ART & CULTURE

Bản thảo chiếu sáng: “Kính vạn hoa” của lịch sử văn minh thế giới

Jun 30, 2021 | By Xu

Ví như sự rực rỡ của “kính vạn hoa”, một hiệu ứng “kính vạn hoa vô tận”, các bản thảo chiếu sáng (Illuminated manuscript) đã ra đời để soi chiếu các nền văn minh của lịch sử nhân loại.

Phần “P”, ảnh chụp cắt ra từ Sách Lễ được làm cho Giáo Hoàng Innocent VIII (British Library, Additional 21412, f. 4; Rome, about 1484 – 92), bản sao của Henry Shaw, thực hiện năm 1860, tại London. Museum no. 5920. © Victoria and Albert Museum, London. Nguồn ảnh: Vam.ac.uk

“Illuminated manuscript” (Tạm dịch: bản thảo chiếu sáng), có thể hiểu nôm na là những bản thảo viết tay cổ xưa được trang trí điểm xuyến cho rực rỡ, tươi sáng. Đây là một thuật ngữ phổ biến trong nền văn hoá phương Tây, nơi đã tạo ra rất nhiều bản thảo chiếu sáng trong lịch sử của mình.

Các bản thảo chiếu sáng thường được tìm thấy ở dạng một quyển sách đóng gáy, thường là sách trong lĩnh vực tôn giáo, nhằm truyền đạt giáo lý trong thời đại mà đa số dân chúng mù chữ. Khi đó, các bản thảo chiếu sáng đóng vai trò tương tự như các bức tranh kính trang trí cửa sổ nhà thờ, nơi các tín hữu nhận biết và ghi nhớ những câu chuyện đức tin bằng hình ảnh thay vì chữ viết.

…một số bản thảo được tìm thấy có thể được xem là vết tích văn minh duy nhất còn sót lại của thời đại đó

Các bản thảo này được trang trí phức tạp từ bìa đến gáy sách, từ các trang văn bản đến các bức tiểu họa toàn trang, từ chữ viết tay cầu kỳ đến những họa tiết viền. Thuật ngữ “Ký tự chiếu sáng” (Illuminated letters) dùng để mô tả các chữ cái được cách điệu và tô điểm hoạ tiết, bằng mực màu hoặc dát vàng, bạc. Các bìa sách cũng được trang trí “chiếu sách” bằng tranh vẽ, hoa văn hoặc đính kết kim loại và đá quý lấp lánh xa xỉ. Tất cả nhằm mục đích “làm đẹp” cho bản thảo, cũng như nhấn mạnh giá trị vật chất lẫn tinh thần của quyển sách đó.

Trang đầu tiên của một quyển thánh ca được trang trí “chiếu sáng”. Các bản hợp xướng trong sách được hát vào Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng (Advent), mùa trước Lễ Giáng Sinh. Nguồn ảnh: Metmuseum.org

Chi tiết “chiếu sáng” trong bản thảo “Bifolium with Christ in Majesty in a Initial A, from a Antiphonary”, sản xuất tại Praha khoảng năm 1405, thuộc nền văn hoá Bohemian. Kích thước trang: 56,7 × 40,2 cm. Chất liệu sơn keo, vàng và mực trên giấy da. Lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ Thuật Metropolitan (New York City). Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

Với màu sắc và ánh vàng rực rỡ, đây là một trang trong quyển sách hợp xướng có tựa “Bifolium with Christ in Majesty in a Initial A, from a Antiphonary”. Cách trang trí “chiếu sáng” kết hợp sự uy nghiêm, bí ẩn với một cảm giác vui tươi. Chữ A trở thành ngai vàng của Chúa Kito, mặc áo choàng bằng lụa, Người ngồi trước một mảng màu đỏ ẩn hiện hình bóng của hai thiên thần. Gần góc lề bên phải, một con gấu đen hiện lành đứng trên nhành cây nho, gần đó là một còn thằn lằn và một thợ săn đang nhắm mũi tên vào con sếu.

