STYLE / Beauty

Raf Simons: Sự khai sáng của Maison Martin Margiela và ý nghĩa trí tuệ của thời trang

Oct 13, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Trong bài phỏng vấn với The Talk, Raf Simons đã chia sẻ cách một đứa trẻ lớn lên ở một thị trấn nhỏ, không có nền tảng về thời trang và cha mẹ là dân lao động lại có thể bước chân vào ngành công nghiệp thời trang. Từ đó, anh cũng nói lên ý nghĩa của thiết kế đối với bản thân qua những lời chia sẻ chân thật.

Nhà thiết kế Raf Simons xuất thân từ “Antwerp Six” (nhóm các nhà thiết kế tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Antwerp vào những năm 1980). Vào năm 2016, nhà thiết kế thời trang người Bỉ nổi tiếng với những thiết kế phá cách thuộc mảng thời trang nam cũng như tạo được nhiều dấu ấn thời trang với dòng đồ nữ khi làm việc tại các nhà mốt Jil Sander và Christan Dior, đã khiến người hâm mộ sửng sốt khi anh quyết định gia nhập đế chế Calvin Klein với vai trò Giám đốc nghệ thuật.

Năm 2018, American Folk Art Museum tuyên bố vinh danh anh vì những đóng góp cho nền văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, nhiệm kì của anh tại thương hiệu ready-to-wear lừng danh nước Mỹ đã kết thúc không mấy êm đẹp, khi anh phải rời khỏi cương vị giám đốc sáng tạo của Calvin Klein vì tốc độ tăng trưởng không mấy ấn tượng. Giữa năm nay, NTK người Bỉ đã trở lại và chia sẻ về niềm vui trong quá trình thiết kế chất liệu cho công ty textile Đan Mạch – Kvadrat và kế hoạch xây dựng một nền tảng nghệ thuật (art foundation).

Chân dung NTK Raf Simons

Simons, anh có nhận thấy mình là một người gắn bó mật thiết với thời trang không?

Làm sao tôi lại có thể xem như nó không quan trọng đối với cuộc đời mình chứ? Tôi chẳng còn xa lạ gì với nó nữa! Thật sự thì tôi đã đắm chìm trong thời trang, bởi khi càng chìm sâu vào trong điều gì đó, bạn sẽ bạn càng thấu hiểu được bản chất của nó. Thế giới nghệ thuật vẫn còn rất to lớn và đầy hấp dẫn đối với tôi. Có rất nhiều thứ lôi cuốn tôi, nhưng tôi không nhất thiết phải hiểu chúng là gì, đó là điều khiến tôi thích thú. Trong lĩnh vực thời trang cũng thế, có rất nhiều nhãn hiệu và các nhà thiết kế. Thế nên các công việc chuẩn bị cũng như mục tiêu cụ thể mà bạn hướng đến rất quan trọng.

Chẳng phải thời trang là một phần quan trọng trong cuộc sống của anh sao?

Thời trang là công việc của tôi, và phải rồi, nó chắc chắn thấm nhuần vào cả con người và tính cách của tôi. Nhưng thật lòng thì nó không giống như những nghề nghiệp khác – đó là ước mơ, là đam mê hay một thứ gì như vậy. Nhưng giờ đây có những thứ khiến tôi gắn bó nhiều hơn với thời trang, đó là những điều riêng tư, cá nhân của tôi. Ví dụ như vấn đề về môi trường, gia đình và bạn bè…

Show diễn đầu tiên của Raf Simons tại Dior Haute Couture Thu-Đông 2012

Tôi từng biết rằng show diễn đầu tiên mà anh tham dự là của Maison Martin Margiela. Anh từng nói rằng nó đẹp vô cùng đến nỗi hơn phân nửa khán giả đã bật khóc và điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến anh. Tại sao vậy?

