LYTHI Auction trưng bày 30 tác phẩm tranh của họa sĩ Bửu Chỉ
LYTHI Auction tổ chức sự kiện “Đi tìm ý nghĩa thời gian của người”, giới thiệu bộ sưu tập tranh của họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002), khai mạc từ ngày 23/08 và trưng bày đến hết ngày 03/09 tại Salon LYTHI, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tọa lạc tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP. HCM.
Nhiều người tiếc Bửu Chỉ ra đi hơi sớm, ngay độ tuổi còn khá sung sức cho sáng tạo. Nhưng nếu nhìn vào chính hành trình sáng tạo của Bửu Chỉ, có lẽ cũng đã khá đủ đầy.
Bộ sưu tập mà Lythi Auction mang đến lần này có một câu chuyện khá thi vị. Tuy về số lượng không thật nhiều, nhưng hiện tại cũng khó thấy ở đâu có cùng một lúc gần 30 tranh Bửu Chỉ như vậy.
Tác phẩm của Bửu Chỉ kinh qua nhiều phong cách
Trong hội họa, Bửu Chỉ kinh qua nhiều phong cách, mà mỗi phong cách đều vẽ khá sung mãn. Từ vẽ kiểu biếm họa cho đến tranh thiếu nữ lãng mạn, tranh minh họa. Từ ấn tượng cho đến hiện thực huyền ảo, nhưng có vẻ nổi trội hơn lại là tân biểu hiện (néo-expressionnisme) và tượng trưng (symbolism), đôi khi ông kết hợp nhiều phong cách với nhau.
Sinh thời, Bửu Chỉ từng viết: “Có người quan niệm rằng hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính, nghĩa là không có trình tự trước sau. […]. Tôi không đồng ý với quan niệm này, vì nó có nhiều điểm không ổn và không xác đáng”.
Về mặt nhận diện, ngoài một số tranh theo tinh thần lãng mạn, còn tựu trung Bửu Chỉ là họa sĩ diễn ý – tác phẩm luôn giàu tính văn chương, tư tưởng. Đôi khi vẽ là vẽ một ý niệm trực tiếp, cụ thể. Đọc ý tưởng hoặc bình luận một bức tranh của Bửu Chỉ khá dễ rành mạch, vì chúng dùng biểu hình, biểu ý và biểu tượng khá rõ ràng.
Về mặt tạo hình, Bửu Chỉ là họa sĩ đã có hình riêng, nhắm mắt có thể mường tượng ra được. Với người mới xem, chỉ vài lần thôi, cũng đã có hình dung khá chính xác. Những mặt trăng, mặt trời, đồng hồ, ngọn nến, đèn dầu, lưỡng nghi… là những biểu hiệu của Bửu Chỉ, chúng dùng để đọc ý, để chiêm nghiệm. Bửu Chỉ luôn làm cuộc đi tìm ý nghĩa thời gian của người.
Nói như nhà phê bình Thái Bá Vân: “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ: nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẽ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là”.
Còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn vời chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa”.
“Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này…”. Riêng về mặt tạo hình và thẩm mỹ, vì mối quan hệ đặc biệt của chủ sở hữu với chính họa sĩ, nên có được những đại diện cho một vài phong cách đặc trưng của Bửu Chỉ.