Bản thảo “Sion Gospels” của Thuỵ Sĩ, không rõ nguồn gốc xuất bản, các trang văn bản có niên đại khoảng 1025 – 1050, nhưng đến khoảng năm 1200 mới được đóng lại thành sách. Số hiệu lưu kho No.567-1893. © Victoria and Albert Museum, London. Nguồn ảnh: Vam.ac.uk

Bản thảo chiếu sáng không chỉ cần được bảo tồn vì giá trị nghệ thuật của chúng, mà còn vì tầm quan trọng về phương diện lịch sử nhân loại mà chúng chứa đựng, một số bản thảo được tìm thấy có thể được xem là vết tích văn minh duy nhất còn sót lại của thời đại đó.

Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu thập được một số lượng nhiều đáng ngạc nhiên của những bản thảo chiếu sáng trong lịch sử văn minh phương Tây, và chủ yếu có nguồn gốc Châu Âu. Các bản thảo quan trọng về văn hoá, tôn giáo và nghệ thuật này đã tồn tại bền bỉ qua thời gian, một số gần như nguyên vẹn sau hơn 1000 năm.

Một trang trong “Thánh Vịnh và Tân Ước” (Psalter and New Testament) của đế quốc Đông La Mã (hay đế quốc Byzantine), có niên đại 1079. Chất liệu mực, màu keo, và vàng trên giấy da vellum. Kích thước trang: 16.3 x 10.9 cm. Được bảo quản tại Cleveland Museum of Art (Cleveland, Ohio, USA). Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

“Ký tự chiếu sáng” (letters), hay các tên viết tắt/chữ cái đầu của từng phần thánh vịnh, trong Thánh Vịnh The Initials. Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

Trang mở đầu của bản thảo “Hours of Catherine of Cleves”, niên đại 1440. Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

Các bản thảo chiếu sáng cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay được xác định niên đại khoảng 400 – 600 sau Công Nguyên, ra đời tại vương quốc của những người Ostrogoths và Đế Chế Đông La Mã. Phần lớn các bản thảo chiếu sáng được tìm thấy đến từ thời Trung Cổ (khoảng thế kỷ V – XV), mặc dù khá nhiều bản của thời Phục Hưng (khoảng thế kỷ XV – XVII) vẫn còn giữ gìn được, cùng với một số ít bản thảo có xuất xứ từ Hậu Cổ Đại (khoảng thế kỷ III – VIII). Đa số đều có tính chất tôn giáo.

Đặc biệt từ sau thế kỷ XIII, ngày càng có nhiều văn bản thế tục được “chiếu sáng”. Hầu hết các bản thảo chiếu sáng được tạo ra dưới dạng sách, thay thế cho các cuộn giấy. Một số ít bản thảo chiếu sáng thực hiện trên giấy cói, và không giữ được lâu bền như giấy da (parchment). Các bản thảo thời Trung Cổ, được “chiếu sáng” hoặc không, được tạo ra trên giấy da (phổ biến nhất là da bê, cừu, hoặc da dê), nhưng đa số các bản thảo quan trọng được “chiếu sáng” trên loại giấy da/màng động vật có chất lượng tốt nhất, gọi là vellum.

Định nghĩa triết học của “David the Invincible” – một trang bản thảo chiếu sáng của quốc gia Armenia, ra đời vào năm 1280, chất liệu vellum. Cất giữ tại Matenadaran (tên chính thức là Viện bản thảo cổ Mesrop Mashtots) – kho lưu trữ bản thảo lớn nhất thế giới của đế quốc Armenia, còn là một bảo tàng và viện nghiên cứu, ở thành phố Yerevan (Armenia). Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

“Farnese Hours”, một trang trong bản thảo chiếu sáng thời Phục Hưng, thực hiện bởi họa sỹ Giorgio Giulio Clovio (1498 – 1578) sinh ra ở vương quốc Croatia, khoảng từ năm 1537 đến 1546. Trên giấy da, kích thước: 17.1 x 11.1 cm. Bảo quản tại Morgan Library & Museum (New York City). Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

