Triết lý của Adrian Cheng – Nhà bảo trợ nghệ thuật ảnh hưởng nhất châu Á
Với vai trò doanh nhân, nhà từ thiện và nhà đổi mới xã hội, Adrian Cheng đang viết lại kịch bản kinh doanh trong thế kỷ 21.
Trong một thế giới mất kết nối, cuộc sống của một giám đốc điều hành cấp cao dường như không có nhiều liên hệ với những khách hàng bình thường. Tuy nhiên, Adrian Cheng, một doanh nhân tại Hồng Kông đang thay đổi điều đó. Anh thiết kế một mô hình kinh doanh chia sẻ “giá trị chung”, đầu tư vào cộng đồng nhằm thúc đẩy một môi trường thịnh vượng cho cả công ty và khách hàng. Tập trung vào nhiều lĩnh vực từ sức khỏe tâm thần đến văn hóa và nghệ thuật, Cheng đang hướng đến việc cải thiện thu nhập của mọi người. Anh là Giám đốc điều hành và là người kế thừa thế hệ thứ ba của New World Development, chủ sở hữu của Rosewood Hong Kong và là người sáng lập Tập đoàn K11. Anh hoạt động dựa trên nền tảng nghệ thuật và thương mại tiên tiến, đồng thời là người thừa kế của một trong những gia đình có ảnh hưởng nhất châu Á, với di sản đáng tự hào kéo dài hơn 75 năm ở Hồng Kông.
Dưới sự lãnh đạo của Adrian Cheng, New World Development đã xây dựng thành công Victoria Dockside, khu văn hóa rộng gần 280 ngàn mét vuông, trị giá 2,6 tỷ USD trên đường bộ dọc bờ sông Tiêm Sa Thủy trứ danh tại Hồng Kông. Còn với tư cách nhà bảo trợ nghệ thuật, Cheng đã được tờ ArtReview vinh danh trong danh sách Power 100 từ năm 2014 đến năm 2022, là cái tên đứng đầu ở châu Á và thứ 12 trên toàn cầu. Năm 2023, anh được Chính phủ Hồng Kông bổ nhiệm làm Chủ tịch Đại Ủy ban Sự kiện Văn hóa và Nghệ thuật. Năm 2017, Cheng trở thành người trẻ nhất ở Hồng Kông nhận Huân chương Nghệ thuật và Văn thư từ Chính phủ Pháp, sau đó được bổ nhiệm làm Cán bộ có Huân chương Quốc gia vào năm 2022.
Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Toàn cầu của L’OFFICIEL, Tiến sĩ Calvin Choi, Cheng đã chia sẻ về cách triết lý kinh doanh và hoạt động từ thiện của anh tác động đến cộng đồng tại Hồng Kông như thế nào và hơn thế nữa.
Calvin Choi: Nguồn cảm hứng, ý tưởng và kế hoạch của anh trong những năm tới là gì?
Adrian Cheng: Tôi cho rằng sáng kiến đổi mới và tác động xã hội sẽ là một sự thay đổi lớn. Sau Covid, chúng ta có được lòng biết ơn vô vàn, và nhận ra rằng con người rất mong manh. Vì vậy, tôi thành lập một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần cho trẻ em, một tổ chức từ thiện mà tôi vô cùng tin tưởng, đặc biệt là trong thời kỳ Covid, khi có rất nhiều trẻ em gặp căng thẳng. Với mô hình WEMP—An sinh, EQ, Sức khỏe tâm thần, Nuôi dạy con cái—chúng tôi đang bắt đầu từ Hồng Kông và hy vọng sẽ lan tỏa đến châu Á và sau đó là cả thế giới. Tôi hy vọng dự án từ thiện này có thể vươn ra toàn cầu.
Chúng tôi đang cố gắng giảm bớt lo âu, căng thẳng cho trẻ em từ 3 đến 16 tuổi. Chúng tôi cũng hợp tác với các trường học để đảm bảo rằng sức khỏe tâm thần của trẻ được nhận thức đúng đắn, đặc biệt trong môi trường học tập và với phụ huynh. Chúng tôi đã tạo ra nhiều chương trình đánh vào nhận thức của công chúng. Chúng tôi đã giúp đỡ khoảng 10.000 trẻ em, 20.000 phụ huynh và khoảng 83 trường hợp khẩn cấp—những em trải qua chấn thương tâm lý hoặc bị lạm dụng—để đảm bảo rằng các em có sức khỏe tốt.
