Nghệ thuật

Ái nữ của Trần Anh Hùng xuất hiện trong “Hành trình lớn” – Phim Bồ Đào Nha đoạt giải tại Cannes 2024 có câu hiệu bằng tiếng Việt

Jun 22, 2024 | By Châu Quang Phước

Đó chính là bộ phim “Grand Tour” đã mang lại giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2024, dành cho nhà làm phim Miguel Gomes.

Trên poster đã được giới thiệu chính thức của phim “Grand Tour”, một bộ phim của điện ảnh Bồ Đào Nha (có sự hợp tác sản xuất đa quốc gia, bao gồm: Bồ Đào Nha- Ý- Pháp- Đức- Nhật Bản- Trung Quốc) khi tranh giải Cành Cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2024 vừa qua, có một câu hiệu (tagline) cũng chính là tên phim bằng tiếng Việt đã đường hoàng hiện diện với dòng chữ in hoa: “HÀNH TRÌNH LỚN”.

Trần Lãng Khê – Ái nữ của Đạo diễn Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê trong cảnh phim ‘Les Confins du monde’, đạo diễn Pháp Guillaume Nicloux, phim trình chiếu ra mắt trong ‘Tuần lễ đạo diễn’ tại Cannes 2018..jpg

“Hành trình lớn” của nhà làm phim Bồ Đào Nha nơi vùng Đông Á

Đạo diễn Miguel Gomes (sinh năm 1972), người Bồ Đào Nha, từng được đào tạo tại Escola Superior de Teatro e Cinema (Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh Lisbon), thuở ban đầu thường được công chúng tại xứ biết đến với tư cách là nhà phê bình phim và là tác giả của các bài viết lý thuyết về điện ảnh. “Grand Tour” (ra mắt năm 2024) là phim điện ảnh thứ 6 của Miguel Gomes, tạo nên cú bứt phá đầy ấn tượng với giới quan sát quốc tế, thông qua giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2024.

“Grand Tour” có câu chuyện hư cấu kể về một cuộc hôn phối “rượt đuổi”, khi Edward- một viên công chức người Anh nhiệm sở tại Miến Điện (Myanmar) nhận được tin vị hôn thê của mình, Molly, đang đến từ London (Anh quốc) từ một chuyến tàu hơi nước để quyết tâm kết hôn cùng nhau, sau bảy năm họ đã đính ước. Đó là vào năm 1918. Edward có hẹn đến đón Molly tại ga Mandalay ở Rangoon (tên địa phương là Yangon- từng là thủ đô của Myanmar cho đến năm 2006, trước khi chính phủ quân sự hiện hành chuyển các chức năng hành chính đến thủ đô được xây dựng có mục đích là Naypyidaw ở miền trung Miến Điện hiện tại), là thành phố đông dân nhất và là trung tâm thương mại quan trọng nhất của Miến Điện một thời.

