ART & CULTURE

Nỗi đau dai dẳng của nữ danh họa Frida Kahlo qua những bức tranh

Nov 15, 2020 | By Trang Ps

Cuộc đời nữ danh họa Frida Kahlo được đong đếm bằng những nỗi đau trải dài từ năm tháng tuổi thơ đến lúc về cận kề cái chết. Nỗi đau càng lớn bao nhiêu, sự kiên cường của người đàn bà Mexico này càng mạnh bấy nhiêu. Hội họa của Frida mang âm hưởng bi thương, nhưng chính âm hưởng ấy lại toát lên sức mạnh nội tại khó ai sánh bằng.

Stoking Frida-mania: A new exhibition reveals how Frida Kahlo crafted her identity | The Independent | The Independent

Là một trong những nữ họa sĩ Mexico được yêu mến của mọi thời đại, Frida Kahlo nổi tiếng với việc nắm bắt hình hài lẫn linh hồn của sự sống theo phương cách phi thực tế, từ đó làm nổi bật những cảm xúc mà bà muốn chuyển tải vào các họa phẩm của mình. Câu chuyện của Frida được đánh dấu bằng những dữ kiện thống khổ và có tính ảnh hưởng đến thẩm mỹ cá nhân.

Trong một cuốn nhật ký, Frida viết rằng bà ấy đã mang, và sẽ mãi mãi mang theo tất cả những đớn đau và tổn thương trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ có thể ngăn cản “người đàn bà thép” biểu lộ bản năng sáng tạo theo cách riêng của mình. Tính kiên cường của nữ họa sĩ cho phép bà chấp nhận nỗi đau như một người bạn, kết hợp khả năng nắm bắt cảm xúc và biến chúng thành thông điệp. Đó là một trong những lý do khiến Frida trở thành biểu tượng của sức mạnh nội tại.

Hình ảnh cho bài đăng

1/ “Two Fridas”

Frida lớn lên ở Mexico trong một gia đình đa văn hóa, cha bà là người Đức, mẹ là người Mexico.

“Two Fridas” là bức chân dung tự họa, trong đó, nữ họa sĩ đại diện cho hai phiên bản của mình: tính Âu châu phía bên trái, và tính Mexico bản địa ở bên phải. Sự kết nối thông qua bàn tay và trái tim thể hiện tính tương thuộc giữa hai bản thể, tức sự sống của họ không thể phân chia và tách rời.

Vệt máu chảy ở bản thể Frida Âu châu thể hiện bản chất nội tại của bà nghiêng hẳn sang nền văn hóa Mexico và sự công nhận sâu sắc của nữ họa sĩ như một người Mỹ Latinh.

Bức chân dung tự họa đầu tiên này được ảnh hưởng nhiều bởi phong cách châu Âu. Bà miêu tả mình với chiếc cổ dài và màu da sáng hơn trong chiếc váy nhung trang nhã. Trong suốt nhiều năm, Frida dần trở nên thoải mái hơn với di sản quê hương, tất cả biểu lộ rõ ràng trên khuôn mặt, chẳng hạn như cặp lông mày rậm, và việc sử dụng những màu sắc nhiệt đới rực rỡ.

Hình ảnh cho bài đăng

2/ “The Accident” và “The Broken Column”

Ở độ tuổi 18, Frida bị tai nạn giao thông, một thanh kim loại cắt ngang cột sống và tử cung bà, gây nên một vết thương sâu nhói mà bà phải sống với nó suốt cuộc đời.

Frida đã phác họa lại vụ tại nạn, trong đó, chiếc xe bà đang ngồi va chạm mạnh với một phương tiện khác. Trong bức họa, bạn dễ dàng nhận thấy một người phụ nữ nằm trên cáng cứu thương. Frida đã trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ trong suốt cuộc đời và phải sử dụng một chiếc vest để hạn chế cử động và bảo vệ cột sống.

Hình ảnh cho bài đăng

Sau đó, Frida rơi vào tình trạng nghiện morphin và rượu do những cơn đau dữ dội mà bản thân phải chịu đựng. Nỗi thống khổ ấy của nữ họa sĩ được thể hiện qua nét mặt mơ hồ, khờ dại và bao giọt nước mắt lăn dài trên má. Trong khi đó, những chiếc đinh vít đục thủng da và tấm kim loại quanh cột sống là biểu tượng của cực hình và nỗi đau đớn tột cùng mà Frida đã trải qua.

Trước vụ tai nạn, Frida là một trong số ít nữ sinh Mexico vượt qua kỳ thi vào ngành Y. Bà khao khát trở thành bác sĩ, một phần vì tình trạng bị liệt năm 6 tuổi của mình. Sau sự cố khủng khiếp này, Frida buộc phải nằm trên giường một thời gian dài và cảm thấy tuyệt vọng. Điều đó thôi thúc bà vẽ tranh như một cách thể hiện bản thân. Nhìn theo khía cạnh tích cực, vụ tai nạn ấy đã biến Frida trở thành họa sĩ và là họa sĩ xuất chúng của mọi thời đại.

Nỗi đau tột cùng, bằng cách nào đó, khiến Frida bộc lộ sức mạnh nội tại tột cùng.

