ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Ute Meta Bauer – giám đốc sáng lập NTU CCA Singapore

Mar 21, 2022 | By Ace Le

Một cuộc trò chuyện về “sức bền” giữa giám tuyển Ace Lê và bà Ute Meta Bauer – giám đốc sáng lập NTU CCA Singapore, nơi coi trung tâm như một mô hình thí nghiệm khoa học về giám tuyển.

Giáo sư Ute Meta Bauer cũng là trưởng khóa Thạc sỹ Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU).

Ace Lê:

Thế là chặng đầu tiên đã khép lại. Một chặng đường để lại dấu ấn cho nhiều cá nhân.

Ute Meta Bauer:

Và cảm ơn em đã tổ chức chuỗi bài này. Ngay từ khi có ý tưởng thành lập NTU CCA, chúng tôi đã xác định rằng mình phải phục vụ cả cộng đồng nghệ sỹ quốc tế và bản địa – một nơi giúp nghệ sỹ bản địa đón chào các nghệ sỹ quốc tế, nơi kết nối cả hai nhóm tới các giám tuyển, không gian nghệ thuật, phòng tranh, nhà sưu tầm, v.v.. trong và ngoài nước. Qua các cuộc lưu trú dài ngày, họ sẽ tạo được những mối quan hệ lâu dài. Phan Thảo Nguyên với chương trình Rolex Protégée dưới sự cố vấn của Joan Jonas hoặc Trần Nguyễn Ưu Đàm tham gia triển lãm tại Esplanade là ví dụ cho những trái ngọt ấy.

Ace Lê:

Chương trình lưu trú được đánh giá cao bởi nó tạo khoảng thời gian quan trọng để nghệ sỹ chiêm nghiệm mà không phải chịu sức ép tạo ra thành phẩm.

Ute Meta Bauer:

Và đó là sự chiêm nghiệm có định hướng – họ sẽ được nhận những phản hồi xuyên suốt quá trình ấy. Từ những ngày còn là một sinh viên hội họa, tôi hiểu được rằng đôi khi nghệ sỹ sẽ bị mất phương hướng và không biết nên làm gì trong một môi trường cô lập. Nên việc ấn định một giám tuyển đi kèm như Anna Lovecchio (trước đó là Vera Mey) để tư vấn về nghiên cứu, lý thuyết, bối cảnh và liên kết là rất quan trọng.

Đây là một chương trình hào phóng, đúng. Tôi thường hay được hỏi “Thế sau kỳ lưu trú họ không để lại gì ư? Tranh, tượng, sắp đặt?”, và tôi sẽ chỉ đáp “HỌ đã ở đây”. Hiểu được khó khăn này, nhiều nghệ sỹ đã gửi tặng tác phẩm cho những chiến dịch gây quỹ của trung tâm trong nhiều năm qua.

Dan Graham, “Elliptical Pavilion” (2017), từ “Thành phố Văn hóa. Khung cảnh Văn hóa”.

Về mặt triển lãm, NTU CCA đã nhiều lần mở rộng phạm vi Không gian Giám tuyển – từ dự án điêu khắc ngoài trời đồ sộ “Thành phố Văn hóa. Khung cảnh Văn hóa” (2017 – hiện tại) tại khu thương mại Mapletree Business City II, tới “Jazz Miễn Phí III. Âm thanh. Tản bộ” (2020 – 2021) do Magdalena Magiera và tiến sỹ Karin Oen giám tuyển, một điểm giao thoa giữa công nghệ truyền thanh khi tản bộ và không gian giám tuyển lưu động.

Vai trò của Không gian Giám tuyển là làm rõ quá trình sản xuất kiến thức của nghệ sỹ và tạo các mối liên hệ với chúng, nhằm cởi mở đối thoại. NTU CCA trực thuộc một trường đại học, nên cách đặt câu hỏi cũng phải mang tính chuyên môn. Quy mô có thể nhỏ – như “Tomás Saraceno: Giao hưởng Nhền nhện. Những bản ngẫu hứng” (2015), hoặc một khảo sát toàn diện nhìn lại bộ tác phẩm qua nhiều thập kỷ của một nghệ sỹ – như “Allan Sekula: Chuyện Cá, còn nữa” (2015).

