ART & CULTURE

Khách đầu năm: Gặp gỡ họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương – Những suy tư sáng tác

Jan 29, 2022 | By Trang Ps

Kể cả trong hội họa lẫn trong cách sống, người chơi đủ thân với Liêu Nguyễn Hướng Dương sẽ nhận ra ở anh một điều rằng giản dị là sức mạnh, và để tự do thì phải hiểu mình muốn gì. Liêu lãng mạn nhưng thực tế. Đó có vẻ là hai thái cực đối chọi nhưng nhờ thấy rõ cặp nhị nguyên đối kháng này mà anh luôn biết mình. Với Liêu, cuộc sống vốn chân thật và mộc mạc, chính vì thế mà nó hấp dẫn. Có thể nói, cái chân thật là sự kết hợp cái đẹp và cái thiện, và rốt cuộc là điểm nhân tất cả các giá trị!

Gắn bó một thời gian dài với những loạt tranh hoa đào, một chặng đường khẳng định DNA riêng và độc đáo của Liêu nguyễn. Vì sao anh có thể giữ nhiệt huyết lẫn sự tươi mới lâu đến vậy? Bước qua thời kỳ này thì thời kỳ hiện tại có chuyển biến khác hay không?

Bây giờ nhìn lại tôi có thể gọi đó là “Thời kỳ hồng” hay “Thời kỳ đầy năng lượng tích cực” cả nghĩa đen và nghĩa bóng trong sự nghiệp sáng tác của bản thân. Đó là lúc tôi vẽ rất nhiều tranh hoa đào với vẻ rực rỡ vốn có của nó cùng với một phần nhiệt huyết tuổi trẻ trong con người mình. Tôi là người rất yêu thiên nhiên và các loài hoa, đặc biệt là hoa anh đào. Loài hoa tượng trưng cho sức sống dẫu ngắn ngủi nhưng vô cùng đẹp đẽ của đời người. Nó nhắc nhở chúng ta phải sống đẹp với từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Mỗi khi vẽ hoa anh đào, tôi thấy mình như được trở về với mẹ thiên nhiên. Thiên thiên là tôi và tôi cũng là thiên nhiên. Cái cảm giác đó đã thôi thúc tôi vẽ hàng trăm bức tranh hoa đào mà không thấy chán. Đối với tôi, thiên nhiên là người bạn chân tình, không đòi đổi lấy thứ gì mà chỉ mang một ham muốn không cưỡng lại được tự phô bày. Đó là cái đẹp thiên nhiên ở dạng thuần khiết. Cái đẹp đó là sức mạnh của sự mong ước chính đáng. Sức mạnh đó sẽ đưa ta đến đúng chỗ. Không có gì quan trọng xuất hiện trong đời một cách tình cờ cả. Đối với tôi mỗi khoảnh khắc cảm xúc khi vẽ hoa đào như một món quà vương giả mà thượng đế ban tặng.

Với sự hứng khởi của cảm xúc mạnh thời kỳ đầu,tôi đã vẽ rất nhanh bằng trực giác nhạy bén và sáng tạo mới mẻ. Sau này nhờ làm việc nhiều, tôi đúc kết và làm chủ được nhiều kỹ thuật phong phú. Nhờ đó những bức tranh tạo ra có phần điêu luyện hơn lên.

Nghe Liêu chia sẻ về việc vẽ bằng trực giác nên tuôn như dòng chảy cũng khiến tôi tò mò  muốn biết ý kiến của anh về “sự thỏa mãn” trong sáng tạo. Làm sao để thỏa mãn mà tự do chứ không phóng túng?

Đối với con người, ai ai cũng có tham vọng và trong nghệ thuật thì người nghệ sĩ cũng vậy. Khi đã có tham vọng chinh phục những cái mới thì không bao giờ sự thoã mãn trong tâm hồn họ dẫm chân tại chỗ. Cái tham vọng đó luôn thôi thúc nghệ sĩ phải làm việc cật lực để tìm cho được con đường sáng tạo mới mẻ riêng biệt cho mình. Đối với cách vẽ của tôi, thì bản thân là người không đi theo lối vẽ truyền thống và rẽ sang một con đường ít người đi ngay từ đầu. Đó là một sự mạo hiểm, nhưng cũng là một lợi thế . Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy tôi hài lòng với những gì mình đã sáng tạo ra.

