BUSINESS OF LUXURY

Tôi học được gì: 10 bài học từ Phil Knight – Người đứng đầu đế chế Nike

Nov 21, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Làm thế nào để có thể thành lập được 1 trong những công ty thể thao lớn nhất và mang tính biểu tượng nhất thế giới, đồng thời xây dựng nên một gia tài hàng tỷ USD?

Phil Knight, nhà sáng lập của công ty Nike, đã tiết lộ câu trả lời trong cuốn sách bán chạy nhất của mình “Shoe Dog: A Memoir by the Creator of Nike” (tựa Việt: Gã nghiện giày – Tự truyện của nhà sáng lập Nike). Dưới đây là 10 bí quyết quan trọng nhất để thành công mà ông đã chia sẻ trong cuốn sách của mình.

Phil Knight – Nhà sáng lập đế chế giày thể thao NIKE – ECCthai
Chân dung tỷ phú Phil Knight

Đừng lãng phí những năm tháng tuổi 20, hãy cố gắng hết sức để học hỏi và khám phá 

Sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua 1 năm trong hải quân, chàng trai Phil Knight 24 tuổi quyết định thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới. Khi ấy là đầu những năm 1960, và đi du lịch vẫn còn được xem là chuyện lạ lùng và đắt đỏ. Knight đã xin tiền bố mẹ, rồi lên máy bay tới Hawaii.

Trong những tháng tiếp theo, Knight tiếp tục chuyến đi vòng quanh thế giới của mình và đi tới Nhật Bản, Hong Kong, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Kenya, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Pháp, Anh, cùng một vài nước khác. Nhiều bài học về lịch sử, văn hóa, và kinh tế trong những chuyến đi này đã được ông nhớ mãi và áp dụng vào cuộc sống.

Dù có thế nào, hãy tin vào những gì mình làm

Công việc đầu tiên của Knight là bán các bộ bách khoa toàn thư ở Hawaii. Công việc thứ hai của ông là bán chứng khoán. Ở công việc đầu tiên, ông đã làm rất tệ, và chỉ đạt mức “thường thường” ở công việc thứ hai. Knight nghĩ mình là người hướng nội nên có lẽ nghề nhân viên bán hàng (sale) là không phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, khi chuyển sang bán giày, chính ông cũng ngạc nhiên khi thấy mình gần như là “bậc thầy” ngay từ những ngày đầu tiên.

Pin em JWQ

Tại sao? Vì lần này, Knight đã tin vào những gì mình làm. Khi còn học Đại học Oregon, ông là vận động viên điền kinh của đội tuyển trường. Knight chạy vì ông giỏi chuyện đó, ông thích làm điều đó, và muốn chiến thắng trong mọi cuộc đua. Tinh thần này sẽ khiến ông trở thành một người bán giày đáng tin cậy. Đây là sản phẩm ông tin vào, đó là môn thể thao ông đặt trọn niềm tin, vì vậy, ông đã làm nó bằng cả tâm hồn mình.

Just do it – Cứ làm thôi

Khi đi du lịch vòng quanh thế giới, Knight có một ý tưởng “điên rồ” là trở thành nhà phân phối ở Mỹ cho một công ty quần áo Nhật Bản. Ở những năm 24 – 26 tuổi, dù không có tiền lẫn công ty, và cũng không có nốt thành công trong việc bán hàng, nhưng Knight vẫn lên tàu lửa đi từ Tokyo đến Kobe, và sắp xếp một cuộc gặp với các nhà quản lý đến từ Onitsuka, một công ty Nhật Bản rất nổi tiếng với những chiếc giày mang thương hiệu Tiger.

Khi được hỏi rằng liệu có phải ông đang đại diện cho công ty nào đó không, Knight đã trả lời là có (dù thật sự khi ấy ông chưa hề thành lập công ty). Vài năm sau, ông lại khiến đối tác tin rằng ông có một văn phòng ở bờ Đông nước Mỹ trong khi sự thật vẫn là không hề có. Thậm chí, ông cũng đã cam kết về việc mua một số lượng giày nhất định dù khi ấy không đủ tiền để trả trước.

Dù vậy, trong mỗi trường hợp trên ông đều làm đúng theo những gì mình đã từng nói dối: lập ra một công ty (ban đầu là Blue Ribbon, sau này đổi tên thành Nike), mở một văn phòng đại diện Bờ Đông ở Wellesley (bang Massachusetts), và trả đủ tiền cho đơn hàng của mình.

Tìm những đối tác đáng tin cậy, trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân

Từ những ngày đầu, Knight đã gầy dựng công ty với sự giúp đỡ của vài nhân viên trung thành: họ là các cựu vận động viên cùng trường đại học hay ở các đội tuyển từng cạnh tranh với ông, là cựu huấn luyện viên của ông, là một số kế toán và luật sư đáng tin cậy,… Knight đã đặt toàn bộ niềm tin vào họ.

