Trò chuyện Art Republik: Sung Tiêu – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 6
Đến với NTU CCA Singapore ngay trước khi Covid-19 diễn ra, Sung Tiêu đã cố gắng “lắng nghe những âm thanh của thành phố, và tương tác với nó thông qua những tố chất âm thanh ấy”.
Ace Lê:
Bạn đến NTU CCA ngay trước khi Covid-19 diễn ra. Thật may mắn, vì nghiên cứu của bạn cần sự tiếp xúc trực tiếp. Khi ở đây, bạn tìm hiểu môi trường âm thanh của Singapore ở cả góc độ vật chất và trừu tượng, đồng thời khai vấn mối quan hệ giữa nó với những không gian công cộng và thành phần cư trú.
Sung Tiêu:
Phải mất khá lâu tôi mới làm quen được với môi trường sống tại Singapore. Nơi này không giống với những nơi tôi đã từng sống và làm việc, nên tôi tới lưu trú với ý định lắng nghe những âm thanh của thành phố, và tương tác với nó thông qua những tố chất âm thanh ấy.
“Tính tự sự trong tác phẩm của tôi thiên về một dạng hư cấu tự thân, thay vì tường thuật tiểu sử theo nghĩa đen” – Sung Tiêu
Tôi muốn tìm hiểu sự ô nhiễm tiếng ồn của Singapore, một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, với mật độ dân số cũng thuộc dạng cao nhất. Đây lại là một thủ phủ giao dịch tài chính trừu tượng, số hóa, nằm trên một châu lục được định dạng bởi sản xuất vật chất và thương vận toàn cầu. Sự đối lập này làm tôi tò mò, muốn nghiên cứu về những cơ cấu âm thanh nơi đây – theo tính chất xã hội, tình cảm, chính trị hay môi trường – bằng cách tìm hiểu về hạ tầng và kiến trúc của thành phố, hai thứ vốn được kiến thiết bởi khối tài chính.
Tôi đã tìm được gì? Tôi chưa rõ nữa. Bất chấp sự cởi mở, chính phủ nơi đây vẫn còn có nhiều chính sách quản lý và kiếm duyệt gắt gao, khiến cho việc nghiên cứu tương đối khó khăn.
Ace Lê:
Ba tháng lưu trú đó là một phần trong dự án nhiều năm của bạn, nghiên cứu những hệ sinh thái âm thanh thành thị ở Đông Nam Á. Mối quan tâm tới âm thanh này bắt đầu từ đâu?
Sung Tiêu:
Tôi bắt đầu thử nghiệm âm thanh như một phương tiện nghệ thuật từ năm 2016, khi quay tác phẩm video lớn đầu tiên của mình có tên “Memory Dispute” tại Bạch Mã, Huế. Đó là một ngọn núi với lịch sử phức tạp, trải qua giai đoạn thuộc địa Pháp, rồi chiến tranh Việt-Mỹ với những cuộc rải Chất độc Da cam và bom napalm. Trong những tháng đó, tôi đã nhiều lần đi vào cánh rừng tái sinh tuyệt đẹp, và tưởng tượng ra âm thanh của những cuộc chiến trong quá khứ. Tuy nhìn ở bề ngoài thiên nhiên thật xanh tươi, lành lặn, trong tôi vẫn cảm nhận được một lịch sử đen tối.
Lên đỉnh Bạch Mã, bạn sẽ thấy vẫn còn mấy chục căn biệt thự thuộc địa cổ đã hoang hóa, và dấu vết những căn hầm mà người lính cộng sản đã đào sâu vào núi. Và những cảm giác đó đã thôi thúc tôi phải ghi lại quá khứ ấy bằng âm thanh.
Ace Lê:
Chúc mừng bạn đã là một đại diện chung cuộc cho giải thưởng mới thành lập Next Generation Art Prize 2021 của Julius Baer với “Sound TV” (2021), một tác phẩm giao thoa giữa tâm lý-âm thanh học và địa-chính trị. Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình sáng tác?
Sung Tiêu:
“Sound TV” là một tác phẩm tôi làm theo yêu cầu cho một chương trình trực tiếp cùng nhóm nghệ sỹ East London Cable tại Tate Modern, London. Những năm gần đây, tôi có nghiên cứu về việc sử dụng tâm linh như một vũ khí thông qua công nghệ âm thanh, đặc biệt là trong cuộc chiến Việt-Mỹ với cuốn băng “Ghost Tape No. 10” được làm ra bởi đội Đặc nhiệm Tâm lý của quân đội Hoa Kỳ vào khoảng 1969.
