Tia-Thủy Nguyễn: Trôi bồng bềnh qua những ranh giới nghệ thuật
Tia-Thủy Nguyễn sinh năm 1981, trải qua tuổi thơ ở Hà Nội nhưng lại an cư ở Sài Gòn. Cô được biết đến nhiều trong giới nghệ thuật dưới danh nghĩa nhà sáng lập của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory.
Sau nhiều năm tu nghiệp và làm việc ở nước ngoài, điều đầu tiên khi cô vững vàng trở lại Việt Nam không phải là làm nghệ thuật cho mình, mà nung nấu một dự án nghệ thuật lớn cho cộng đồng. Vài năm gần đây, Tia-Thủy quay trở lại sáng tác.
Ghé năm studio của cô một ngày đẹp trời, tôi giật mình khi nhìn thấy rất nhiều tác phẩm của các thời kỳ khác nhau, không thể tin được đó là do cùng một người sáng tác. Trải qua tuổi thơ thường xuyên phải ở một mình, việc tự tiêu khiển đã kích thích khả năng quan sát của cô. Tia-Thủy nhìn đâu cũng thấy màu sắc, đứng từ góc quan sát nào cũng thấy những khả thể sáng tạo.
Tia-Thủy Nguyễn: Trôi bồng bềnh qua những ranh giới của nghệ thuật
Dù hiện tại đảm đương nhiều vai trò song song và ghi nhiều dấu ấn nhất định trong các lĩnh vực khác nhau từ thời trang đến sản xuất phim, tôi vẫn xem cô trước hết là nghệ sỹ xuất thân từ thực hành hội họa. Tính biểu tượng và cách tư duy của một họa sỹ ảnh hưởng rõ rệt lên thời trang của cô, mà những ai quan tâm theo dõi thương hiệu Thuy Design House chắc sẽ dễ dàng nhận ra. Nhưng thử nhìn vào một, hai tác phẩm đơn lẻ của người nghệ sỹ này, liệu chúng ta thấy gì?
Mơ chìm đắm vào sự hỗn mang bề bộn
Điều đầu tiên, nổi bật lên trên mọi thứ khác, Tia-Thủy ám ảnh với chính bản thân mình. Dù không có sự ảnh hưởng về mặt kỹ thuật, cũng không có lịch sử cá nhân nhiều biến động như Frida Kahlo (1907-1954), nhưng các tác phẩm chân dung tự họa của Tia-Thủy Nguyễn khiến tôi liên tưởng rất nhiều đến họa sỹ người Mexico này.
Tia-Thủy và Frida Kahlo như hai cực âm – dương, tuy đối lập nhưng không xung khắc. Nếu Frida lồng ghép chính bản thân mình vào những giấc mơ, có khi tươi vui, có khi vùi dập đầy đau khổ nhằm giải thoát mình khỏi nỗi đau tinh thần và thể xác ở thực tại, thì Tia-Thủy lại mơ chìm đắm vào sự hỗn mang bề bộn, bởi, tôi hồ nghi rằng, ngoài đời thực cô là người hạnh phúc. Nghệ sỹ thường khó sáng tạo khi quá hạnh phúc. Điểm chung duy nhất của hai nữ nghệ sỹ này là cách chuộng sử dụng biểu tượng, tính siêu thực trong tác phẩm.
Vẽ chân dung tự họa, với nhiều nghệ sỹ là cách để tìm kiếm/đối diện/thấu hiểu cái tôi. Cái tôi của họ có khi hiện ra méo mó, khi hung tợn, khi thì đòi hỏi môi trường màu mỡ hơn, v.v. Với Tia-Thủy, khi vẽ chân dung tự họa, cô đặt bản thân mình vào vị trí một kẻ ngoài cuộc, chỉ quan sát và ghi nhận. Cô là người bạn thân duy nhất của chính cô, nhưng dường như vẫn còn hoài nghi, chưa khẳng định mình là ai trong vô số những persona đó. Có thể, Tia-Thủy Nguyễn là tất cả họ, cùng tồn tại song song.
Thực hành nghệ thuật đa dạng
Thực hành nghệ thuật của Tia-Thủy Nguyễn bị nhiều gián đoạn. Điều đó thể hiện rõ trong sự tách biệt trong từng loạt tác phẩm, dường như không có gì thực sự liên quan đến nhau. Đùng một cái, năm 2019, cô gây bất ngờ cho giới nghệ thuật khi tác phẩm sắp đặt “Silver Room” chính thức ra mắt người xem quốc tế, trong bộ sưu tập của Château La Coste (Pháp). Một ngôn ngữ nghệ thuật chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử sáng tác của Tia-Thủy, nay lại nằm trang trọng bên cạnh những cái tên khủng (blue-chip) trong giới nghệ thuật như Ai Weiwei, Louise Bourgeois, Tracy Emin, v.v.
“Tất cả những tác phẩm của tôi đều xuất phát từ những câu chuyện gắn kết với chính mình, do bản thân mình đã trải qua. Tôi có một thời gian đi thực tập vẽ ngoại cảnh, sống trong nhà Rông cùng với các bạn, sáng ăn chung, tối ngủ chung trong căn nhà Rông lớn của người Bahnar. Không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng của một cá nhân nào, nhà Rông là không gian mang tính tập thể, nơi diễn ra các nghi lễ và sinh hoạt của cộng đồng. Công trình kiến trúc này mang giá trị cốt lõi ‘Nếp nhà – Gia tộc’, đậm tính sử thi hùng tráng từ thời khai sinh của nước Việt và người Việt cổ.
Khi làm tác phẩm, tôi phải làm việc với già làng Ynut người Bahnar và mời cụ sang Pháp để hướng dẫn về kỹ thuật lắp khung sàn và cột, toàn bộ phần mái mở hoàn toàn bằng tre đều là sự biến tấu của tôi và cố vấn kiến trúc Huy Hà. Tôi không đại diện cho văn hóa của người Bahnar, mà nhờ già làng Ynut giúp mình kể câu chuyện của chính tôi nằm trong một căn nhà Rông, nghe gió rít qua từng khe gỗ và chờ nắng lên.”
Sau nhiều dự án ồn ào, đến cuối ngày, Tia-Thủy Nguyễn lại rúc vào phòng vẽ. Có lẽ tranh mặt phẳng là không gian cô cảm thấy bình yên và thoải mái nhất. Góc nhìn của cô cũng thay đổi. Cô rời phố phường tấp nập với những mảng màu đậm chất Pop Art, bỏ luôn cả những đường contour phân mảng rõ rệt trên mặt tranh. Tác phẩm của Tia-Thủy trong giai đoạn cuối 2018-2020 như một giấc mộng bình thường và giản dị, lãng đãng trôi, không khởi đầu, không kết thúc. Cô đặt tầm mắt mình ngang với mây trời, như một người hay lặng nhìn tầng đối lưu bao la qua ô cửa máy bay nhỏ xíu.
“Lao động nghệ thuật là miền đất màu mỡ của đam mê và sáng tạo vô hạn. Với tôi, không có ranh giới giữa kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thiết kế, trang trí, sắp đặt, thời trang… kể cả phim ảnh. Tác phẩm nghệ thuật là sự tích hợp, giao hòa đa kỹ thuật, đa ngành, đa văn hóa, tầng tầng lớp lớp tri thức xếp chồng lên nhau.”
Hành trình của Tia-Thủy Nguyễn khởi đầu với hội họa, nổi tiếng nhờ thời trang. Trong cuộc đời hoạt động của người nghệ sỹ, đến tứ tuần mới được xem là qua khỏi giai đoạn mới-lên và bước vào thời kỳ vững-vàng trong sự nghiệp. Sắp tới, không biết Tia-Thủy Nguyễn sẽ còn biến đổi ra sao? Liệu mọi thứ sẽ được tách bạch rõ ràng, hay cô sẽ chính thức xóa nhòa tất cả các ranh giới giữa những bộ môn nghệ thuật?
Bài: Yên Hà
Bài viết thuộc một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N