ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Luneta Phan – Nhà sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật Lunet Art Galerie

Jul 01, 2021 | By Trang Ps

Gặp gỡ Luneta Phan – nhà sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật Lunet Art cũng là dịp để chúng tôi tìm hiểu thêm về niềm đam mê gây dựng một gallery nghệ thuật uy tín ở thị trường Việt Nam, được thể hiện ở phong cách lựa chọn tác phẩm, hoạt động hỗ trợ nghệ sĩ, kết nối nhà sưu tầm và truyền thông nâng cao nhận thức nghệ thuật trong xã hội qua chương trình Art Talk.

Chào chị Luneta Phan! Nhân duyên nào đã khiến chị thành lập nên Lunet Art Galerie vậy?

Hồi còn nhỏ, tôi đã thích vẽ, vô cùng say mê thế giới màu sắc và cái đẹp. Tôi muốn ghi chép lại tất cả theo cách riêng của mình. Tôi từng nghĩ nếu có thể, bản thân sẽ là một họa sĩ.

Tuy nhiên, khi chọn con đường học hành, mọi thứ chệch sang hẳn kinh tế quản lý vì tầm nhìn mang tính thời cuộc. Đến một giai đoạn ổn định tài chính, tôi quay lại nghệ thuật như trở về suối nguồn của chính mình với tư cách là một nhà sưu tập. Sau nhiều năm trải nghiệm nghệ thuật đi cùng bao khó khăn và thắc mắc trong quá trình sưu tầm: tác phẩm có thật không, định giá ra sao, có tương xứng với chi phí mình bỏ ra,… Từ đó, tôi mới nảy sinh ý tưởng: “Tại sao bản thân không mở một phòng trưng bày, một tổ chức giám tuyển nghệ thuật chuyên nghiệp?”

Và thế, Lunet Art ra đời như một nơi phục vụ tình yêu nghệ thuật của bản thân cùng mong muốn chia sẻ với cộng đồng một tổ chức giám tuyển mang tính chuyên nghiệp – một địa chỉ đáng tin cậy của họa sĩ, nghệ sĩ, cũng như của những người sưu tầm, giúp họ có một sân chơi mang tính cởi mở và tin cậy.

Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện một khu trưng bày triển lãm mới để mở rộng không gian cho các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ và nhà sưu tập

Chuyển hướng sang mảng nghệ thuật với tư cách là nhà sáng lập/giám đốc nghệ thuật của Lunet Art, hẳn đó là một cuộc phiêu lưu tự học đầy thú vị!

Tôi đang tự học và tự nghiên cứu về nghệ thuật với tâm thế của một sinh viên (cười), từ hội họa, thiết kế, quay phim, dựng hình đến tổ chức sự kiện, triển lãm… Thực sự, không chỉ ở Việt Nam mà còn Âu châu, để quản lý một phòng trưng bày là không hề đơn giản. Tôi đi từng bước một, từ những điều tưởng chừng chưa bao giờ dành cho mình như đánh đèn, duyệt âm thanh ánh sáng,… Chẳng ai dạy bạn những điều đó trong trường đại học, thậm chí cũng không ở nhiều trường quốc tế. Nhưng khi bản thân có chút năng khiếu thì bản năng tò mò tự trỗi dậy. Chẳng hạn, ánh sáng trong một triển lãm cực kỳ quan trọng. Ánh sáng của đèn phòng phải phải phụ thuộc vào cường độ ánh sáng và sắc độ trong tranh hay hình khối.

Công việc hiện tại của tôi là giám tuyển nghệ thuật, tức là người thực hành thực sự chứ không chờ ai phong cho mình chức vị đó hay đi học ở đâu đó về rồi có chức vị ấy. Tất cả những hoạt động nghệ thuật trong phạm vi Lunet Art trong mối tương quan với nghệ sĩ, nhà sưu tập và khán giả, thì nhà giám tuyển kiêm giám đốc nghệ thuật như tôi là nhân tố quyết định cuối cùng.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong việc giám tuyển tác phẩm lẫn nghệ sĩ của Lunet Art là gì thưa chị?

