Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Suy tư sáng tác P4: Trò chuyện cùng họa sĩ Trần Nhật Thăng

Nov 11, 2021 | By Trang Ps

Có những giai đoạn vẽ thăng hoa, có những quãng lại tạm ngừng không vẽ gì, họa sĩ Trần Nhật Thăng nhận ra một điều rằng, sau tất cả, bài học anh rút ra được trong hội họa nằm ở một từ: buông. Và như anh chia sẻ, trải qua bao năm tháng cực đoan, nay anh đã trở về với chân tâm trong sáng mà cầm bút. 

Hành trình sáng tác của anh có những giai đoạn bước ngoặt tương ứng với phong cách tiếp cận hội họa như thế nào?

Tôi bắt đầu bén duyên với tranh trừu tượng kể từ khi còn là sinh viên năm 4 Đại học Mỹ thuật (1994).

Giai đoạn 1994 – 1998 là quá trình nghiên cứu và sử dụng chất liệu: giấy gió bồi trên toan, mùn cưa, cát, giây thừng, sơn sịt, xăng lên sơn dầu,… và rất nhiều cách xử lý kỹ thuật tạo hiệu ứng khác biệt.

Giai đoạn 1998 –  2001, tôi trở lại hai màu tối giản: đỏ và đen

Đến năm 2008, tôi tổ chức triển lãm cá nhân “Chân dung tự do”, chỉ còn hai màu đen và trắng. Tôi nghĩ đây có lẽ là bước quan trọng vì tranh trừu tượng không hình, không màu, không chất liệu đa dạng,… Chúng quay trở về sự tối giản.

Cũng chính từ đây, tôi dừng lại, 10 năm không vẽ được gì.

Và 2018, tôi trở lại với triển lãm “Miền” gồm khoảng 40 bức. Đó là miền hoa hoang hoải, Miền xa lắm, Miền xanh, Miền quên,…

Tôi lại tiếp tục dừng 4 năm, như một sự phản tỉnh mình, khiến tâm trí thư thải và buông bỏ những điều không thực sự phù hợp, không thực sự cần thiết. Sau đó, tôi tiếp tục trở lại, vẽ gì cũng được, màu sắc tối giản, là sắc đen, sắc trắng,…Chủ để tổng hợp, từ tĩnh vật đến nude,…

Có thể nói, sau khi đã trải qua những giai đoạn cực đoan, tôi trở về chính mình, trở về với chân tâm hồn nhiên trong sáng.

Lối sống cũng như suy tư sáng tác của anh có gì thay đổi trong đại dịch kéo dài 2 năm nay? 

Đại dịch tác động một cách khách quan đến cuộc sống tinh thần và vật chất của con người. Nhưng chẳng còn cách nào khác tốt hơn ngoài việc thuận theo để tồn tại, mọi chống đối là hoàn toàn vô ích. Covid-19 diễn ra suốt hai năm nay cũng khiến tôi mong muốn và cũng đang xây dựng cho bản thân và gia đình một lối sống xanh, hòa hợp với tự nhiên (tự nuôi trồng/sản xuất thực phẩm). Studio Farm là nơi tôi vừa vẽ tranh, vừa chăn nuôi, cày cấy, đồng thời cũng là điểm hẹn lý tưởng để đón tiếp bạn bè và khách du lịch.

Tuy nhiên, về cách nghĩ và sáng tác của tôi vẫn vậy. Tôi vẫn nương theo cái tâm trong sáng của mình mà sáng tạo, những tác phẩm cũng từ đó mà ra đời.

Như anh chia sẻ, lối sống hòa vào thiên nhiên có lẽ là nguồn cảm hứng bất tận để anh khám phá và sáng tạo nghệ thuật! 

Thiên nhiên luôn vĩ đại, và sự vĩ đại ấy chỉ được nhận ra khi ta biết trân trọng và thấy ra được sự tồn tại không thể thiếu của nó. Những trái tim biết nhạy cảm đều hiểu rằng thiên nhiên nuôi dưỡng thân thể lẫn tâm hồn mỗi người. Nhưng ngược lại, nếu không có một trái tim biết yêu, một tâm hồn biết rung cảm, và một lý trí hiểu biết thấu đáo, thì sự vĩ đại của thiên nhiên đối với họ lại hoàn toàn xa vời.

Với những tâm hồn giàu sự rung cảm, họ chính là những người tiên phong tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó đánh thức những kẻ còn vô cảm khác hay đơn giản là những người chưa có cơ hội đào sâu về sự vi diệu này. Các tác phẩm hội họa, thi ca, văn chương, âm nhạc,…về thiên nhiên từ xưa đến nay không thiếu, và chúng vẫn tiếp tục ra đời để đánh thức con người. Trước tình trạng thiên nhiên đang bị hủy hoại một cách trầm trọng, tôi thực sự chân thành biết ơn những tâm hồn đẹp đẽ như vậy.