Còn nói về thoả mãn mà tự do chứ không phải phóng túng thì theo tôi có lẽ trong sáng tạo nghệ thuật sẽ không kiêng cưỡng điều này. Quan trọng là hình thức thể hiện như thế nào mà thôi. Nếu nói anh ta có cách vẽ tự do phóng túng quá thì có lẽ là một lời khen đặc biệt đó chứ ?! Vì trong nghệ thuật thì sự phóng túng là dám phá bỏ ranh giới chuẩn mực của một điều gì đó để đi tìm một định luật mới, một định nghĩa mới, một cách nghĩ mới, một nội dung mới, sự tự do mới xa hơn những lý thuyết và quy định của truyền thống thì đó là điều đáng hoan nghênh chứ sao!?

Tìm được sự khác biệt trong sáng tạo cũng đưa tôi đến chân trời tự do và tự tin hơn. Ở đó tôi làm gì cũng cảm thấy là chính mình vì đó là thế giới của riêng tôi, phong cảnh đó là của tôi, con người đó là của tôi… Tôi tự do tự tại rơi vào quỹ đạo trong hành trình của riêng mình thì còn gì tuyệt vời hơn nữa!

Vậy cũng cần đào sâu thêm về việc điều chính yếu nào ngăn cản người họa sĩ đạt tự do sáng tạo? Và theo Liêu, tự do có phải là yếu tố cốt lõi để sáng tạo thăng hoa và phá biên giới của nó? 

Theo tôi, điều ngăn cản người hoạ sĩ đi đến tự do sáng tạo có lẽ họ không hiểu chính mình cần gì, muốn gì. Họ làm việc bài bản như một cái máy và không thể thoát ra để sáng tạo chất thi vị riêng cho mình.

Tôi cũng đã từng bị chai lì cảm xúc khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật nên cảm thấy vẽ là một công việc rất gò bó. Cảm giác như có một bức tường cao vời vợi ngăn cản trước mặt và tôi không thể nào vượt qua được. Cho đến khi tốt nghiệp ra trường 1, 2 năm, tôi mua và xem được một bộ phim DVD về hoạ sĩ hành động biểu hiện của Mỹ, nổi tiếng những năm 1940 là Jackson Pollock (lúc đó internet chưa phát triển và thông tin về nghệ thuật hội hoạ rất hiếm hoi). Khi xem phim xong, tôi rất thích thú và tìm hiểu về hội hoạ hành động của Pollock. Từ đó tôi mới tìm thấy được cách vẽ và con đường đi tới tự do của chính mình.

Trước đó tôi có cảm giác giống như một dòng suối bấy lâu nay bị những hòn đá to chặn lại. Giờ thì dòng nước đã khơi nguồn tràn đi khắp nẻo. Tôi kể chuyện này để thấy được rằng, muốn được tự do, tôi phải tìm cho mình một hướng đi phù hợp với bản chất con người mình và nuôi dưỡng nó bằng tình yêu và cảm xúc hàng ngày. Đối với tôi, đó là bài học kinh nghiệm về nguồn gốc của sự giải thoát tự do trong sáng tác của mình. Và khi tôi đã đạt được ranh giới của sự tự do trong sáng tạo thì tôi cứ bay nhảy trong thế giới không giới hạn của mình. Điều quan trọng bây giờ là tôi có còn sức sáng tạo để bay xa hơn nữa, hay ho hơn nữa hay không mà thôi.

Có lẽ, khi người ta gắn bó với một cái gì đó lâu, họ dễ theo thói quen để rồi không thấy ra lối đi mới mẻ. Theo tôi, sự mới mẻ không phải ở chỗ nó không được lặp lại một đề tài, mà làm sao để người họa sĩ tự trong tâm hồn của họ mới mẻ là đủ, không quan tâm quá nhiều đến đám đông nghĩ gì! Anh nghĩ sao? 

Đối với tôi, được vẽ những gì mình thích và sống được bằng nghề mới là quan trọng. Tôi là người lãng mạn nhưng cũng rất thực tế. Hai mặt đối lập đó tôi nghĩ đôi khi nó cũng là rào cản để tôi tiến xa hơn.

Chúng ta thường nói “Đủ nắng hoa sẽ nở”. Trong nghệ thuật cũng vậy không nên cưỡng cầu, cứ làm những gì mình yêu thích trước đã, rồi đến một lúc nào đó mình sẽ không còn muốn đi tiếp con đường cũ nữa thì tự động mình sẽ khai mở một con đường mới để bước tiếp thôi!

