LIFESTYLE

Promemoria ra mắt bộ sưu tập mới tại Tuần lễ Thiết kế Milan

Apr 17, 2023 | By Bảo Châu

Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ “thuật giả kim” với những thiết kế đầy tính ý niệm, đặc trưng tinh thần của công ty thiết kế nội thất cao cấp từ Milan Promemoria.

Nếu bộ sưu tập Promemoria 2022 dành riêng cho cảm hứng sa mạc Sahel với sắc màu, hương thơm và hình thái của những cồn cát vô thường, thì bộ sưu tập mới nhất của nhà thiết kế nội thất cao cấp Promemoria ra mắt tại Tuần lễ Thiết kế Milan lại chọn từ khoá “Alchemical Magic” – “Thuật Giả kim” làm nguồn cảm hứng.

Những thiết kế của bộ sưu tập tuân thủ tính ý niệm đầy bí ẩn của thuật giả kim, về sự biến đổi của các chất và có ý nghĩa của sự tan chảy, hàn gắn lại với nhau để tạo nên những hình thái mới. Một trong những thuyết khiến thuật giả kim được lưu truyền như một thần thoại là việc thuật giả kim có thể biến chì (yếu tố tiêu cực) thành vàng (yếu tố tích cực). Promemoria tìm thấy những điểm tương đồng giữa bản chất của “Alchemical Magic” và trọng tâm công việc hàng ngày của những nhà thiết kế cũng như những bộ óc và đôi tay đầy sáng tạo của mình, với tiêu chí biến đổi, liên kết và sáng tạo để tạo nên những sự hoàn hảo từ sự không hoàn hảo của vật chất.

 

 

“REBIS”

“GEBER”

Cũng vì thế, 6 thiết kế của bộ sưu tập 2023 này sử dụng và kết hợp nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, thuỷ tinh hay kim loại để mang đến những hình thái hài hoá mới cho món đồ trong không gian sống. Tính sáng tạo đầy chất thơ của Promemoria với lĩnh vực thiết kế nội thất thể hiện ở chính những cách tiếp cận vật liệu chế tác, từ việc “lắng nghe gỗ”, cho đến việc đánh bóng gỗ để có bề mặt của “nhung hay lụa” để mang cho chúng không chỉ hình thức mà còn cả giọng nói.

Tác phẩm chiếc bàn GEBER của Romeo Sozzi gợi liên tưởng ngay tới tính ma thuật của giả kim khi biến đổi đồng thau thành một tuyệt tác nội thất đầy công năng và có tính thẩm mỹ mạnh mẽ, trong khi bàn REBIS của Davide Sozzi lại tập hợp, kết nối, điêu khắc và đánh bóng đế gỗ bằng tay. Cùng với kĩ thuật xử lý kính hiện đại, gỗ và kính trở thành một trong một tuyệt tác nội thất.

“ECATE”

“LES BRANCHES”

Tính “thuật giả kim” cũng thể hiện ở những cái tên của các tác phẩm trong bộ sưu tập, như chiếc ghế bành ECATE khi vượt qua sự đình trệ bằng những chuyển động để chọn tên một vị thần được tôn thờ ở Athens cổ đại như một nữ thần ma thuật và giao điểm kết nối; bàn REBIS gợi lên quá trình giả kim thuật để hợp nhất những mặt đối lập; hay cái tên đầy ma thuật của hệ thống tủ đựng ENIGMA được thiết kế để có thể phát ra ánh sáng thơ mộng và bí ẩn.

Theo nhà giả kim người Ả Rập Giābir ibn Hayyān, thuật giả kim không chỉ là một phép thuật mà là sự bắt chước và mở rộng Thiên nhiên để tạo ra những thứ mới hữu ích cho loài người. Theo lý thuyết của ông, các cơ thể được đặt tiếp xúc với nhau, và Promemoria kế thừa chính triết lý ấy vào quá trình cung cấp nhịp điệu cũng như sự ấm áp của bàn tay con người cho những vật thể tưởng vô tri vô giác.

Bài: Vân Anh


 
Back to top