Muôn vị nhân gian – Khi tình yêu biến điều bình thường thành vĩnh cửu
Nếu em còn một giấc mộng đẹp
Cho anh được gần em
suy tư thêm một chút
Anh nhìn em. Anh chờ em
Cả hai ta như cuốn lấy nhau rồi
phải không? (*)
Lời ca tha thiết cất lên với chất giọng tình tứ của Vũ. ngay lập tức cuốn người ta vào thế giới của những người đang yêu. Vô tình hay hữu ý, bản nhạc này lại rất hợp để nghe khi chiêm nghiệm lại bộ phim “Muôn vị nhân gian” của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Nhưng khác với ca từ trong bài hát mới nhất của Vũ. và Hà Anh Tuấn, những ông vua trong thế giới của những bản tình ca, nơi tình yêu được hát lên là tình yêu của tuổi trẻ, của những nhớ mong khắc khoải và hồi hộp trong những giây phút cuối cùng được bên cạnh nhau, bộ phim của Trần Anh Hùng đưa người xem vào thế giới của những người yêu nhau khi đã bước sang tuổi xế chiều, độ tuổi được cho là đã sang thu của đời người, và không biết khi nào, họ sẽ ra đi mãi mãi vào mùa đông lạnh giá.
Chờ mùa hoa tới
Chờ từng nỗi ngây ngô tuổi trẻ. (*)
Nhưng dù vào thời điểm nào trong đời, thì giây phút người ta rơi vào tình yêu vẫn cứ thi vị, ngọt ngào, lẫn hồi hộp và day dứt như thế. “Muôn vị nhân gian” là bản tình ca lãng mạn mà Trần Anh Hùng dành tặng cho vợ mình, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, cũng là “đầu bếp” đã giúp anh hô biến mọi ý tưởng mơ mộng nhất thành những bữa yến tiệc no nê cho giới điện ảnh, những người yêu thích vẻ đẹp không lời mà giàu sức gợi trong các bộ phim của Trần Anh Hùng.
Có rất nhiều chiêm nghiệm về tình yêu được hai nghệ sĩ đưa vào phim, một bộ phim có thể không phải nói về cuộc đời họ, nhưng phần nào đó đã khắc họa tình yêu bất tận của họ dành cho nhau và dành cho nghệ thuật. Nếu với Dodin và Eugénie, sự gắn bó thể hiện trong món ăn, thì với Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê, đó là điện ảnh.
Tình
“Em đã để cửa cho ông, trong suốt hàng chục năm. Nhưng chỉ hai lần mong muốn của em thành hiện thực.”
Tình yêu trong phim được thể hiện nhẹ nhàng mà vô cùng sâu lắng. Trong cả bộ phim, chưa nhân vật nào thốt ra ba chữ “Tôi yêu em” hay “Em yêu ông”, thế nhưng người ta vẫn thấy tình yêu của họ hiện lên lấp lánh. Bởi đó không chỉ là thứ tình yêu được gói gọn trong những câu diễn ngôn hoa mỹ, tình yêu đó không chợt lóe lên trong phút chốc, mà đã trải qua rất nhiều năm tháng và trở thành chất keo bền bỉ gắn chặt hai tâm hồn với nhau.
Có ai khi yêu mà không thổn thức, không có những mong mỏi và những lần ước mơ? Cả Eugénie và Dodin, dù đã ở tuổi tứ tuần, vẫn có những rung động cảm xúc như thế dành cho nhau. Tình yêu của họ được thể hiện qua cách đồng hành trong từng món ăn, những ý tưởng thăng hoa với nhau trong nhà bếp, những lời nói bóng gió, những ngụ ý riêng tư. Nhưng không phải lúc nào tình yêu cũng được thể hiện rõ. Đôi khi, cho dù đã chắc chắn đến đâu, người ta vẫn để hờ một cánh cửa để xem vị thần tình yêu có thể mang đến những bất ngờ nào cho họ.