Nếu tôi nhớ không lầm là trong một triển lãm nhóm của anh tại Hội Mỹ thuật Tp.HCM, loạt tranh đó thực sự gây ấn tượng, và khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Liêu Nguyễn có còn vẽ hoa đào nữa hay không? Hay chuyển hướng? Anh có gặp khó khăn khi chọn một hướng đi mới không? Và để đi một hướng đi mới, theo anh, trở ngại là gì, và cơ hội là gì? 

Thực ra, hoa đào chỉ là một chủ đề trong vô vàn sáng tác khác của tôi thôi. Trước khi vẽ hoa đào tôi cũng đã vẽ những hình nhân và những bức tranh sóng biển đầy nội tâm và nhiều xúc cảm. Đến giờ tôi vẫn yêu thích thích loạt tác phẩm này, nó như một phần ký ức về cảm xúc của con người tôi được phơi bày ra, được giải toả và giải thoát bằng sự tìm tòi sáng tạo riêng biệt. Ngoài ra, tôi là người rất yêu thiên nhiên nên cảm xúc về những khu rừng nhiệt đới hay những khu vườn rực rỡ hoa lá cũng xuất hiện nhiều trong tranh của tôi.

Đối với người nghệ sĩ, làm mới mình là điều rất cần thiết và tôi cũng luôn nghĩ đến điều đó mỗi ngày. Đối với tôi để nghĩ và đi theo một hướng mới không khó, nhưng để bút pháp và cảm xúc hoà làm một với con người mình thì cần phải có thời gian đầu tư cho hoàn thiện. Như Matisse đã từng nói: “Sáng tạo – đó là thể hiện cái mà người ta có ở mình. Nếu hội hoạ chỉ đến một mình thì dịu dàng biết bao! Vẽ là một công việc khó khăn. Và bởi vậy, là một người hoạ sĩ chắc chắn còn khó hơn nhiều!”

Vậy trong sáng tạo, anh lấy câu hỏi nào làm trọng tâm cho sự sáng tạo của mình? Liệu có một hệ thống triết học nào ảnh hưởng đến anh không? 

Theo tôi, hoạ sĩ là người đã dấn bước độc hành trên con đường sáng tạo. Luôn là sự tự do, song lại là sự khắc khổ của cuộc sống. Lạc lõng giữa đời sống, miên man trong suy tưởng. Hạnh phúc, đau khổ chẳng phải là điều đáng nói mà chính là cái tâm thần người. Hoạ sĩ giữa cuộc đời, họ nhận sự ban phát của đời thường để trả lại những tinh hoa cho cuộc sống. Họ mới chính là mạch cảm xúc của đất trời.

Có lẽ tôi là hoạ sĩ sống theo cảm tính và cảm xúc nhiều nên bản thân phải có cảm hứng thì tôi mới sáng tác được. Nên mỗi ngày thức dậy tôi thường tự hỏi: “Hôm nay mình có cảm hứng vẽ vời không? Và mình muốn vẽ cái gì?”. Cảm hứng của tôi có thể đến từ những điều rất nhỏ nhoi như một bông hoa vừa mới nở lung linh trong cơn gió chiếu rọi ánh mặt trời, tiếng chim hót ríu rít đầu ngày, hay lần giở những phong cảnh đẹp mà tôi đã từng thích thú đắm chìm trong những chuyến đi du lịch… Sâu sắc hơn là một tâm trạng giằng xé nội tâm cần phải được giãi bày bằng hội hoạ.

Tôi là người sống đơn giản nên cũng không có những triết lý đời sống nội tâm quá phức tạp. Đối với tôi, cuộc sống vốn chân thật và giản dị, chính vì thế mà nó hấp dẫn. Có thể nói, cái chân thật là sự kết hợp cái đẹp và cái thiện, và rút cuộc là điểm nhân tất cả các giá trị.

Kỹ thuật vẽ không chạm vào canvas còn được anh ứng dụng cho các đề tài sau này? Anh còn phát triển kỹ thuật nào khác trong giai đoạn này? 

Hiện giờ tôi vẫn vẽ tranh theo cách vẽ hành động đó thôi và vẫn đang tìm kiếm cho mình những hình thức bố cục mới lạ hơn. Ngoài ra tôi cũng thích vẽ nguệch ngoạc bằng cọ những lúc cao hứng để giải trí, không quá bận tâm về những quy tắc. Tôi xem hội hoạ như một cuộc dạo chơi của xúc cảm trước những gì tôi thấy và nghĩ.