“Hours of Queen Isabella the Catholic”, sở hữu bởi nữ hoàng Tây Ban Nha, khoảng năm 1500. Chất liệu mực, sơn keo, và vàng trên giấy da vellum. Kích thước trang: 22.5 x 15.2 cm. Thuộc bộ sưu tập của Cleveland Museum of Art. Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

Từ cuối thời Trung Cổ, các bản thảo bắt đầu được sản xuất trên chất liệu giấy (bột gỗ hoặc xơ thực vật). Những cuốn sách được in trong thời này đôi khi chừa ra những khoảng trống để người sở hữu ghi chú hoặc trang trí “chiếu sáng” thủ công. Các bản thảo chiếu sáng tiếp tục được sản xuất vào đầu thế kỷ XVI với số lượng ít hơn nhiều so với thời đại trước, và chủ yếu dành cho những người rất giàu có.

Các bản thảo chiếu sáng được đặt trong nhà thờ Chính Thống Giáo Ethiopian Ura Kidane Mehret (xây dựng từ thế kỷ XVI), ở bán đảo Zege, quanh hồ Tana, Ethiopia. Nguồn ảnh: En.wikipedia.org

Một “Book of Hours” của học giả Bartholomeus Anglicus  (trước 1203–1272) người Paris. Bản thảo được chiếu sáng trên chất liệu vellum, gồm 16 bức tranh thu nhỏ, được tạo ra vào năm 1440, ở vùng Anjou hoặc Le Mans của Pháp. Bản thảo này được đưa ra đấu giá bởi Christie’s, giá ước tính: $1,500,000-2,500,000, trưng bày tại Christie’s Paris galleries từ ngày 18 – 23/3/2021. Nguồn ảnh: Finebooksmagazine.com

Sự tồn tại phổ biến của các bản thảo chiếu sáng qua các thời đại không chỉ dựa vào thẩm mỹ nghệ thuật và “địa vị xã hội” mà chúng nhấn mạnh, hơn nữa còn có vai trò duy trì mối liên kết với các bản thảo không được “chiếu sáng”, thông qua ngôn ngữ hình ảnh và cả màu sắc. Nếu không có các nhà ghi chép trong tu viện của thời Hậu Cổ Đại, có lẽ hầu hết văn học Hy Lạp và La Mã đã bị thăng trầm lịch sử vùi chôn. Việc “chiếu sáng” các bản thảo, như một cách đề cao tính quan trọng mà nội dung trong bản thảo đề cập đến, và giúp chúng được bảo tồn cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần, trong một thời đại mà phần lớn người thuộc tầng lớp thống trị mới không còn nhận biết được các ngôn ngữ cổ truyền được sử dụng trong bản thảo.

Từ văn bản viết tay đến những tác phẩm hội họa thu nhỏ (miniature painting) có tuổi từ thời Trung Cổ hay tận thời Cổ Đại, cần phải được gìn giữ, tôn tạo và được biết đến bởi các thế hệ tiếp nối của chúng – những thế hệ mà ngày một thêm “mù chữ”

Thực tế, theo định nghĩa cơ bản, thuật ngữ “illuminated manuscript” chỉ đề cập đến các bản thảo được trang trí bằng vàng hoặc bạc. Nhưng trong cách sử dụng phổ biến của giới học thuật hiện đại, bản thảo chiếu sáng được dùng để đề cập đến bất kỳ bản thảo nào được trang trí hoặc minh hoạ theo truyền thống phương Tây (dẫn chứng về điều này, có thể thấy ở bộ sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”, một bản thảo chiếu sáng “gốc Việt” đã từng bị phủ bụi thời gian đến hơn một thế kỷ, chính thức xuất bản lần đầu vào năm 2016).

Bộ sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” có thể được xem là tái bản của bản thảo chiếu sáng pha trộn văn hoá Việt – Pháp thế kỷ XIX

Tranh minh hoạ và trích đoạn truyện Nôm, in trong quyển “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”.