Thế nhưng khi Edward đến ga Mandalay vào nửa đêm trong tình trạng say rượu, trước khi kịp thấy mặt hôn thê bảy năm của mình thì anh đã dấy lên nỗi sợ hôn nhân ràng buộc, bèn trở thành “chú rể chạy trốn” bằng cách lao lên một chuyến tàu tiếp theo đi Singapore. Và kể từ đó Edward bắt đầu một chuyến du lịch bất định với hành trình xuyên lục địa, luôn cố gắng đi trước vị hôn thê Molly một bước khi cố gắng đuổi theo anh. Thỉnh thoảng Edward lại nhận được một bức điện tín, dù là ở Bangkok (thủ đô Thái Lan) cùng với một hướng dẫn viên du lịch và 3 người vợ của anh ta; hay khi trốn theo tàu đánh cá đến Sài Gòn (Việt Nam thời Đông Dương thuộc địa), để biết được rằng “cô dâu London” đang ở rất gần. Đó dường như cũng là gợi ý chính đáng để “chú rể chạy trốn” người Anh tiếp tục đến Nhật Bản, Trung Quốc hoặc Philippines, tìm hiểu nhiều về những quốc gia mà anh đã đi qua, cũng như tự khám phá trở lại về bản thân mình. Tại Manila (thủ đô và là thành phố lớn thứ hai của Philippines), Edward trải qua cảm giác hưng phấn và lên tàu chiến Mỹ đến Osaka (Nhật Bản) cùng với một số thủy thủ và gái mại dâm. Bị trục xuất khỏi Nhật Bản nơi Edward bị nghi ngờ làm gián điệp trong bối cảnh cuối Đệ nhất Thế chiến, anh bị đưa đến Thượng Hải, rồi đến nội địa Trung Quốc, đến Trùng Khánh, sau đó là Thành Đô và dần đi sâu vào tỉnh Tứ Xuyên, với mục tiêu đến Tây Tạng trong tâm trí- nơi “chú rể chạy trốn” người Anh muốn kết thúc cuộc hành trình với điểm khai sáng về mặt tâm linh.

Bộ phim được chia thành hai phần, dọc theo các tuyến đường quanh co khúc khuỷu của nhiều quốc gia Đông Á. Ở khoảng nửa chặng đường tìm- lại- chính- mình của Edward, một người Anh mặc đồ vải lanh và hút thuốc lào trong câu chuyện phim, Molly xuất hiện và thay Edward làm nhân vật chính, lần theo dấu vết có phần ly kỳ bí ẩn của “chú rể người Anh ở Miến Điện” qua từng vùng đất của Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.  

Nửa sau của bộ phim cung cấp thêm một chút cốt truyện, khi người xem chuyển sang góc nhìn của Molly vào lúc cô ấy thực sự đến Rangoon (Yangon) của Miến Điện. Từ đó, cô dõi theo vị hôn phu Edward cũng bằng tiến trình xuyên lục địa, kết thân với một người bạn đồng hành là người Việt Nam trên đường đi. Cuối cùng cả hai cũng đến được Thượng Hải, sau đó đi về phía Tây đến Thành Đô và biên giới Tây Tạng, nơi người xem đã mất dấu vết của Edward trong phần đầu tiên.

Đạo diễn Miguel Gomes, người đồng viết kịch bản với 3 người biên kịch khác, đã tạo ra một số căng thẳng trớ trêu khi cặp đôi này có thể đi ngang qua nhau trên hành trình kỳ bí khắp Đông Á, mặc dù dường như không bên nào hoàn toàn thực sự quan tâm đến điều có thể xảy ra. Trong khi Edward đang chạy trốn và không bao giờ nhìn lại, Molly bật cười mỗi khi ai đó nhắc đến hoàn cảnh của cô, như thể cô biết rằng số phận của cặp đôi đã bị phong ấn nhưng nhận ra đã quá muộn để từ bỏ cuộc trốn tìm và đuổi bắt của định mệnh khéo bày đặt cho nhau.

Poster phim ‘Les Confins du monde’, đạo diễn Pháp Guillaume Nicloux, phim trình chiếu ra mắt trong ‘Tuần lễ đạo diễn’ tại Cannes 2018

Sài Gòn, Việt Nam trong “Hành trình lớn”

