Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Lê Huy – “Gốm là chất liệu không biết nói dối!”

Mar 16, 2021 | By Trang Ps

“Trong quá trình thực hành gốm, tôi phát hiện ra một điều đặc biệt quan trọng: gốm không biết nói dối. Không giống các chất liệu khác có thể hàn, vá, hay dùng vật liệu che phủ bề mặt để lấp đầy những lỗi sai hỏng phía dưới, gốm phải kinh qua quá trình chậm rãi và kỹ lưỡng…”

Cuộc trò chuyện giữa Art Republik và Lê Huy xoay quanh câu chuyện anh đến với nghề thủ công, đặc biệt là nghề gốm, cùng đó là những trăn trở đau đáu của nghệ sĩ trên hành trình lan tỏa giá trị thủ công Việt Nam đương đại.

Anh có thể chia sẻ cơ duyên dẫn anh đến với nghề thủ công? Dường như gốm là một trong những chất liệu mà anh cảm thấy kết nối nhất với chính mình?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, tốt nghiệp ngành Đồ hoạ tại Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội năm 2008, ra trường làm thiết kế đồ hoạ, và quay trở lại trường năm 2012 với vai trò giảng dạy.

Yêu thích đồ thủ công từ bé, tôi đã tự làm đồ chơi, đẽo gọt con quay, làm thuyền bằng lau sậy, làm diều, làm đèn trung thu… Lớn lên đi học, trong những lần ký hoạ thực tế, tôi có dịp ghé thăm các làng nghề và bị cuốn hút bởi những sản phẩm nho nhỏ và tỉ mỉ. Quanh quanh Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây…có nhiều làng nghề thủ công. Tôi đã đi đủ khắp các làng gốm Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, sơn mài Hạ Thái, gỗ Dư Dụ, Nhị Khê, mây tre Phú Vinh, tranh Đông Hồ,… Tôi nghĩ nguồn năng lượng làng quê tĩnh tại ở đó khiến ai cũng sẽ cảm thấy thuộc về.

Năm 2014, khi gốm Nhật bắt đầu du nhập vào Việt Nam, tôi mở một cửa hàng nhỏ tên là Tiệm Gốm và vẫn còn hoạt động đến bây giờ. Đồ gốm Nhật khiến tôi thích thú. Chúng khác những đồ gốm tôi từng thấy ở các làng nghề. Tôi học được ở gốm Nhật sự mộc mạc, gần gũi nhưng toát lên tính kỹ lưỡng đầy tinh tế, từ chiếc bình hoa, cốc chén, Ikebana và đặc biệt là bát trà (chawan)… Mọi sản phẩm đều neo giữ được dấu ấn cá nhân tác giả một cách rõ nét và trở thành biểu tượng mà bất kỳ ai nhìn vào đều biết chúng đến từ xứ sở hoa anh đào.

Ở tiệm của tôi, ngoài gốm còn có cả những sản phẩm thủ công khác, đa phần từ Nhật: Búp bê Hina, Kokeshi, đồ trà, Chasen, Tượng gỗ-gang-đồng, ấm Tetsubin… Tôi ngưỡng mộ tài huệ của người Nhật khi tạo ra ngần ấy thứ và lưu giữ thành công nghề truyền thống phát triển đến bây giờ. Chính câu chuyện này khiến tôi trở lại với các làng nghề nước ta, mong muốn giới thiệu đến công chúng những sản phẩm thủ công Việt Nam nhằm đối trọng với sản phẩm Nhật.

Tôi nhận ra rằng, mọi người đều yêu thích những sản phẩm thủ công Việt, chỉ là ít cơ hội tiếp cận. Những sản phẩm đẹp từ làng nghề đều được xuất khẩu, một số ít được trưng bày sang trọng trong những gallery, cửa hàng trên phố cổ bán cho khách du lịch nước ngoài…  Rõ ràng, chúng ta đã không có điều kiện tiếp cận trọn vẹn với những sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống của mình. Từ đó, tôi quyết định mang về Tiệm giới thiệu sơn mài Hạ Thái, gốm Biên Hoà, gốm Hương Canh, mây tre đan Phú Vinh, gỗ Dư Dụ… Thật may, ai nấy đều đón nhận và yêu quý.

Sau đó, cá nhân tôi thử sức với các thiết kế nhỏ, tự tạo những sản phẩm thủ công của riêng mình thông qua sự giúp đỡ sản xuất và hoàn thiện bởi các nghệ nhân với mong muốn mang đến góc nhìn công bằng nhất về đồ thủ công Việt Nam được thực hiện bởi những nhà thiết kế trẻ với tinh thần kế thừa dân gian.

Dê Cát Tường, 10x8x18cm với hoa văn Dương Văn, Hoa văn cách điệu từ sừng dê của người Hmong. Chữ Dương trong Dương văn giống chữ Tường trong chữ Cát Tường. Dê Cát Tường mang ý nghĩa đó.

Dù tiếp cận nhiều chất liệu sáng tác khác nhau nhưng có lẽ, gốm là chất liệu mà tôi yêu thích hơn cả. Tôi không được đào tạo làm gốm bài bản. Mọi sự đều là do mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Tết 2015, tôi thực hiện dự án con giống đầu tiên với hình tượng Dê, với tên gọi Dê Cát Tường, một dự án sơ khởi nhất cho những gì tôi đang làm đến hôm nay.

Năm 2017, tôi gặp hoạ sỹ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường, người sáng lập Bảo tàng không gian văn hoá Mường, Mường Studio và Gốm Mường). Anh là người đầu tiên hướng dẫn tôi vuốt gốm và cho tôi những kiến thức cơ bản và cần thiết về gốm. Ở Mường Studio, tôi có cơ hội thực hành, quan sát và học hỏi toàn bộ quy trình làm gốm từ đất, men, màu và nung đốt. Khi làm việc với đất, tôi thấy mình giống như một đứa trẻ ngây ngô và mơ mộng.

Trong dự án Nhàn Ngưu gần đây, tôi cảm thấy được tính mềm mại, tự tại và thong dong trong sản phẩm anh chế tác, phải chăng đó cũng chính là nguồn năng lượng chính yếu từ trước đến nay trong tác phẩm của anh? Hay chỉ đơn thuần mang tính chuyển tiếp giai đoạn?

Tôi thích những đồ vật nhỏ, có lẽ xuất phát từ bản tính hoặc thế giới quan cá nhân từ bé.

Tôi luôn nghĩ mình là đứa trẻ. Khi có con, tôi thấy góc nhìn của mình lại càng giống chúng hơn. Nhàn Ngưu cũng vậy, con trâu bé xíu như hạt mít, mở hộp ra rồi lật giở từng bước: nhấc chiếc lá tre lên để thấy trâu, mở phong bì thấy bộ lịch Thập Mục Ngưu Đồ, sau cùng mới thấy mõ gốm nằm trong rơm, lấy đủ hết ra mới đặt trâu lên lưng mõ. Tất cả công đoạn này giống như trò chơi đồ hàng, lắp ghép, hay tìm kho báu của trẻ con.

Nếu mọi người xem Nhàn Ngưu và cảm thấy tự tại, thong dong thì có lẽ đó là thành công và hạnh phúc lớn mà tôi có.

Từ trước đến nay, nguồn năng lượng chính yếu với tôi là giữ cho mình góc nhìn và háo hức khám phá của đứa trẻ, cùng đó là nhiệt thành, cống hiến của sự khởi đầu. Hai nhân tố ấy khiến tôi luôn muốn thử nghiệm những cái mới. Mỗi dự án diễn ra như một trò chơi, phải “ra trận”, phải chiến đấu, phải thắng, qua từng cửa, đôi khi là tái chắp ghép những mảnh nhỏ qua từng giai đoạn để thấy đích đến đầy bất ngờ..

Làm việc ở nhiều ngành và nhiều chất liệu khác nhau nhưng trong tất thảy các dữ kiện, đâu là series biểu tượng định nghĩa nên bước ngoặt sáng tác của anh?

Đúng là thật khó để thấy con đường rõ ràng và xuyên suốt bởi tôi hoạt động và làm việc với nhiều ngành và nhiều chất liệu khác nhau. Tôi nghĩ đời sống nghệ thuật hay đời sống cá nhân tôi giống như khu vườn với nhiều loại cây. Mỗi công việc, mỗi chất liệu đều là mỗi loại cây mà tôi mang về tìm hiểu rồi chăm sóc. Tôi có thể vẽ tranh nhưng không trở thành hoạ sĩ tạo hình, tôi làm gốm nhưng tôi không phải nghệ nhân, tôi đã làm thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp trong nhiều năm nhưng lại không theo đuổi ngành đó… Tôi chăm bón một khu vườn nhỏ, và hy vọng những cây xanh đều ra quả, dù nhỏ hay ít.

Chuột Quả Gấc sơn son thếp vàng và bản xanh thếp bạc lá.

Bước ngoặt lớn nhất với tôi có lẽ là Chuột Quả Gấc. Sau 5 năm từ khi tôi thực hiện dự án Dê Cát Tường, 5 năm từ khi tôi bỏ nghề thiết kế đồ hoạ, 5 năm đứt đoạn đó tôi đã gần như không làm gì ngoài việc mưu sinh. 2019 thực sự đặc biệt ý nghĩa, đó là một năm nhiều khó khăn và cũng thật nhiều hạnh phúc.

Khi bắt đầu Chuột Quả Gấc, trong câu chuyện dài với người bạn gốc Huế, tôi lắng nghe bạn ấy kể say mê về Huế, về cụ cố là quan Triều Nguyễn, về những di sản không phải là vật thể, về những điều còn lại trong một gia đình Huế… Dù đã ở cố đô nhiều lần, nhiều ngày nhưng không khí Huế mà bạn ấy tạo ra trong những câu chuyện bao trùm suy nghĩ của tôi. Tôi đã tạo nên Chuột Quả Gấc sơn son thếp vàng với tinh thần cố đô ấy, và phát triển thành bộ Chuột Nhất Phẩm với hệ thống hoa văn cách điệu từ bổ tử trên áo quan lại triều Nguyễn. Tôi đã dốc hết toàn bộ khả năng để thực hiện dự án, giống như khi bước vào khu vườn của mình, tôi hái tất cả các loại quả đang chín, những hoa lá phù hợp để tạo nên một món ăn từ những nguyên liệu đó. Tôi thấy con đường, thấy tình yêu của mình dành cho những điều nhỏ bé.

Sau dự án này, tôi thực hiện Ngựa Hoa Mai. Ban đầu, tôi chỉ định làm một con ngựa gốm cho Lam Phong (con tôi thuộc tuổi Ngọ). Tôi có một bộ sưu tập nho nhỏ những con ngựa cho con, rồi cũng tự làm vài con ngựa gốm để bổ sung vào bộ sưu tập ấy. Ngựa Hoa Mai cũng vậy, một con ngựa mắt tít, béo múp, men xanh đồng, lấy ý từ tranh, tượng, phù điêu dân gian.

Ngựa Hoa Mai vàng 18k nguyên khối (kt5.5x5x2.8cm) 2

Khi Covid ập đến, tôi đặt câu hỏi với mình nhiều hơn. Tôi nghĩ chúng ta thừa kế những di sản từ ông cha thì cũng cần làm gì đó cho sau này. Ở góc độ cá nhân, tôi làm cho những đứa con của mình. Tôi nghĩ đến kim loại quý có thể là chất liệu phù hợp để thực hiện những tạo hình nhỏ, truyền tải được hệ thống hoa văn sắc nét, bền vững và đủ nặng để mang đến cảm xúc trọn vẹn khi cầm trên tay. Tôi quyết định thu nhỏ và chế tác bằng vàng. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi lại phải học thêm một kỹ thuật mới, một chất liệu mới. Hàng tháng tôi tẩn mẩn tạo hình và sửa hoa văn trên cốt bằng sáp. Tôi thường xuyên dùng đến kính lúp, nín thở để có thể xử lý những chi tiết nhỏ. Khi nhiều ngày liên tiếp sử dụng mắt như một chiếc ống kính macro, tôi nghe thấy chính mình nhiều nhất. Tất cả thôi thúc tôi phải hoàn thành đúng hẹn mà tôi tự đặt ra. Đó là quá trình của áp lực, tập trung trọn vẹn, hết mình, hết lòng vào trong một vật nhỏ xíu. Nhiều lúc thấy kiệt sức nhưng tôi đã thật sự rất xúc động khi hoàn thành, khi có thể đi hết một hành trình từ đất đến vàng. Tôi nghĩ Ngựa Hoa Mai là dự án biểu tượng định nghĩa nên tôi bây giờ.

Nhắc đến Lam Phong, cũng là tên studio được anh thành lập và hoạt động trong vài năm nay. Liệu thương hiệu ấy đã giúp anh định hình phong cách và lan tỏa đồ thủ công Việt đến công chúng như thế nào?

Tôi thành lập Lam Phong vào năm 2015. Đó là tên con trai tôi, là động lực lớn để tôi làm việc và sáng tạo. Hiện tại, toàn bộ thiết kế từ Lamphong Studio đều do mình tôi thực hiện toàn bộ các khâu nhưng về lâu dài, bản thân muốn gây dựng đội ngũ những bạn thiết kế trẻ, yêu văn hoá truyền thống dân gian để cùng tạo những sản phẩm sáng tạo thú vị, tiếp cận và lan toả giá trị truyền thống.

Đến các nước, tôi thấy sản phẩm quà tặng, đồ trang trí dân gian ở đó rất đặc trưng, chỉ nhìn thoáng qua thì biết đó là của nước nào, như búp bê Kokeshi của Nhật, đồ gỗ Bali- Indonesia, đồ bạc của Lào, Thái Lan, Trung Quốc thì quá nhiều… Tuy nhiên, Việt Nam lại có ít sản phẩm mang tính biểu tượng để quốc tế nhìn vào có thể biết ngay đó là của nước mình. Trong khi văn hoá truyền thống Việt có nhiều đặc trưng để khai thác.

Dường như, không ít người thiết kế bị ảnh hưởng mạnh bởi phong cách phương Tây để sản phẩm cuối cùng không còn đậm giá trị Việt nữa. Những nghệ nhân làng nghề lại thường làm theo thói quen, lặp đi lặp lại theo lối mòn hoặc quá cổ điển. Tôi cố gắng thay đổi hai cách làm đó và mong muốn tạo ra những sản phẩm chỉn chu, hiện đại nhưng toát lên được giá trị văn hoá truyền thống.

Cá nhân tôi cũng lựa chọn đứng giữa ranh giới nghệ sĩ và nghệ nhân, cố gắng hoàn thiện mình để có khả năng thực hành, chủ động trong các chất liệu truyền thống mà vẫn giữ tư duy bay bổng và tiếp cận các phương thức sáng tạo mới từ các nghệ sĩ thị giác.

Làm việc với đồ gốm, anh đã có những trải nghiệm thú vị nào, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, khi mà nghệ sĩ quay về bên trong mình nhiều hơn? Hình như việc chế tác thủ công trong giai đoạn này cũng là một cơ hội để anh phản tỉnh trên con đường sáng tác?

Có lẽ, 2 năm gần đây là quãng thời gian khá vất vả và khó khăn với cá nhân tôi. Khi đại dịch ập đến, xã hội cách ly, mọi thứ như ngừng hoạt động. Đó là lúc tôi đối thoại, tự đặt câu hỏi và chất vấn mình nhiều hơn. Trước đây, tôi luôn đau đáu làm một việc gì đó, nhưng thực sự khi đó, tôi chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Tôi nghĩ làm cách nào và cái gì để ra tiền. Những ngày giãn cách xã hội đã khiến tôi thay đổi nhiều, tôi về quê sống với bố mẹ, nơi tôi đã sinh ra và đã rời khỏi đó 15 năm. Tôi thấy lại mình, thấy một đứa trẻ ở quê háo hức đi học đại học, háo hức tạo nên một điều gì đó, háo hức trưởng thành.. những điều mà có lẽ đã bị đời sống đô thị vùi lấp và khiến những ước mơ ngày càng xa… Những ngày sống thật chậm đã thôi thúc tôi mạnh mẽ để có thể làm dự án Ngựa Hoa Mai và Nhàn Ngưu trong năm 2020.

Khi Covid ập đến đầu 2020, tôi về quê và mang theo một túi đất, bàn xoay, và một vài đồ nghề nhỏ để làm gốm. Tôi làm gốm để giải trí, để hiểu chất liệu, trải nghiệm và thực hành. Quá trình đó với tôi quan trọng hơn thành quả.

Tôi nặn những lọ nhỏ, con vật nhỏ và thả vào bếp lửa. Nó trở thành đất nung như gạch non. Tôi hướng dẫn con cùng làm, cùng nghịch, cùng trải nghiệm. Được chạm tay vào đất, tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc. Tôi nhìn ra bên ngoài, mọi người vất vả mưu sinh, chống chọi với những hậu quả mà đại dịch kéo đến trong khi tôi vẫn được vẽ tranh, vẫn làm gốm, và sống được với những điều mình đam mê. Tôi nghĩ đó cũng có thể xem là một đặc ân.

Trong quá trình thực hành gốm, tôi phát hiện ra một điều đặc biệt quan trọng: gốm không biết nói dối. Không giống các chất liệu khác có thể hàn, vá, hay dùng vật liệu che phủ bề mặt để lấp đầy những lỗi sai hỏng phía dưới, gốm phải kinh qua quá trình chậm rãi và kỹ lưỡng. Ngay từ khâu làm đất, nếu vò không đều, hay vì một lý do nào đó làm cho cốt đất nứt/xé thì dù có chít bịt lại thế nào thì lúc nung cũng sẽ dễ vỡ, nổ ở chính vết mà chúng ta bịt lại đó. Người thực hành gốm phải hết sức cẩn trọng và từ tốn, nếu có nhỡ phát sinh vết rạn nứt đều phải xử lý lại, phải ứng xử với gốm một cách chân thật nhất.

Khi ở quê, tôi không có lò nung, tôi cho lên bếp than, bếp ga để nung thử, thậm chí cho cả vào lò nướng. Khi những chiếc lọ nhỏ tôi đã mất công làm cả tuần nổ thành trăm mảnh trên ngọn lửa, tôi hiểu rằng phải thật chậm, thật chậm, thật nâng niu và trong một môi trường riêng mới bảo toàn vẹn nguyên những gì mình tạo ra.

Gốm qua nhiều khâu có thể dẫn đến hỏng. Đất khô ẩm không đều dễ nứt, men màu dễ lấm, quá trình khô và co ngót dễ méo, cầm sản phẩm chưa nung dễ vỡ/bể, nung nhiệt cao thấp khác nhau, các góc lò nhiệt độ khác nhau cũng sẽ cho những kết quả khác nhau. Gốm luôn cần sự tỉ mỉ, chính xác và nâng niu cẩn trọng.

Tôi nghĩ mình mới chỉ bắt đầu những đoạn ngắn. Con đường tôi đang đi có thể rộng hay hẹp, có thể dài hoặc nhiều ngã rẽ.., nhưng mình cần phải đi, phải làm việc, phải sáng tạo lặng lẽ, cần mẫn, chân thành, hết mình và trân trọng cả những điều không hoàn hảo.

Trải qua nhiều dự án sáng tạo thể hiện sự cần mẫn và tinh tế như vậy thì không biết Lê Huy có trung thành với một đề tài nhất định nào hay chăng?

Tôi thích văn hoá truyền thống nói chung của tất cả các dân tộc, vùng miền, chứ không chỉ riêng các vùng văn hoá lớn. Tôi quan tâm nhiều đến văn hoá của những dân tộc thiểu số phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, hay cả những bản sắc của người Nam Bộ… Tôi học hỏi và quan sát qua kiến trúc, trang phục, vật dụng, và đặc biệt thích thú với từng hoa văn, hoạ tiết.

Khi còn là sinh viên, những bài vẽ ghi chép hoa văn vốn cổ đều khiến tôi mê mẩn. Khi quan sát và ghi chép lại, tôi khám phá ra nhiều điều bất ngờ trong bố cục tạo hình của những nghệ nhân, nghệ sĩ xưa. Và càng bất ngờ hơn nữa khi có thể biết được những lớp ý nghĩa được truyền tải qua những hình tượng đấy.

Sắp đặt Gieo hạt. Nhân vật chính là Trâu hạt mít và mõ đình làng men xanh.

Còn về hoa văn họa tiết thì sao?

Các đồ án hoa văn, hoạ tiết đều được người xưa thể hiện đơn giản, mộc mạc nhưng lại tinh tế với nhiều ẩn dụ. Trên trang phục các dân tộc thiểu số hay vốn cổ của ông cha để lại qua kiến trúc, điêu khắc đình chùa truyền thống, hay đôi khi là chi tiết của một vật dụng, một nông cụ của người xưa, những thông điệp được truyền tải mang ngôn ngữ của biểu tượng, tín hiệu, kiệm lời nhưng lại ẩn chứa vô vàn ý nghĩa sâu sắc. Nên dù làm đồ hoạ hay các sáng tác tạo hình, tôi đều hướng về những giá trị đó, kế thừa và phát triển bằng tinh thần mới. Tôi là người thích chi tiết, nên khi tiếp cận và ứng dụng những hoa văn truyền thống, tôi thấy mình được thoả sức trong những tỉ mỉ đó. Khi vẽ lại những hoa văn hoạ tiết, hay thể hiện trên gốm, trên kim loại mới thấy khối lượng công việc của những người thợ thủ công là rất nhiều. Phải kiên nhẫn, chân thành và rất yêu nghề thì mới có thể tạo nên những mảnh thêu, những chạm khắc đó.

Những công việc mà ngày càng mai một, những sản phẩm mà bàn tay đang dần được thay thế bằng máy, đó là lý do trong những sáng tác của mình, tôi luôn trung thành với chi tiết, sử dụng các dạng thức hoa văn mang tính biểu tượng, khác nhau và truyền tải nhiều ý nghĩa.

Túi Canvas với hệ thống hoa văn cách điệu từ bổ tử trên áo quan lại triều Nguyễn.

Anh có thể chia sẻ về các dự án tiếp theo?

Tôi mong muốn thực hiện đủ 12 con giáp và có thể một vài con vật nữa. Tôi vẫn theo đuổi cách thực hiện mà tôi đã làm để có thể tạo nên một con đường xuyên suốt.

Thực ra, ước mơ và đam mê lớn nhất của tôi là vẽ. Tôi vẫn làm gốm và vẽ, khai thác những ngôn ngữ mang tính biểu tượng, tín hiệu… hi vọng có thể hoàn thành và giới thiệu thành quả sớm nhất.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thật thú vị nhé!

 


 
Back to top