Các thư tịch cổ thuộc nền văn hoá Viễn Đông và tác phẩm văn học của Trung Mỹ cổ đại (Mesoamerican) có thể so sánh tương ứng với “bản thảo chiếu sáng” của Châu Âu, nhưng lại thường được mô tả như tranh vẽ. Cũng như, các bản thảo Hồi Giáo có thể được gọi là “có tính chiếu sáng” (illuminated), với các hình vẽ hoặc tranh minh hoạ về cơ bản sử dụng các kỹ thuật giống như các tác phẩm phương Tây.

Mặt trước của bản thảo “kinh A Di Đà” có nguồn gốc Phật Giáo Hàn Quốc, niên đại 1341. Lưu giữ tại bảo tàng Anh (London). Nguồn ảnh: worldhistory.org

Ở Nhật Bản, nhiều cuốn kinh Phật được minh hoạ “chiếu sáng” được lưu giữ trong những ngôi chùa Phật giáo, vết tích cổ xưa nhất còn sót lại có niên đại 1006 sau Công Nguyên, nằm ở Bunkacho, Tokyo. Trong bảo tàng Anh ở London cũng có lưu giữ một “bản thảo chiếu sáng” của kinh A Di Đà (Amitabha Sutra). Mặt trước bản thảo mô tả khung cảnh nơi Đức Phật và các Bồ Tát chào đón những linh hồn mới đến thiên giới. Được vẽ bằng vàng và bạc, có ghi lại niên đại 1341 sau Công Nguyên. Trên bản thảo cũng ghi chú rằng nó được thực hiện bởi một nhà sư tên Chonggo để tặng cho Mẹ ông.

Phật Giáo đã có những đóng góp đáng kể cho nghệ thuật ở Hàn Quốc cổ đại từ điêu khắc đến thơ ca, nhưng một trong những công việc tốn nhiều thời gian và công sức nhất là việc chép tay các bài kinh hoặc bài giảng của Đức Phật. Hai lựa chọn phổ biến nhất là kinh Hwaomgyong hay Hoa Nghiêm Kinh (Avatamsaka sutra), và kinh Pophwagyong hay còn gọi là Liên Hoa Kinh (Lotus sutra).

Những bản kinh chép tay này phổ biến đến mức một Viện Kinh Thánh Hoàng Gia – Royal Sutra Scriptorium (Sagyongwon) đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu này vào thế kỷ XII. Ở đây không chỉ có các nhà sư mà còn có các nhà thư pháp, họ cùng làm việc để tạo ra những văn bản tôn giáo. Hoạt động sản xuất này diễn ra mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XIV khi vua Chungnyeol (1274-1308) phân chia thành 2 nhánh: Kumjawon và Unjawon, có thể hiểu tương ứng là các bản thảo vàng và những thư tịch bạc.

“The Codex Nuttall”. Photo by Byron Hamann. Nguồn ảnh: Mesolore.org

“The Codex Nuttall” là một bản thảo văn học cổ của nền văn hóa Trung Mỹ cổ đại (Mesoamerican). Nguồn gốc ra đời của bản thảo “Codex Nuttall” vẫn chưa khám phá được. Năm 1854, bản thảo này có mặt ở Florence, nằm trong số các bộ sưu tập của thư viện thuộc Tu Viện Đa Minh San Marco (hiện là Bảo tàng Nazionale di San Marco, Ý). Đến khi thư viện bị giải thể, bản thảo được mua lại bởi một người Anh, tên John Temple Leader, sau đó được tặng cho Nam Tước Zouche thứ 14 của Anh, tên Robert Curzon. Con trai của vị Nam Tước này đã gửi bản thảo “Codex Nuttall” đến bảo tàng Anh vào năm 1876, và phải đến năm 1898, “Codex Nuttall” mới bắt đầu thu hút được sự chú ý của giới học thuật Anh.

