LIFE

KTS Trọng Lê: “Tôi kể câu chuyện Văn hoá trong những công trình của mình”

Dec 21, 2022 | By Ton Binh

Chất liệu truyền thống và những câu chuyện văn hoá đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho Kiến trúc sư Trọng Lê cùng đội ngũ Lê House. Từ đó, anh muốn thổi hồn trong những tác phẩm của mình hơi thở về một thời kỳ dĩ vãng; câu chuyện lịch sử văn hoá được gói ghém tinh tế thông qua chất liệu và cấu trúc đầy độc đáo. 

Thuộc thế hệ Kiến trúc sư 8X, Trọng Lê đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp với hàng loạt công trình nổi tiếng, đặc biệt là chuỗi nhà hàng chay cao cấp tại Hà Nội như Ưu Đàm Vegan, Cồ Đàm Fine Dining, Sadhu và mới đây nhất là Kayasa. Trong chuyến công tác ra Hà Nội lần này, LUXUO đã có cơ hội trò chuyện với KTS Trọng Lê về triết lý làm nghề cũng như cảm hứng trong những sáng tạo của anh.

Xin chào kiến trúc sư Trọng Lê, cảm ơn anh đã nhận lời mời tham gia phỏng vấn của LUXUO Việt Nam. Được biết, chặng đường theo đuổi sự nghiệp của anh ghi dấu nhiều công trình quan trọng tại mảnh đất Hà Nội. Anh có thể chia sẻ cơ duyên đầu tiên giúp anh có được dự án đầu tiên tại đây được không ?

Đó là vào năm 2012 khi tôi vẫn còn làm công ty cũ và cơ hội đến khi phương án thiết kế kiến trúc cũng như hình ảnh đồ họa của tôi được khách hàng lựa chọn. Mặc dù, cả tôi và khách hàng đều chung nỗi lo lắng khi thực hiện ý tưởng với kinh nghiệm ít ỏi của tôi là sự rủi ro vô cùng lớn.  Nhưng nếu thực hiện được sẽ mở ra một hành trình và tư duy mới về mảng FnB vẫn theo lối mòn của Hà Nội vào thời điểm này.

Và cuối cùng, hành trình đấy cũng được đền đáp xứng đáng khi một dự án tạo tiếng vang, gây dựng được thêm niềm tin tưởng cho chủ đầu tư  để sau đó, họ mời tôi tiếp tục hợp tác các dự án tiếp theo.

Trong rất nhiều dự án anh đã thực hiện, chất liệu truyền thống được anh khai thác triệt để. Vì sao anh lại lựa chọn chúng để thể hiện qua những tác phẩm? 

Có thể nói, chất liệu Truyền Thống , câu chuyện về Văn Hóa là nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo của tôi và team Lê House, với niềm yêu thích và tinh thần muốn cho mọi người thấy, cảm nhận sâu sắc hơi thở của những con người xưa cũ, của câu chuyện lịch sử văn hóa thông qua cách kể chuyện mới của tôi, của người trẻ yêu văn hóa Việt.

Năm năm trở lại đây, anh đã thực hiện chuỗi dự án về nhà hàng chay với nhiều công trình mang tín ngưỡng Phật giáo đậm nét như Ưu Đàm Vegan, Cồ Đàm Fine Dining (văn hoá Champa), Sadhu và mới đây là Kayasa. Khi thực hiện, anh mong muốn truyền tải thông điệp như thế nào qua mỗi không gian nghệ thuật? 

Khi thực hiện, tôi nghĩ đơn giản là kể lại thế giới quan trong tôi với những triết lý sâu xa của đạo Phật, lấy cội nguồn đơn giản để lý giải cho sự phức tạp, bởi trong tôi luôn chất chứa nhiều sự hỗn độn của một người trăn trở trên bước đường làm nghề non nớt không khác gì một Phật tử trên con đường tu hành.

Với Kayasa – một công trình mang đậm dấu ấn Phật giáo từ cấu trúc mặt tiền nổi bật hình Vạt Cà Sa. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình lên ý tưởng thực hiện cho dự án đặc biệt này? 

