Tuyết Nguyệt Hoa trong thi của Bạch Cư Dị và trong hoạ của Utagawa Hiroshige
Tuyết Nguyệt Hoa trong thơ Bạch Cư Dị và trong loạt bản hoạ Meisho Setsugekka của Utagawa Hiroshige, người được coi là bậc thầy cuối cùng của dòng nghệ thuật ukiyo-e.
Tuyết Nguyệt Hoa (雪月花, setsu-getsu-ka hay setsu gekka) là một cách diễn đạt và chủ đề truyền thống trong nghệ thuật Nhật Bản, được cho là bắt nguồn từ bài thơ “Ký Ân Hiệp Luật” của nhà thơ Bạch Cư Dị thời Đường (Trung Quốc). Chủ đề Tuyết Nguyệt Hoa trở nên rất phổ biến vào cuối thời Edo. Trong tiếng Nhật, Setsugekka (Tuyết Nguyệt Hoa) là một cụm từ hoán dụ nhằm ám chỉ cảnh đẹp của thiên nhiên.
Bạch Cư Dị (772 – 846), tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ và Tuý Ngâm tiên sinh, người Hạ Khê, nay thuộc Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông là thi nhân tiêu biểu nhất cuối thời Đường và là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc.
Thi phú của Bạch Cư Dị ảnh hưởng nhiều đến lịch sử văn học Nhật Bản, và thường được nhớ đến với tên tự Bạch Lạc Thiên (白 樂天) qua vở kịch Noh nổi tiếng, “Haku Rakuten” – kể về vị thần thơ ca của Nhật Bản đã xua đuổi nhà thơ Bạch Cư Dị của Trung Quốc ra khỏi Nhật Bản vào 500 năm trước [một sự ám chỉ tính ảnh hưởng, bởi Bạch thi sĩ chưa bao giờ đến Nhật Bản], nhằm khẳng định phẩm chất và quyền tự chủ của thơ ca Nhật Bản.
Hương Sơn cư sĩ sáng tác bài thơ “Ký Ân Hiệp Luật” nhằm gửi đến một bạn cũ ở Giang Nam tên Ân Hiệp Luật (Yin Yaofan), người đã cùng ông trải qua 5 năm nhàn rỗi rong chơi, cuối cùng vẫn là “một sớm sự đời tản mác tựa mây trôi”.
Trích trong bài thơ có đôi câu:
“Cầm thi tửu bạn giai phao ngã,
Tuyết nguyệt hoa thì tối ức quân”
Tạm dịch nghĩa rằng:
Đàn, thơ, rượu và bạn hữu đều rời bỏ tôi.
Mỗi khi “tuyết nguyệt hoa”, chính là lúc tôi nhớ đến người nhiều nhất.
Tuyết Nguyệt Hoa trong câu thơ của Bạch Cư Dị chứa đựng hàm ý để nói về cảnh đẹp của nhân gian. Nhưng tiếc thay, mỗi khi thưởng ngoạn phong hoa tuyết nguyệt hữu tình, chỉ thấy u sầu vì thiếu vắng người bạn tri kỷ.
Utagawa Hiroshige (1792 – 1858) là một nghệ sỹ ukiyo-e và được coi là bậc thầy cuối cùng của dòng nghệ thuật này. Ông nổi tiếng với nhiều loạt bản hoạ phong cảnh Nhật Bản, như “Năm mươi ba trạm nghỉ của Tōkaidō” (loạt bản hoạ khổ ngang), “Trăm danh thắng Edo” (loạt bản hoạ khổ dọc) và “Tuyết, trăng và hoa ở những địa điểm nổi tiếng” (hay Meisho Setsugekka).
Chủ đề sáng tác của Utagawa Hiroshige không đơn thuần chỉ là ukiyo-e (phù thế hội), mà còn hướng tới bijin-ga (mỹ nhân hoạ), yakusha-e (tranh vẽ nghệ sỹ kịch kabuki) và một số khác là về những kỹ viện của Nhật Bản thời Edo (1603 – 1868).
Đối với các học giả và nhà sưu tầm, Utagawa Hiroshige được ví như một trong những đại diện cuối cùng của ukiyo-e, cái chết của ông đồng thời cũng là dấu mốc mở đầu cho sự thoái trào nhanh chóng của trường phái này, đặc biệt là khi đối mặt với phong trào Tây hóa trong Cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868. Sau khi Nhật Bản buộc phải mở cửa giao thương, các tác phẩm của Utagawa Hiroshige bắt đầu được truyền đến Âu Châu trong những năm 1870, từ đó gây ảnh hưởng đến giới hội hoạ phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, dẫn đến sự ra đời của Chủ Nghĩa Nhật Bản (Japonisme, thuật ngữ được sử dụng lần đầu năm 1872).
Các nghệ sỹ như Édouard Manet và Claude Monet từng sưu tầm và nghiên cứu tác phẩm của Utagawa Hiroshige. Danh hoạ Vincent van Gogh còn được cho là đã sao chép lại hai bản hoạ trong loạt “Trăm danh thắng Edo” của Utagawa Hiroshige.