Bởi vì ngay khoảnh khắc ấy tôi nhận ra thời trang cũng thật hiện thực và trí tuệ, liên kết với một loại tâm lý nào đó trong xã hội. Buổi diễn của Martin Margiela được tổ chức ở một khu vực khá nhếch nhác so với một nơi như Paris. Chẳng phải trong một tòa nhà nào, mà là khoảng sân chung ở một khu dân cư của những người gốc Phi. Ba mẹ của các đứa trẻ chỉ cho phép công ty của Margiela tổ chức show diễn khi con của họ có thể đến và xem nó. Khán giả đã rất trông chờ tụi nhỏ sẽ đến và ngồi kế bên họ, nhưng chúng không làm thế.

Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Những đứa trẻ vui đùa cùng các người mẫu, điều đó thật sự rất lạ lẫm! Trước đó, thời trang đối với tôi là một thứ rất phù phiếm và hào nhoáng. Margiela đã thay đổi suy nghĩ ấy mãi mãi. Nó như thể là một sự khai sáng vậy. Thật sự rất khác lạ! Tôi lại không có nền tảng thời trang từ gia đình, bởi cha mẹ tôi đều thuộc tầng lớp lao động và tôi đến từ một ngôi làng không phát triển về văn hóa.

Maison Martin Margiela Xuân Hè 1990

Trước đó, thời trang đối với tôi là một thứ rất phù phiếm, hào nhoáng. Margiela đã thay đổi suy nghĩ ấy mãi mãi. Nó như thể là một sự khai sáng vậy.

Làm thế nào anh có thể tìm được nguồn sáng tạo từ một nơi như thế?

Khi còn rất nhỏ, một trong những thứ đầu tiên tôi tìm thấy là thứ nằm trong một cửa hàng của Peter Saville với những sáng tạo của ông cho Factory Records. Tôi đến từ một ngôi làng chỉ có 6.000 người, do đó Berlin, London, New York là gì? Bạn đang nói về cái gì vậy? Tôi không biết gì cả! Vì vậy, tôi góp nhặt từng hình ảnh. Hãy nhớ lại thời điểm ấy – không máy tính, không điện thoại di động, không gì cả – đó dường như là một sự cô lập tuyệt đối!

Có phải anh đã không thể đi du lịch khi còn trẻ ?

Chẳng có một chuyến đi nào, kể cả ngày lễ. Cuộc đời tôi đúng nghĩa là cuộc sống đường phố. Tôi thu thập nhiều đĩa hát, bởi khi bạn còn trẻ chắc chắn bạn rất yêu thích các ban nhạc. Đó là những ai? Là The Cure, Anne Clark hay những nghệ sĩ trong phong trào New Wave. Và rồi đột nhiên nó chuyển đến thời của New Oder, Power, Corruption và Lies với những bông hoa và vòng hoa. Tôi kiểu như “Nó là gì vậy?”.

Đó có phải điều khiến thời trang trở nên lôi cuốn đối với anh?

Không hẳn. Tôi theo học tại một ngôi trường, nơi được các cha giáo giảng dạy. Chúng tôi không được biết về những điều mình có thể. Mãi đến khi 18 tuổi, tôi mới biết rằng người ta có thể học về nghệ thuật và thời trang. Tôi thật sự chưa từng được biết điều đó! Nhưng tôi đã chạm ngõ thời trang, cảm giác thật sự rất hào hứng. Nhưng tôi đã không thể, bạn biết đấy, đó là một môi trường rất khác biệt. Ở nơi đó, bạn được trông đợi trở thành là một bác sĩ hoặc luật sư, nhưng đó không phải tính cách của tôi.

Anh đã làm thế nào để thoát khỏi những điều đó?