Nguyên tắc giám tuyển của Lunet Art là khi gặp một nghệ sĩ lần đầu tiên, chúng tôi không thể đánh giá ngay được. Và lần đầu tiên nhìn thấy một tác phẩm, thì nhận xét lúc ấy cũng chỉ mang tính bề mặt mà thôi. Để đi sâu, bản thân phải tìm hiểu thật kỹ nội dung, sự rung cảm “nội tại” tác phẩm, và đến tác giả, tâm hồn họ như thế nào, từ đó mới đi đến chỗ đánh giá đầy đủ, từ trong ra ngoài. Điều đó thực sự khó khăn, vì giám tuyển không phải là một người xem tranh bình thường, và cũng khác với những nhà lý luận hay phê bình nghệ thuật.

Khi giám tuyển, tôi phải tự hỏi tôi đang giám tuyển cái gì và cho ai. Chẳng hạn, có một số nhà sưu tầm với phong cách sưu tầm nhất định, họ cần tư vấn giám tuyển bộ sưu tập nghệ thuật mang DNA riêng của chính họ. Nếu phong cách của họ là hàn lâm, thì người giám tuyển phải hiểu khái niệm hàn lâm là gì, lựa chọn sàng lọc tác phẩm như thế nào để cho ra đời một bộ sưu tập phù hợp. Giống như stylist thời trang vậy, họ chọn những bộ quần áo phù hợp với người mặc, đó là giám tuyển thời trang. Khác với nhà phê bình, tức anh nhìn thấy chiều dài lịch sử cùng sự phát triển rồi đi đến đánh giá và dừng lại ở đó.

Vậy, phong cách tác phẩm mà Lunet Art chọn là gì?

Chúng tôi hướng đến phong cách mỹ thuật hàn lâm, chủ yếu là hội họa tranh giá vẽ và tác phẩm điêu khắc. Và khi chọn lựa, chúng tôi đặt ra từ mức tiêu chuẩn đến cao, và cao hơn nữa là mức bảo tàng, tức tác phẩm đủ tiêu chuẩn để các bảo tàng sưu tầm. Nhưng điều đó không có nghĩa, tôi khuyên các nhà sưu tập đầu tư vào tác phẩm ấy vì tôi cần quan tâm đến phong cách sưu tập của họ.

Yếu tố nghệ sĩ đi cùng tác phẩm của họ gần như đóng vai trò quan trọng hàng đầu để một gallery như Lunet Art vận hành uy tín. Vậy thì nguyên tắc lựa chọn nghệ sĩ hợp tác của bên chị được thể hiện như thế nào?

Về nghệ sĩ, để phù hợp với phong cách Lunet Art, thì họ phải đạt đến độ sáng tác các tác phẩm hàn lâm, từng trải trong thế giới nghệ thuật, được thể hiện qua chất liệu và lối đi riêng của mình. Họ phải thay đổi, vì nghệ thuật là sáng tạo. Khi đã tìm thấy chính mình trong lĩnh vực này thì họ còn phải tự cải tạo nó nữa. Khi đó, tác phẩm sẽ kéo nghệ sĩ lên và đồng thời, danh tiếng của họ cũng đẩy giá trị của tác phẩm lên cao.

Khi nói đến hàn lâm, tức là nói đến việc (tự) trau dồi và (tự) đào tạo kỹ thuật phải thật sự tốt. Nhiều danh họa trên thế giới cũng tự đào tạo mình, Picasso là một ví dụ điển hình. Phong cách đầu tiên và cuối cùng của ông dường như khác nhau hoàn toàn nhưng vẫn là ông vì tất cả sự thay đổi đều xoay quanh một tâm cố định. Còn hội họa của Van Gogh không nhấn mạnh về sự thay đổi bứt phá trong bút pháp kỹ thuật nhưng sáng tạo của ông toát lên một tâm hồn đặc biệt. Để bất cứ ai chiêm ngưỡng họa phẩm của ông đều rung động, đều cảm giác như một ngày mới lại bắt đầu.

Nhưng tôi không đóng khuôn nguyên tắc lựa chọn, vì tôi hiểu, có nhiều nghệ sĩ Việt Nam bây giờ phát triển ở độ tuổi rất trẻ. Họ đạt “đỉnh cao” nhờ yếu tố tài năng và nhân duyên khác nhau. Lunet Art sẵn sàng đón nhận tất cả, dựa trên nền tảng cốt lõi đã đề ra.