Điều thú vị là “Grand Tour” sử dụng hình ảnh đôi khi là đơn sắc (phim trắng đen) rồi có lúc là những sắc màu đậm đà, khi đan xen những câu chuyện thời thuộc địa của Edward và Molly vào châu Á ngày nay. Những cảnh có Edward và Molly, của anh ở nửa đầu phim, của cô ở nửa sau, luôn được quay bằng phim đen trắng tuyệt đẹp. Chúng được xen kẽ với các cảnh quay hiện đại, cả màu và đơn sắc, về những địa điểm mà họ thấy mình ở bất kỳ điểm nào trong hành trình vô định nơi ấy. Hầu hết phim có màu đen trắng, nhưng đôi khi chuyển sang màu, chẳng hạn như để chiêm ngưỡng những bảng hiệu đèn neon về đêm của “khu phố Tàu” hoặc những bộ phục trang lấp lánh nhũ kim tuyến trong một buổi biểu diễn sân khấu. Xuyên suốt quãng thời gian du hành này, người xem- cũng là chứng nhân- chủ yếu nghe câu chuyện dưới dạng lồng tiếng địa phương, được thực hiện bởi nhiều người kể chuyện giấu tên, nam và nữ, từ bất kỳ quốc gia nào mà các nhân vật chính đang ở vào thời điểm đó. Điều này đòi hỏi người xem phải mất một thời gian để làm quen, vì các cảnh quay thường được sử dụng là bối cảnh thời nay, phần lớn cho thấy phương Đông đã trở nên hiện đại như thế nào, nơi các thành phố đông đúc giao thông và cả tình yêu hát karaoke. Ở các thành phố châu Á trong bối cảnh câu chuyện phim, hầu như không có nỗ lực nào được thực hiện để tìm kiếm những tòa nhà cũ và tránh những bằng chứng về thời đại ngày nay, thậm chí đường phố tràn ngập xe hơi, người dân sử dụng điện thoại thông minh và những tòa nhà chọc trời che khuất đường chân trời.

Dẫu vậy, tính địa phương luôn được người làm phim chú trọng khắc họa. Chẳng hạn như hình ảnh một bánh xe đu quay ọp ẹp được đẩy bằng tay và chân, ở Miến Điện. Công nhân gỡ dây điện trên các cột điện thoại quá tải ở Sài Gòn. Những ông già Trung Quốc chơi mạt chược. Người dân Philippines đi xe tuktuks. Pháo hoa Tết Nguyên đán với vẻ huy hoàng trên bầu trời Sài Gòn; rồi cả những chiếc xe tay ga chuyển động chậm chạy qua những con phố tắc nghẽn giao thông ở Sài Gòn… và luôn là những người kể chuyện nói biệt ngữ địa phương (đôi khi có và đôi khi không có phụ đề), bao gồm cả việc mọi nhân vật “người Anh” trong câu chuyện phim đều nói tiếng Bồ Đào Nha. Và đáng lẽ đó là vào năm 1918, nhưng đột nhiên người xem thấy mình đang ở một quán karaoke ở Manila (Philippines), và một anh chàng đang hát bài “My Way” bằng tiếng địa phương Tagalog (một ngôn ngữ Nam Đảo, đây là tiếng mẹ đẻ của một phần tư dân số Philippines), một khúc ca phổ quát trong album phát hành vào năm 1969 của huyền thoại Frank Sinatra người Mỹ (sinh năm 1915).

Hoặc, khi bối cảnh là một ngôi nhà cổ ở Việt Nam nhưng có những chiếc xe hơi hiện đại đang chạy vòng quanh một vòng xoay bùng binh, trong lúc nhạc nền “The Blue Danube” vang lên. Một phức trộn đa sắc tộc về nhân chủng học cùng đồng hiện, bằng ngôn ngữ điện ảnh thơ mộng siêu tưởng đến độ kỳ quái của đạo diễn Miguel Gomes, người Bồ Đào Nha.

