Phong cách / Đồng hồ

Nhà sưu tập Trần Quỳnh Anh và những kỷ vật thời gian

Oct 27, 2023 | By Hai Yen

Từ chiếc đồng hồ Casio tuổi thơ, cho đến Grand Seiko và Bvlgari Bvlgari trong ngày lễ trọng đại, dường như mỗi chiếc đồng hồ của anh Dennix Zim (Việt Nam) đều là một kỷ vật đầy trân quý.

Là một trong những người sáng lập Vietnam Wristshot từ năm 2014, anh Dennix Zim (tên đầy đủ là Trần Quỳnh Anh) có mối gắn kết sâu sắc với đồng hồ từ khi còn rất trẻ.

Chào anh, rất hân hạnh khi được phỏng vấn anh cho số đầu tiên của tạp chí WOW Vietnam. Anh có thể chia sẻ cơ duyên đưa anh đến thế giới đồng hồ được không?

Tôi vốn có sở thích về đồng hồ từ khi còn rất nhỏ. Cũng giống như hầu hết đứa trẻ khác, tôi đeo chiếc Casio điện tử suốt quãng đời tuổi thơ. Niềm đam mê đó tiếp tục tăng lên mạnh mẽ sau khi tôi tham dự các diễn đàn đồng hồ như Timezone và Watchuseek. Song chỉ đến khi đi làm ở Nhật Bản, tôi mới có điều kiện để theo đuổi đồng hồ. Có một điều khá hay ở Nhật là hầu như ai cũng đeo đồng hồ để đảm bảo giờ giấc. Đó là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn và mua về các mẫu đồng hồ yêu thích. Bộ sưu tập từ đó cũng thành hình.

Chiếc đồng hồ “tử tế” đầu tiên mà tôi có trong bộ sưu tập là chiếc Swatch Irony, do bạn gái cũ tặng mà tôi còn lưu giữ đến bây giờ. Chiếc đầu tiên tôi mua lại là một chiếc đồng hồ Nga, loại chronogaph dùng máy của Poljot ngày xưa. Tôi chọn điểm xuất phát từ đồng hồ Nga, vì đồng hồ Nga, hay nói chính xác hơn là đồng hồ Liên Xô, có vị trí quan trọng trong nhiều thế hệ ông bà, cha anh người Việt Nam, đồng thời có giá cả vừa phải hơn so với đồng hồ từ Thụy Sỹ.

Đọc thêm: 6 mẫu đồng hồ dưới 5,000 USD dành cho người mới bắt đầu sưu tập

Điều gì ở đồng hồ đã thu hút anh đến vậy?

Tôi rất bị cuốn hút trước bộ máy cơ khí của đồng hồ, sau đó mới đến các yếu tố thiết kế, câu chuyện và lịch sử. Theo tôi, đối với một người yêu đồng hồ, việc chiêm ngưỡng bộ máy đẹp là điều hưng phấn nhất. Mặt số đẹp, kim đẹp, đó là điều cần thiết, nhưng không gì có thể qua được bộ máy, “trái tim” của một chiếc đồng hồ.

Với đồng hồ, tôi thường không quá lưu tâm đến thương hiệu mà chỉ chú trọng vào một số mẫu đặc biệt. Tuy nhiên, vì đang sinh sống trên đất Nhật nên tôi dành cảm tình đặc biệt cho thương hiệu Seiko. Grand Seiko cũng là dòng đồng hồ mà tôi luôn muốn có. Bên cạnh đó, tôi cũng dành sự kính trọng đặc biệt cho những thương hiệu như Philippe Dufour và Voutilainen – những thương hiệu độc lập mỗi năm chỉ ra mắt số lượng đồng hồ hạn chế. Ví dụ như chiếc Philippe Dufour Simplicity này được coi là đỉnh cao và hội tụ tất cả những tinh hoa của nghệ thuật hoàn thiện đồng hồ thủ công. Những chiếc này hoàn toàn có thể mua để đầu tư được, vì có thể dễ dàng bán ra với giá rất cao. Nhiều người có đủ tiền nhưng rất ít người có đủ mối quan hệ đặc biệt để sở hữu chúng.

Anh có thể chia sẻ về những chiếc đồng hồ anh đang có được không? Chiếc đồng hồ mà anh yêu quý nhất là gì?

Hiện tại, tôi không có con số chính xác về số lượng đồng hồ mà tôi đang sở hữu. Phần lớn trong số đó đều ở Nhật, chỉ có một số ít là được tôi mang về Việt Nam. Hầu hết đồng hồ mà tôi có đều là các mẫu đồng hồ đặc trưng hay mang tính biểu tượng, như Rolex Submariner, Rolex Explorer I, Rolex Sea-Dweller, Omega Planet Ocean, hay Breitling Navitimer.

Chiếc đồng hồ mà tôi yêu thích nhất là Grand Seiko Spring Drive SBGA003 do vợ tặng trong ngày cưới, cũng là chiếc tôi đeo khi chụp bộ ảnh cưới. Ngoài ý nghĩa tinh thần, đây cũng là chiếc Grand Seiko đầu tiên mà tôi có. Còn một chiếc khác là Bvlgari Bvlgari do bố vợ tôi tặng khi tôi và vợ tôi vừa đăng ký kết hôn. Bố vợ tôi là một người rất thích đồng hồ, thế nên đã dùng đúng bộ đôi biểu tượng này như món quà để chúc mừng chúng tôi. Điều đặc biệt hơn cả là bộ đôi đồng hồ nam – nữ đó chính là đôi bố mẹ vợ tôi đeo từ ngày xưa.

Trong suốt quá trình sưu tập đồng hồ, có chiếc đồng hồ nào mà anh thực sự thích nhưng lại không có cơ hội sở hữu không?

Hiện tại, tôi rất thích mẫu Grand Seiko Snow Flake, nhưng đang chờ phiên bản Hi-Beat 36000. Mặt số đồng hồ khá đặc biệt khi được xử lý trông như lớp tuyết rơi. Để tạo ra được kiểu mặt số này, các nghệ nhân phải thực hiện từ 9 đến 10 công đoạn khá công phu. Bên cạnh đó còn có chiếc Credor Eichi (Limited Edition) – đồng hồ nội địa Nhật phiên bản rất giới hạn. Trong tiếng Nhật, Eichi có nghĩa là trí tuệ. Đúng như tên gọi, có thể nói, bao nhiêu tinh hoa chế tạo đồng hồ của Nhật Bản đều hội tụ ở chiếc đồng hồ này.

Trong tương lai, tôi muốn sẽ tiếp tục mở rộng chứ không đơn thuần là duy trì bộ sưu tập hiện tại. Đối với tôi cũng như các người chơi đồng hồ khác, ý nghĩa là công cụ xem giờ của đồng hồ tuy vẫn còn nhưng phần nào đã được thay bằng ý nghĩa là một đồ trang sức, một công cụ để “thỏa mãn bản thân”, giống như các món đồ xa xỉ khác vậy. Giá của một chiếc đồng hồ tốt không hề rẻ, nhưng một chiếc đồng hồ tốt cũng giống như một bộ vest tốt, một đôi giày tốt, là những vật dụng không thể thiếu của một người đàn ông trong bất kể thời đại nào.

ẢNH: TÙNG CHU


 
Back to top