Con đường gia vị từ Á sang Âu: trả giá thật đắt để đổi lấy món “trang sức” khác biệt
Gia vị từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của căn bếp với giá thành phải chăng và số lượng dồi dào. Nhưng vào thời kỳ cổ đại và Trung cổ châu Âu, gia vị chính là “vàng ròng” đắt đỏ mà giới thượng lưu và quý tộc tranh giành để khẳng định vị thế.
Cơn sốt gia vị từ thời cổ đại
Một pound (đơn vị đo lường của Anh quốc, cứ 1 pound bằng với 0,45359237 kg và 453,6 gram) gừng, tiêu hay bạch đậu khấu thời bấy giờ tương đương với rất rất nhiều ngày công làm việc của nô lệ. Nhiều nô lệ phải làm việc ròng rã trong nhiều năm mới đủ để đổi lấy một pound gia vị.
Cơn sốt gia vị kéo dài từ những thành phố tấp nập nhất của La Mã cổ đại, trải dài khắp châu Âu và gián tiếp tham gia vào nhiều cuộc viễn chinh trên thế giới. Những bao tải chứa đầy hương thơm lạ kỳ, những gia vị bí mật đến từ phía bên kia của địa cầu đã thu hút sự chú ý của toàn bộ châu u. Trong cuộc chơi gia vị này, ́n Độ tuy là khởi nguồn của tiêu, gừng, hồi, quế, thảo quả… nhưng Ả Rập mới là vương quốc chiếm thế chủ động khi nắm trong tay “con đường tơ lụa” quyền lực.
Con đường gian nan tới miền đất lạ kỳ
Ấn Độ vốn là nơi được biết đến là mảnh đất trù phú, màu mỡ với vô số loại gia vị, thảo dược, thảo mộc… Về địa hạt gia vị, có thể nói nơi đây vô địch thế giới và là nơi khởi nguồn của nhiều loại gia vị cơ bản có giá trị tới tận ngày nay.
Từ miền Tây Nam của đất nước ́n Độ rộng lớn, một số loại gia vị đi qua nhiều vùng đất khác nhau, vô tình được người La Mã bắt gặp tại Ai Cập trong các cuộc chinh phạt của mình. Từ đấy, họ dấy lên những tò mò và cả toan tính với thứ gia vị bé nhỏ, kỳ lạ mà thơm ngào ngạt này.
Người La Mã cổ đại ngay lập tức chuẩn bị và triển khai các cuộc đại hải trình đi về phía bờ bên kia của địa cầu để mang về hàng tấn gia vị. Từng con thuyền rời đi rồi trở về sau vài tháng, mang về vô số những loại thảo dược, gia vị như hạt thì là, tiêu, quế, đinh hương, hoắc hương, nghệ, gừng, bạch đậu khấu… Cơn sốt gia vị ngay lập tức phủ đầy La Mã. Ai cũng kinh ngạc và thích thú với những món hàng mới lạ này. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh khổng lồ và nhu cầu bùng phát với mặt hàng gia vị này, những nhà cầm quyền của La Mã lúc bấy giờ ngay lập tức triển khai các cuộc thám hiểm thông qua đường bờ biển để tới châu Á.
Con đường gia vị dần hình thành còn sớm hơn cả con đường tơ lụa. Người châu Âu cổ đại không chỉ đặt chân tới ́n Độ mà còn khám phá Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Tuy nhiên, lịch sử nhiều thăng trầm và đầy biến động đã không thể giữ cho La Mã trường tồn mãi mãi. Vào cuối thế kỷ IV khi La Mã cổ đại sụp đổ, con đường gia vị có một cách khác để duy trì vị thế của mình.
Trong khoảng thế kỷ VII tới thế kỷ X, người Ả Rập với con đường tơ lụa trong tay, đã nhanh chóng nắm vị trí độc tôn trong việc khai thác và buôn bán gia vị. Gia vị đắt đỏ ngang với cừu, ngựa, vàng bạc, lụa là và thậm chí còn bị đánh thuế rất cao.
Châu Âu bước vào thời kỳ Trung cổ với sự hiện diện của nhiều mặt hàng xa xỉ thông qua con đường tơ lụa như trà, gia vị và các loại thảo dược Á Đông. Gia vị thâm nhập vào khắp các con chợ, ngõ ngách và từng bước đi thẳng vào bữa cơm hàng ngày của người dân châu Âu Trung cổ. Chính nhờ các loại gia vị, trà và muối từ phía Đông xa xôi mà người dân châu Âu cũng có phần hăng hái hơn trong quá trình khám phá và… xâm lược các vùng đất thuộc địa.
