Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh: Khoảnh khắc đắt giá nằm trong những điều dung dị đời thường
Nhiếp ảnh của Lê Hồng Linh không phải là chỉ chăm chăm vào kỹ thuật hay dụng tâm bắt khoảnh khắc nào gây bất ngờ, cao siêu hay huyền diệu. Mà đó là luôn giữ thái độ trong sáng và hồn nhiên để thấy những khoảnh khắc đắt giá nhất lại nằm ở những điều bình dị đời thường nhất trong ta và xung quanh ta.
Công việc của Lê Hồng Linh trưng bày trước mắt tôi một cuộc sống đa sắc màu được thể hiện trong những khoảnh khắc đời thường thật dung dị và mộc mạc. Xem tác phẩm của ông, tôi chợt nhớ đến tâm thế của Basho trước cuộc đời đa cung bậc. Những vần thơ haiku của Basho đầy đạo vị, để qua đó, ta thấy rằng không một hiện hữu nào tầm thường mà đều toát lên sự sống vô cùng độc đáo và sinh động. Có lần ngài thi sĩ viết:
“Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
Cành Nazuna”
Trong cái tự nhiên đơn sơ ấy, ta bắt gặp một điều gì đó thật nhiệm màu, hiện hữu trong thực tại hiện tiền mà chỉ những người tỉnh thức, trọn vẹn trở về chính mình mới có thể thấy ra. Như đứa trẻ thơ luôn ngạc nhiên khi tiếp nhận mọi sự một cách mới mẻ mà không qua lăng kính của ngôn ngữ, tư dục và quan niệm. Chiêm ngưỡng công việc của Lê Hồng Linh, tôi tin ông cũng là một người như vậy, tức ấy là cái nhìn mới mẻ bất ngờ như một em bé chưa bao giờ biết gọi tên hay dính mắc vào yêu ghét.
Triển lãm “Sáng và tối”: Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở tính đối lập
Khi Lê Hồng Linh giới thiệu triển lãm nhiếp ảnh cá nhân lần thứ 2 mang tên “Sáng và tối”, tôi tin đó không phải là một tên gọi lạ lẫm hay phá cách, thậm chí là một phạm trù hay khái niệm thông thường của những người làm sáng tạo nói chung và nhiếp ảnh gia nói riêng. Nhưng “Sáng và tối” trong tác phẩm của ông lại mang một màu sắc rất riêng của một con người làm nghệ thuật lấy tính đối kháng nhị nguyên như nền tảng cho vẻ đẹp cuộc sống.
Bản chất của cuộc đời là hai mặt: sáng – tối, hạnh phúc – khổ đau, thăng – trầm, thành – bại, giàu – nghèo… Con người sinh ra không để chỉ chọn một mặt theo ý muốn của mình, mà cần can đảm đi qua hai mặt mà tâm vẫn bình thản trong sáng. Nhiếp ảnh của Linh cũng vậy, là đủ đầy hai mặt “sáng – tối” trong cuộc đời đa đoan. Ở đó ta thấy thân phận con người, con vật, một nền văn hóa, khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp lao động hòa lẫn giữa tự nhiên vô tận… Linh không nghiêng về một mặt nào của đời sống, tức không đơn thuần lột tả chỉ nỗi buồn hay chỉ niềm vui, mà là trưng ra trước mắt ta bản chất nhị nguyên của đời sống để ta thấy được vẻ đẹp sinh động và mầu nhiệm vốn luôn có sẵn trong những điều mộc mạc, dù đó là nghèo hay sướng, phúc hay họa,…
Tinh giản màu để lột tả thân phận
Cách tiếp cận nhiếp ảnh đen – trắng của Linh có một điều đặc biệt là, việc tinh giản màu sắc khiến cho người xem không chỉ thưởng thức về mặt thị giác, mà dần đi sâu vào tâm hồn đối tượng. Khi sắc chỉ còn đen và trắng, người ta sẽ chú tâm hơn vào phần hồn được thể hiện qua ánh mắt, gương mặt nỗi niềm, cử chỉ sinh hoạt, vật dụng đặc trưng… Tôi nghĩ đây mới là tài năng của nhiếp ảnh gia, tức công việc của họ đã vượt qua được yếu tố thị giác đơn thuần để đi đến phần thấu cảm.
Chưa kể, ẩn trong những bức ảnh đen trắng mà Lê Hồng Linh bắt khoảnh khắc lao động của con người nhỏ bé giữa thiên nhiên vô tận (có khi là sông, có khi là biển,…), ta thấy được cái chất hội họa thủy mặc mà tinh thần trong đó thường giàu đạo vị, sâu lắng và tĩnh tại. Có lẽ, ông cũng phải chạm đến cung bậc ung dung tự tại thì mới có thể chia sẻ những thực tại nhiệm màu đến thế!
Viết đến đây, tôi bèn nhớ có thầy Viên Minh khi thong dong dạo trong khu vườn tươi đẹp đã cao hứng làm một bài thơ:
Một chùm rêu xanh xanh
Nằm yên bên góc đá
Chừ xuân hay là hạ
Sương điểm giọt long lanh?
Hẳn đây là câu hỏi đầy ngạc nhiên như tâm hồn trẻ thơ trước sự mới lạ của vạn vật. Ta thấy, một chùm rêu khiêm nhường bên góc đá, ấy vậy mà nó đã tô điểm cho bức tranh núi rừng trời biển bao la. Cũng như cách mà Lê Hồng Linh bắt khoảnh khắc hình hài người lao động bé nhỏ giữa khoảng trời bao la đó. Tất cả con người – thiên nhiên… nương tựa vào nhau mà biến dịch, mà sinh sôi, và cũng thế mà hoại diệt. Và cũng chính vì thấy cuộc sống là đổi thay, mà Linh mới cảm nhận vạn vật đều đẹp, đều lãng mạn theo cách riêng. Như câu nói “khi tâm thanh tịnh liền thấy các pháp đều thanh tịnh”, có lẽ, mọi sự chỉ đẹp khi tâm hồn ta đẹp! Vậy thì, nhiếp ảnh có lẽ đơn thuần là nhân duyên để qua đó phản chiếu tâm hồn luôn tươi mới của Lê Hồng Linh!