Và ngược lại, họ cũng tin vào ông: bố mẹ của một trong những nhân viên ban đầu thậm chí còn trao cho Knight những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng khi công ty ông cần tiền. Họ làm thế bởi vì “Nếu bạn không tin vào công ty mà con trai mình đang làm việc thì còn tin ai?”

Ngoài ra, Knight bắt đầu hẹn hò với Penny – người mà ông đã kết hôn sau này khi ông khoảng 30 tuổi, và bà là người đã có tác động sâu sắc tương tự đến ông. “Bà ấy không phải là bạn gái, mà là bạn đời”, Knight nói. Lúc đầu, Penny giúp ông với vai trò là người kế toán đầu tiên của Blue Ribbon. Sau đó, bà trở thành chỗ dựa vững chắc trong gia đình. Từ cuốn tự sự của Knight, có thể thấy rõ ràng là ông xem những nhân viên ban đầu ấy, cùng với công ty và người bạn đời, là một phần rất quan trọng trong thành công sau này của mình.

Phil Knight's memoir emphasizes family, glosses over controversy (review) - oregonlive.com
Phil Knight cùng vợ của mình – bà Penny Knight

Liều lĩnh là điều không nên, nhưng khi làm, hãy “tất tay”

Knight đã làm công việc toàn thời gian với hai vị trí là kế toán và trợ lý giáo sư trong vài năm, trong khi ban đêm và cuối tuần sẽ là thời gian để phát triển cho Blue Ribbon. Chỉ vài năm sau, ông ấy bỏ những công việc toàn thời gian kia để dành toàn bộ công sức cho công ty riêng của mình.

Lý do Knight làm như vậy một phần vì ông không chắc công ty khởi nghiệp của mình sẽ thành công hay không, và một phần vì ông cũng cần thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống của mình. Nhưng khi ông quyết định dốc toàn lực với Blue Ribbon, ông đã “chơi tất tay” theo đúng nghĩa đen. Ông đã gần như đặt cược toàn bộ căn nhà, bằng cách cầm cố căn nhà của mình để đổi lấy một khoản vay cho công việc kinh doanh.

Một trong những cửa hàng đầu tiên của Phil Knight – Blue Ribbon Sports với bước đầu hoạt động như một nhà phân phối cho công ty đóng giày Onitsuka Tiger của Nhật Bản

Hãy chắc chắn rằng luôn biết mình muốn gì, và không ngần ngại nói ra điều đó

Dần dần, Knight đã học được cách đàm phán các thỏa thuận kinh doanh, trong đó gồm những thỏa thuận về tài chính, sản xuất, phân phối và hợp đồng lao động. Ông cho rằng điều rất quan trọng trong việc đàm phán là biết những gì mình muốn, và không ngần ngại chia sẻ điều đó với đối phương.

Chẳng hạn như, đối với một đối tác tài chính, Knight dã chia sẻ thẳng thắn rằng ông sẽ không chấp nhận việc công ty đó nhận được bất kì cổ phiếu nào ở Blue Ribbon – công ty đó sẽ chỉ được phép cho Blue Ribbon vay tiền. Ngoài ra, với một trong những nhà cung cấp ban đầu, Knight thể hiện cho họ thấy rõ việc giao hàng đúng hạn là quan trọng như thế nào. Bằng cách trình bày rõ ràng về những mục tiêu của mình, ông đã tránh được những hiểu lầm và sai sót về sau.

Luôn có kế hoạch B

Một trong những bài học quan trọng nhất của Knight là khi ông biết rằng nhà cung cấp giày duy nhất của mình là Onitsuka đã bí mật làm việc với các nhà phân phối khác tại Mỹ, và loại Knight ra khỏi cuộc chơi. Ngay khi phát hiện ra điều này, Knight bắt đầu tiến hành kế hoạch B: tự sản xuất loại giày của riêng mình.

Khoảng một năm sau, khi Onitsuka thật sự cắt đứt quan hệ làm ăn với Knight, những đôi giày Nike đã có mặt ở các cửa hàng của ông. Giày của Knight ban đầu vẫn còn gặp nhiều vấn đề về chất lượng, nhưng ít nhất là ông đã thành công trong việc xây dựng một thương hiệu riêng. Điều này cho phép ông và đội ngũ 30 nhân viên bắt đầu cuộc chơi mới bằng sản phẩm của riêng mình, và là điều kiện để tiếp tục duy trì hoạt động của Blue Ribbon. Hãy thử tưởng tượng, nếu Knight chần chừ và không có kế hoạch B cách đó 1 năm, thì ngày Onitsuka chấm dứt hợp đồng có lẽ cũng là ngày kết thúc của Blue Ribbon, và không bao giờ có một đế chế Nike như ngày hôm nay.