Mỗi dự án là cả một quá trình đầy gian nan từ bản vẽ cho tới khi thành hình một cách trực quan, dự án có câu chuyện về văn hóa thì càng nhiều thử thách cho người kiến trúc sư. Tuy nhiên, bằng niềm yêu thích bản sắc và luôn lấy những triết lý sâu xa của đạo phật từ khía cạnh những điều đơn giản trong cuộc sống, độ cảm đấy là nền tảng để tôi có đầy năng lượng tích cực  để thuyết phục chủ đầu tư bằng những phác thảo tay đầu tiên, và may mắn họ đã bị thuyết phục hoàn toàn với câu chuyện” Vạt Cà Sa”.

Trong đạo Phật, tà áo cà sa là biểu tượng của phạm hạnh, đức độ, là ánh đạo vàng cho sự giác ngộ toàn năng.

Khi được chủ đầu tư chấp nhận, quá trình thực hiện bắt đầu thực sự khó khăn khi tôi phải cân đối không gian tại khu phố cổ Hàng Than – đối diện công trình là một ngôi chùa lâu đời. Mọi bố trí công năng đều phải tìm hiểu kỳ càng, chưa kể diện tích đất trên con phố này được gọi là “Tấc đất – Tấc vàng”.

Tôi đã phải hy sinh rất nhiều các khoảng không thông tầng và cả khoảng lùi xây dựng của mặt tiền công trình vào khá nhiều. Đây chính là giai đoạn” căng thẳng” nhất giữa KTS và chủ đầu tư, khi câu chuyện sáng tạo đối đầu với bài toán kinh doanh, đòi hỏi công năng, tiện ích tối ưu hóa.

Việc phân tích rõ và đưa ra những lập luận đầy thuyết phục thì việc hài hòa giữa sự sáng tạo và công năng cũng được giải quyết một cách thỏa đáng để làm sao KTS vẫn có đất cho sự bay bổng ý tưởng mà vẫn hội đủ các yếu tố tiện ích của một nhà hàng cần kinh doanh, đây là kết quả của tinh thần và sự thiện chí giữa KTS và gia chủ.

Quá trình này kéo dài khoảng thời gian gần 1 năm rưỡi từ lúc sơ khởi ý tưởng cho tới khi công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Kiến trúc của Kayasa trở thành điểm nhấn dọc con phố Hàng Than với biểu tượng Vạt Cà Sa. Độc đáo hơn cả là chi tiết đường vân sóng và cổng trời được thiết kế khéo léo, tạo cảm giác giống như chiếc tổ kiến nhiều lớp lang xen kẽ. Chất liệu chính để tạo nên lớp vỏ đặc biệt bên trong nhà hàng Kayasa là gì? 

Nếu bên ngoài gây ấn tượng với hình ảnh Vạt Cà Sa thì khi bước qua cửa chính, thực khách sẽ bị lôi cuốn bởi khoảng thông tầng mang dáng vút cao. Càng lên trên khoảng thông tầng càng thu nhỏ lại nhằm khai thác ánh sáng tự nhiên một cách độc đáo nhất có thể. Toàn bộ bề mặt của hệ tường bao quanh khu thông tầng được dựng lên từ hệ kết cấu thép tấm mỏng, phủ bằng vữa sơn tạo hiệu ứng mô phỏng như từng lớp cát sa mạc. Giải pháp này tạo hiệu ứng thị giác một cách mạnh mẽ cho khu vực trung tâm của công trình. 

Chất liệu chính tạo nên công trình là hệ kết cấu Cầu Thang Thép và phần tạo hình thông tầng từ hệ thép mỏng thay cho việc dùng gạch xây, được phủ lớp vữa tạo hiệu ứng mô phỏng như từng lớp cát, hay một hình tượng khác như một chiếc tổ kiến nhiều lớp lang, trong đó chính con người – chúng ta là những chú Kiến.

Bên cạnh công việc là một kiến trúc sư, anh từng ra mắt nhiều triển lãm hội hoạ như dự án “Sài Gòn xưa” (2015), “Sắc màu cổ tích Việt Nam” (2016). Trùng hợp thay, yếu tố nghệ thuật xuất hiện rất nhiều trong những công trình của anh. Vậy tính “đối thoại” giữa kiến trúc và nghệ thuật trong những dự án của anh được thể hiện như thế nào?