“Sound TV” được quay tại Mỏ Cày, Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi cuốn băng từng được phát ra. Những hình ảnh đó được xen kẽ với những thước phim tôi quay tại địa đạo Củ Chi. Tôi cũng quan tâm tới hệ thống địa đạo như một hạ tầng ẩn dưới lòng đất. Yếu tố âm thanh trong video tương tác với khái niệm “ẩn”, đan kết lên thành một thông điệp mã hóa.
Lúc ấy tôi có cộng tác với nhóm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Nottingham Trent để phân tích “Hội chứng Havana”, và cách não bộ chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi tần số âm thanh. Những diễn biến ảo giác là kết quả của vũ khí tâm lý và những chiêu trò can thiệp giác quan, và tôi muốn tái hiện trải nghiệm ấy qua tác phẩm của mình.
Ace Lê:
2020 là một năm quan trọng đối với bạn, với hai triển lãm lớn đồng thời diễn ra: “Zugzwang” tại Haus der Kunst, Munich và “In Cold Print” tại Nottingham Contemporary, Nottingham. Có sự đối thoại được hoạch tính nào giữa chúng không?
Sung Tiêu:
Vâng, 2020 là năm quan trọng với cá nhân tôi. Chỉ riêng cơ hội được làm hai sắp đặt cỡ lớn trong cùng một thời điểm đã là một sự thu nạp kiến thức lớn. Mặc dù diễn ra cùng lúc, hai triển lãm này được tôi phát triển ý tưởng riêng biệt, bởi tôi muốn né tránh một “đặc thù sáng tác”.
Tôi không muốn phải dựa vào một công thức modus operandi nhất định. Thay vào đó, tôi muốn mình luôn ở trong trạng thái tỉnh táo, mở mắt nhìn xung quanh. Tôi nghĩ có một sự đối thoại nhất định giữa hai sắp đặt, có lẽ không quá rõ ràng, ví dụ như ở một số điêu khắc nhất định như những chiếc ghế và những bề mặt, hay những thứ tôi viết tay ở dạng thức khác nhau, v.v..
Ace Lê:
Bạn sinh ra ở Việt Nam rồi chuyển tới Đức khi còn nhỏ, và trong tác phẩm của bạn có một mức độ tự sự nhất định về bản dạng ngoại lưu (diasporic). Bạn nghĩ bản thân mình thuộc về nơi nào?
Sung Tiêu:
Tất nhiên tôi thấy gần gũi với những nước tôi đã sống và có nguồn gốc sắc tộc. Nhưng tôi không muốn xác định rằng mình thuộc về một quốc gia hay tuyến nội dung cụ thể nào. Rõ rệt hơn, tôi thấy mình thuộc về những cộng đồng mà tôi là một phần, những con người, bạn bè và đồng nghiệp. Cộng đồng người Việt (và châu Á) ngoại lưu ở châu Âu có ý nghĩa lớn với tôi, bởi những tiếp xúc trực tiếp với họ đã cấu thành nên một phần đáng kể trong kinh nghiệm sống của tôi.
Tính tự sự trong tác phẩm của tôi thiên về một dạng hư cấu tự thân, thay vì tường thuật tiểu sử theo nghĩa đen. Tôi sử dụng bản thân như một chất liệu sáng tác có nhiều tầng lớp tưởng tượng tâm lý, tổng hợp lại những kỷ niệm khác nhau không chỉ của riêng mình, mà phần nhiều là giao thoa với những cuộc đời khác.
“Những diễn biến ảo giác là kết quả của vũ khí tâm lý và những chiêu trò can thiệp giác quan, và tôi muốn tái hiện trải nghiệm ấy qua tác phẩm của mình” – Sung Tiêu
Tôi quan tâm tới cách truyền tải câu chuyện ấy tới khán giả. Tôi mường tượng ra phiên bản hiện thực mà họ sẽ xem và cảm thấy, và cố gắng liên kết nó với hiện thực của chính mình. Mối liên hệ này diễn ra tại không gian triển lãm ở mức độ thị giác và cảm giác – và đến lúc ấy thì tường thuật tiểu sử đơn thuần sẽ không còn có liên quan gì nữa.
Ace Lê:
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, và chúc cho những dự án sau của bạn thành công!
Thực hiện: Ace Lê
Hình ảnh: Nghệ sỹ, Emalin (London)
— * —