ART & CULTURE

Triển lãm “Miền Không” của họa sĩ Trần Nhật Thăng: Sáng tạo như một cơn gió!

Apr 06, 2022 | By Trang Ps

Mỗi lần nhắc đến hội họa của Trần Nhật Thăng lẫn con người anh, tôi bèn nghĩ đến cụm từ “một cơn gió”. Nhắc đến một cơn gió, người ta có thể hình dung về sự bất chợt, mát mẻ, đến – đi bất ngờ, cũng chính thế mà nó luôn mang đến điều mới lạ trong từng khoảnh khắc.

Vì không nắm giữ “cơn gió” nào đến – đi trong cuộc đời mình, nên Thăng đã mở tung tâm hồn và nhạy bén trước sự tươi mới trong từng biến dịch của “gió”. Tất cả biểu lộ lên tranh, như cái cách anh đặt tên một tác phẩm: “Chân dung một cơn gió”. Nhưng chẳng cơn gió nào là giống cơn gió nào!

Như thầy Viên Minh từng nói chính vì sự sống luôn biến dịch nên tất cả đều luôn đổi mới không ngừng. Và từ đó, cái nhìn của ta phải là cái nhìn đầy ngạc nhiên của một em bé chưa bao giờ biết gọi tên, chưa bao giờ yêu-ghét hữu hạn, và chưa bao giờ bước vào rừng quan niệm của lý trí vọng thức, để thấy cuộc đời tinh nguyên trọn vẹn như chính bản lai diện mục của nó. Một đóa hoa tự nó là một sự sống độc đáo, sinh động, mặc cho ta gọi nó là hoa hồng hay hoa cúc, mặc cho ta đam mê hay chán ghét, mặc cho ta gán cho nó cái đẹp dưới một quan niệm thẩm mỹ thế nào thì đóa hoa kia vẫn như nó là, hồn nhiên tự tại. Cũng vậy, một cơn gió nom có vẻ vô hình vô tướng nhưng đợt gió này lại khác đợt gió kia nếu ta luôn tỉnh thức trước sự đến-đi của nó.

Và cũng chính thái độ nhạy bén trước sự sống này khiến hội họa của Trần Nhật Thăng luôn tạo ra được những bất ngờ. Nhưng xuất thân của sự bất ngờ này không đến từ việc người nghệ sĩ chỉ biết trau dồi khám phá kỹ thuật, màu sắc, chất liệu… mà nằm ở tâm thức của họ. Bởi tranh là hệ quả của đời sống tinh thần.

Từ chấp chới trong những đợt sóng thăng trầm đến việc trở thành người lướt sóng…

Trần Nhật Thăng bén duyên với tranh trừu tượng khi còn là sinh viên năm 4 Đại học Mỹ thuật (1994). Giai đoạn từ 1994-1998, anh bắt đầu quá trình nghiên cứu chất liệu như giấy gió bồi trên toan, mùn cưa, cát, giây thừng, sơn sịt, xăng lên sơn dầu… và rất nhiều cách xử lý kỹ thuật tạo hiệu ứng khác biệt. 3 năm tiếp theo, anh trở lại hai màu tối giản: đỏ và đen. Năm 2008, Thăng tổ chức triển lãm cá nhân “Chân dung tự do”, chỉ còn hai màu đen-trắng. Nhưng từ đây, anh dừng lại 10 năm không vẽ được gì. Năm 2018, anh trở lại với triển lãm “Miền” gồm 40 bức khắc họa đa tâm trạng phiền muộn nơi thế gian.

Rồi một lần nữa, anh tạm dừng 4 năm. Đến khi tự phản tỉnh chính mình, như thông suốt được nguyên lý vận hành sự sống, anh trở lại với thái độ vẽ gì cũng được, miễn là luôn đón nhận mọi đến-đi trong đời mình một cách trong sáng. Vì không tự nhốt mình vào một lý tưởng sáng tạo, vì không tự áp đặt bản thân phải vẽ như thế nọ thế kia mới là chuyên nghiệp hay tài năng, nên hội họa của Thăng không hề rơi vào thế gắng gượng hay lúc thăng lúc trầm như trước. Và như lối so sánh trên, mỗi bức tranh anh vẽ là một cơn gió mới mẻ, uyển chuyển nhẹ tênh như nó vốn là.

