Bất động sản

6 không gian thiền định với nguồn năng lượng tĩnh tại trên thế giới

Jan 01, 2021 | By Trang Ps

YouTube và Google đồng loạt thiết kế các không gian thiền định cho nhân viên; nhiều ngôi nhà cũng sở hữu phòng thiền riêng biệt, cùng đó là các “thiền đường” mở cửa cho du khách thập phương, tất cả chứng tỏ xu hướng thiết kế này sẽ trở nên phổ biến trong tương lai, đặc biệt khi con người đang khao khát quay về bên trong giữa bao tất bật và xô bồ bên ngoài.

Dưới đây là 6 không gian thiền định thú vị với nguồn năng lượng tĩnh tại mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc.

1/ Phòng thiền của Office Of Things: Thanh lọc tinh thần trong ánh sáng đa sắc màu

Khi bước vào phòng thiền do studio Office Of Things thiết kế cho không gian làm việc, ánh sáng fuschia, tím và chàm sẽ bao phủ lên thân thể bạn. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác thư giãn và dịu êm, giải tỏa những căng thẳng và áp lực sau giờ làm việc.

Cho đến nay, tổng cộng 5 phòng thiền đã được tạo ra tại các văn phòng của YouTube hay Google tại Bay Area của San Francisco. Mỗi phòng thiền đều có ba phần: The Entry, The Ground và The Sky. Nhân viên có thể tiếp cận các phòng này thông qua The Entry, lối đi hẹp có tác dụng làm giảm tiếng ồn (theo nghĩa đen và nghĩa bóng) của văn phòng và thế giới bên ngoài. The Ground bao gồm những vách ngăn uốn lượn bọc vải, ghế dài có nệm và đệm sàn để có thể dựa lưng. Bạn có thể nhìn lên The Sky – Bầu trời, một loạt tấm chiếu sáng trên trần với màu sắc xanh lam, tím đỏ, hồng, có chức năng làm dịu giác quan và thế giới nội tại.

Trái ngược với thiết kế văn phòng, mỗi phòng thiền này mang đến cảm giác siêu thực.  Đây là thiết kế xu hướng của thế kỷ 21, đặc biệt là sau năm 2020, khi thế giới phải làm việc tại nhà do đại dịch Covid-19.

2/ Không gian thiền của Tadao Ando

Không gian thiền do Tadao Ando thiết kế nổi bật với cấu trúc bê tông hình trụ đặt bên ngoài trụ sở UNESCO ở Paris, đóng vai trò như một nơi mà bất cứ ai cũng có thể dừng lại suy tư tĩnh lặng.

Đây là không gian tĩnh lặng tuyệt đối, rõ ràng và “ma thuật”. Một cảm giác trỗng rỗng nơi tâm thức ngay khi bạn vừa bước chân vào.

Bạn sẽ thấy nguồn bóng tối nhất định khi lướt qua nhưng nhanh chóng biến thành nguồn sáng thanh tao ngay khi bạn ở trong đó. Quy mô trống rỗng này khiến tinh thần con người trở nên thanh lọc, an toàn, vừa cô lập vừa vô cùng tự do.

Bất cứ ai ngôi xuống tại không gian này ít khi bị phân tâm, dường như có một hấp lực nào đó đã đào thải mọi phiền muộn ra khỏi nội tại họ.

Tadao Ando được trao giải thưởng Pritzker cùng năm ông hoàn thành không gian thiền này. Vị kiến trúc sư tài hoa đã khai thác thành công nguồn năng lượng trong khối kiến trúc tưởng chừng vô tri vô giác.

3/ Thiền đường trầm tư của Hilarchitects ở miền đông Trung Hoa

Những căn phòng lót gỗ, hành lang rợp bóng mát đến những lối đi trên mặt nước là một trong những đặc trưng thiết kế cho thiền đường này.

Nằm ở vùng ngoại ô nông thôn Thương Châu, không gian trầm tư mặc tưởng này được Hilarchitects thiết kế để du khách tái cân bằng nội tại và tách biệt khỏi nhịp sống xô bồ thường ngày.

Thiền đường được xây dựng trong một dãy gồm 6 đơn vị không gian, hướng tầm nhìn ra vùng đầm lầy rộng lớn. Các cửa sổ mở rộng trên cao phía trước tòa nhà đã được che kín bằng lam thép mỏng, chỉ cho phép một lượng nhỏ ánh sáng tự nhiên lọt vào bên trong, tạo nên phân cảnh tối và phản chiếu cho du khách. Các bức tường ốp bằng gỗ có tông màu ấm, trang trí đơn giản với vài đệm ngồi, băng ghế dài,… Một phần tòa nhà được sử dụng cho các hoạt động như yoga, trà đạo, Ikebana (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản), với ô cửa lớn hướng tầm nhìn ra vườn tre nhỏ ở phía Tây ngôi nhà.

4/ Không gian thiền định bằng bê tông đỏ ở vùng nông thôn Ấn Độ

Ngôi đền bê tông đơn giản này nằm ở ngôi làng gần thành phố Pune của Ấn Độ. Công trình do Karan Darda Architects thiết kế trong một vườn cây chikoo như một tín ngương thờ vị thần Shiva trong Hindu Giáo.

Ngôi đền trông giống như một tác phẩm điêu khắc, cung cấp các không gian thiết yếu cho việc thờ cúng. Có một góc mở ở một trong các bức tường tạo thành lối vào trong với một không gian thiền định nhỏ liền kề để cầu nguyện và trầm tư mặc tưởng trước khi quay lại công việc. Nguồn năng lượng tĩnh tại ở khối kiến trúc tín ngưỡng này mang đến cảm giác an nhiên mạnh mẽ.

5/ Khu thiền định của Ming Gu Design

Ming Gu Design đã thiết kế khu thiền định bằng kính này vào một ngôi nhà lịch sử ở Nam Kinh, Trung Quốc. Khối kiến trúc nhô ra bên ngoài và nhô ra phần chân của cấu trúc hiện có, trông như thể nó ơ lửng trên một khu vực rải sỏi của sân trong.

Bạn có thể kéo rèm xuống ở hai bên cửa kính để điều chỉnh ánh sáng và tạo sự riêng tư. Căn phòng được lắp kính mang tầm nhìn trực tiếp từ bên trong ra những bức tường cũ bao quanh sân, nối liền thiết kế nội thất đương đại với những bức tường truyền thống bên ngoài của ngôi nhà. Cách bố trí ấy khá thú vị ở chỗ, cái cũ đan xen cái mới, nội – ngoại thất gặp gỡ, ánh sáng hòa quyện bóng tối, truyền thống sống cùng đương đại, tạo thành thể hợp nhất cho công trình.

6/ Gian thiền di động của Giovanni Wegher trên bờ hồ miền bắc nước Ý

Gian thiền Riondolo có mặt bằng chỉ 7 mét vuông và cao hơn 5 mét, cho phép vài người sử dụng đồng thời. Wegher thiết kế cấu trúc có thể dễ dàng lắp ráp, tháo rời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến các địa điểm đẹp trên khắp Vườn quốc gia Stelvio ở đông bắc nước Ý.

Mục đích của không gian thiền là dẫn dắt du khách vào những khoảnh khắc riêng tư của thế giới nội tâm, tranh xa cuộc sống xô bồ hàng ngày.


 
Back to top