“Thành phố Hậu-Nhân loại” (2019 – 2020), do Ute Meta Bauer và Laura Miotto giám tuyển

Một khía cạnh nữa là việc đan xen những bộ môn khác vào nghệ thuật. Chúng tôi làm điều này qua những chủ đề bao trùm – ban đầu là “Địa điểm. Lao động. Tài sản” rồi tới “Khí hậu. Chốn ở. Môi trường”, với những yếu tố có thể giao thoa và kết nối với nhau qua nhiều năm, theo đó công chúng có thể theo dõi và trưởng thành cùng chúng. Chúng tôi xác định rõ trung tâm không phải là một điểm du lịch ngắn hạn.

Có vậy, nghệ sỹ mới tạo ra được đối thoại lâu dài với công chúng, với các triển lãm nhóm liên quan tới nhau như “Thành phố Hậu-Nhân loại” (2019 – 2020) và “Cây của Sự Sống – Kiến thức trong Chất liệu” (2018) dưới chủ đề thứ hai. Và trung tâm cố mang sự kết nối với các bộ môn khác, với các khu vực khác, và với thế giới, về một mối tập trung là NTU CCA.

“Thành phố Hậu-Nhân loại” (2019 – 2020), do Ute Meta Bauer và Laura Miotto giám tuyển

Ace Lê:

Đó là một tầm nhìn xa, và một sự thể nghiệm nghiêm túc.

Ute Meta Bauer:

Chúng tôi coi trung tâm như một mô hình thí nghiệm khoa học về giám tuyển. Khi ta nghiên cứu, tìm tòi và thể nghiệm những lãnh thổ mới, ta sẽ mắc nhiều lỗi – một phần tất yếu của quá trình. Nhưng ta phải kiên trì và làm đi làm lại. Tôi luôn trấn an các nghệ sỹ và nghiên cứu sinh: đừng nghĩ rằng mình phải làm được một triển lãm đông người xem, thay vào đó hãy phát triển một câu hỏi thật quan trọng với ta, và rồi chính ta sẽ là người trả lời được nó.

Sẽ có người nói quan điểm này thật chủ quan và tự thuật, nhưng tôi không nghĩ thế. Mượn ý của Trịnh T. Minh-hà vừa nói với tôi – trong mỗi cái “ta” cá nhân đều có một cái “ta” tập thể, đó là một phần của “chúng ta”. Trải nghiệm cá nhân là một sự thăm dò cho cộng đồng, nên khi ta cảm nhận được một điều gì, nó đều góp phần kiến tạo nên nhận thức tập thể.

Và quan điểm này không liên quan gì tới thuyết đề cao bản thân. Đơn giản là mỗi người giỏi những kỹ năng khác nhau. Như tôi, tôi không cho mình là người viết giỏi – mặc dù trong giới chúng ta ai cũng phải viết – nên tôi chọn triển lãm là ngôn ngữ biểu đạt của mình. Tôi đã gặp nhiều họa sỹ đột nhiên nhận ra mình làm phim giỏi, hay nhiều người lấn sân từ thương mại sang nghệ thuật.

Đây là điều những nhà giáo dục nên làm – tìm kiếm những điểm ấy ở mỗi người và tạo điều kiện cho họ thử làm nhiều thứ. Không gian Giám tuyển không chỉ dành cho giám tuyển và nghệ sỹ, mà còn cho những người làm truyền thông, lục sự, chương trình công chúng và gây quỹ. Ta cần sự đa dạng, và dựa vào thế mạnh của nhau để tạo ra một trải nghiệm tập thể phong phú, giàu kiến thức.

Ace Lê:

Và cô đã nỗ lực mang sự đa dạng ấy vào giáo trình khóa Thạc sỹ Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại NTU.

Ute Meta Bauer:

Ngay từ đầu, tôi không hề có ý định cơ cấu nó như một khóa giám tuyển cổ điển, mà là điểm giao thoa giữa lý thuyết và thực hành. Phía Nghiên cứu Bảo tàng cho học viên tiếp xúc với ngữ cảnh tổ chức thực tế – từ quản lý sưu tập tới chăm sóc bảo quản; phía Thực hành Giám tuyển giới thiệu các khía cạnh giám tuyển đương thời – từ nghệ thuật công cộng tới nghệ thuật sử dụng phương tiện thời gian. Do chỉ kéo dài một năm (hoặc hai nếu bán thời gian), gồm cả kỳ thực tập, nên đây là một khóa học rất dày đặc với nhiều chiều tương tác – mà các em với tư cách học viên được quyền chọn lựa.