Phil Knight và những đôi Nike đầu tiên

Luôn giữ quyền kiểm soát và biết rõ mọi hoạt động kinh doanh của công ty

Đã một vài lần, Knight kiên quyết giữ quyền kiểm soát và sở hữu công ty bằng cách từ chối lời đề nghị thâu tóm từ Onitsuka, và từ chối chia lại cổ phần cho một số (chứ không phải tất cả) nhân viên ban đầu của công ty. Điều này nghe qua thì có vẻ “khắc nghiệt”, nhưng là nhà sáng lập, Knight cảm thấy điều đó là cần thiết để giữ đúng số cổ phần có khả năng kiểm soát trong công ty.

Sau hơn một thập kỷ kinh doanh, Knight mới đồng ý tiến hành IPO, nhằm bán một lượng lớn cổ phiếu cho công chúng. Nhưng một lần nữa, ông làm việc đó theo cách riêng của mình: các cổ đông bên ngoài sẽ chỉ có quyền tiếp cận với cổ phiếu loại B, nghĩa là cũng được chia cổ tức, nhưng không có quyền bỏ phiếu. Là cổ đông nắm giữ phần lớn cổ phiếu loại A, Knight tiếp tục giữ quyền kiểm soát công ty của mình.

Mang đến hi vọng và lý tưởng cho các đồng đội

Khi Onitsuka cắt hợp đồng và Blue Ribbon rơi vào hoàn cảnh “một mình một ngựa”, bầu không khí tại công ty lúc đầu rất u ám. Các mẫu giày của Onitsuka là nhân tố tạo nên thành công cho công ty, và giờ đây cũng chính đối tác này cắt đứt quan hệ làm ăn với Blue Ribbon.

Để vực dậy tinh thần của nhân viên, Knight đã mang đến một câu chuyện về niềm hy vọng, lạc quan và tự tin. Ông bảo với họ rằng không phải Onitsuka đã tạo nên thành công cho Blue Ribbon, mà là chính nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của họ. Việc chia tay với Onitsuka đồng nghĩa là đã tới lúc Blue Ribbon có thể làm mọi chuyện theo cách của riêng mình, và bằng chính sức mình: họ có thể giao hàng nhanh hơn và tùy biến sản phẩm tốt hơn theo nhu cầu của thị trường Mỹ. Câu chuyện đó đã có tác dụng, và vực dậy tinh thần của các nhân viên ở Blue Ribbon.

Phil Knight's teen dream, Matt Groening's comedy: Famous Oregonians' first mention in The Oregonian - oregonlive.com

Luôn giữ tinh thần chiến đấu, nhưng phải biết khi nào là đủ

Suốt khoảng 15 năm đầu tồn tại của Nike, Knight đã trải qua nhiều thăng trầm tưởng như không có hồi kết, mà ông chỉ vượt qua được bằng cách liên tục chiến đấu và chiến đấu để sống sót. Ông chiến đấu để giành nguồn vốn vay, cạnh tranh pháp lý với nhà cung cấp cũ Onitsuka, và thậm chí có lúc đối đầu với cả chính phủ Mỹ vì cho rằng họ tính thuế nhập khẩu không công bằng với công ty của ông.

Knight luôn chiến đấu với tất cả nỗ lực, như thể sự sống sót của công ty đang bị đe dọa (mà sự thật là công ty rất thường xuyên lâm vào tình tình trạng như thế). Nhưng khi mọi chuyện bớt căng thẳng hơn, và thời khắc những thỏa thuận đến, thì ông biết đã đến lúc nên dừng lại. Knight đã dàn xếp vụ kiện với Onitsuka bằng cách nhận phân nửa số tiền ông muốn ban đầu; và trong thỏa thuận với chính phủ Mỹ, Knight chấp nhận trả cho họ 1/3 số tiền ban đầu mà họ bảo ông mắc nợ. Điều đó chắc hẳn đã làm mất đi của Knight chút sĩ diện nhưng nó cho phép ông tiếp tục công việc kinh doanh. Ông biết khi nào là đủ, và nên thỏa hiệp.

Nửa thế kỷ sau chuyến đi đầu tiên của ông tới Nhật Bản, Phil Knight không còn là một chàng thanh niên mạo hiểm và non nớt của ngày xưa nữa. Ông giờ đây là nhà sáng lập và chủ tịch danh dự của công ty thể thao lớn nhất thế giới là Nike, với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 85 tỉ USD. Giống như một vận động viên đạt được huy chương vàng Olympic, ông phải bỏ ra hàng ngàn giờ tập luyện để có được thành công của ngày hôm nay. Trong cuốn tự truyện của mình là “Shoe Dog” (Gã nghiện giày), Knight đã chia sẻ tất cả các bài học mà mình đã học được suốt quãng thời gian ấy. Nếu đang cần đọc một cuốn hồi ký doanh nhân, tác phẩm từ người đứng đầu Nike là một lựa chọn không tồi dành cho bạn.

Thực hiện: Diana Nguyễn I Theo Business Insider I Style-Republik 


 
Back to top