Hình ảnh cho bài đăng

3/ “The Liberty” và “Marxism Will Give Health To The Sick”

Frida sinh năm 1907, 3 năm trước khi cuộc Cách mạng Mexico bắt đầu, diễn ra muộn nhất cho đến năm 1924, làm thay đổi hệ thống chính trị và văn hóa đất nước. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn này đã khuyến khích Frida tìm hiểu thêm về các lý thuyết cộng sản. Sau đó, bà trở thành người bảo vệ quyết liệt chủ nghĩa cộng sản Marxist, thậm chí còn liên kết với Đản Cộng sản Mexico.

Ở bức tranh phía trên, chúng ta có thể thấy bức chân dung Marx ở phía bên phải, đang ôm cổ một người đàn ông (có vẻ như Uncle Sam, hình tượng nhân hóa của Hoa Kỳ) trong thân hình con đại bàng gần như bị nghiền nát. Ở trung tâm, Frida đang cầm một cuốn sách đỏ, có lẽ là Tuyên ngôn Cộng sản. Thân hình bà được nâng đỡ bởi đôi tay khổng lồ khiến bà có thể đứng vững mà không cần nạng. Tựa đề “Marxism Will Give Health To The Sick” thể hiện niềm tin của bà vào hệ tư tưởng chính trị vào năm 1848.

Vào cuối đời, Frida gần như không thể đi lại và tham dự triển lãm đầu tiên của mình ở Mexico trên một chiếc giường. Tuy nhiên, vào năm 1954 (cũng là năm bà qua đời), bà đã đứng lên và tham gia cuộc biểu tình chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Guatemala.

Mặc dù đã sống ở Hoa Kỳ ít nhất 3 năm và thực hiện nhiều cuộc triển lãm tại đây nhưng bà chưa bao giờ tán thành những can thiệp chính trị và kinh tế của Mỹ vào các nước kém phát triển, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh.

Hình ảnh cho bài đăng

Trong bản phác thảo này, chúng ta có thể thấy Uncle Sam đứng sau tượng Nữ thần Tự do, “xúi” cô ấy cầm bom nguyên tử trong khi chiếc vòng cổ làm bằng con rối (bao gồm các nhà tư bản giàu có, Franco, Hitler, Tổng thống Truman, các chính trị gia Mexico và Giáo hoàng). Bức tượng đứng trên bục bao gồm những người dân thường, tượng trưng cho sự áp bức và lạm dụng ý nghĩa tự do.

Hình ảnh cho bài đăng

4/ “Henry Ford Hospital” và “Frida and Cesarean Operation”

Mối quan hệ giữa Frida và Diego Rivera khiến bà mang thai nhiều lần và sẩy thai trong mọi trường hợp. Nguyên nhân của việc khó mang thai đủ tháng đến từ hậu quả vụ tai nạn, khi mà tử cung của Frida bị ảnh hưởng trầm trọng và vĩnh viễn.

Trong bức tranh, chúng ta có thể thấy Frida đang bị xuất huyết trên giường, cơ thể co rúm và quằn quại vì đau đớn. Dựa trên một cuốn sách giải phẫu, hình vẽ thai nhi đại diện cho con trai của bà và Diego, trong khi xương chậu và bông hoa lan tượng trưng cho hông và tử cung. Ốc sên là biểu tượng của sự chậm chạp trong trải nghiệm của Frida đồng thời thể hiện cho nỗi buồn và đau khổ dai dẳng của nữ họa sĩ.

Hình ảnh cho bài đăng

Bức thứ hai mô tả sự kiện sẩy thai khác ở Detroit. Tuy nhiên, bức tranh này là một phiên bản đầy hy vọng về những gì có thể xảy ra nếu đứa trẻ sống khỏe mạnh.

5/ “Memory, The Heart”

Cuộc hôn nhân của Frida chất đầy sóng gió từ đầu đến cuối vì tính không chung thủy. Đáng kể nhất là mối tình với Diego – chồng bà ngoại tình với em gái Cristina. Kahlo phát hiện điều đó khi bà trở về và thấy họ đang tằng tịu với nhau trong nhà của mình. Sau đó, bà phát hiện ra 6 đứa trẻ mà Cristina sinh ra là con trai và con gái của Diego.

Hình ảnh cho bài đăng

Sự thật này đã ảnh hưởng rất mạnh đến cảm xúc của Frida vì bản thân bà không thể làm mẹ. Bà cắt đứt quan hệ với em gái. Bức tranh “Memory, The Heart” tượng trưng cho sự đổ vỡ này. Một trái tim bị xé toạc và chảy máu trên mặt đất, cho thấy nỗi đau tinh thần này cũng mạnh mẽ y như nỗi đau thể xác mà bà đã phải chịu đựng thời còn thiếu niên. Hai bộ lễ phục tượng trưng cho thời con gái và thời phụ nữ, minh họa sự thay đổi tâm sinh lý và hành vi của Frida, từ một cô gái ngây thơ thành người đàn bà tự tin.

Hình ảnh cho bài đăng

6/ “Why Would I Want Feet When I Have Wings To Fly”

Vì sức khỏe ngày một giảm sút, Frida phải cắt cụt chân. Bà đã ghi lại sự kiện này trên một trang nhật ký bằng mực và aquarelle, viết bên dưới bằng tiếng Tây Ban Nha: “Tại sao tôi cần đôi chân trong khi tôi đã có đôi cánh”. Trích dẫn này thể hiện tính kiên cường của người phụ nữ: khi cuộc đời ném vào bạn quả chanh, hãy pha một ly nước chanh và tận hưởng.

Bài gốc: Beatriz Freitas | Chuyển ngữ: Trang Ps


 
Back to top