STYLE / Beauty

Hoàng Anh – Đồng sáng lập Le Tonkin: “Giờ đây, lụa là một lối sống!”

Apr 25, 2020 | By Trang Ps

“Giờ đây, lụa không còn đơn thuần là một sản phẩm mà thể hiện cho một lối sống” – Hoàng Anh, đồng sáng lập Le Tonkin – House of Silk – chia sẻ với niềm say mê của một người trẻ đang trăn trở trên con đường phát triển và lan tỏa chất liệu truyền thống này của Việt Nam.

Liên tục sáng tạo với việc kết nối cộng đồng những nhà thiết kế trẻ cùng nguồn cảm hứng vô tận từ di sản sưu tầm theo hàng ngàn năm lịch sử của văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc Việt Nam, Le Tonkin mang những giá trị tốt nhất trong việc phát triển thương hiệu và sản phẩm tơ lụa ra Thế giới.

Luxuo.vn đã có cuộc trò chuyện cởi mở về lụa – cũng là chất liệu cốt lõi của Le Tonkin cùng đồng sáng lập Hoàng Anh, người từng làm việc ở các nhà mốt hàng đầu thế giới như Christian Dior và Louis Vuitton.

Ra đời vào cuối năm 2019, Le Tonkin đã phát triển nhiều sản phẩm lụa với thiết kế vô cùng tinh tế, duyên dáng và độc đáo. Anh có thể chia sẻ về sứ mệnh của thương hiệu trong bối cảnh thị trường thời trang Việt Nam hiện nay?

Sứ mệnh hướng đến của Le Tonkin là phát triển và bảo tồn những làng nghề truyền thống Việt Nam, bằng cách đương đại hóa sản phẩm, kết hợp mạng lưới nhà thiết kế, từ đó hỗ trợ họ phát triển thương hiệu, sản phẩm và sự sáng tạo. Để bắt đầu, chúng tôi sử dụng lụa, chất liệu truyền thống đặc trưng của nước ta, ngoài ra còn có mây tre đan, sơn mài, kể cả những chạm trổ điển hình khác.

Như bạn thấy, ngành thời trang nói riêng và ngành sáng tạo trên thế giới nói chung phát triển mạnh mẽ suốt thời gian dài vừa qua. Lĩnh vực này đóng góp nguồn tiền khổng lồ cho từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Quá trình phát triển sản phẩm đã dẫn đến bùng nổ lớn về công nghệ sáng tạo. Vì thế, các hãng thời trang lớn trên thế giới đã và đang bắt nhịp tốc độ và tiềm năng này để đầu tư và phát triển lụa, một trong những chất liệu quan trọng nhất. Tại Việt Nam, nhu cầu may mặc hàng năm vô cùng lớn, trong đó, thời trang nhanh vẫn đang chiếm ưu thế mạnh mẽ dù các nhà thiết kế và một số hãng trong nước nỗ lực hướng đến sự bền vững và sinh thái, phù hợp với bối cảnh thị trường quốc tế hiện nay.

Bởi vậy, ngoài đam mê và hoài bão phát triển truyền thống, Le Tonkin đã theo đuổi chất liệu lụa nhằm mang đến các sản phẩm tôn vinh văn hóa Việt lấy cảm hứng từ cái cũ để tạo ra cái mới. Sau khi khảo sát và nghiên cứu các làng lụa đặc trưng ở nước ta, chúng tôi quyết định mang những sản phẩm này đến tay thế hệ tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, trước khi đào sâu vào các chất liệu khác.

Anh Hoàng Anh (trái) đang làm việc với đội ngũ thiết kế.

Tại Việt Nam, nhu cầu may mặc hàng năm vô cùng lớn, trong đó, thời trang nhanh vẫn đang chiếm ưu thế mạnh mẽ dù các nhà thiết kế và một số hãng trong nước nỗ lực hướng đến sự bền vững và sinh thái, phù hợp với bối cảnh thị trường quốc tế hiện nay.

Hiện nay, Le Tonkin đã hợp tác và làm việc với những làng lụa nào và ưu nhược của các làng này đã bổ trợ cho nhau như thế nào, thưa anh?

Chúng tôi hiện hợp tác với làng lụa Nha Xá, Vạn Phúc và Bảo Lộc, cũng là ba nơi sản xuất lụa lớn nhất cả nước.

Vạn Phúc là làng lụa lâu đời nhất Việt Nam, với hơn một ngàn năm tuổi. Nhờ nhịp tay, chân đạp và con thoi đều đặn của người thợ, lụa Vạn Phúc nổi tiếng với bề mặt độc đáo và thú vị, sở hữu kích cỡ hoa văn cổ truyền đa dạng và linh hoạt thay đổi diện tích, từ đó tạo cơ hội sáng tạo lý thú cho người trẻ.

Nha Xá có những loại lụa phổ biến hơn và dễ sử dụng hơn, giá thành cũng dễ đến tay người tiêu dùng hơn. Lụa Nha Xá có thể làm đồ nội thất, đèn lụa, chăn gối đệm, khăn trải bàn… tùy thích. Trong khi đó, làng lụa Bảo Lộc lại là một câu chuyện khác. Nơi đây có quy mô sản xuất lụa chuyên nghiệp. Họ dệt được nhiều loại lụa mang tính hiện đại, bề mặt lụa bền chắc, chất lượng ổn định và độ bóng loáng khác nhau, số lượng kích cỡ đa dạng.

Tuy nhiên, Vạn Phúc vẫn là cơ sở đòi hỏi kỹ thuật thủ công nghiêm khắc hơn. Dựa trên đặc điểm riêng của từng làng lụa mà Le Tonkin sẽ đưa ra nhiều lựa chọn thiết kế thông minh và linh hoạt.

Khi vượt qua mong muốn cá nhân là kiếm thật nhiều tiền qua nét đẹp thì sẽ vượt qua được những khó khăn còn lại.

Hành trình khám phá và hợp tác với các làng lụa truyền thống có gặp khó khăn gì và Le Tonkin đã vượt qua nó như thế nào?

Chúng tôi là những người trẻ thích tìm tòi và khám phá bằng tất cả niềm đam mê. Và thật may mắn, Le Tonkin đã được mọi người ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Trong nhóm chúng tôi có một bạn là người con của làng lụa Vạn Phúc. Bạn ấy còn trẻ và yêu thích việc nghiên cứu những loại lụa mới, cách dệt mới, kích cỡ mới, và các công đoạn nhuộm bao gồm: nhuộm sợi dệt lên vải và nhuộm vải sau khi dệt xong. Bạn ấy tạo ra những yếu tố bất ngờ về hiệu ứng, đó cũng là cơ duyên để chúng tôi bắt tay hợp tác với làng lụa Vạn Phúc.

Sau đó, chúng tôi cùng nhau đi vào Bảo Lộc, Lâm Đồng, và thật bất ngờ là người người làm việc ở đó lại ngạc nhiên tự hỏi tại sao một nhóm bạn trẻ lại có niềm đam mê sáng tạo truyền thống như vậy. Họ là những người thợ thủ công lâu năm và đã được vinh danh, thế nên, họ dễ dàng cảm động và ủng hộ những người trẻ có mong muốn tham gia. Đó là hiệu ứng đáng mừng cho Le Tonkin và các bạn trẻ có niềm khao khát tương tự.

Tôi nghĩ khó khăn đầu tiên của hành trình là lấy được niềm tin của làng nghề. Bởi họ đã tiếp cận với nhiều người, nhiều bạn trẻ, nhiều công ty có mong muốn sử dụng họ. Cùng với đó, bạn phải hiểu, mong muốn lớn nhất của làng nghề là họ được tôn vinh. Khi dùng lụa của làng nào, bạn phải nêu tên minh bạch làng ấy.

Khi chúng ta khôi phục nét văn hóa nào đấy của làng nghề, việc lấy nét văn hóa của họ khôi phục lại và làm kinh tế chỉ là thứ yếu, điều quan trọng hơn cả là mình phải trao lại cho làng nghề ấy những thành quả xứng đáng của họ. Chúng ta phải giúp đỡ và hỗ trợ họ trước tiên, để họ phát triển được nhà làm lụa hay khung cửi, đó là cái đích là Le Tonkin đang trên đà đạt tới, thay vì đến làng vơ vét và bán lại sản phẩm trên thành phố. Khi vượt qua mong muốn cá nhân là kiếm thật nhiều tiền qua nét đẹp thì sẽ vượt qua được những khó khăn còn lại.

Người thợ có tính nghệ sĩ cao, năng lực sản xuất nhất định, vì thế sự mong chờ của ta đối với họ cần thực tế hơn nhằm tránh cảm giác thất vọng.

Khi quan sát các sản phẩm của Le Tonkin, điểm nổi bật là những hình ảnh nghệ thuật đương đại được thực hiện vô cùng tỉ mỉ và tinh thế. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình sáng tạo sản phẩm này?

Đầu tiên, Le Tonkin không muốn tạo ra một sản phẩm riêng của chính mình mà là một sản phẩm độc đáo dưới sự kết nối cộng đồng, sáng tạo trên nền tảng cổ truyền và đương đại. Khi đến một làng nghề, chúng tôi quan sát hoa văn truyền thống và câu chuyện của họ, từ đó phát triển và đương đại hóa câu chuyện lên. Từ cách thức làm việc này, những người tiêu dùng, tín đồ thời trang và người yêu làng nghề sẽ thấy rằng chúng tôi không men theo những cái cũ mà sáng tạo cái mới dựa trên giá dị di sản.

Chẳng hạn, những chiếc khăn lụa lấy cảm hứng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học hàng nghìn năm trước thể hiện truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội, là một sản phẩm như vậy. Ấn tượng đầu tiên của chúng ta là một di tích lịch sử trang nghiêm, cổ kính, nổi bật với những hàng hiên, con tiện màu đỏ. Nhưng, từ góc độ sáng tạo thời trang, chúng tôi đã nhìn văn miếu từ trên không, từ đó hình dung ra một sơ đồ tối giản. Chúng tôi đã vẽ các họa tiết cổ sau đó sắp xếp lại theo thứ tự khác nhau. Quá trình này đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn.

Trong quá trình sáng tạo nào cũng thế, sự cân bằng giữa cái tôi để chứng tỏ bản thân và việc loại bỏ cái tôi để cộng hưởng thiết kế là điều khó khăn và quan trọng nhất. Giờ đây, Le Tonkin đang trên đà đạt được mục đích đó bằng cách cộng tác với nhà thiết kế và các bạn trẻ làm trong lĩnh vực sáng tạo. Như vừa rồi, Le Tonkin đã hợp tác với hai sinh viên trường đại học mỹ thuật để tạo ra những chiếc khăn lụa này.

Chúng tôi cũng có hợp tác với một số hãng thời trang của nhà thiết kế Việt Nam, và gần đây nhất là NTK Phương Anh nhằm đưa lụa quyện hòa vào nét sáng tạo và nữ tính của cô ấy. Chúng tôi hỗ trợ Phương Anh về nguyên vật liệu, kiến thức kinh doanh, sản xuất, phân phối, marketing, sáng tạo, thiết kế và xu hướng… Đó cũng là các bước mà chúng tôi thực hiện khi đồng hành với các NTK tương tự nhằm đạt được sự lan tỏa.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn phát triển tại làng nghề cơ sở, mà tại đó, các bạn trẻ thích thời trang hoặc con em của làng nghề thích thời trang có thể làm việc và sáng tạo tại chỗ.

Từng làm việc tại các nhà mốt hàng đầu như Christian Dior và Louis Vuitton, anh đã học hỏi được kinh nghiệm như thế nào để áp dụng vào thương hiệu Le Tonkin?

Khi làm việc với các hãng thời trang hàng đầu thế giới, tôi nhận thấy có 4 điều cơ bản cần học hỏi. Thứ nhất là sự quan trọng của truyền thống; thứ hai là chất lượng sản phẩm; thứ ba là câu chuyện của họ rất thú vị; và thứ 4 là câu chuyện đó phải thật. Điểm bắt đầu của câu chuyện phải thật và gắn liền với lịch sử thương hiệu, chứ không phải là điều tưởng tượng và hư cấu. Cách phát triển và kết nối câu chuyện độc đáo. Họ không ngại phiêu lưu trong sáng tạo nhưng cuộc phiêu lưu ấy không khiến họ quên mất điểm khởi đầu của thương hiệu ở chỗ nào.

Giống như một cái cây vậy, khi rễ càng bám sâu vào lòng đất, sức vươn của thân và cành lại vô cùng mãnh liệt.

Thương hiệu như Le Tonkin phải xác định được gốc rễ của mình ở đâu và phát triển, vươn cao, lan tỏa trên nền tảng vững chắc đó. Giống như một cái cây vậy, khi rễ càng bám sâu vào lòng đất, sức vươn của thân và cành lại vô cùng mãnh liệt. Chúng tôi đọc rất nhiều sách, sưu tập tư liệu về văn hóa Việt Nam và tư liệu về họa tiết, từ đó tạo ra những kết hợp logic, khéo léo và tế nhị. Sự sáng tạo dựa trên giá trị văn hóa không thể nào quá thoải mái. Chúng tôi cần biết gốc ở đâu, để sáng tạo cẩn thận.

Có những sáng tạo cơ bản nào trong thiết kế của Le Tonkin và mất bao lâu để hoàn thành quy trình sáng tạo phức tạp đó?

Có hai sự sáng tạo cơ bản, đầu tiên là họa tiết truyền thống nhưng có sự sắp đặt và màu sắc mới mẻ; thứ hai là vẽ lại hoàn toàn những nét đương đại. Chẳng hạn những chiếc khăn lụa lấy cảm hứng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám, chúng tôi sử dụng những họa tiết hình học và đám mây kết hợp. Chúng tôi không có ý định vẽ những đám mây mới, bởi vì họa tiết cũ đã rất đẹp. Chúng tôi sắp xếp lại sao cho thú vị hơn.

Để sản xuất một chiếc khăn lụa như vậy, thì đầu tiên là hoạt động vê tay trong vài giờ đồng hồ cho khổ 90×90. Sau đó, chúng tôi bước vào quy trình sáng tạo bằng cách bàn bạc về chủ đề, và trong vòng một tuần, các bạn thiết kế sẽ tư duy sáng tạo, vẽ trên khổ giấy bằng khổ khăn lụa, và điều chỉnh trong độ một tuần nữa. Sẽ mất 3 ngày để đồ lại trên máy tính và mất khoảng vài tuần để chế tác trên bản in kẽm, in lưới, tiếp đó là đổ màu sáng tối đậm nhạt khác nhau. Việc sản xuất không chiếm nhiều thời gian, riêng quá trình sáng tạo này sẽ mất khoảng hơn một tháng.

Nếu quá sa đà vào sáng tạo thì sản phẩm có thể gặp phải tình huống không bán được hoặc bán với giá quá cao từ đó hạn chế tính lan tỏa, nhưng nếu quá sơ sài trong thiết kế thì khó được trân trọng. Thế nên, Le Tonkin phải đạt đến điểm cân bằng gần nhất.

Hẳn là anh cũng có lý do riêng khi lựa chọn những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và sự dạn dĩ để hợp tác?

Khi lựa chọn cộng tác viên, chúng tôi không quá chú tâm vào sinh lực sáng tạo dồi dào mà là những người (đặc biệt là bạn trẻ) sở hữu tư tưởng nhạy bén về nét nghệ thuật đương đại. Họ có khả năng nhìn thấy điều gì đó mới mẻ trong nét văn hóa cụ, có sự hài hước thú vị nào đó trong sáng tạo. Những đặc điểm đó khiến tôi tò mò hơn và có cảm giác muốn phiêu lưu cùng.

Hiện sản phẩm nào chiếm đa số tại gian hàng của Le Tonkin và tại sao? Bên cạnh đó là những sản phẩm nào khác, thưa anh?

Khăn lụa hiện là sản phẩm chính trong danh mục của Le Tonkin. Và chúng tôi cũng khuyên khách hàng rằng với chất liệu lụa, đầu tiên họ nên làm quen với chiếc khăn lụa vì đó là sản phẩm dễ dùng và dễ khoe; sau đó mới đến váy lụa, đầm lụa, đồ nội thất và chăn ga gối đệm lụa. Giờ đây, lụa là một lối sống thay vì là sản phẩm.

Bạn có thể dùng lụa ở bất cứ đâu, từ trang phục, phụ kiện túi xách hay đồ ngủ. Lụa là chất liệu tự nhiên, thoáng mát, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và có chất kháng khuẩn cao. Le Tonkin cũng đang hướng đến các mỹ phẩm từ tơ tằm vì chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, có thể chế tác thành mặt nạ hoặc sữa rửa mặt.

Bên cạnh khăn lụa, Le Tonkin còn có quần áo thời trang nam nữ, veston may đo, phụ kiện, túi… bằng chất liệu lụa và trang sức sơn mài. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến đến mảng nội thất, chăn ga gối, rèm cửa bằng lụa.

Giờ đây, lụa là một lối sống thay vì là sản phẩm.

Trước đây, người ta thường nghĩ lụa là mềm mại, mỏng manh và phất phơ. Bản chất là việc sử dụng sợi dệt từ tơ tằm nhưng cách dệt quyết định đến chất liệu. Có những loại lụa có độ cứng, dòn giúp tạo phồng và tạo dáng tốt. Từ đó, với công nghệ và tài năng con người, chức năng của lụa sẽ không còn được đặt vào khuôn có sẵn.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Bài: Trang Ps | Ảnh: Le Tonkin cung cấp.

 


 
Back to top