“Tomás Saraceno: Giao hưởng Nhền nhện. Những bản ngẫu hứng” (2015) do Ute Meta Bauer và Anca Rujoiu giám tuyển.

Ace Lê:

Đó là lý do em tới đây thực hiện cuộc phỏng vấn này đấy – để cho nhiều bạn quan tâm tới công việc giám tuyển tại Việt Nam được biết nhiều hơn về khóa học. Em biết cô đã từng công tác tại Hà Nội, và có cảm tình đặc biệt với Việt Nam.

Ute Meta Bauer:

Và đó là lý do tôi tới đây, tới Singapore – để được gần Việt Nam hơn đấy! Năm 2004 tôi còn làm việc cho Phòng Nghệ thuật Đương đại Na Uy, và được tới Việt Nam công tác một thời gian dài, trước cả khi sân bay mới được khánh thành. Ấn tượng nhất với tôi là bản năng sinh tồn mãnh liệt của người Việt Nam, khi so với các khu vực khác cũng từng trải qua sang chấn bạo lực. Có vất vả, nhưng vẫn có lòng tự trọng – và niềm vui!

“Tomás Saraceno: Giao hưởng Nhền nhện. Những bản ngẫu hứng” (2015) do Ute Meta Bauer và Anca Rujoiu giám tuyển

Năm 2004, tôi tổ chức chương trình văn hóa Gặp Hà Nội, qua đó được gặp gỡ rất nhiều bạn bè tại không gian Ryllega và Nhà Sàn Studio của Nguyễn Mạnh Đức và Trần Lương. Có nhiều sự kết nối, và nhiều động lực làm việc. Chúng tôi còn tìm cách tổ chức được buổi diễn rock cho nghệ sỹ ngoại quốc đầu tiên ở không gian công cộng – ngay bờ Hồ Hoàn Kiếm – tất nhiên, điều này diễn ra được cũng vì chúng tôi nhét nó vào khuôn khổ chuyến công du Hoàng gia Na Uy! Với Việt Nam, có vẻ như ta luôn tìm được giải pháp. Từ năm 1999, thậm chí đã có một tiệc drag queen tại CLB Báo chí Hà Nội – bạn tôi Veronika Radulovic đã chụp nhiều ảnh và 15 năm sau đó tổ chức một triển lãm vào năm 2014, tại Manzi café!

Ace Lê:

Ừ thì sau một nghìn năm chiến tranh liên miên, người Việt đã phát triển được cơ chế sinh tồn kết hợp cả tính thực tế và niềm lạc quan.

Ute Meta Bauer:

Mà không hề có sự cay đắng. Việt Nam đã rộng mở và đón chào kể cả những cựu chiến binh từ chiến tuyến bên kia. Thật sự, tôi chưa có một trải nghiệm như vậy ở bất cứ nơi nào khác. Đó là sức bền, đó là sức sáng tạo.

Ace Lê:

Điều này gợi cho em nghĩ đến Istanbul Biennial số 17 sắp tới – chúc mừng cô đã được bổ nhiệm làm đồng giám tuyển cùng David Teh và Amar Kanwar. Tuyên ngôn giám tuyển ghi rằng để có sức bền, các tổ chức nghệ thuật phải xét lại công dụng của thực thành nghệ thuật.

Ute Meta Bauer:

Đại dịch đã dạy ta rằng không thể làm biennale theo hình thức cổ điển được. Ta phải tái định nghĩa biennale – nó không còn đơn thuần là một địa điểm để mang mọi thứ về, mà phải đóng vai trò điều phối, một không gian nuôi dưỡng những thực hành quan trọng đang diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên thế giới.

