STYLE / Beauty

Phong trào Bauhaus và những dòng chảy ngầm trong thời trang

Aug 31, 2020 | By Hai Yen

Đã hơn mười thập kỷ kể từ ngày Bauhaus – một trong những phong trào mang tính bước ngoặt nhất trong lịch sử nghệ thuật và thiết kế – ra đời. Được thành lập bởi kiến trúc sư người Đức Walter Gropius, học viện Bauhaus nổi tiếng với cách tiếp cận nghệ thuật một cách tổng quát và đề cao cả tính thẩm mỹ lẫn công năng sử dụng, điều rất kỳ lạ và đi ngược lại với đa số cơ sở khác thời bấy giờ khi họ chỉ xem trọng một trong hai.

Ảnh hưởng của phong trào này là không thể chối cãi, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế đồ gia dụng và kiến trúc. Suốt mười bốn năm hoạt động, trước khi bị buộc phải đóng cửa do không được chu cấp kinh phí từ chính quyền, trường Bauhaus đã đào tạo ra nhiều tên tuổi lừng lẫy. Các nghệ sĩ nổi bật trong phong trào này có thể kể đến như Anni và Josef Albers, László Moholy-Nagy, và Wassily Kandinsky. Một số là các nhà tiên phong về kiến trúc và thiết kế như Marcel Breuer, Ludwig Mies van der Rohe, và Le Corbusier. Sự đóng góp của họ đã biến Bauhaus trở thành phong trào đại diện cho thế giới hiện đại.

Triết lý Bauhaus đề cao tính đơn giản, tiện ích và chức năng với tầm nhìn hướng tới tương lai. Phong trào này đã biến đổi hình thái của nghệ thuật, lược bỏ sự cường điệu của phong trào Art Nouveau. Các nhà thiết kế theo phong cách Tối Giản (Minimalism) đã sớm học hỏi và đưa Bauhaus vào thời trang với những sắc thái mới và vô cùng cụ thể, để dù trải qua hơn một thế kỷ, triết lý này vẫn giữ trọn vẹn giá trị và quan điểm qua từng đường nét hình học, cấu trúc mang tính ứng dụng.

Wassily Kandinsky Gelb, Rot, Blau - Wassily Kandinsky (1925)

Wassily Kandinsky Gelb, Rot, Blau – Wassily Kandinsky (1925)

Nội thất mang phong cách Bauhaus

Nội thất mang phong cách Bauhaus

Và khi nói về Tối Giản, không thể không kể đến huyền thoại Jil Sander với những thiết kế tinh tế cùng bảng màu trung tính. Sự sang trọng của thương hiệu vẫn luôn được gìn giữ, dù hợp tác cùng thương hiệu giày Puma để làm mới mẫu giày King Sneaker vào năm 1996, hay bộ sưu tập +J của Uniqlo năm 2009 mang đậm tinh thần cấp tiến của triết lý Bauhaus.

Triển lãm Jil Sander: Present Tense

Triển lãm Jil Sander: Present Tense

Mùa Thu-Đông 2016, Jil Sander trình làng những trang phục với cấu trúc mạnh mẽ, tập trung khắc họa vẻ đẹp của ánh sáng và bóng tối, thông qua sự cộng hưởng với tác phẩm của họa sĩ László Moholy-Nagy về chuyển động và ánh sáng. “Tầm nhìn mới mẻ” của các nghệ sĩ này đã truyền cảm hứng cho Rei Kawakubo giới thiệu các sáng tạo đầu tiên của Comme des Garçon mang đậm hơi thở Avant-Garde vào năm 1981. Gần bốn thập kỷ sau, thương hiệu Khaite đã trình làng một phiên bản đơn giản, đề cao tính ứng dụng nhưng cũng đầy nữ tính trong mùa Thu-Đông 2019.

Triển lãm của Rei Kawakubo tại bảo thàng Metropolitan, New York

Triển lãm của Rei Kawakubo tại bảo tàng Metropolitan, New York

Một điểm khác trong phong cách Bauhaus chính là các đường kẻ, hình học và gam màu cơ bản (Trắng-Đen-Đỏ-Vàng-Lam). Thương hiệu Emilio Pucci từ lâu đã sử dụng các họa tiết góc cạnh, không màu sắc trong các thiết kế của mình kể từ khi thành lập vào năm 1949. Mary Quant, người tiên phong của những chiếc váy ngắn những năm 60, đã kết hợp những chiếc váy lệch trẻ trung với họa tiết hình học và quần bó màu sắc rực rỡ xuyên suốt sự nghiệp.

Hiình ảnh chiến dịch của Mary Quant

Hiình ảnh chiến dịch của Mary Quant

Đây cũng được gọi là Kỷ nguyên bay vào không gian với hàng loạt tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật. Từ đó, nhà thiết kế người Pháp André Courrèges đã mang đến những ý tưởng độc đáo, kế thừa tinh hoa của Bauhaus bên cạnh “little white dress” và những đôi boot trắng mũi nhọn đầy mới mẻ.

"Little White Dress" bởi André Courrèges

“Little White Dress” bởi André Courrèges

Đỉnh điểm là mùa Thu-Đông năm 1965, khi Yves Saint Laurent đưa mảng màu của Mondrian (một trong những họa sĩ nổi bật của phong cách De Stijl – Tân Tạo Hình) vào các mẫu đầm hình thang, đề cao sự ảnh hưởng qua lại của thời trang và nghệ thuật.

