phong cách cổ điển “aesthetic”. Dưới cái nhìn calligraphy gắn kết với graffiti, vẻ đẹp ấy được đa dạng hóa, có thể là cổ điển nhưng đó là sự cổ điển gai góc, cũng có thể là táo bạo, đột phá,… Thậm chí, chất liệu tạo nên calligraphy không còn bó hẹp ở những cây bút máy, cây ngòi sắt nữa mà mở rộng ra với những bình xịt, cọ màu,…

Điều thú vị là những ký tự graffiti không nhất thiết có thể đọc được, và calligraphy hiện đại cũng như vậy. Đây là một điểm chung mà những nghệ sĩ theo đuổi hiệu ứng thị giác hướng đến, và với lối diễn đạt đường phố thì graffiti là một kỹ thuật đáng để người luyện calligraphy có thể luyện tập để đa dạng hóa phong cách bản thân.


 
Back to top