Ta cũng phải tái định nghĩa vai trò của nghệ sỹ: rất nhiều (nhóm) nghệ sỹ đã và đang mở rộng phạm vi ở các bộ môn khác – từ nghiên cứu môi trường tới khung luật pháp hay kiến thức dân tộc bản xứ. Nên với tôi, biennale là một dạng “chợ” bày đủ các thứ đó. Nó không có cấu trúc gian hàng ngay ngắn – “À sọt lê phải bày vào gian này, thúng chổi thì xếp sang gian kia”. Nó nên, và sinh ra là để, lộn xộn và thể nghiệm – bạn sẽ thấy có thứ mình không thích, nhưng rồi có thể sẽ tìm thấy một chục thứ mình thích. Và tôi chỉ mong các biennale sẽ tìm lại được dạng thức ấy, bởi đó là xuất xứ nguyên bản của chúng. Và theo nghĩa này, tôi tin rằng Việt Nam nên có một biennale cho riêng mình.

“Allan Sekula: Chuyện Cá, còn nữa” (2015) do Ute Meta Bauer và Anca Rujoiu giám tuyển

Ace Lê:

Biennale vẫn còn là khái niệm mới với đa số người Việt, cả giám tuyển cũng vậy. Giám tuyển vẫn còn là một ngành non trẻ. Cô có lời khuyên gì với các bạn trẻ muốn đi theo con đường này?

Ute Meta Bauer:

Các bạn đóng vai trò tiên phong. Và cũng giống như NTU CCA – bạn sẽ làm những thứ người khác chưa chắc hiểu và ghi nhận. Hãy kết nối và tìm một người cố vấn đi trước – mà rất có thể chính họ cũng đang ở trong tình trạng tương tự (cười).

Nhưng chẳng sao. Việc kiếm sống chỉ bằng nghề giám tuyển là rất khó, nên nhìn một cách thực tế, bạn nên tìm nhiều nguồn thu nhập khác nhau – ví dụ như tôi làm thêm mảng giáo dục. Và người cố vấn ấy không nhất thiết phải cùng ngành. Trong ban cố vấn của NTU CCA, tôi có những cố vấn đến từ khối thương mại, đã cho tôi nhiều định hướng bổ ích để có sức bền tài chính. Sẽ có những năm khó khăn, nhưng thường cũng sẽ có những bất ngờ tốt đẹp nảy nở. Ta phải gieo nhiều hạt. Có những hạt không nảy mầm; có những mầm sẽ tàn lụi. Ta phải quay lại gieo thêm hạt mới. Và những lúc ta không ngờ tới nhất, một bông hoa sẽ nở rộ.

“Wind Sculpture I” (2013), Yinka Shonibare từ “Thành phố Văn hóa. Khung cảnh Văn hóa”

Ace Lê:

Thế thì từ khóa vẫn là “sức bền”. Giống như người Việt (cười).

Ute Meta Bauer:

Chính xác. Và đó là lý do vì sao với Istanbul Biennale, thay vì chọn một tựa đề hoặc chủ đề, ban giám tuyển quyết định chọn một khái niệm: quá trình ủ phân hữu cơ. Chúng tôi nghĩ rằng khái niệm này sẽ tạo được sự cộng hưởng, nhất là giai đoạn này. Để dưỡng hạt, ta cần ủ phân tốt. Để có phân tốt, ta cần đất rắn, chắc. Đừng chạy theo những gì sáng láng thị giác, hãy quay về gốc. Ngay cả khi phải dành nhiều năm, và người khác vượt qua ta, chung cuộc ta sẽ tiến xa hơn họ, vì ta có hơi thở sâu. Ta được đào tạo. Ta tự rèn luyện từ dưới lên như một vận động viên.

Và đó là sức bền trong lĩnh vực này. Cá nhân tôi đã trải qua một năm khó khăn khi phải chứng kiến NTU CCA mất đi một phần trong DNA của mình. Ta cần chuẩn bị tinh thần rằng việc này có thể xảy ra ngay cả ở giai đoạn sau của sự nghiệp, nhưng tuyệt đối không được trở nên cay đắng. Tôi có thể bỏ dở giữa chừng hay sa vào trầm cảm, hoặc tôi có thể quay lại và gieo thêm hạt mới.

Ace Lê:

Chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau. Và gieo những hạt mới!

Thực hiện: Ace Lê

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

— * —

Cuộc trò chuyện với giáo sư Ute Meta Bauer – giám đốc sáng lập NTU CCA Singapore, là một phần trong chuyên mục đặc biệt của Art Republik Vietnam #3, về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore.


 
Back to top