Anh quan niệm ra sao về sự sao chép trong hội họa? Liệu có tác phẩm nào là nguyên bản (original)? 

Trong hội họa cũng như trong những ngành nghề khác, sao chép tồn tại như lẽ thường. Nhưng với cái nhìn đầy khắt khe cho chính mình và cho xã hội, sao chép có thể cản trở sự tiến bộ, và cũng dấy lên những làn sóng tiêu cực.

Có thể nói, loài người cũng là đứa con đặc biệt của Mẹ Thiên nhiên, và trước đến nay, sự sáng tạo của con người được thể hiện một cách đầy mãnh liệt. Hằng hà sa số những tác phẩm hội họa từ xã hội sơ khai đến nay là những tác phẩm nguyên thủy.

Thật lạ khi thấy tranh của anh dùng chất liệu acrylic nhưng lại phảng phất dấu ấn thủy mặc, thậm chí nếu không nhìn vào chất liệu, thì có thể nghĩ ngay đến tranh thủy mặc. Phải chăng anh cũng là người có nhân duyên với thủy mặc, rồi hiện đại hóa nó? Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?

Acrylic là họa phẩm gốc nước dễ hoà tan trong nước. Vì thế, nếu pha loãng chất liệu này sẽ cho một hiệu ứng như màu nước. Và dù là sơn dầu gốc nhưng khi vẽ lên tấm canvas, hiệu ứng thị giác vẫn có thể đánh lừa, khiến bạn lầm tưởng đây là tranh thủy họa. Như vậy, vấn đề ở đây là tinh thần của người họa sĩ. Có thể nói, thuỷ mặc là linh hồn, cốt cách của người phương Đông và tôi cũng không ngoại lệ. Có điều, tôi chắt lọc tinh thần đó, chỉ còn lại ngôn ngữ thủy mặc, còn linh hồn lại trừu tượng .

Ngoài vẽ tranh, anh có hướng đến các loại hình nghệ thuật đương đại khác như video art, sắp đặt, điêu khắc,… ? Nếu có, anh có thể chia sẻ về sự tiếp cận/ ý tưởng?

Theo tôi, những hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, video art, đa phương tiện,… chỉ là vấn đề chất liệu mang tính thời trang. Dù thời đại và thời trang luôn có vai trò nhất định nhưng  tôi luôn muốn sáng tạo những thứ bền lâu theo thời gian. Xét về yếu tố này thì hội họa giá vẽ là chuẩn mực.

Hệ thống triết học nào mà anh yêu thích?

Tôi khá yêu thích những cuốn sách của OSHO, còn về đạo, thì đạo Phật gần gũi với tôi hơn cả.

Nhờ học Phật mà tôi mới ngộ ra sự buông bỏ trong hội họa là như thế nào. Vẽ là hành đạo, là phương tiện tốt để ngộ. Mục đích lớn nhất trong cuộc đời này của tôi chính là ngộ. Tôi thực hành sống và vẽ nương theo những gì Đức Phật khai thị.

Những cách anh cân bằng và đi tìm chiều sâu trong cuộc sống hội họa? Anh có đặt nặng ý tưởng trước khi sáng tác không, hay là một người sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng?

Thực ra, tranh là kết quả cuối cùng của đời sống tư duy. Cân bằng trong đời sống lẫn suy nghĩ cảm xúc sẽ dẫn đến sự cân bằng trong tư duy sáng tác.

Nói cách khác, để cân bằng, thì cần có hiểu biết một cách thấu triệt bản chất vấn đề. Trước đây, tôi thường suy nghĩ miên man, sau đó, chắt lọc rồi ngộ ra những điều gì là quan trọng. Chính khi giản lược những suy nghĩ cảm xúc thừa thãi, không lành mạnh, thì ta lại có được những ý tưởng rất thú vị và độc đáo.

Nói như vậy thì hẳn là anh cũng không đặt nặng vấn đề thời gian và lịch trình khi vẽ?

Tôi chỉ cầm bút khi hứng khỏi thực sự, bên trong mình đầy ắp ý tưởng. Tôi không vẽ đều đều hằng ngày. Tôi không làm một họa sĩ hành nghề họa sĩ mà theo lối một nghệ sĩ.

Đôi khi nhâm nhi một vài ly rượu, thắp một ngọn nến, một mình trong xưởng vẽ là khởi đầu tốt cho các bức tranh. Còn vẽ xong rồi thì buông, thái độ coi như đã xong việc rồi. Bức tranh sẽ có đời sống riêng của nó.

Tôi nghĩ việc chuẩn bị cho từng bức tranh đó là cả quãng đời đã trải, thế nên, khi đã hạ bút là thành công. Điều này khiến tôi liên tưởng đến việc các SAMURAI đã rút kiếm ra khỏi vỏ là xong mạng đối thủ.

 


 
Back to top