Đó là lý do Eugénie luôn để cửa phòng không khóa trong rất nhiều đêm, để chờ Dodin tới. Tại căn phòng nằm trên một tháp canh thật xa nơi ở của Dodin, khiến ông phải đi qua hàng dãy hành lang dài, qua hết căn phòng này đến căn phòng khác, để đến được nơi người thương của ông đang ở. Tại sao Eugénie không nói rõ rằng bà mong ông tới? Tại sao Dodin không quyết liệt hơn để đến với tình yêu của ông? Đó có lẽ là sự ý vị của tình yêu. Nó muốn người ta phải khắc khoải một chút, phải ngóng đợi một chút, và để thử xem, họ có đủ dũng cảm để nắm lấy tình yêu vốn chỉ cách mình một cánh cửa?
“Em đã để cửa cho ông, trong suốt hàng chục năm và đêm nào em cũng mong một hình bóng sẽ bước qua đó. Nhưng chỉ hai lần mong muốn của em thành hiện thực.”
Đó là lời bộc bạch mà Eugénie cuối cùng cũng đã bày tỏ với Dodin. Một lời tự sự đầy khắc khoải, với những ước mong dồn nén nay đã được bật lên thành lời. Nhưng khi hạnh phúc chợt đến và chợt qua trong thoáng chốc, thì đến lượt Dodin lại là người khắc khoải.
“Tôi muốn là đầu bếp thứ nhất”, ông nói với những người bạn quý tộc.
“Ý ông là đầu bếp hàng đầu, hay là người đầu tiên?”, họ thắc mắc.
“Các ông hiểu thế nào? Trong suốt bao nhiêu năm qua, những điều tôi nói, những ý tưởng của tôi… Eugénie có hiểu không?”
Các quý ông đều cam đoan “Cô ấy là người thông minh. Cô ấy chắc chắn hiểu”. Nhưng Dodin vẫn quay quắt. Có thực sự Eugénie đã hiểu? Có thật sự bà đã nhận được trọn vẹn tình cảm mà Dodin muốn trao? Câu hỏi đó không chỉ là khắc khoải của Dodin, mà dường như ai đã từng yêu với trái tim chân thành đều đau đáu như thế, dẫu cho cuộc tình của họ đã dở dang hay còn đang tiếp tục.
Khi Eugénie hỏi: “Em là đầu bếp hay là vợ của ông?” và Dodin trả lời: “Đầu bếp”. Eugénie mỉm cười, trong khi Dodin cúi xuống hôn tay “đầu bếp” của mình. Có thể Eugénie là người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập; bà không muốn đánh mất cả tự do lẫn chính mình trong tình yêu. Bà không đồng ý kết hôn với Dodin là vì… muốn được giữ lấy quyền đóng hay mở cửa phòng khi nào tuỳ thích. Và Dodin trân trọng điều đó. Ông đã không đối xử với bà, dù chỉ bằng ý nghĩ, với danh phận mà bà chưa đồng ý. Đó là sự trân trọng tuyệt đối của một quý ông dành cho người phụ nữ mà ông yêu.
Nhưng có thể, đối với Eugénie và Dodin, sự gắn kết họ có thông qua ẩm thực còn cao hơn cả tình yêu. Vậy nên khi xem bà là đầu bếp, Dodin đã cho thấy ông trân trọng bà hơn tất cả mọi điều. Bà là đầu bếp, là nghệ sĩ, là người có thể biến tất cả ý tưởng của Dodin thành hiện thực, là người ở cạnh bên ông còn nhiều hơn cả vợ chồng, và là người thăng hoa với ông trong từng khoảnh khắc họ tạo nên muôn vị tuyệt mỹ của nhân gian.
