DINING LIBRARY

Talking Taste: Daniel Hoài Nguyễn, Founder Sông Cái Distillery

Nov 08, 2023 | By Pham Thu Phuong

Sinh ra và lớn lên tại California (Mỹ) nhưng từ lâu, Daniel Hoài Nguyễn đã ý thức được mảnh đất mà anh có cảm giác thuộc về – Việt Nam. Sau vài dịp về thăm, đặc biệt qua bốn năm công tác cùng “nếm mật nằm gai” với người dân Tây Bắc, trong anh nhen nhóm cảm hứng về một dòng gin Việt kết tinh từ đặc sản núi rừng, giúp bà con tối ưu canh tác và đời sống, góp phần bảo tồn và nhân giống thực vật địa phương, cũng như trở thành đại diện Việt Nam chinh phục giới sành rượu quốc tế. Bởi vậy, vào năm 2018, Sông Cái Distillery được sáng lập đến nay đã hiện thực hóa những dự định ban đầu, với công thức lên men từ ngô bản địa kết hợp thảo mộc (nghệ, tiêu, cam thảo, mắc khén…), mang hương vị nồng nàn mà hào sảng của núi rừng, mê hoặc ánh nhìn với thiết kế chai in họa tiết lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống.  

Daniel Hoài Nguyễn, Founder Sông Cái Distillery, cùng người dân Tây Bắc

Tôi có phong cách sống thực tế, tối giản và ưa trải nghiệm. Những gì tôi cảm thấy thừa, không mang lại giá trị, kinh nghiệm hay kiến thức mới thì thường được loài bỏ. Trong trang phục cũng vậy, luôn nhấn mạnh tính ứng dụng – có thoải mái và hợp bối cảnh không, rồi mới tính đến chuyện đẹp. Tôi tự nhận định bản thân là người khiêm tốn và ít thích sự chú ý.

Tôi luôn mang trong túi một chiếc khăn vải nhỏ như “pocket square”. Với tôi, đây là món đồ rất tinh tế và có tính ứng dụng cao. Bất kỳ chiếc khăn nào của tôi cũng đều có ý nghĩa dù là do người tặng hay chỗ mua.

Gần đây, tôi mới mua xe đạp Trek Domane SL6 để chuẩn bị cho giải Iron Man. Khi tham gia các câu lạc bộ đạp xe, tôi có cơ hội khám phá nhiều địa điểm ở Việt Nam mà nếu không vì đạp xe, tôi sẽ không có lý do hay dịp ghé thăm. Lần leo đồi Ba Vì là một ví dụ. Tôi cũng đam mê tìm hiểu kiến trúc bản địa nơi tôi đến tham quan. Mỗi vùng đất có nét đặc trưng và mang vẻ mê hoặc riêng theo cảm nhận từng người. Với tôi, nhà trình tường ở Tây Bắc và Đông Bắc hay kiến trúc Bodega của vùng Jerez (Tây Ban Nha) đều hay như nhau và đáng để lưu giữ, trải nghiệm.

Đặc biệt, một số nơi như bắc California – vùng Sonoma, hoặc các địa điểm như Jerez tại Tây Ban Nha, là nơi có phong thái sống tôi yêu thích. Họ sống rất đơn giản và tận hưởng những giá trị vô hình hoặc khó để mua. Vì lợi ích cộng đồng, họ lưu giữ cảnh quan thơ mộng đẹp đẽ như rừng redwood, tổ chức chỉ dẫn địa lý để bảo tồn và xây dựng kinh tế, du lịch nhằm giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập tốt, đồng thời xây dựng thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.

Vừa qua, tôi may mắn có cơ hội đến thăm vùng vang Jura tại Pháp, bao gồm vùng chỉ dẫn địa lý (appellation) lâu đời nhất (Arbois). Chuyến đi ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi về cách làm ra sản phẩm và cách tạo hương mùi vị dựa trên điều kiện thổ nhưỡng. Jura thú vị vì nơi đây có một dòng vang rất đặc biệt. Đó là Vin Jaune, vang vàng ủ ít nhất sáu năm ba tháng – rất lâu so với vang thường, được sản xuất từ nho bản địa và có mùi vị khác hẳn so với vang Pháp khác (do thời gian ủ và cách ủ tập trung vào yếu tố oxy-hoá). Savagnin là nổi nhất, ngoài ra còn có Ploussard và Trousseau. Vùng vang này tuy nhỏ, có sản lượng thấp nhưng rất đáng thử cho những ai sành hoặc thích trải nghiệm ẩm thực và đồ uống.

