Bất động sản

Bất động sản nghỉ dưỡng lao đao trước đại dịch corona

Feb 20, 2020 | By Trang Ps

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và được giới thượng lưu bấy lâu nay ưa chuộng. Theo chuyên gia, nó tạo lợi thế hơn hẳn các kênh khác như vàng, chứng khoán hay tiết kiệm. Thế nhưng, trước đại dịch corona, các nhà đầu tư dường như “bẻ lái” khỏi mảng này để hướng vào những kênh khác an toàn hơn.

Theo thống kê suốt hai thập kỷ vừa rồi, trung bình giá vàng chỉ tăng 8,65%/năm với mức độ rủi ro dự đoán cao đến rất cao, vì thế, 95% nhà đầu tư vàng trên thế giới đều thất bại. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự lên xuống bất thường với tỷ lệ sinh lời không cao trong gần 6 tháng qua. Còn gửi tiết kiệm chưa bao giờ là phương thức đầu tư của người giàu, vì lãi suất thấp và theo thời gian, làm giảm giá trị đồng tiền.

Trong khi đó, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được đánh giá là tốt nhất với tỷ suất sinh lời năm 2018 – 2019 trung bình đạt 20 – 30%/năm. Nhà đầu tư chỉ cần chọn dự án đạt tính pháp lý, cam kết lợi nhuận rõ ràng và quan trọng là “vị trí, vị trí và vị trí”.

Tưởng chừng, kênh này vẫn là xu thế của năm 2020, đặc biệt dành cho giới thượng lưu, những người có tiền thích có tài sản là căn hộ ở vùng biển ấm áp và tuyệt đẹp như Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu hay Quy Nhơn… Thế nhưng, dịch bệnh corona dấy lên trong vài tuần gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, từ đó khiến các nhà đầu tư dè chừng và “bẻ lái” mục tiêu.

Corona virus hưởng đến nhiều ngành hàng cao cấp, kể cả bất động sản nghỉ dưỡng xa xỉ

Sự bùng phát của virus corona tại Trung Hoa đã khiến ngành du lịch toàn cầu và nước ta lao đao, điển hình, bấy lâu nay, cường quốc láng giềng vẫn luôn là thị trường khách nguồn lớn nhất cho du lịch Việt. Vào năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì có đến 5,8 triệu khách Trung, chiếm 32%. Nha Trang (Khánh Hòa) đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nơi đây chiếm đến 70% khách Trung vào năm 2019. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn liên tục bỉ hủy bỏ nhiều cuộc họp và hội nghị để tránh sự lây lan bệnh dịch, từ đó giảm lượng khách MICE và khách doanh nghiệp.

Chưa kể, tính đến thời điểm hiện nay, vô vàn hãng hàng không toàn cầu đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước biến chuyển phức tạp của bệnh dịch, bao gồm Air Canada, American Airlines, British Airlines, Cathay Pacific…

Các khách sạn đã và đang liên tiếp nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua, không chỉ từ khách đoàn, khách công tác mà còn là khách lẻ.

Nhà đầu tư chuyển hướng

Nhận thấy mục tiêu trước mắt đang tồn tại cú trở ngại to lớn, nhà đầu tư nhanh chóng bẻ tay lái, đi đường vòng, và chuyển hướng vào những kênh đầu tư sinh lời khác.

Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hạ Long, Phú Quốc… trong thời gian này sẽ trầm lắng hơn nhiều. Tâm lý của nhà đầu tư đang xáo trộn, nhiều khách chẳng buồn đi xem dự án. Họ giữ thái độ nghe ngóng tình hình và chưa vội đưa ra quyết định đầu tư.

Thế nhưng, trên thị trường bất động sản nói chung, dòng tiền đầu tư vẫn chảy. Nếu ngừng ở phân khúc nghỉ dưỡng, thì phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực như đất nền, nhà ở, và bất động sản khu công nghiệp đang trở thành làn sóng phát triển mạnh mẽ. Tạm thời, bất động sản nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn đã tạo cơ hội cho phân khúc chung cư nội đô và nhà đất tại quận huyện bứt phá.

Tầm nhìn xa: tiềm năng còn lớn

Đại dịch rồi sẽ đến hồi kết thúc, và với tầm nhìn xa, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ quay về quỹ đạo an toàn và tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường.

Giai đoạn trước đó, bất động sản nghỉ dưỡng đã tăng trưởng rất nhanh, vì vậy, thị trường đang cần có thời gian để hấp thụ (cộng thêm tình trạng virus corona bùng phát đã làm chậm quá trình quyết định đầu tư). Trong thời gian này, những dự án mới được cấp phép đã giảm, vì quá trình pháp luật này đang được thực hiện kỹ lưỡng hơn. Chưa kể, khung pháp lý mảng condotel chòn chưa hoàn thiện.

Theo các tổ chức du lịch quốc tế, trong 5 năm nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam được đánh giá cao, do lượng khách tăng vọt (20%/năm, với lượng khách Hàn tăng 20%/năm). Tuy nhiên, so với Thái Lan (thu hút 36 triệu khách/năm), Việt Nam chỉ bằng một nửa với 18 triệu khách/năm. So với quốc gia này, dư địa phát triển du lịch của nước ta vẫn còn lớn. Và để thúc đẩy và thu hút nhà đầu tư, Việt Nam còn nhiều yếu tố để hoàn thiện, trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng, mức độ cam kết lợi nhuận,…


 
Back to top