Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu (Kỳ 1): Họa sỹ Mai Trung Thứ

May 30, 2021 | By Art Republik

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh ở Pháp. Đó là một hành trình của quá nhiều khó khăn và cay đắng. 

Hoạ sỹ Mai Trung Thứ bên các tác phẩm của mình, ở Vanves (Paris, Pháp), năm 1964. Nguồn: Pinterest

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường. Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925-1930). Lê Phổ là học trò “cưng” của giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926-1931). Và Lê Thị Lựu, thủ khoa hội họa khóa III (1927-1932).

Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt; cũng là nhờ quan điểm giảng dạy của các giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, khác với quan niệm dạy vẽ của người Anh ở Ấn Độ: hoàn toàn hướng học sinh về mỹ thuật Tây phương, chối bỏ nguồn gốc văn minh Ấn Độ.

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi) cùng các học viên khoá I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Từ trái sang: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Chung, Lê Văn Đệ) – ảnh tư liệu. Nguồn: cgvdt.vn

Trích bài viết nghiên cứu của tác giả Thuỵ Khuê về bộ tứ Đông Dương (đã đăng trên ấn phẩm Art Republik Việt Nam issue 2), các bài viết sẽ lần lượt khái quát về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của 4 danh hoạ đời đầu của trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Hoạ sỹ Mai Trung Thứ 

Họa sỹ Mai Thứ tên thật là Mai Trung Thứ, sinh ngày 10.11.1906 tại làng Do Nha, tỉnh Kiến An nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh. Đỗ khóa đầu trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, học cùng lớp với Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ… Ra trường năm 1930, được bổ dạy vẽ ở trường Quốc học Huế. Trong thời gian này ông học nhạc cung đình, chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh.

Hoạ sỹ Mai Trung Thứ

Ông Ngô Thế Tân, chồng họa sỹ Lê Thị Lựu kể lại: “Thày Thử, hay Ông Đốc Thử – khi được bổ nhiệm giáo sư ở Huế – giọng Huế gọi như vậy. Ở đất sông Hương núi Ngự, Thứ là một tài nhân trẻ, khiến nhiều nữ sinh, cả các mệ ở đó, và một số tiểu thư Sài Gòn nữa, ôm hận vì ước vọng không thành. Thày Thử vẽ giỏi lại đờn hay. Có xe hơi trên bộ và du thuyền trên Hương Giang. Anh bạn Mai Thứ của tôi mất đi quãng 10 năm nay rồi, mang theo trong lòng biết bao trang tình sử tuyệt vời và tuyệt vọng, nhưng anh rất chung thủy với tình xưa, nghĩa cũ

Bức “Tĩnh vật” do nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong bán ra ngày 19/4/2021 đạt mức 2.646.000 HKD (hơn 7,8 tỷ VND).

Bỏ lại xe hơi, du thuyền trên đất Thần kinh, vì không chịu nổi không khí thời Pháp thuộc, năm 1937, Mai Thứ đi Pháp dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa và ở lại. Năm 1938, ông bắt đầu trưng bầy tranh cùng với các bạn Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, nhưng bán được rất ít, mỗi lần chỉ một hai bức, cuộc sống cực kỳ khó khăn nên “cả ba đều phải làm nghề phụ để mưu sống: Đàm khéo tay làm nghề gọt rũa móng chân, móng tay (pédicure chinoise). Phổ và Thứ được thuê lên sân khấu, khăn đóng áo dài…”.

“Lên sân khấu” tức là đàn hát phụ diễn âm nhạc cho La table du Mandarin, nhà hàng Việt sang trọng tại Paris. Lê Thị Lưu kể lại: có khi Mai Thứ phải ra chợ xin đầu cá ở hàng cá, đem về kho ăn với dưa chua. Bà có làm thơ về việc này.

Năm cô gái (Mai Thứ), 1973, mực và gouache trên lụa, 34,5cm x 92cm / Cinq Petites Filles, 1973, Ink and gouache on silk, 34,5cm x 92cm

Chân Dung Madam Phương và Ký ức Đông Dương của Madam Dothi Dumonteil

 

Thế Chiến II bùng nổ, đầu năm 1939, Mai Thứ cùng Lê Phổ, Phạm Duy Khiêm và Bửu Hội đầu quân đánh Đức. Cuối năm 1939, Pháp đầu hàng. Giải ngũ, Mai Thứ và Lê Phổ xuống Nice (vùng tự do) triển lãm tranh, tại đây được một nhà bán tranh mời sang Alger, cùng Lê Phổ, mở cuộc triển lãm lớn tại Alger, năm 1941, rất thành công.

Năm 1942, hai ông trở về Nice, gặp lại Lê Thị Lựu và Ngô Thế Tân, từ Việt Nam sang từ năm 1940, vô cùng mừng rỡ. Rồi lại chia tay, Lê Thị Lựu đi Phi châu cùng chồng, Lê Phổ ở lại Nice một thời gian, Mai Thứ lên Paris, dừng lại ở Mâcon, một tỉnh miền trung nước Pháp, được gia đình Combaud, có tiếng ở đây nâng đỡ, vẽ nhiều chân dung nhân vật trong tỉnh và trang trí tiểu giáo đường (chapelle) trong nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon.

Bức “Thưởng trà” của Mai Trung Thứ

Bức “Điểm trang cho đám cưới” của Mai Trung Thứ

Từ 1943, tình trạng tài chính tạm ổn định, Mai Thứ mua nhà, số 16 avenue du Parc, Vanves, ngoại ô phía nam Paris. Vẽ và triển lãm tranh thường xuyên ở galerie Jolly-Hessel (rue de la Boétie) cùng với Lê Phổ và Pavillon de Madagascar (Champs-Élysées). Năm 1946, ông thực hiện phim về chuyến đi Pháp của chủ tịch Hồ Chí Minh và hội nghị Fontainebleau. Năm 1948, ông làm loạt phim tài liệu Tranh lụa. Năm 1954, Mai Thứ kết hôn với bà Jeanne Sineray tức Sao, họa sỹ, nhà trang trí, sinh con gái vào năm 1956.

Khoảng 1952-54, ông gặp Jean-François Apesteguy, người trở thành giám đốc nghệ thuật và nhà bán tranh chính thức của ông tới khi ông qua đời. Năm 1955, theo lời yêu cầu của Apesteguy, Mai Thứ phóng tác bức La Joconde của Léonard de Vinci và bức Kỹ Nữ của Ingres theo phong cách Á Đông. Có lẽ là điều không nên làm. Năm 1960, Mai Thứ và Trần Văn Khê đoạt giải Le grand prix du Disque de l’Académie de Charles Cros với đĩa thu nhạc cổ truyền (Edition BAM).

Từ 1960 đến 1965, ông cộng tác với UNICEF (Quỹ bảo trợ trẻ em Liên Hiệp Quốc) in thiệp chúc nhiều thứ tiếng và minh họa tập Thơ trên lụa của Phạm Văn Kỳ. Tranh ông được rộng rãi biết đến qua những phiên bản của nhà Braun, Euros và Stehli, một phần nhờ UNICEF phổ biến.

Năm 1962, Mai Thứ về Sài Gòn 5 tháng. 1963, trước bi kịch Thích Quảng Đức và nhiều nhà tu hành tự thiêu (1963) ông giữ khoảng cách với chính quyền miền Nam. Khi quân Mỹ vào miền Nam, ông chống Mỹ, năm 1966 ông bỏ UNICEF vì tổ chức này không công khai chống Mỹ.

Năm 1963, triển lãm lớn tại Galerie du Péristyle: Những đứa trẻ của Mai Thứ (Les Enfants de Mai Thứ). Rất thành công. Năm 1968 triển lãm Người phụ nữ dưới mắt Mai Thứ (La femme vue par Mai Thứ), galerie Cardo Matignon (Avenue Matignon). Năm 1971 triển lãm Trẻ con và gia đình (L’Enfant et la famille) galerie Doucet (Place Beauvau). Từ năm 1974- 1975 triển lãm Thế giới Mai Thứ (Le monde de Mai Thứ) galerie Vendôme (rue de la Paix).

Trẻ tắm (Mai Thứ), 1971, mực và gouache trên lụa, 54,5cm
x 46 cm / Les Enfants Au Bain, 1971, Ink and gouache on silk, 54,5cm x 46 cm.

Tháng 12-1979, ông khai trương cuộc triển lãm cuối cùng: Vũ trụ thơ Mai Thứ (L’Univers poétique de Mai Thứ) galerie Vendôme, 50 tác phẩm. Ông mất ngày 10-10-1980 tại Clichy, Paris, chôn tại nghĩa trang Vanves.

Mai Thứ có một bút pháp đặc biệt, nét vẽ giản dị đến độ diệu kỳ: sự mong manh, mềm mại và uyển chuyển trong tranh phụ nữ và sự ngây thơ, hồn nhiên trong tranh trẻ thơ, đều đạt mức tuyệt đỉnh. Ông thường vẽ tranh trên vải lụa (étoffe de soie), dùng màu nước trộn keo (gouache) rồi lấy bút cùn chấm mực mài, chà, tạo chiều sâu, vẽ chân dung bằng than màu (pastel) hay than chì.

Trong bốn họa sỹ, Mai Thứ là người tụ hội nhiều ảnh hưởng Đông phương nhất mà cũng lưu giữ nhiều chất liệu thuần Việt nhất. Tranh Mai Thứ không giống bất cứ điều gì đã thấy về xã hội Việt Nam tan nát vì chiến tranh, thù hận. Tranh ông cho ta lại một thế giới khác về con người, con người Việt Nam yêu thương, trong sáng, nguyên thủy.

Bức “Cô gái làm thơ” do nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong bán ra ngày 18/4/2021 với mức giá 6.225.000 HKD (gần 18,5 tỷ VND)

Thực hiện: Thụy Khuê

(Đọc tiếp: Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu [kỳ 2] – họa sỹ Lê Phổ)


 
Back to top