Calvin Choi: Anh được biết đến như một cá thể và doanh nhân sáng tạo, một nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng và một nhà sưu tập nghệ thuật. Anh thấy danh tính nào hợp với mình nhất?
Adrian Cheng: Tôi nghĩ bản thân mình thiên về giám tuyển cuộc sống, giám tuyển sự sáng tạo, giám tuyển sự đổi mới. Tôi cũng là chỉ huy – dẫn dắt nhiều người suy nghĩ sáng tạo, cả trong kinh doanh lẫn trong đời thường. Bởi vì tôi không coi mình là người sáng tạo. Tôi nghĩ rằng tôi đã kết hợp nhiều thứ lại với nhau để tạo ra một sản phẩm, nhưng tôi không phát minh ra một thứ gì cả. Tôi thực sự chỉ mang tất cả các yếu tố khác nhau trong cuộc sống, trong nhân loại và trong con người vào làm một, và tạo ra thứ gì đó có chút nhiệm màu.
“Thời trang và nghệ thuật gắn liền với nhau. Chúng tôi tin vào nghệ thuật, thời trang và sáng tạo dành cho đại chúng, vậy làm cách nào để chúng tôi thực sự phân cấp và dân chủ hóa tất cả những không gian sáng tạo này để mọi người đều có thể tiếp cận chúng, chứ không giới hạn trong bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật đắt tiền?”
Calvin Choi: Gia đình anh có lịch sử kinh doanh thành công lâu năm ở Hồng Kông và trên thế giới. Anh đã kết hợp nền tảng kinh doanh này với đam mê nghệ thuật, văn hóa và thời trang như thế nào?
Adrian Cheng: Có vài giá trị chung ở đây. Trong kinh doanh, chúng tôi phục vụ và chăm sóc khách hàng. Khách hàng là thứ quan trọng nhất. Ngày nay, khách hàng của chúng tôi thực sự đang tìm kiếm một thứ độc đáo và đặc biệt để phục vụ cả bản thân họ lẫn cộng đồng. Xây dựng cộng đồng thông qua nghệ thuật, thiết kế, sự sáng tạo và trí tưởng tượng phù hợp với giá trị của họ. Khi bạn kết hợp những điều này, hoặc tìm thấy điểm chung của chúng, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ.
Calvin Choi: Anh có cảm thấy nghệ thuật, thời trang và thiết kế đều liên quan đến nhau không?
Adrian Cheng: Tất cả đều do con người tạo ra. Nghệ thuật, thời trang và các phương tiện khác của sự sáng tạo đều có lịch sử và những giá trị cơ bản khác nhau, nhưng chúng có thể giao thoa. Cách kể chuyện giữa kinh doanh và các lĩnh vực còn lại có điểm khác biệt, nhưng tất cả đều là một phần của sự sáng tạo và cảm nhận của bạn, cách bạn thể hiện và niềm tin của bạn. Đó là thông điệp mà bạn muốn nói với thế giới. Kết quả là mọi thứ đều có thể giao thoa và đó là lý do tại sao bạn thấy rất nhiều triển lãm kết hợp giữa nghệ thuật, thời trang và các lĩnh vực thiết kế khác.
Calvin Choi: Anh nghĩ mối quan hệ giữa thời trang và nghệ thuật sẽ đóng góp như thế nào vào sự phát triển tương lai của Hồng Kông? Và anh thấy mình đóng vai trò gì trong việc định hình mối quan hệ đó?
Adrian Cheng: Thời trang và nghệ thuật gắn liền với nhau. Chúng tôi tin vào nghệ thuật, thời trang và sáng tạo dành cho đại chúng, vậy làm cách nào để chúng tôi thực sự phân cấp và dân chủ hóa tất cả những không gian sáng tạo này để mọi người đều có thể tiếp cận chúng, chứ không giới hạn trong bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật đắt tiền? Để bạn có thể thưởng thức, bạn có thể nếm thử mọi thứ mỗi ngày khi bạn đi bộ dọc đường và uống một ly cà phê, tận hưởng công lao của Chúa và mọi thứ xung quanh. Mọi thứ nên dành cho số đông vì nguồn gốc của cuộc sống là sự sáng tạo. Nó nên dành cho tất cả mọi người. Vì vậy tôi hy vọng chúng ta có thể làm cho những không gian này dễ tiếp cận hơn.
