Họa sĩ Tào Linh: “Vẽ chính là thực hành chánh niệm”
Ngắm tranh của họa sĩ Tào Linh, người xem có dịp ngụp lặn vào thế giới đời thường nhưng chứa đựng sức cuốn hút đầy mê hoặc. Ông từng là kỹ sư trước khi trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, và như ông kể, ngày xưa đi làm, ông hay trốn việc để vẽ. Nhưng giờ đây, Tào Linh đã có thể vẽ hàng ngày, ước mơ của ông là được vẽ, đơn giản vậy thôi.
Là một trong 13 họa sĩ có tranh trưng bày tại triển lãm “nguyên” do Luxuo Art x GoMa tổ chức, Tào Linh ghi dấu ấn riêng trong làng mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm sơn dầu hay giấy dó mang tính biểu hiện gồm các bảng màu phong phú, khúc chiết. Đặc biệt, trong chất liệu giấy dó, ông đã đạt đến độ tinh tế về kỹ thuật sử dụng lẫn chiều sâu khai thác thành công độ loang, độ thấm của mực trên chất liệu cổ truyền này.
Trước thềm triển lãm “nguyên”, Luxuo có dịp trò chuyện với họa sĩ Tào Linh, để hiểu hơn về con đường thực hành nghệ thuật bền bỉ mang tính phiêu lưu của ông.
Được biết, họa sĩ Tào Linh từng là kỹ sư trước khi trở thành họa sĩ. Bước ngoặt thú vị này xảy ra trong hoàn cảnh nào và phải chăng đây là quyết định mang tính trực giác?
Tôi vốn là một kỹ sư tự động hoá tốt nghiệp Đại học Bách khoá Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi hành nghề kỹ sư trong nhiều năm. Nhưng tôi cũng bắt đầu vẽ ngay khi rời giảng đường. Vẽ, cùng với đọc sách, có thể coi là sở thích của tôi. Tuy nhiên, tôi đã bỏ việc và vẽ như một hoạ sĩ chuyên nghiệp từ tháng 03/2014 sau triển lãm cá nhân “Một bầy lặng im” của mình tại Hà Nội. Có thể coi đó là một bước ngoặt cũng được, nhưng đúng hơn là, sau triển lãm ấy, tôi mới đủ tự tin để làm điều mình thích, tin vào thẩm mỹ, văn hoá của mình.
Từ sau triển lãm cá nhân “Một bầy lặng im” năm 2014, tôi tham gia nhiều triển lãm nhóm, đặc biệt là ở Hà Nội. Ban đầu, việc tham gia trưng bày các tác phẩm của mình, với tôi, chỉ có nghĩa là một sự thử sức, xem tương quan tranh của mình với anh em nghệ sĩ khác. Điều đó cũng cho tôi thêm phần tự tin để tham gia các triển lãm tiếp theo, tiếp theo nữa.
Tuy vậy, với tôi, cả hai công việc này – kỹ thuật và nghệ thuật – có vẻ lại bổ trợ cho nhau. Làm kỹ thuật cho tôi lối tư duy mạch lạc, logic; điều đó hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình thực hành nghệ thuật.
Xuyên suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật miệt mài, ông đã thực hành những chất liệu chính yếu nào và chúng phản ánh cá tính con người ông ra sao?
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có gần 4 năm lang thang ở Hà Nội, vẽ để kiếm sống. Khi đó tôi vẽ lên quạt thóc, mo nang, ống tre… những thứ có thể bán được như đồ lưu niệm. Khi đi làm kỹ sư ở các công trường, thời gian rảnh rỗi thì tôi vẽ bột màu trên giấy. Nhưng sau này và cho đến bây giờ, chất liệu tôi sử dụng chủ yếu là mực trên giấy dó và sơn dầu trên bố.
Tôi vô cùng thích vẽ mực trên giấy dó, vì cảm thấy rất hợp với tạng tính của mình. Giấy dó có những phẩm chất như loang, nhoè, thấm, chảy mà không chất liệu nào có được; nó hợp với tạo hình của tôi, kiệm màu, kiệm hình. Giấy dó là loại chất liệu được rất nhiều hoạ sĩ sử dụng với nhiều kỹ thuật khác nhau; bản thân tôi khá tự tin khi khai thác chất liệu này theo cách của mình.
Tôi cũng tự đặt ra một nguyên tắc, đó là mỗi lần mang tranh tham gia một cuộc triển lãm nào đó, mình phải chọn những bức mình thích nhất, phải là mình nhất nhưng đặc biệt là không được lặp lại chính mình.