Khi xem lại những bức tranh tôi vẽ lúc 4-5 tuổi mà ba má tôi đã giữ cẩn thận hơn 40 năm quả thật rất bất ngờ. Không hiểu sao những bức tranh lúc nhỏ tôi lại vẽ siêu đến như vậy, nó hoàn toàn không giống như những bức vẽ của những đứa trẻ khác ở độ tuổi đó. Nó thật sự là những bố cục và đường nét của một hoạ sĩ chuyên nghiệp chứ chẳng chơi. Giờ đây tôi lại học hỏi cái tinh thần đó cho những bức vẽ chơi thời hiện tại của mình. Đối với tôi, có vài quy luật trong hội hoạ của Lưu Đạo Thuần mà tôi rất yêu thích: “Cao sang trong vẻ thô lậu, tài khéo trong vẻ vụng về, khoẻ khắn trong vẻ tinh tế và thanh nhã, hợp lý trong vẻ lộn xộn và khác thường, có sắc mà không cần đến mực, có không gian trên mặt giấy phẳng.”

Nghệ thuật hội hoạ là một thế giới vô cùng tận, không có giới hạn của sự sáng tạo và có thể tự do phá bỏ những quy luật truyền thống để tạo nên những cái mới thú vị. Như Voltaire từng nói: “Sáng tạo không gì khác hơn là sự bắt chước khôn ngoan”. Mọi thứ điều cần có khuôn khổ, tư duy cũng vậy. Không việc gì phải sợ khuôn khổ, song cũng đừng sợ phá vỡ khuôn khổ. Đây là điều tối quan trọng để người nghệ sĩ có được sự tự do. Nếu có thời gian và sức khoẻ tốt tôi muốn được đi tìm những kỹ thuật mới mẻ và sáng tạo nhiều hơn nữa. Tôi phục và ngưỡng mộ những hoạ sĩ phương Tây, họ lúc nào cũng có những sáng tạo khác biệt và độc đáo. Họ luôn là người truyền cảm hứng cho tôi trong hành trình khám phá sự tươi mới trong sáng tạo.

Còn về những loại hình nghệ thuật khác như sắp đặt, điêu khắc, video art,… Anh có lưu tâm đến?

Tôi là người yêu thích cái đẹp và sự sáng tạo trên nhiều loại hình nghệ thuật. Nhưng theo tôi làm gì cũng phải nắm vững kỹ thuật trước đã và chuyên tâm theo đuổi thì mới tạo ra được những tác phẩm hay và chất lượng. Với lại, hiện tại tôi vẫn thích vẽ hơn cả nên chưa nghĩ tới phải làm những loại hình nghệ thuật khác.

Đại dịch suốt 2 năm qua khiến suy tư của anh về nghệ thuật lẫn tinh thần có gì thay đổi? Những khoảng lặng có giúp anh liễu ngộ ra điều gì để dẫn đến những dự án mới?

Đại dịch là khoảng thời gian tôi còn bận rộn còn hơn bình thường vì nhiều đơn hàng được đặt vẽ. Có lẽ vì tranh của tôi phần nào truyền được năng lượng tích cực để người thưởng ngoạn ở nhà bớt đi sự nhàm chán chăng ?! Bởi vậy tôi thấy cuộc sống của tôi cũng khá đơn điệu và tẻ nhạt: Luôn luôn phải nuôi nôi dưỡng cảm xúc cho những bức tranh theo yêu cầu và gieo vào chúng càng nhiều năng lượng càng tốt.

Có thể mọi người thấy tôi là một hoạ sĩ cứ loay hoay với những điều cũ kỹ không chịu thoát ra và làm mới mình. Nhưng hiện giờ tôi cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Vì tôi vẽ và sống được bằng nghề mình yêu thích, và như thế cũng là đủ đối với tôi rồi.

Còn về dự án, ý tưởng mới, tôi nghĩ mọi sự tuỳ duyên. Tôi là người thường làm việc theo cảm tính nên chưa có kế hoạch gì cụ thể cả. Phải có cảm xúc thì tôi mới vẽ tranh được. Và phải có xúc động tâm can còn xúc động ngoài da thì k nghĩa lý gì.

Tôi hy vọng sẽ có những điều bất ngờ thú vị trong tương lai gần.


 
Back to top