Tuy nhiên, sau tất cả thì chúng tôi hướng đến là giá trị nhân văn và giá trị xuyên suốt về mặt lịch sử. Hội họa của nghệ sĩ phát triển quanh một cái tâm định hình nên phong cách không lẫn vào đám đông của chính họ. Leonardo da Vinci là một ví dụ. Hội họa của ông hàn lâm và phản ánh phong cách Phục Hưng, các bảo tàng đều khao khát lưu trữ tác phẩm của ông vì chúng đánh dấu một nền văn hóa trong đó, chưa kể đến việc chúng chứa đựng nhiều tài liệu và nghiên cứu riêng của tác giả. Tác phẩm của Da Vinci tựa như một “cuốn bách khoa toàn thư”, ghi chép tri thức thời đại ấy.

Chiến lược phát triển gallery của Luneta Phan đã thay đổi theo các bước ngoặt ra sao kể từ ngày thành lập?

Hiện tại chúng tôi chưa có ý định thay đổi trong thời gian tới. Theo kế hoạch và chiến lược phát triển,  Lunet Art  là tổ chức nghệ thuật hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận.

Chúng tôi xây dựng chuỗi các chương trình dài hơi và không thể thực hiện ngay được, như:

– Xây dựng Quỹ bảo trợ nghệ thuật Ánh Trăng với các sự kiện, chương trình: Bảo trợ nghệ thuật cho các nghệ sĩ tài năng, những người nghệ sĩ đã có đóng góp to lớn trong nền mỹ thuật Việt… như một sự ghi nhận của xã hội và cộng đồng dành cho họ.

– Thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý cho nghệ sĩ nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các nghệ sĩ trong việc đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm…những thủ tục tốn không ít thời gian mà không phải người nghệ sĩ nào cũng lưu tâm. Việc này sẽ giúp cho nghệ sĩ tiếp cận thị trường nghệ thuật một cách chuyên nghiệp, đồng thời người qua đây họ cũng sẽ chú ý và hiểu hơn về pháp luật để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Ở khía cạnh khác, đây cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của các nhà sưu tầm, các nhà đầu tư nghệ thuật, để họ tiếp cận tác phẩm một cách an toàn, đúng pháp luật.

– Chúng tôi còn xây dựng chương trình thử nghiệm Art Talk – trò chuyện nghệ thuật, để nâng cao nhận thức xã hội về nghệ thuật cũng như để nghệ sĩ và nhà sưu tầm, cộng đồng hiểu nhau hơn. Art Talk là chương trình chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng từ những góc nhìn đa chiều trong xã hội. Bên cạnh đó, Lunet Art cũng mong được góp phần nâng cao nhận thức xã hội về nghệ thuật, ví dụ với chủ đề: “Nghệ thuật đắt vì đâu?” chúng tôi tiếp cận những đối tượng khác nhau, từ các góc nhìn khác nhau: những người song hành cùng nghệ thuật như báo chí, giám tuyển, nhà phê bình, các gallery; một khía cạnh khác từ góc nhìn của những nghệ sĩ, nhằm lý giải sự hình thành giá trị của các tác phẩm. Để hoàn thiện góc nhìn về “nghệ thuật đắt vì đâu” thì chúng tôi mời những nhà sưu tầm, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm của họ.

Là chủ một gallery tại Vietnam, chị có đánh giá ra sao về mô hình gallery đương đại ở nước mình so với các nước Asean như Indonesia và Malaysia. Chúng ta có thể học hỏi được điều gì?

Gallery là một thành tố không thể thiếu trong một thiết chế hệ thống thị trường nghệ thuật.  Sự ra đời và chuyên nghiệp hóa các gallery là quy luật tất yếu của thị trường. Ở Việt Nam, thị trường chưa đầy đủ: nhiều gallery hoạt động chưa hiệu quả, cách thức hợp tác với nghệ sĩ, với các nhà sưu tầm chưa thực sự chuyên nghiệp…chúng ta còn đang phát triển, nên chưa nên so sánh gì vội.

Một mình Lunet Art không thể làm nên một thị trường. Nhưng nếu cách làm việc của chúng ta chuyên nghiệp với những gallery chuyên nghiệp, thị trường sẽ tự điều tiết, và họa sĩ không phải tự bán tranh nữa mà sẽ có một đơn vị trung gian hỗ trợ.

Cảm ơn chị Luneta vì cuộc trò chuyện thật vui và thú vị nhé!


 
Back to top