“Khi tham gia kinh doanh, bạn có trách nhiệm làm điều tốt, chia sẻ điều tốt và tạo ra giá trị chung cho xã hội.”
Calvin Choi: Anh được biết đến với việc cam kết quảng bá di sản văn hóa và nghệ thuật theo những phương thức hiện đại. Điều gì đã khiến anh bắt đầu công việc này, và anh đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển nghệ thuật ở Hồng Kông?
Adrian Cheng: Khi bạn nhìn vào mọi thứ, từ chuyện kinh doanh đến việc làm người, bạn cần có nhận thức về giá trị—bạn là ai, bạn tin vào điều gì. Đó là cốt lõi của cuộc sống. Di sản là hiện thân của hệ giá trị của một thành phố. Vì vậy, khi bạn có ý thức gìn giữ điều đó, bạn đang bảo tồn cái gốc. Đó là lý do tại sao di sản rất quan trọng, đặc biệt ở châu Á.
Calvin Choi: Anh từng nói rằng anh tin vào việc biến chuyện kinh doanh thành động lực hướng đến mục tiêu tốt đẹp. Anh cam kết thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Làm thế nào để anh cân bằng lợi ích kinh doanh với mong muốn tạo ra tác động xã hội tích cực?
Adrian Cheng: Tôi nghĩ khi tham gia kinh doanh, bạn cũng có trách nhiệm làm điều tốt, chia sẻ điều tốt và tạo ra giá trị chung cho xã hội. Nó không chỉ đơn giản là quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện. Điều quan trọng nhất là sử dụng các nguồn lực của bạn, chia sẻ chúng với xã hội và đồng thời tạo ra một số giá trị khác – đó có thể là tinh thần kinh doanh hay các hình thức kinh doanh xã hội khác. Nhiều người gọi đó là “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, nhưng đây không phải là trách nhiệm; bạn chia sẻ giá trị, tầm nhìn, nguồn lực và làm điều gì đó cho xã hội vì doanh nghiệp của bạn cũng là một phần của xã hội đó. Bởi vì bạn có thể ươm tạo, bạn có thể giúp đỡ các doanh nhân xã hội khác và họ cũng có thể làm điều tương tự. Và khi điều này được nhân rộng, nó trở thành hiệu ứng cộng dồn. Nhiều khi, người ta tạo ra các quỹ vì xã hội và kiếm tiền cùng lúc. Với số tiền đó, bạn có thể kiếm lợi nhuận và tái đầu tư. Đây là cách hiệu ứng nhân lên này phát huy tác dụng.
Calvin Choi: Những thách thức của cách tiếp cận này là gì?
Adrian Cheng: Nhiều người chỉ nhìn vào lợi nhuận; một số người nghĩ rằng việc tạo ra giá trị chung và chia sẻ tài nguyên chỉ là một mánh lới quảng cáo. Điều này không đúng. Đôi khi bạn có thể chia sẻ tài nguyên mà không hy sinh lợi nhuận, mà thay vào đó còn tạo ra một hệ giá trị lớn hơn nhiều trong cộng đồng. Hệ thống này cũng có thể chiếm cảm tình của nhiều người hơn và từ đó giúp đỡ nhiều người khác nữa. Tôi nghĩ thử thách ở đây là tìm đúng người có thể hiểu được mô hình mới của bạn.
Calvin Choi: Kế hoạch tương lai của anh là gì?
Adrian Cheng: Tôi và đội ngũ đã dành 10 năm để tái phát triển một khu văn hóa và nghệ thuật mới mang tên Victoria Dockside ở Hồng Kông. Nó giống như Thung lũng văn hóa và sáng tạo Silicon, nơi chúng tôi đang ươm mầm cho hơn 100 năng lực sáng tạo trong quá trình tham gia dự án. Trong tương lai, tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Tôi nghĩ sau Covid, một tinh thần giản dị, trẻ thơ và trong sáng là điều cần thiết vì cuộc sống vốn đã phức tạp lắm rồi. Xã hội rất phức tạp. Sau Covid, điều chúng ta cần chỉ là một trái tim giản đơn.
Bài: TS. Calvin Choi
Chuyển ngữ: Bảo Châu
——————–
Photography: Alan Gelati
Styling: Vanessa Bellugeon
Art Direction: Giampietro Baudo
Grooming: Mathilde Hamon
Photo Assistant: Octave Pineau
Digital Tech: Éric Sakai
Stylist Assistant: Eva Chatton