Khi nghĩ về hành trình sống và sáng tác của Thăng, ta ngộ ra một điều rằng mọi sự trong đời như những con sóng ngoài đại dương. Sóng cao, sóng thấp, không biết đường nào để lần. Vì thế, hãy luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng của một người lướt sóng. Người ta chỉ có thể lướt sóng khi sóng dâng cao, cũng giống như cuộc đời phải thăng trầm, thì ta mới có thể học ra bài học thăng bằng của mình, tức đối diện với những thăng trầm mà tâm vẫn bình lặng “lướt đi” trên những thăng trầm đó, như người lướt sóng, anh ta phải giữ được sự thăng bằng để không bị sóng xô ngã. Anh ta chao lượn nhẹ tênh trên những con sóng dập dồn…

Như Thăng từng chia sẻ, tranh là kết quả sau cùng của đời sống tinh thần. Cân bằng trong suy nghĩ cảm xúc sẽ dẫn đến sự cân bằng trong tư duy sáng tác. Sự cân bằng này mang đến vẻ đẹp tự nhiên, bất chợt vì nó không bắt chước theo một khuôn mẫu nào dù là lý tưởng. Trước đây, Thăng thường suy nghĩ miên man nhưng anh quan sát lại chính mình để gạn lọc bớt những vọng tưởng. Chính khi giản lược được những vọng thức thừa thãi, không lành mạnh, thì tổng thể bức tranh nom cũng vừa vặn đủ đầy và tinh giản như cái cách tâm thức vốn là. Như vậy hóa ra, khi ta không nắm giữ bất cứ sự biến dịch nào của sự sống, khi ta không tự đưa bản thân vào thế bất thường-tầm thường hay phi thường hóa, ta được trở về cái bình thường dung dị nhưng mầu nhiệm đến vậy!

Sự biến dịch của màu và hình

Bất cứ ai xem tranh của Thăng đủ nhiều, mà đặc biệt trong giai đoạn gần đây, sẽ thấy ra sự biến hóa tài tình và uyển chuyển trong bút pháp của anh. Bút pháp ấy, tôi nghĩ, không thể chỉ đến từ việc luyện tập nhiều mà thành, mà là từ một tâm thức phóng khoáng và rộng mở. Vì yêu tự do mà Thăng chọn trừu tượng với chất liệu hỗn hợp như một cách tung tẩy cố nhiên.

Thăng không chuộng dùng màu nhiều, và ngay cả khi chất liệu là hỗn hợp, thì anh cũng không thể hiện rằng mình đang sử dụng những chất liệu khác nhau cùng lúc. Bên cạnh sự tinh giản của sắc mà người ta có thể nhận thấy tức khắc, thì họ có thể cảm nhận được sự múa nhảy, loang lổ, đậm-nhạt của màu được quệt vẽ bất chợt và thăng hoa. Điều này “vô thức” tạo nên những hình hài sinh động, vừa gần gũi vừa huyền ảo cho bức tranh. Bước cọ-nhát cọ đi đến đâu, một góc thế giới mới được tạo lập đến đó.

Có khi Thăng sử dụng hình tượng nào đó như chiếc ghế, để biểu đạt về nỗi cơn đơn. Dù hình ảnh vô cùng quen thuộc, nhưng các bước cọ cùng sắc độ nền lại khiến nó có một không gian riêng, nơi khán giả có thể hình dung mình đang bước vào trong đó một cách cô độc, để tận hưởng hay để tự truy vấn chính mình! Hay có khi, sự chảy và nhát quệt của hai, hay ba màu sắc lại gợi ta đến những chuyến ra khơi xa xăm, mênh mang và tĩnh mịch…

Sự biến dịch độc đáo của màu, tạo nên sự biến dịch đặc sắc cho hình, tôi nghĩ đây là một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn về mặt thị giác cho hội họa của Trần Nhật Thăng. Chính sự biến dịch này làm ta có cảm tưởng tranh lúc tĩnh lúc động, lúc yên lúc chuyển, dù dường như phần lớn, cảm quan tôi nghiêng về tĩnh.

Tranh của Thăng gần với đạo, và biểu hiện cho đạo, bởi đời sống tinh thần của anh vốn thế. Anh từng chia sẻ rằng hội họa là một nhân duyên để thông qua đó, anh ngộ ra những bài học đắt giá. Như vậy, dù nghiệp duyên của anh là vẽ, nhưng ngộ đạo mới là điều mà anh lấy làm gốc. Điều đó khá dễ hiểu khi ta chiêm ngưỡng những tác phẩm anh tạo ra có phần thanh thoát, tự nhiên, trừu tượng nhưng vẫn lấy giản đơn làm gốc.


Triển lãm “Miền Không” của họa sĩ Trần Nhật Thăng sẽ diễn ra từ 14/4 tại 38 Trần Cao Vân,Quận 3, Tp.HCM. 


 
Back to top