Yves Saint Laurent – “Em chỉ cần thiết kế, thế giới để anh lo”
Chàng hoàng tử hào hoa của trăm năm di sản thời trang Pháp – Yves Saint Laurent – đã sáng lập và dựng xây thương hiệu xa xỉ cùng tên, với người bạn đời gắn bó Pierre Bergé. Biến nó thành biểu tượng vang bóng của nữ quyền và tinh thần Parisian Chic, Yves Saint Laurent vẫn luôn được nhắc nhớ và tôn vinh như một huyền thoại.
Những thước phim âm bản của ký ức
Chàng thanh niên Yves Saint Laurent 26 tuổi rời bỏ chốn quân trường thời thế chiến bạo tàn, với dáng người mảnh khảnh, gương mặt xương xương, đôi mắt tinh anh ẩn sau cặp kính khiêm cung mà về sau trở thành biểu tượng. Ngày hè oi nồng năm 1961, người ta chỉ có thể gặp anh trong tầng gác xép chật chội của xưởng may cũ Mauguin, gọn gàng trong chiếc áo blouse trắng với thắt lưng chỉn chu, luôn tay thoăn thoắt để lấy số đo, ướm thử trang phục lên người mẫu. Cũng có lúc người ta lại nhìn thấy chàng thanh niên trẻ trầm ngâm bên lịch công việc dày đặc, mân mê những bản vẽ phác thảo và mảnh rập ngổn ngang, hay vùi đầu vào lòng bàn tay cùng những dòng suy nghĩ xáo động.
Ở Yves Saint Laurent luôn tồn tại hai mặt đối lập: hưng phấn yêu đời và chán nản tuyệt vọng, háo hức đam mê nhưng nhút nhát trước với sự đời. Nếu như người ta dễ dàng bắt gặp một Yves xả thân vì công việc, thì cũng không khó để thấy ông rụt rè như một cậu bé trong buổi công diễn đầu tiên mang tên mình. Yves ngồi bệt trên cầu thang hồi hộp theo dõi buổi trình diễn, nấp sau cánh gà nhìn ra ngoài xem phản ứng của khán giả, rồi gục mặt lên vai người mẫu khóc khi kết thúc.
Thăng hoa và thống khổ
Ấu thơ êm ấm của Yves Henri Donat Mathieu-Saint-Laurent trải qua trong căn biệt thự bên bờ Địa Trung Hải, của một gia đình quý tộc. Cậu bé làm búp bê giấy và rồi thiết kế váy cho mẹ và em gái. Tuổi 17, Saint Laurent chuyển đến Paris và đăng kí vào trường Chambre Syndicale de la Haute Couture, nơi chàng gây chú ý tới Michel de Brunhoff – Tổng biên tập tờ Vogue Paris, người đã giới thiệu tài năng thiết kế thiên bẩm cho nhà mốt Dior. Năm 1957, Yves kế tục ngôi vương tại đế chế thời trang này khi vừa tròn 21 tuổi sau sự ra đi của Christian Dior. Tại đây, ông viết nên câu chuyện về sự lao động cật lực và hiến dâng tận tụy: “Ba năm liền và ròng rã cùng 6 bộ sưu tập, tính từ sự ra mắt đầu tiên tại Dior vào tháng 1/1957… Và đỉnh cao gọi tên Yves sau một đêm thức trắng với hơn 1000 mẫu phác thảo đầy cảm hứng”.
“Tôi không thích biến phụ nữ thành một khái niệm trừu tượng của thời trang. Tôi không thích nói “cô phải mặc như thế này”… Tôi không phải là một nhà độc tài” – Yves Saint Laurent
Năm 1960, thế giới sụp đổ khi Yves chán nản rời nhà mốt Dior. May mắn thay, chính người tình đồng giới Pierre Bergé đã thuyết phục Yves Saint Laurent đứng ra mở thương hiệu thời trang riêng, và năm 1961, giấc mộng phù hoa bắt đầu. Bốn thập kỷ sau, Yves Saint Laurent làm khuynh đảo giới thời trang với những bộ sưu tập liều lĩnh, và phát kiến đầy táo bạo trong ngành công nghiệp thời trang.