Tôi đã được nhận một cuốn sách từ những người hay đến lớp một hoặc hai lần mỗi năm, để cho bạn thấy gì có thể đi xa hơn để học hỏi. Ở mặt sau của cuốn sách có một nửa trang về kiến ​​trúc và một nửa trang về thiết kế công nghiệp. Tôi nhìn vào địa chỉ của trường thiết kế công nghiệp và nó không cách nhà bố mẹ tôi quá xa – tôi có thể đến đó bằng một chuyến xe buýt – vì vậy tôi nghĩ rằng mình sẽ đi xem thử. Tôi bước qua cánh cửa và tôi nghĩ: đây là những gì mình sẽ phải làm! Tôi đã thấy tất cả những đứa trẻ ngồi đó, với tẩu thuốc lá trên tay, nó trông giống như một thế giới khác.

Calvin Klein dưới thời của giám đốc sáng tạo Raf Simons

Nhưng đó là thiết kế công nghiệp, làm thế nào anh đến với thời trang?

Trong những tháng đầu tiên ở trường đó, tôi nhận ra mọi thứ đều có thể xảy ra – đến trường nghệ thuật, rồi đến trường thời trang – và chính trong thời kỳ đó, các nhà thiết kế người Bỉ bắt đầu định hình và tôi rất bị thu hút bởi điều đó. Có một nhà thiết kế thời trang người Bỉ tên Walter Van Beirendonck, tôi thấy cách anh sáng tạo thời trang. Không chỉ làm quần áo, anh còn làm bài thuyết trình, mặt nạ và đồ nội thất. Tôi từng nghĩ đơn giản rằng mình sẽ không được chào đón ở thế giới thời trang bởi vì tôi học trường kiến trúc, nhưng tôi nghĩ có lẽ mình nên viết một lá thư để xem liệu người ta có quan tâm nhận tôi vào làm cho họ không. Và điều đó đã diễn ra, anh ấy thực sự là người đưa tôi đến Paris trong chương trình Martin Margiela mà chúng ta đã nói trước đó.

Thật thú vị khi cảm thấy rằng có một sự liên kết đặc biệt giữa các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau nhưng có liên quan bên trong con người anh!

Vâng, phải rồi!

Làm thể nào anh có thể chống lại sự nổi tiếng trong ngành công nghiệp thời trang?

Thật sự nó chẳng có ích lợi gì nhiều cho tôi cả! Đã có lúc tôi cảm thấy nó rất phức tạp. Càng cố tách rời nó thì ngày càng khó khăn hơn, khi tôi phải tiếp tục duy trì và phát triển hình ảnh với khán giả. Cũng tốt vì khán giả vẫn còn quan tâm đến tôi và những việc tôi làm. Có điều, tôi rất ghét mục đích của sự nổi tiếng!

Raf Simons và cánh tay phải của mình – Pieter Mulier

Internet đóng vai trò thế nào đến mối quan hệ của anh với các khách hàng?

Đó là một câu hỏi luôn thường trực trong lòng tôi gần đây. Tôi thật sự không biết sẽ thế nào nữa. Rõ ràng là internet khá quan trọng ở thời điểm này – có rất nhiều phương tiện trong thời điểm hiện tại đối với thế hệ hôm nay. Những phương tiện vào thời tôi là gì, là tivi, tạp chí hay đại loại là một chiếc điện thoại trong nhà và giờ chúng đã không còn nữa, sau hai mươi năm. Nhưng nghĩ xem, có thể internet cũng sẽ lỗi thời. Hiện tại nó rất quan trọng, nhưng tôi là một người tin vào những trải nghiệm thực tế, đó mới chính là thứ tạo nên sự khác biệt. Tôi đã thấy rất nhiều đứa trẻ mà đối với chúng cả thế giới là một căn phòng 16 mét vuông và một cái máy tính. Với sự tôn trọng của mình, tôi chấp nhận cách tiếp cận ấy của giới trẻ, nhưng chúng đã bỏ lỡ nhiều điều.

Phải chăng tận mắt chứng kiến một tác phẩm nghệ thuật hay một sàn diễn thời trang cực kì khác so với chỉ nhìn chúng qua màn hình nhỏ?