Vùng Jura thu hút tôi bởi tôi vốn có sưu tầm rượu. Do công việc và ngành nghề nên đến đâu tôi cũng tìm nhà sản xuất địa phương hoặc rượu đặc sản để mua. Tuy nhiên, sưu tầm chính yếu là để kỷ niệm và học hỏi kiến thức, còn quan điểm của tôi thì rượu là để uống. Vậy nên, còn ít chai rượu trong nhà tôi chưa được mở lắm.

Bên cạnh rượu, tôi cũng rất yêu thích đồ cổ và đồ gia truyền. Tôi không coi trọng thương hiệu bằng ý nghĩa của món đồ bởi câu chuyện gắn liền với món đồ mới làm nên động lực để tôi chăm sóc và muốn lưu truyền cho thế hệ sau. Thuộc sở hữu của tôi, quý nhất là những món đồ gia truyền mà người khác đã gìn giữ và tặng lại, như vòng bạc cổ của bà con người Dao Đỏ tặng tôi.

Gần đây, tôi ấn tượng với tranh Hàng Trống. Là dòng nghệ thuật bản địa của Việt Nam từ thế kỷ 16, tranh Hàng Trống được truyền qua nhiều thế hệ, thấm nhuần yếu tố truyền thống văn hoá của người Việt – từ cuộc sống dân gian đến tâm linh Đạo Mẫu. Được hiểu từ cách làm giấy (giấy dó) đến cách tự làm màu từ thảo mộc tự nhiên, tôi khá tự hào vì Việt Nam có một dòng nghệ thuật ý nghĩa như vậy. Nhất là khi gặp bác Lê Đình Nghiên – nghệ nhân cuối cùng còn duy trì được nghệ thuật này, tôi lại càng trân quý bởi có nhiều dòng nghệ thuật chỉ được công nhận khi nghệ nhân không còn. Với tranh Hàng Trống, tôi lại có hân hạnh được gặp một huyền thoại sống. Nếu có cơ hội gặp gỡ, tôi mong bạn có thể xin một buổi hẹn đến thăm nhà bác – một “triển lãm” thực thụ, tích lũy nhiều thông tin kiến thức về tranh Hàng Trống, và trao đổi với chính người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này.

Lê Đình Nghiên – Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Vì quỹ thời gian hạn chế, tôi ít đọc thể loại sách hư cấu. Tuy nhiên năm vừa qua, tôi đọc Moondogs của Alexander Yates và có ấn tượng lớn. Yates đề cập nhiều chủ đề bao gồm tình yêu gia đình một cách rất thực tế và pha chút siêu thực vào lối kể chuyện. Cách dùng từ và diễn tả cũng rất cuốn hút. Đây là một trong hiếm hoi tác phẩm mà tôi đọc trọn vẹn trong một buổi.

Bên cạnh sách, một podcast mà tôi yêu thích là All-In Podcast. Tại đây, bốn thành viên – đều đã có thành tựu tương đối trong lĩnh vực của họ (tài chính, công nghệ…), lập ra diễn đàn không chỉ để cập nhật tin tức thời sự mà còn để bình luận. Mỗi người đều có quan điểm riêng nhưng không ngại thảo luận để mang tới cái nhìn đa chiều cho khán giả. Qua podcast, tôi học cách phát triển tư duy phân tích và kỹ năng thấu hiểu. Trong xã hội ngày càng hội nhập và đa dạng thông tin, kỹ năng phản biện cùng khả năng thấu cảm sẽ ngày càng quan trọng.

Tôi theo phong cách tối giản và không trang trí cũng như cố không chứa nhiều đồ nếu không cần thiết. Điểm nhấn trong không gian sống của tôi là tủ bảo quản rượu và sách. Với tôi, không gian sống là để mang lại sự thoải mái. Tôi ít khi mời khách về nhà là vì vậy.

Một hoạt động tôi thường xuyên làm là lập kế hoạch và phản tư. Ngoài công việc, tôi cũng áp dụng cho đời sống cá nhân. Từ kế hoạch và mục tiêu năm, tôi phân thành mục tiêu, kế hoạch sáu tháng và chín mươi ngày. Chia thành giai đoạn nhỏ sẽ dễ cho chúng ta hình dung và hiện thực hóa mục tiêu lớn hiệu quả hơn.     


 
Back to top