Tuy nhiên, danh vọng không làm cho Yves Saint Laurent hạnh phúc. Chứng trầm cảm và suy nhược từ bé cùng với áp lực trong guồng quay của ngành công nghiệp phù hoa đã khiến Yves thống khổ. Không chịu được áp lực, Saint Laurent tìm đến chất kích thích, rượu và các thú vui trác táng. Nhắc đến người bạn đời, Pierre Bergé nói: “Yves Saint Laurent yêu nghệ thuật, thời trang nhưng lại chán ghét cuộc sống đời thường”. Nhưng Bergé cũng phải thừa nhận rằng: “những bộ sưu tập tuyệt vời đã được tạo ra trong ma túy và rượu”.
“Em chỉ cần thiết kế, thế giới để anh lo”
Khi Saint Laurent gặp và yêu Pierre vào cuối những năm 1950, họ quy định ngầm về vai trò trong công việc của mình trong 40 năm sau đó. Saint Laurent là nghệ sĩ, đấng sáng tạo; Bergé là người quản lý, người gạt bỏ mọi chướng ngại trên đường tiến thân của Yves, và điều hành phần còn lại. “Yves Saint Laurent không thể đối diện với cuộc sống thường ngày”. Niney, người thủ vai Yves Saint Laurent trong bộ phim cùng tên cho biết: “Ông ấy hầu như không thể làm được bất cứ điều gì khác ngoài thiết kế. Bởi vậy, ông ấy cần Pierre Bergé, để xử lý những gì liên quan tới tiền bạc. Còn Pierre Bergé, ông ấy cần được ai đó giao phó trách nhiệm”.
Pierre đối diện với mọi vấn đề xảy đến trong cuộc sống của Yves. “Khi di chuyển bằng ô-tô, ông luôn là người xuống trước, Yves ở phía sau, như một vị hoàng tử hay một ông vua. Ông vua là đấng sáng tạo, và đấng sáng tạo phải là Yves”.
Cặp đôi chia tay vào năm 1978, sau gần 20 năm gắn bó. Nhưng họ vẫn giữ mối quan hệ bạn bè và đối tác làm ăn thân tín. Saint Laurent qua đời năm 2008, nhưng Bergé vẫn là người giữ lửa cho thương hiệu thời trang này.
“Tôi tạo ra tủ quần áo của phụ nữ hiện đại”
Yves Saint Laurent có thể được coi là người đã vực dậy Haute Couture từ đống tro tàn của những năm 60, và cùng lúc mở ra khuynh hướng thời trang may sẵn ready-to-wear. Hơn thế nữa, cuộc lật đổ tư duy và định kiến về thời trang nữ giới đã được Yves Saint Laurent châm ngòi vào năm 1966 với bộ suit “Le Smoking”. “Tôi không thích biến phụ nữ thành một khái niệm trừu tượng của thời trang. Tôi không thích nói “cô phải mặc như thế này”… Tôi không phải là một nhà độc tài” – Yves Saint Laurent tiếp tục “trao quyền cho phụ nữ” khi ông thiết kế cho họ những kiểu áo xuyên thấu, hay chiếc safari jacket đi săn, cùng những cách tân quần âu vốn chỉ dành cho nam giới.
Tư duy vượt xa biên giới của thời trang đã đưa Yves đến những cuộc hội ngộ ngẫu hứng với nghệ thuật. Đó là mảng khối hình học tinh giản màu nguyên bản trong chiếc váy Mondrian, cánh chim hòa bình của Picasso, hay đồng hoa hướng dương trong tranh Van Gogh… tất cả đều trở thành nguồn cảm hứng thiết kế của ông “Thời trang cần tới các nghệ sĩ để tồn tại. Và Yves Saint Laurent cũng là một nghệ sĩ vĩ đại”, Pierre Bergé nói.