“Book of Hours”[*1] của Margaret de Foix, khoảng năm 1471 – 1476, miền Tây nước Pháp. Lưu giữ tại Victoria and Albert Museum, London. Nguồn ảnh: Vam.ac.uk

Một quyển “Book of Hours” được trang trí “chiếu sáng” của Ý, xuất bản vào năm 1498. Nguồn ảnh: Bpl.org

Trong một số lĩnh vực và kỷ nguyên lịch sử, các bản thảo chiếu sáng được tìm thấy là bằng chứng duy nhất phản ánh nền nghệ thuật của các cột mốc văn minh đó. Từ văn bản viết tay đến những tác phẩm hội họa thu nhỏ (miniature painting) có tuổi từ thời Trung Cổ hay tận thời Cổ Đại, cần phải được gìn giữ, tôn tạo và được biết đến bởi các thế hệ tiếp nối của chúng – những thế hệ mà ngày một thêm “mù chữ”.

Ví như sự rực rỡ của “kính vạn hoa”, một hiệu ứng “kính vạn hoa vô tận”, các bản thảo chiếu sáng đã ra đời để soi chiếu các nền văn minh, trải qua mỗi thời đại lại tiếp một lăng kính tri thức, không ngừng di chuyển, va chạm, phản xạ, thậm chí đổi hướng trong thời không. Hàng trăm cuốn bản thảo đang được lưu giữ tại các bảo tàng trên khắp thế giới – và có thể một số còn đang “ngủ say” trong nhiều thư viện cổ – là hàng ngàn tài liệu cổ quý giá, là từng mảnh lịch sử độc nhất vô nhị.

Một miniature “Book of hours” (6 x 4 cm) với các chi tiết trang trí và tiểu hoạ “chiếu sáng” thu nhỏ, được thực hiện bởi máy quét bản thảo thu nhỏ, thuộc dự án số hoá và tái tư liệu hoá năm 2015 cho Fondazione Giorgio Cini (Venice). Xử lý từ bản fax của quyển “Book of Hours” gốc có tên “Cini Offiziolo”, thuộc bộ sưu tập L’Offiziolo di Carlo VIII. Quyển “Book of Hours” này được Công Tước Milan Ludovico Sforza tặng cho Vua Charles VIII của Pháp vào năm 1494 © Factum Foundation. Nguồn ảnh: factum-arte.com

Chú thích

[*1] “Book of Hours” hay “Canonical hours”, trong tiếng Việt có thể gọi là “Các giờ phụng vụ”, là sách nguyện về các mốc thời gian chính thức để cầu nguyện cố định mỗi ngày trong thực hành của Cơ Đốc giáo. Đây là loại phổ biến nhất của các bản thảo chiếu sáng còn sót lại của thời Trung Cổ. Giống như nhiều bản thảo chiếu sáng khác, mỗi tập sách được viết tay bằng chữ gothic, do đó là những độc bản, mặc dù đều chứa đựng những nội dung tương tự về các kinh văn, lời nguyện cầu và thánh vịnh. “Các giờ phụng vụ” thường kèm theo các hình vẽ và chi tiết trang trí lộng lẫy, thể hiện lòng sùng kính của người Cơ Đốc. Các chi tiết trang trí “chiếu sáng” đôi khi trông khá tối giản ở một số phiên bản, chỉ chủ yếu nhấn mạnh các ký tự gothic ở đầu mỗi phần thánh vịnh và những lời cầu nguyện quan trọng. Những quyển “Các giờ phụng vụ” hoặc Thánh Kinh được làm cho những nhà bảo trợ giàu có thường đặc biệt xa hoa, với các chi tiết trang trí bằng đá, ngọc, vàng và bạc rất bắt mắt, kiểu chữ viết tay đẹp cầu kỳ cùng những bức tiểu họa toàn trang có giá trị nghệ thuật cao.

Nguồn:

Mesolore.org, worldhistory.org, Vam.ac.uk, Newsweek.com, Metmuseum.org, Factum-arte.com, En.wikipedia.org

Thực hiện: Xu


 
Back to top