Trần Lãng Khê trong một cảnh phim ‘Grand Tour’ của đạo diễn Miguel Gomes, chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes 2024

Mặc dù “Grand Tour” hoàn toàn không phải là một câu chuyện tình yêu đơn thuần, nhưng nó kể về một “cặp đôi” bị ảnh hưởng bởi tất cả những địa điểm xa lạ và mới mẻ mà họ đến thăm- những nơi dường như làm thay đổi cơ thể và tâm trí của họ. Khi Edward và Molly đi từ địa điểm này đến địa điểm khác, người làm phim đã cắt dựng và chuyển cảnh với không gian lẫn thời gian đương đại về các buổi hát karaoke tập thể, biểu diễn múa rối, “Sơn Đông mãi võ”… Hẳn nhiên khắp vùng Đông Á đã trở thành một cảnh tượng và âm thanh tuyệt vời cho người xem, và điều tốt nhất bạn có thể làm là lao vào đó mà không nhất thiết phải đặt quá nhiều câu hỏi. Theo lời của một tu sĩ Nhật Bản mà Edward gặp trên hành trình dài của mình: “Hãy từ bỏ bản thân mình với thế giới và bạn sẽ thấy nó mang lại cho bạn phần thưởng như thế nào”. Điện ảnh đích thực là một trải nghiệm trực quan.

Đạo diễn Miguel Gomes chừng như khiến người xem ở bất kỳ đâu cũng đều nhận ra, rằng câu chuyện kể trong bối cảnh thực địa có đúng thực tế lịch đại hay không cũng chẳng quan trọng, chính sự kết nối thể chất và tinh thần của chúng ta với thế giới sẽ hướng dẫn chúng ta tiệm cận chính mình. Hãy từ bỏ chính mình trong điện ảnh, sẵn sàng thách thức thời đại cùng bối cảnh phi logic, khi ấy nhà làm phim Bồ Đào Nha sẽ đưa được người xem vào một trải nghiệm du lịch cuồng si đến các quốc gia vùng Đông Á chưa bao giờ hết huyền bí và thôi ngỡ ngàng. Trong “Grand Tour”, dễ dàng nhận thấy người làm phim đã chơi đùa với thời gian “xuyên không” và địa lý quốc tế, pha trộn những thước phim tài liệu hiện đại với tiếng vọng của Hollywood hồi giữa thế kỷ 20. Với cái nhìn truyền thống của phương Tây về những câu chuyện du khách truyền khẩu miền viễn Đông, được khúc xạ qua lăng kính thử nghiệm ấy, một cuộc phiêu lưu châu Á đầy thôi miên và sáng tạo của nhà làm phim người Bồ Đào Nha Miguel Gomes đã tượng hình phiêu phóng trong “Grand Tour”.

Nữ diễn viên Trần Lãng Khê tại LHP Cannes 2024

Bạn đồng hành xuyên Á của nhân vật nữ chính trong “Grand Tour” là một cô gái Việt Nam tên Ngọc, người đã có lần đưa “cô dâu London” đến gặp một nhà ngoại cảm địa phương xứ Việt để tìm hiểu về tương lai của cuộc “hôn phối trốn tìm”, trên hành trình dấn thân cùng tận. Vào vai Ngọc chính là Trần Lãng Khê, người mẫu- diễn viên (sinh năm 1997). Cô là con gái của nhà làm phim danh tiếng Trần Anh Hùng với Trần Nữ Yên Khê.

Trước đó, vào năm 2018, Trần Lãng Khê đã có vai diễn đầu tay trong bộ phim “Les Confins du monde” (Nơi tận cùng của thế giới) của đạo diễn Pháp Guillaume Nicloux, với nhân vật cũng có tên thuần Việt: Mai. Phim có bối cảnh thời Đông Dương ở Việt Nam, vào năm 1945. “Les Confins du monde” đã được lựa chọn trình chiếu ra mắt trong “Tuần lễ đạo diễn” tại Liên hoan phim Cannes 2018.

Với vai diễn thứ nhì và nhân vật tên Ngọc trong “Grand Tour” của đạo diễn Miguel Gomes, cô gái trẻ Trần Lãng Khê đã sớm cho thấy một tương lai điện ảnh đầy hứa hẹn, về “Hành trình lớn” của một nữ diễn viên gốc Việt trên bản đồ điện ảnh quốc tế.

Theo Châu Quang Phước


 
Back to top