Những năm sau này, tôi sử dụng nhiều chất liệu sơn dầu vì khả năng biểu cảm đa dạng của nó. Nhưng cũng có thể nói, ngay cả với sơn dầu, tư duy tạo hình của tôi cũng có hơi hướng của giấy dó, cả về hình, màu và bố cục, điều đó hợp với chủ trương tối giản của tôi.
Khi thưởng thức những bức tranh của ông, tôi cảm nhận được những hình ảnh lặp lại theo một logic nào đó mang tính ẩn dụ đầy mê hoặc. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Hầu như các nghệ sĩ biểu hiện hoặc thiên về ý niệm thường hay sử dụng các hình ảnh lặp lại trong tác phẩm của mình. Đây chính là lối ẩn dụ hoặc sử dụng biểu tượng (symbol). Tôi cũng vậy. Nhưng mỗi một giai đoạn, hình ảnh lặp lại này lại khác nhau. Ví dụ, có thời gian tôi hay vẽ phố, phố Hà Nội, với những cột đèn, một biểu tượng rất riêng của phố Hà Nội. Sau thời gian, những cột đèn này “biến hình” thành các miếng màu vuông xếp liên tiếp thành cột.
Ngày xưa, khi còn đi làm, tôi vẫn thường trốn việc để vẽ. Giờ đây thì tôi vẽ hàng ngày. Ước mơ của tôi là được vẽ. Đơn giản vậy thôi.
Năm 2019, tôi có vẽ một series mang tên “Other dimension”, trong đó tôi muốn thể hiện một chiều kích khác, không gian khác của đời sống – không gian tâm lý của con người. Vậy nên, tôi vẽ các con cá bơi cắm đầu xuống. Hình ảnh này lặp đi lặp lại trong các bức tranh như một ẩn dụ về những bất thường của một đời sống ngột ngạt, chật chội. Loạt tranh này đã được trưng bày tại triển lãm Đa diện 3 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tháng 07/2019 và triển lãm Chuyện Phố tại Trung tâm triển lãm 29, Hàng Bài, Hà Nội vào tháng 8/2019.
Từ ngành kỹ sư chuyển sang lĩnh vực vẽ, điều đó chứng tỏ ảnh hưởng của sáng tạo nghệ thuật quan trọng như thế nào đến đời sống tinh thần của ông. Nhưng họa sĩ có đồng ý khi cho rằng vẽ còn đóng vai trò như một phương pháp chữa lành cho chính bản thân ông?
Trước khi vẽ, tôi đã có một công việc, công việc đó cũng giúp tôi đủ sống. Nhưng đến một lúc nào đó, được làm điều mình thích thú sẽ quan trọng hơn, vậy là tôi bỏ việc và vẽ. Như thế để nhấn mạnh một điều rằng, sự vẽ có mang lại cho tôi hạnh phúc hay không, không vẽ tôi có bứt rứt không?
Hơn nữa, hành động vẽ, công việc sáng tác là một sự kích thích ghê gớm. Hàng ngày, ngồi trước tấm toan, tôi hoang mang, không biết mình sẽ vẽ thế nào, vẽ cái gì. Ngày nào cũng vậy, ngày nào cũng là một hành trình mà tôi không biết đích của nó là gì. Điều đó quả thực thú vị.
Cũng phải nói thêm, với tôi, vẽ là thiền, một loại thiền động. Thực hiện hành động vẽ bản chất là thực hành chánh niệm. Khi đối diện với tấm toan, khi vẽ, tôi không còn nhớ về những gì đã xảy ra trong quá khứ, không băn khoăn về tương lai. Đó chính là “chánh niệm”.
Sau khi hoàn thành một tác phẩm, điều ông thấy hạnh phúc nhất là gì?
Tôi tin là mỗi nghệ sĩ sẽ có cảm xúc khác nhau khi thể hiện tác phẩm của mình. Và như vậy, khi hoàn thành tác phẩm, cảm xúc của họ cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, cảm xúc sau khi hoàn thành tác phẩm phụ thuộc vào việc anh tự đánh giá tác phẩm đó thế nào, xấu hay đẹp, thành công hay thất bại.
Nếu có được một tác phẩm tốt thì mình hân hoan, đôi khi cảm giác đó ám ảnh mình vài ngày khiến mình không thể vẽ tiếp bức khác. Nhưng với những bức tranh xấu, dở thì cảm giác bỗng dưng là mệt, là chán.
Là họa sĩ có tranh trưng bày tại triển lãm “nguyên” do Luxuo Art x GoMa tổ chức, ông có thể chia sẻ đôi chút về hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm cũng như thông điệp mà ông muốn chuyển tải?