Thiết kế mang tính biểu tượng của Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ bức tranh của họa sĩ Mondrian

Thiết kế mang tính biểu tượng của Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ bức tranh của họa sĩ Mondrian

Một nhà thiết kế khác là Miuccia Prada cũng đã đưa những quy chuẩn về màu sắc và đường nét kiến trúc vào mẫu túi Ouverture 2014, trong khi Junya Watanabe phô diễn khả năng bậc thầy thông qua màu sắc tươi sáng và phom dáng táo bạo của Comme des Garçons Xuân-Hè 2015.

Commes Des Garcons Xuân-Hè 2015

Commes Des Garcons Xuân-Hè 2015

Còn với nhà thiết kế gốc Hy Lạp Mary Katrantzou, dự án hợp tác cùng Adidas và Longchamp là kết quả của quá trình nghiên cứu các phong trào nghệ thuật thông qua việc kết hợp các họa tiết đồ họa Bauhaus, dựa trên chi tiết trang trí thời Vitoria mùa Thu-Đông 2018.

Mary Katrantzou Thu-Đông 2018

Mary Katrantzou Thu-Đông 2018

Sự hợp tác liên ngành cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phổ biến của phong cách này trong thời trang. Thương hiệu thời trang Thụy Điển Acne Studios đã hợp tác với nhiều cá nhân, tổ chức cả trong lẫn ngoài ngành bao gồm Bianchi Bicycles, Fjällräven, Lanvin, Lord Snowdon, cũng như các nghệ sĩ Katerina Jebb, William Wegman và Hilma af Klint. Mùa Xuân-Hè năm 2017, đội ngũ thiết kế của Vetements đã hợp tác cùng 18 thương hiệu ở đa dạng lĩnh vực như Carhartt, Reebok, Juicy Couture, Manolo Blahnik, Brioni và Kawasaki, để sáng tạo lại các thiết kế nguyên bản và đậm chất hiện đại.

Rick Owens Thu-Đông 2019

Rick Owens Thu-Đông 2019

Thẩm mỹ của Bauhaus cũng được truyền tải một cách đầy sức sống nơi thương hiệu Paul Smith — những mẫu caro và kẻ sọc năm 2015 của nhà thiết kế này đã bị ảnh hưởng bởi chuyến du lịch của Josef và Anni Albers đến Mexico. Sau đó, vào mùa Thu năm 2018, bộ sưu tập hợp tác cùng Anni Albers được ra mắt với những mẫu quần áo dệt kim lấy cảm hứng từ hàng dệt may truyền thống, sự liên kết trong sáng tạo và nghệ thuật của mỗi bên.

Jackie Brown diện trang phục bằng xích bạc của Paco Rabanne năm 1967

Jackie Brown diện trang phục bằng xích bạc của Paco Rabanne năm 1967

Công nghệ và tương lai là những chủ đề nổi bật của phong trào Bauhaus được thực hiện hóa như những tác phẩm vị lai trong thời trang. Paco Rabanne đã sáng tạo ra một thiết kế bằng nhựa, kim loại vô cùng tối tân trong bộ sưu tập đầu tiên với “Twelve Experimental Dresses”, mười hai chiếc váy mang tính thể nghiệm. Và ngay trước cả Y2K, sự cố máy tính lịch sử, Alexander McQueen đã hình dung ra cách mà thế giới vận hành với toàn máy móc, Alexander mang đến một bộ jumpsuit đính đèn LED với ánh sáng được phản chiếu qua mặt nước của sàn runway Givenchy Thu-Đông 1999.

Và với bộ sưu tập cuối cùng trong cuộc đời, Plato’s Atlantis, các người mẫu của Alexander McQueen xuất hiện với những bộ trang phục mô phỏng theo các loài sinh vật biển kỳ lạ dưới đại dương, bọc mình trong lớp vảy bò sát và giày Armadillo vào mùa Xuân-Hè 2010, vẽ nên một tương lai kỳ lạ.

Hussein Chalayan mang đến những thiết kế kỳ diệu tự động biến đổi trong bộ sưu tập năm 2007

Hussein Chalayan mang đến những thiết kế kỳ diệu tự động biến đổi trong bộ sưu tập năm 2007

Thời trang, công nghệ và nghệ thuật luôn là những thái cực được kết hợp một cách tuyệt vời trong các tác phẩm vô cùng sáng tạo của Hussein Chalayan. Từ những chiếc váy biến hình năm 2007 của ông với các động cơ siêu nhỏ điều chỉnh các đường viền và chiều dài áo. Cuối năm đó, ông cũng giới thiệu chiếc váy với hơn 15.000 đèn LED để thể hiện những dải sáng tuyệt diệu nhấp nháy trong bóng tối.

Còn với Thierry Mugler, tính lập dị và vị lai của ông được phô diễn thông qua những chiếc áo nịt ngực mang hình xe máy, chiếc áo choàng La Chimère,… trong bộ sưu tập Thu-Đông 1997. Đây được xem là những khoảnh khắc mang tính cách mạng trong việc đưa công nghệ vào thời trang và vẽ nên chân trời mới cho thế hệ tiếp theo tiếp tục khai phá.

Vetements Xuân-Hè 2017

Vetements Xuân-Hè 2017

Phong trào Bauhaus đã đi vào thời trang qua hàng thập kỷ qua với vô số tác phẩm từ tối giản, ít màu sắc đến rực rỡ và cầu kỳ. Đó vẫn luôn là nguồn cảm hứng dạt dào để các nhà thiết kế tạo nên những cột mốc nổi bật trong lịch sử. Và chắc chắn, ở những thế kỷ tiếp theo, những nguyên tắc của phong trào tuyệt vời này vẫn sẽ được thể hiện trên các tác phẩm phi thường của tương lai.

Hiếu Lê | Theo Jennifer Sauer trên CR Fashion Book


 
Back to top