Nghệ thuật

Asian Art Bridge – Một cầu nối nghệ sĩ châu Á và thế giới

Jun 02, 2023 | By Art Republik

Gặp gỡ và tìm hiểu về sự ra đời cũng như định hướng phát triển phòng trưng bày trực tuyến Asian Art Bridge, thông qua chia sẻ của nhà sáng lập Linh An.

Chân dung Linh An 

Có rất nhiều phòng trưng bày trực tuyến được mở ra trong thời đại bùng nổ của internet và việc mua bán các tác phẩm qua mạng được đẩy lên một cách đỉnh điểm, nhất là vào thời kì đại dịch Covid-19. Giờ đây, công chúng muốn quay trở lại các phòng trưng bày thực tế để thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn, nhưng không vì lẽ đó mà nhu cầu mua bán các tác phẩm nghệ thuật trên internet mất đi tính hấp dẫn của nó.

Mới đây, Asian Art Bridge – phòng trưng bày trực tuyến hiếm hoi tập trung giới thiệu nghệ sĩ châu Á (đặc biệt là các nghệ sĩ Việt Nam) tại thị trường Châu Âu nói chung và thị trường Pháp nói riêng đã được khai trương. Nhân dịp này, Art Republik có cuộc trò chuyện với chị Linh An, chủ nhân của Asian Art Bridge.

Xin chào Linh An! Cảm ơn chị đã dành thời gian cho Art Republik. Chị có thể cho biết cảm hứng khiến bản thân quyết định thành lập Asian Art Bridge?

Cảm ơn Art Republik Việt Nam đã dành cho tôi cơ hội được chia sẻ với các bạn và cộng đồng yêu nghệ thuật tại Việt Nam câu chuyện của cá nhân tôi và của phòng tranh trực tuyến Asian Art Bridge.

Điều đầu tiên, tôi muốn nói tới việc vị trí của phần lớn nghệ sĩ châu Á không có điều kiện tiếp xúc với nền nghệ thuật thế giới. Mặc dù tài năng của họ nếu so sánh với các nghệ sĩ đồng trang lứa của thế giới có khi bằng hoặc hơn, nhưng họ thiếu mạng lưới quan hệ trong công việc, thiếu những phòng trưng bày đứng ra đại diện cho họ tại thị trường quốc tế. Chính điều này đã khiến cho một lực lượng lớn các nghệ sĩ châu Á khó tìm được vị thế của mình trong bối cảnh nghệ thuật hiện tại, và càng khó hơn đối với họ để có thể tham gia những triển lãm mang quy mô quốc tế. Điều này kèm theo với việc các tác phẩm của họ không được nhìn nhận đúng giá trị vốn có của nó. Đây là một sự thiệt thòi của một vùng trũng về nghệ thuật, nhất là với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ nhìn vào một số các nghệ sĩ có tên tuổi của Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ thì đằng sau đó, trong góc khuất của nghệ thuật châu Á kể cả ở những nước nói trên, các nghệ sĩ trẻ tiềm năng vẫn rất khó để có được chỗ đứng đúng với tài năng của mình trong các bộ sưu tập quốc tế.

Điều thứ hai, thị trường nghệ thuật luôn là một mảng “khó hiểu” đối với đa số công chúng. Tôi có rất nhiều người bạn có tiềm lực tài chính hoặc yêu nghệ thuật, hoặc cả hai nhưng họ rất ngại khi phải mở cửa bước vào một phòng trưng bày thực tế. Họ lại càng không biết trị giá/giá trị tác phẩm nghệ thuật mà họ muốn sở hữu có tương ứng với mặt bằng chung hay không. Thông thường, giá các tác phẩm nghệ thuật ở các phòng trưng bày chuyên nghiệp nước ngoài được niêm yết rất rõ ràng trong một cuốn vựng tập, bày tại chỗ, nhưng vẫn có tình trạng nhiều phòng trưng bày không niêm yết giá minh bạch mà chỉ khi có người hỏi mới thông báo giá từng bức tranh, tượng cụ thể (việc này dẫn tới tình trạng “nhìn mặt mà báo giá” khá là phổ biến trong ngành này). Hai khía cạnh thực tế nói đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi chợt tự hỏi: tại sao mình phải băn khoăn về nó mà không tự làm những điều mà mình muốn trước khi chờ ai đó làm? Từ đó, kế hoạch cho một phòng trưng bày trực tuyến dần thành hình.

Bức tranh màu nước trên giấy, “Vô đề 1”, của cố họa sĩ Linh Chi (1921 – 2016) được giới thiệu trên Asian Art Bridge

Asian Art Bridge có gì khác biệt so với các phòng trưng bày trực tuyến khác?

Nó là một phòng trưng bày trực tuyến có chọn lọc chứ không phải là một sàn mua – bán mang tính chất “siêu thị nghệ thuật” như những gì ta thấy trên các trang của những ông lớn như Saachiart, Artsy, Singulart, v.v.. Họ đã làm rất tốt rồi. Ở các trang đó, do có quá nhiều nghệ sĩ tự tạo tài khoản để đăng tải tác phẩm mình, dẫn tới việc thiếu chọn lọc về mặt chất lượng tác phẩm đồng thời thiếu sự hỗ trợ từ phía phòng trưng bày đối với từng nghệ sĩ.

Bên cạnh nền tảng trực tuyến, công bố giá trị minh bạch của mỗi tác phẩm như các trang lớn đã làm, Asian Art Bridge sẽ đại diện cho một số nghệ sĩ mà theo tôi, họ cần phải được và họ có khả năng được định vị tốt hơn trong bối cảnh nghệ thuật hiện tại. Tôi chia làm hai thế hệ nghệ sĩ mà Asian Art Bridge đại diện: những nghệ sĩ tài hoa quá cố nhưng chưa được nhiều người biết tới, và những nghệ sĩ trẻ có tiềm năng mà cá nhân tôi thấy họ sẽ còn phát triển hơn nữa.

Tôi muốn Asian Art Bridge vận hành như một phòng trưng bày cổ điển với sự tuyển chọn kĩ lưỡng các nghệ sĩ. Như vậy, tôi mới có thể đầu tư thời gian với từng nghệ sĩ mà tôi làm việc cùng.

Chị nghĩ thế nào về việc mua trực tuyến một tác phẩm nghệ thuật trong thời kì kinh tế suy thoái như hiện tại?

Trong thời kì đại dịch Covid-19, tôi có nói chuyện với người bạn của tôi làm việc tại một sàn đấu giá lớn ở Pháp và được biết, các phiên mua bán chưa bao giờ hạ nhiệt. Thậm chí, trong thời kì suy thoái kinh tế, các tác phẩm còn được tìm mua bằng phương thức trực tuyến nhiều hơn trước. Tất nhiên, trong tình hình khủng hoảng hiện tại của thế giới, số đông công chúng sẽ phải để ý tới chi dùng thực tiễn nhiều hơn.

Nhưng việc này không đồng nghĩa với việc họ sẽ ngừng tìm hiểu về nghệ thuật. Ngược lại, trong những thời kì như hiện nay, có lẽ, con người ta lại càng có mong mỏi hướng tới Cái Đẹp nhiều hơn, hoặc có một dạng những nhà sưu tập khác sẽ thấy đây là cơ hội mà họ có thể đầu tư vào những tác phẩm mà họ ưa thích từ lâu. Phải nói rằng, giá trị các tác phẩm mỹ thuật đến từ châu Á, trong đó có mỹ thuật thời kì Đông Dương của họa sĩ Việt Nam, đang “làm mưa làm gió” tại các sàn đấu giá.

Tôi nghĩ, chính vì tín hiệu vui mừng này mà công chúng sẽ đặt ra nghi vấn về liệu rằng, các tác phẩm của nghệ sĩ châu Á chưa được biết tới nhiều sẽ có ngày “tăng giá” và nếu vậy, thời điểm hiện tại là dịp để đầu tư tốt chăng…

“Mùa dọn dẹp”, sơn dầu trên toan, của Lê Thanh Tùng, một họa sĩ mà Asian Art Bridge làm đại diện.

“Vô đề 89-1”, chì than trên giấy, của cố hoạ sĩ Lục Quốc Nhượng, một trong 14 tác giả mà Asian Art Gridge làm đại diện.

Điểm mạnh và yếu của một phòng trưng bày trực tuyến nếu so sánh với một địa điểm trưng bày vật lý, theo chị?

Sức hấp dẫn thị giác của một trưng bày trực tuyến có thể chưa bằng một phòng trưng bày thực tế. Con người ta vẫn luôn thích phải nhìn tận mắt, thật gần, để có thể thâu nhận được nhiều nhất thông điệp của một tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, điểm mạnh của một phòng trưng bày trực tuyến lại là tính rõ ràng minh bạch về trị giá của tác phẩm mà như tôi đã đề cập trong phần đầu của cuộc trò chuyện. Một lợi thế khác nữa của phòng trưng bày trực tuyến, dành cho cả chủ nhân và công chúng của nó, là quỹ thời gian của mỗi người được sử dụng một cách linh hoạt thay vì bị bó buộc ở một chỗ của phòng trưng bày thực tế.

“Cắt mái tóc của cô ấy” (To cut her hair), sơn dầu trên toan, của Wakayama Mao, họa sĩ người Nhật Bản mà Asian Art Bridge là đại diện.

Điều gì khiến chị mất gần 10 năm để chuẩn bị cho Asian Art Bridge?

Thực ra nói là mất gần 10 năm để chuẩn bị cho Asian Art Bridge thì tôi không dám nhận. Đơn giản là cuộc đời có những ngã rẽ không như ý muốn nhưng vô tình lại giúp ta trưởng thành hơn, thậm chí là hành trang giúp ta trong công việc mình muốn làm sau này.

Sau khi ra trường, tôi đã làm rất nhiều công việc khác nhau trong ngành truyền thông và quảng cáo tại một số tập đoàn toàn cầu và vẫn luôn quan tâm đến nghệ thuật như từ khi tôi còn nhỏ. Khoảng thời gian này đã giúp tôi hiểu rằng để vận hành một phòng trưng bày trong thời đại hiện nay đòi hỏi bạn phải có nhiều kĩ năng khác trước, trong đó, kĩ năng làm việc trong ngành truyền thông và quảng cáo rất quan trọng. Một số phòng trưng bày lớn như Perrotin hay Gagosian có đội ngũ nhân viên tiếp thị hùng mạnh xuất thân từ các Agency hay tập đoàn truyền thông và quảng cáo là ví dụ rõ ràng nhất cho điều này.

Cảm ơn Linh An về buổi trò chuyện này. Chúc chị và Asian Art Bridge sẽ ngày một phát triển.

“O.T”, sơn dầu, của Dương Thùy Dương, hoạ sĩ Việt định cư tại Đức mà Asian Art Bridge làm đại diện.

Linh An từng theo học Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Quản lý Nghệ thuật và Văn hóa tại trường INSEEC, Paris. Chị có gần 10 năm làm việc cho một số tập đoàn lớn như Meta, Yahoo, tạp chí Elle… và cộng tác viết về nghệ thuật cho một số kênh thông tin, báo chí trong nước.


 
Back to top