Tôi tham gia triển lãm với Luxuo Art lần này với 5 tác phẩm, tuy nhiên không phải toàn bộ các bức tranh được sáng tác gần đây, thay vì thế, tôi chọn các bức tiêu biểu mà bản thân đã sáng tác trong vài năm. Sở dĩ như vậy vì tôi hy vọng người xem có hình dung, có thể cũng chưa được đầy đủ, về quá trình sáng tác của mình.
Tôi không có ý định gửi gắm bất kể một thông điệp gì qua các bức tranh của mình. Một tác phẩm nghệ thuật, nói cho cùng, chỉ có một công dụng duy nhất, đó là mang lại cảm xúc cho người xem. Cảm xúc đó có thể mang đến cho người xem một năng lượng tích cực nào đó; đó chính là mong muốn của nghệ sĩ.
Phải nói thêm rằng, tên “nguyên” của triển lãm Luxuo Art lần này thực sự thú vị. Thú vị vì nó đặt chúng ta, từ ban tổ chức, các hoạ sĩ và người xem về chung một khởi điểm; chúng ta cùng tinh khôi khi đến với hay thực hành nghệ thuật; chúng ta cùng bỏ qua những định kiến, những ám ảnh, những băn khoăn khi đối diện với tác phẩm.
Cái tên này thể hiện đúng cái trạng thái khi tôi bắt đầu vẽ một bức tranh, những bức tranh như tôi đã nói trên đây. Như vậy, có thể nói, tôi đóng góp bản nguyên của mình vào cuộc triển lãm lần này.
Nhân duyên giữa ông và nhà sưu tầm tranh của ông xảy đến trong bối cảnh đặc biệt nào? Ông có nghĩ mình là họa sĩ giỏi marketing tranh?
Những năm gần đây, thị trường tranh phát triển cùng với sự phát triển kinh tế. Khi đời sống vật chất khá lên thì người ta có điều kiện để cải thiện đời sống tinh thần. Thị trường rộng lớn, gout thẩm mỹ cũng như nhu cầu của người mua tranh vô cùng đa dạng, đây thực sự là cơ hội cho anh em nghệ sĩ với nhiều xu hướng nghệ thuật khác nhau.
Trong khi các nhà sưu tập mang tính đầu tư khai thác tính thương mại của dòng tranh của các bậc tiền bồi thời Cao đẳng Đông Dương,các tác phẩm nghệ thuật đương đại lại hướng tới nhóm người mua trẻ hơn, họ có văn hoá tốt, thu nhập tốt. Đây cũng là nhóm khách hàng mục tiêu của tôi.
Tôi chủ yếu tự giới thiệu tranh của mình trên trang Facebook cá nhân, tất nhiên, bên cạnh các cuộc triển lãm. Điều may mắn là tôi thu hút được một lớp khách hàng riêng biệt mà tôi nghĩ do sự phù hợp lẫn nhau về thẩm mỹ và văn hoá hơn là cách thức marketing.
Người yêu nghệ thuật có thể mong đợi dự án/sản phẩm nào nữa của ông trong tương lai?
Vẽ, với tôi hiện tại, là công việc hàng ngày, cho nên nói thẳng là tôi không thích dùng từ “dự án”. Dự án là một công việc, có mục tiêu, có kế hoạch, có thời điểm kết thúc. Trong khi vẽ thì nên liên tục, không bắt đầu, không kết thúc.
Vì vậy, bản thân tôi chỉ mong muốn là sẽ có nhiều tác phẩm tốt để giới thiệu với người yêu nghệ thuật, đặc biệt là những người yêu mến nghệ thuật của tôi. Tất nhiên, tôi cũng hy vọng là sẽ có cơ hội được giới thiệu với các bạn các tác phẩm của mình tại các cuộc triển lãm hoặc ít nhất là trên trang Facebook của tôi tại www.facebook.com/tlinh
Cám ơn họa sĩ Tào Linh vì những chia sẻ thật sự thú vị!
LUXUO.VN chính thức khởi xướng Luxuo Art với triển lãm đầu tay mang tên “nguyên”, đưa người yêu nghệ thuật nói chung bước vào thế giới trừu tượng đầy màu sắc của những người nghệ sĩ.
“nguyên” là triển lãm nhóm do Luxuo Art x GoMa tổ chức, quy tụ những cái tên đã ít nhiều gây ấn tượng với cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam: Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lâm Nhật Thanh, Mai Đại Lưu, Hà Hùng, Huỳnh Cường, Lê Hải, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tùng, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Chí Long, Trần Thảo Tú, Mạc Hoàng Thượng. 13 họa sĩ với 13 phong cách khác nhau, tất cả sẽ cùng nhau mang đến triển lãm mỹ thuật “nguyên” 52 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác.