CITY GUIDE / Wealth

Giới siêu giàu nước Mỹ – Góc nhìn soi mói từ kẻ trong cuộc

Jul 15, 2022 | By Bảo Châu

Tác phẩm của Ellison khiến ta suy nghĩ, không chỉ về sự tồn tại của một giai cấp đang thống trị nước Mỹ, mà còn là những ranh giới vô hình về sự giàu có, quyền lực và chủng tộc đã tạo nên nó.

Giới siêu giàu nước Mỹ

“Tôi liếm đồ ăn vụn từ bàn của ngài được không?”, 2020

Nhìn vào chủ thể trong bức ảnh “Mama” (2016) của nhiếp ảnh gia Buck Ellison, ta thấy một người phụ nữ mặc vest bên ngoài áo cổ lọ, tóc buộc gọn gàng cùng bộ móng chỉn chu. Cấu trúc chiếc áo tạo nên một đường cong duyên dáng trên vòng eo, hoàn hảo như tượng tạc. Hiệu ứng đồng hồ cát càng được tăng cường nhờ hai vạt áo xòe rộng. Chất liệu vải trông cũng rất xa hoa. Trông cô không có gì đặc biệt, nếu ta không nói đến ánh hào quang của sự giàu có xung quanh cô, lặng lẽ như bàn chân bước trên thảm dệt Ba Tư. Như Emily Posts từng viết trong quyển “Nghi thức:” New Money ồn ào, Old Money âm thầm.

“Mama,” 2016

Cuộc sống và gu thẩm mỹ của giới thượng lưu, hay Old Money, tại Vùng đất Tự do là đối tượng chính trong những tấm ảnh tĩnh vật và phong cảnh sắp đặt của Buck Ellison. Những biểu tượng về giới siêu giàu có mặt ở khắp nơi: một thương hiệu áo thun cụ thể, trường học thuộc Ivy League… Nhân vật trong ảnh như bước ra từ một quyển catalogue của J. Crew. Họ là người da trắng, dĩ nhiên, và được đặt giữa những chiếc xe hơi Land Rovers sáng bóng, trên sân golf rộng miên man hay bên cạnh bàn bếp làm bằng đá cẩm thạch.

Trên một phương diện nào đó, những tấm ảnh này là một hình thức mới trong truyền thống “tái hiện vẻ huy hoàng” của những người giàu có nhất thời đại, thay cho vải ren phong cách Baroque trong bức tranh sơn dầu là bộ lông cừu Vineyard Vines trong tấm hình kỹ thuật số. 

Giá như những nhân vật này thực sự thuộc giới siêu giàu da trắng.

Làm việc tại Los Angeles, Ellison chỉ thuê người mẫu và diễn viên địa phương làm thế phẩm cho giới “thuần huyết” trong tác phẩm của mình. Anh đặt họ vào trong những khung cảnh được sắp xếp tỉ mẩn đến từng chi tiết. Sự xếp đặt này là thứ phân biệt Ellison với những nhiếp ảnh gia chân dung và phong cách sống khác. Ellison khiến ta suy nghĩ, không chỉ về sự tồn tại của một giai cấp đang thống trị nước Mỹ với những quy tắc và phong cách thường xuyên bị châm biếm, mà còn là những ranh giới vô hình về sự giàu có, quyền lực và một chủng tộc đã tạo nên nó.

“Ai sở hữu New York?,” 2020.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, người giàu không đơn giản chỉ “giàu” nữa. Họ giàu một cách phi lý, một cách khó hiểu, thậm chí là giàu một cách thảm khốc. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp đã đưa ra nhận xét này trong cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21,” báo trước về một thời đại hoang tưởng, mê thuyết âm mưu như hiện tại. Ông viết: “Đối với hàng triệu người, ‘giàu có’ đồng nghĩa với vài tháng tiền lương trong tài khoản tiết kiệm, hoặc lãi suất vay mượn thấp, một chiếc xe hay vài mảnh đồ nội thất. Nhưng trong thực tế, ‘sự giàu’ được ít người tiếp cận đến mức hầu hết xã hội không thể nhận thức được ý nghĩa của nó, đến nỗi một số người nghĩ rằng ‘giàu’ là một thực thể bí ẩn hay siêu thực.”

“Untitled (Christmas Card #8),” 2017.

Đối với Ellison, những người thuộc giới siêu giàu không hề bí ẩn. Trái lại, họ là đồng hương, gia đình, là một phần tuổi thơ. Ellison lớn lên trong một gia đình giàu có, mặc dù họ sinh sống trong khu vực Bay Area vốn thuộc về New Money. Trông anh cũng giống thượng lưu: cao ráo, khuôn mặt chữ điền, mang dáng vóc của một tay chơi thể thao khi còn học đại học, trên tay đeo chiếc Rolex của người ông quá cố. Anh thừa nhận là người đồng tính khi còn là một thiếu niên, và điều này đã khiến anh xa lánh gia đình, đủ xa để có một cái nhìn khách quan.

Nhưng điều đó không giúp ích gì nhiều cho sự nghiệp của Ellison. Anh chia sẻ: “Tôi gần như phải come-out một lần nữa với nhiếp ảnh.” Khi đang học thạc sĩ tại ngôi trường Städelschule nổi danh tại Frankfurt, trong khi hầu hết sinh viên lựa chọn những chủ đề thâm thúy, cao siêu, Ellison cảm thấy xấu hổ khi thích thú trước bức ảnh của xe Range Rovers.

Giới siêu giàu nước Mỹ

“Untitled (Christmas Card #6),” 2017.

Thành thực mà nói, sự xấu hổ này là một phần “di sản văn hóa” đi kèm với gia thế khủng. Khi sản xuất những bức hình này, Ellison đã vi phạm quy luật bất thành văn: Không được nói chuyện tiền bạc. Khi bạn có tiền, bạn luôn có tiền, và mọi người nghĩ bạn sẽ luôn luôn có tiền, nhắc đến tiền bạc là việc bất khả vì nó mang đến sự ngờ vực, dấy lên câu hỏi rằng bạn có xứng đáng với số tiền đó không. Thoát ra khỏi sự cấm đoán này, Ellison là kẻ phản bội giai cấp.

“Rõ ràng sự bất công đang được duy trì bởi chính sự im lặng của chúng ta”

Trong khi những nhiếp ảnh gia khác chỉ đơn giản mô tả giới siêu giàu, và hầu hết mọi tác phẩm đều có thể được xem là tác phẩm biếm họa, Ellison nắm bắt cuộc sống của họ, đưa họ ra trước ánh mắt chỉ trích của công chúng – Điều mà chỉ một người trong giới có thể làm được. Thứ họ kế thừa không chỉ là tiền, hay chìa khóa xe hơi sang trọng, hay đồng hồ Thụy Sĩ đẹp đẽ, mà còn là quyền lực. Truyền thống này có lợi cho một vài người, nhưng những mặt bất cập đều được san sẻ cho tất cả chúng ta. 

Theo: The NewYoker 


 
Back to top