Món “trang sức” có thể ăn được
Với giá trị đắt đỏ và nguồn cung khan hiếm, các loại gia vị cũng như thảo dược quý không dành cho số đông. Tầng lớp quý tộc và thượng lưu thời bấy giờ của châu Âu mới là những đối tượng được tiếp cận với mặt hàng xa xỉ này. Giá cả của gia vị được định hình đắt tới mức phi lý một phần đến từ các yếu tố vận chuyển, giá trị dinh dưỡng, giá trị dược tính… nhưng trên hết là yếu tố tiếp thị và quảng cáo khéo léo từ những nhà phân phối độc quyền đã tác động vào tâm lý của nhiều người dùng bấy giờ.
Sự nhạy cảm và khả năng quan sát đại tài đã giúp cho những nhà phân phối gia vị tại châu Âu khi ấy hiểu rằng tầng lớp thượng lưu da trắng đang thiếu một “món trang sức” mới lạ để khẳng định vị thế và sự khác biệt của mình. Mọi người thường lầm tưởng rằng gia vị chỉ đơn thuần có giá trị về mặt ẩm thực. Nhưng rõ ràng, chúng chẳng phải một mặt hàng thiết yếu mang tính chất bắt – buộc – phải – có trong các công thức nấu ăn cổ điển của phương Tây. Người phương Tây kết hợp và sử dụng gia vị trong các công thức nấu ăn với một thái độ cởi mở và sáng tạo nhiều hơn việc ép buộc chúng vào một tiêu chuẩn cụ thể.
Vậy cuối cùng, gia vị xuất hiện qua nhiều thế kỷ vừa qua với vai trò gì? Chính xác thì chúng được định hình là mặt hàng xa xỉ phẩm ngang cơ với trà và các loại hàng hóa quý hiếm khác. Gia vị ở đây để minh chứng cho sự hào phóng, đủ đầy và thừa mứa của giai cấp quý tộc. Một bữa ăn đầy phức tạp và tinh tế của giới nhà giàu châu Âu sẽ khác biệt với bữa ăn của thường dân ra sao? Không phải từ việc dồi dào những gà, những cá nặng trĩu bàn tiệc, cũng không phải từ cách chế biến cầu kỳ mà điểm đặc biệt nằm ở những hạt gia vị nhỏ xíu. Một chút tiêu, gừng, thảo quả, bạch đậu khấu, hạt thì là… khiến cho đĩa thức ăn dậy lên hương thơm quyến rũ, khác lạ, độc đáo và vô cùng sang trọng. Điều mà những thường dân không quá coi trọng. Họ chẳng thể và cũng không có khả năng nào để đánh đổi quá nhiều công sức và thậm chí là cả gia tài cho một vài bữa ăn có hương vị đặc biệt hơn ngày thường.
Bởi thế, gia vị phải được định giá thật đắt, y như một món trang sức lộng lẫy. Chúng không thể tuềnh toàng và được sử dụng theo cách bình dân. Không chỉ xuất hiện trong bữa ăn, các loại gia vị còn đi thẳng vào khứu giác của mọi người khi chúng được ưu ái trở thành thành phần nguyên liệu chính của nhiều chai dầu thơm. Người phương Tây cổ đại đã lấy cảm hứng từ tinh dầu thơm của các nước Á Đông huyền bí kết hợp với kỹ thuật chế tạo nước hoa thời bấy giờ để tạo ra những loại nước hoa có mùi tiêu, hoắc hương, quế, đinh hương, bạch đậu khấu… Nhóm hương này là một trong những nhóm hương cơ bản của ngành công nghiệp nước hoa đương đại bên cạnh các nhóm hương hoa cỏ, hương trái cây, hương gỗ. Chúng được gọi với cái tên Oriental có nghĩa là phương Đông. Nhóm hương lấy cảm hứng từ những hương thơm bí ẩn của vùng đất xa xôi ở phía bên kia biển Đông có chứa một phần các loại gia vị làm khuấy đảo cả châu Âu Trung cổ.
Con đường gia vị từ Á sang u, nhuốm màu trầm lắng của thời gian và của những cuộc chinh phạt, các cuộc đại hải trình và cả những chiêu trò kinh doanh đầy tính toán đã dần khép lại khi giờ đây, gia vị đã trở về với đúng giá trị thật và công dụng của nó. Không còn thần thánh hóa, không còn gì bí ẩn, gia vị vẫn luôn giữ cho mình nét cuốn hút tự thân từ hương thơm sâu sắc và mạnh mẽ của mình, thay vì từ những câu chuyện về sự xa xỉ đã nằm lại nơi lịch sử đi qua. Gia vị cho tới nay vẫn luôn là bài toán khó nhằn đồng thời là cảm hứng sáng tạo bao la cho ngành ẩm thực đương đại.
Bài: Hà Chuu