Chính xác là vậy. Từ kích thước, ánh sáng, mọi thứ đều rất khác. Cảm giác khi bạn xem phim cũng rất khác so với cái cảm giác khi bạn bước vào nhà hát, chiêm ngưỡng một vở diễn trên sân khấu và rung cảm với nó. Điều đó hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận qua internet. Những nó rất quan trọng với những đứa trẻ vì nó có những thứ khiến chúng thích thú. Tuy nhiên, nếu internet chỉ có vậy thì sớm muộn nó cũng sẽ bị thay thế. Dù có nói gì thì nó cũng rất thực dụng, thật sự là vậy. Cái con người cần là sự tương tác với nhau.

Cái con người cần là sự tương tác với nhau.

Nói về những đứa trẻ ngày nay mà anh đã từng giảng dạy thời trang ở Vienna. Anh có nghĩ rằng chúng ta có thể dạy cho chúng biết phải làm gì như anh không?

Hỏi hay lắm! Tôi cho rằng ở một số mặt thì không. Bởi tôi cho rằng ta không thể chỉ dạy thế hệ sau về cách dựng rập, cách may một cái váy hay đại loại như vậy. Đó còn là một cuộc trao đổi để xây dựng cho người học một tư duy biết nhận thức được vấn đề. Tôi thấy nhiều người có suy nghĩ rất thú vị, có cá tính và rất độc đáo, vô cùng ý nghĩa nhưng có lúc lại hơi trừu tượng, phải có cái gì đó diễn đạt lại giúp đưa nó vào thực tế để được thực hiện hóa. Bởi vậy, nhiều người trong số họ đã gặp khó khăn.

Anh đã từng mất cảm hứng cho bộ sưu tập mới của mình chứ?

Tôi không thể sống thiếu thời trang. Khi phải rời bỏ nó, đó là ngày tôi lìa đời!

Tôi không thể sống thiếu thời trang. Khi phải rời bỏ nó, đó là ngày tôi lìa đời!

Nhưng tôi chắc hẳn anh đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nó?

Không đâu. Thậm chí là hoàn toàn ngược lại. Tôi đôi khi còn phải ngăn chặn dòng suy nghĩ cứ tuôn trào ra trong đầu mình, nó xuất hiện ở mọi nơi. Tôi không muốn tự phụ đâu, nhưng không phải lúc nào điều này cũng dễ chịu. Nó có thể đánh thức bạn hoặc xuất hiện khi bạn ở giữa buổi họp.

Điều đó có ảnh hưởng đến mọi người xung quanh anh hay không?

Đôi khi nó khiến mọi người lo lắng. Tôi hay làm và nghĩ nhiều thứ cùng một lúc, trong khi họ lại chịu trách nhiệm cho những gì tôi nói ra, thật khó khăn cho họ khi tôi lại có lúc nói thế này, có lúc nói thế kia. Họ nói: “Đầu tiên, hãy bình tĩnh nào!”. Tôi không phải loại người ngồi vào bàn và bắt đầu suy nghĩ những việc mình sẽ làm. Tôi biết rằng, ngày tôi bị mắc kẹt trong suy nghĩ thì đó là lúc tôi phải dừng nó lại, nó sẽ không thể hoạt động được nữa. Vì vậy, đối với tôi thì ngược lại: tôi đang phải tìm cách ngăn những ý tưởng sáng tạo nảy nở.

Raf Simons làm việc cùng các Atelier nhà mốt Dior

Một trong những cách đó là gì?

Tôi bước vào thế giới nghệ thuật và chứng kiến những người làm ra nó. Tôi cực kỳ ấn tượng bởi nó phá tan suy nghĩ về thời trang của tôi. Như thể tôi có thể suy nghĩ nhiều thứ cùng lúc – bởi quá trình sáng tạo sẽ không bao giờ dừng lại.

Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo The Talks


 
Back to top