Vị
“Hơn cả cảm giác quyến rũ, đó là sự thân mật tuyệt đối”
Phim của Trần Anh Hùng luôn tươi sáng ở đoạn kết, với một điểm mở để người ta tiếp tục tin yêu và hy vọng, cho dù đã từng trải qua mất mát và đau khổ đến thế nào. Điều đó tương đồng với triết lý làm bếp của Pierre Gagnaire, vị đầu bếp 14 sao Michelin là cố vấn ẩm thực cho “Muôn vị nhân gian”. Trong mọi căn bếp của ông, không có sự đấu tranh, chỉ có sự tập trung tuyệt đối vào món ăn và nấu bằng bản năng của người đầu bếp. Có lẽ tất cả nghệ sĩ đều như vậy. Điều duy nhất họ tập trung vào là sự duy mỹ của cái đẹp. Với người đầu bếp, đó là ẩm thực. Với Trần Anh Hùng, đó là điện ảnh. Và “Muôn vị nhân gian” đã hoàn thành vai trò của nó, một bộ phim lãng mạn và nhẹ nhàng, nhưng để lại dư vị thật lâu cho người xem.
Vậy thì “Muôn vị nhân gian” với Trần Anh Hùng có những gì?
Vị ngon của những món ăn cổ điển đã làm nức tiếng một nền văn hóa cùng những xứ sở ẩm thực của nó vào cuối thế kỷ 19. Những cung bậc của vị ngọt, béo, chua, thanh, đằm, đậm, sắc, sâu,… khiến người thưởng thức phải luôn miệng xuýt xoa nức nở. Đương nhiên rồi.
Nhưng muôn vị nhân gian còn có cả vị của bốn mùa xuân hạ thu đông. Sự chuyển giao của thời tiết và mùa màng, kéo theo những thay đổi của loài cây, con vật. Món ăn vì thế cũng khác biệt theo. Khi hiểu được dòng chảy của tự nhiên và muôn loài, để nắm bắt mọi nguyên vật liệu ở thời điểm căng tràn nhất của chúng, người đầu bếp mới cô đọng được những chất vị vô song tuyệt đỉnh, đưa món ăn thăng hoa đến mức một kiệt tác nghệ thuật. Và điều đó, không phải đầu bếp nào cũng đủ tinh tế và dũng cảm để theo đuổi đến cùng.
Cuối cùng, muôn vị nhân gian… là vị của tình yêu. Dù cho con người đã đi qua tuổi xế chiều, dù cho có phải đối diện với sự dừng lại của thời gian vĩnh cửu, thì đối với những người yêu nhau, mọi khoảnh khắc đều là mùa hè rực rỡ, rộn ràng, bỏng cháy mà ở đó người ta luôn sẵn sàng để tận hưởng, sẵn sàng sống, và sẵn sàng để yêu. Khi tình yêu không cần thốt lên bằng lời, mà chỉ cần lặng yên cống hiến cho nhau và nhẫn nại cùng nhau đi qua từng mùa cuộc đời, gạn lọc đi tầng vị đầu có phần bồng bột và sốc nổi, để chắt lọc lấy cái thanh trong, thuần khiết đến độ khiến người ta phải rơi nước mắt. Tình yêu ấy có thể làm rung động đến tận tâm can, và đọng lại suốt cả đời người.
“Hơn cả cảm giác quyến rũ, đó là sự thân mật tuyệt đối, nơi họ đồng điệu về tất thảy mọi điều, từ những gì vốn tầm thường và nhỏ nhặt như câu hỏi ‘Tối nay chúng ta ăn gì?’”, đầu bếp Pierre Gagnaire miêu tả về “Muôn vị nhân gian”.
Trần Anh Hùng có thể đã chọn mối tình của một cặp đôi trung niên để khắc họa, nhưng với hơn 20 năm say mê cùng nhau trong căn bếp muôn vị nhân gian đó, có thể nói, Dodin và Eugénie cũng đã thực sự “Dành hết Xuân thì để chờ nhau”.
Chờ những lời ru
Chờ những giai điệu
Chờ những vầng trăng
Chúng ta dành hết xuân thì
để chờ nhau. (*)
(*) Lời bài hát “Dành hết Xuân thì để chờ nhau”, Ca khúc thứ 2 từ Album phòng thu thứ 3 của Vũ.