Nếu mọi người có xem và theo dõi dự án “Sài Gòn xưa” (2015) và “Sắc Màu cổ tích Việt Nam” (2016) mọi người sẽ thấy cách xây dựng hình ảnh kiến trúc mang đậm màu sắc hội họa, giản lược đi tính chuyên môn hóa cao của Kiến Trúc, được biểu thị qua những đường nét, màu sắc tinh giản, dễ cảm nhất có thể.

Chưa kể, tôi còn biến những không gian đậm chất Kiến Trúc ấy mang màu sắc của câu chuyện Thần Tiên, bay bổng, một phần phản ánh khao khát mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp nhất luôn hiện diện trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

 

Thị trường nhà hàng cao cấp tại Việt Nam trong những năm qua cũng rất đầu tư trong lĩnh vực thiết kế. Dưới góc độ của KTS, anh có suy nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của không gian trong việc truyền tải câu chuyện thương hiệu? 

Chúng ta dễ dàng thấy các thương hiệu cao cấp, họ không bán sản phẩm mà họ bán câu chuyện và các giá trị cốt lõi của thương hiệu. Với lĩnh vực thiết kế Kiến trúc cũng vậy, song hành với những thương hiệu nhà hàng cao cấp, giá trị sản phẩm họ bán chính là ở chỗ giá trị thiết kế không gian nhà hàng.

Điều này đến từ việc nghiêm túc trong sáng tạo giữa chủ đầu tư và người thiết kế. Một không gian được chăm chút tỉ mỉ và có dấu ấn riêng thể hiện sự phân cấp rõ ràng giữa thị trường cao cấp và bình dân.

Công việc kiến trúc sư giống như “nghệ thuật vị nhân sinh”, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Đã bao giờ anh cảm thấy “cạn kiệt” nguồn cảm hứng và cần tìm nơi “chốn”? 

Nếu nói không cảm thấy “ cạn kiệt” là lời nói dối. Tuy nhiên, với tôi luôn luôn có cách làm đầy sự sáng tạo đó bằng những trải nghiệm thú vị từ những chuyến đi khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau, sáng tạo trong những tác phẩm hội họa để nuôi dưỡng tâm hồn mình trở về vị “ thuần khiết” nhất.

Anh có thể chia sẻ một kiến trúc sư có sức ảnh hưởng đến mình trong suốt sự nghiệp? 

Ngay từ khi còn theo học ngành Thiết kế tại trường Đại học Văn Lang tới khi ra trường và làm nghề, người kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp của tôi là Frank Owen Gehry. Mặc dù hiện tại, ông đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được sự ngông cuồng của sức trẻ sáng tạo, thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với nghề, đúng với câu nói “sáng tạo tới hơi thở cuối cùng”.

Nhìn lại năm 2022, anh có suy nghĩ như thế nào về hành trình và những cột mốc đã đạt được. Anh có thể bật mí dự án, kế hoạch trong năm 2023 với cá nhân anh và Lê House?

Điều may mắn trong hai năm qua, dù cả xã hội phải trải qua những đợt dịch căng thẳng, ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế và mọi mặt của xã hội, trong đó ngành nghề Kiến Trúc- Nội Thất cũng không ngoại lệ, tuy nhiên với tôi điều may mắn hơn hết thảy và khách hàng vẫn luôn tin tưởng và đồng hành cùng với mình, cả công sức lẫn thời gian để rồi đến khi thích hợp quả ngọt từ “ sản phẩm thiết kế” đã khẳng định thêm niềm tin vững chãi về 1 giá trị thiết kế đúng nghĩa, tạo động lực cho tôi và team Lê House đầy sự sáng tạo mới mẻ trong tương lai.

Câu chuyện về Văn Hóa vẫn luôn hiện diện trong những sáng tạo của Lê House, mỗi giai đoạn khác nhau tôi sẽ kể nó bằng những cách khác nhau.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ quý giá với độc giả của Luxuo Việt Nam. Xin gửi lời chúc tới anh và đội ngũ Lê House sẽ gặt hái nhiều thành công hơn trong năm 2023!

Ảnh: Nhân vật cung cấp 


 
Back to top