ART & CULTURE

Di sản Triều Châu trong lòng “Cửu Long Thành Trại”

Jul 14, 2024 | By La Quốc Bảo

Hơi thở Triều Châu âm vang và hiện hữu trong từng ngóc ngách “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”. Từ điệu hí khúc nao lòng, lối sống của những phận đời tha hương, đến văn hóa tín ngưỡng gửi gắm ước vọng về một tương lai hưng vượng.

“Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” quy tụ dàn sao kiệt xuất của dòng phim võ thuật Hồng Kông nhiều thế hệ như: Hồng Kim Bảo, Quách Phú Thành, Nhậm Hiền Tề, Cổ Thiên Lạc, Lâm Phong, Lưu Tuấn Khiêm, v.v.. Nói không ngoa, đây là một tuyệt tác chuyển thể điện ảnh làm sống lại ký ức về những thước phim Hồng Kông xưa cũ. Không chỉ là những lớp “thành” cao vút trùng trùng điệp điệp chân thật đến nghẹt thở, hay những màn võ thuật, ngạch công đầy ấn tượng và mãn nhãn, mà còn thể hiện rõ một lát cắt văn hóa của những con người làm nên lịch sử của công trình từng có “mật độ dân số cao nhất thế giới” – Cửu Long Trại Thành (九龍寨城), một “tiểu Triều Châu”.

Không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng 70 triệu HKD, tương đương 200 tỷ VND, là kinh phí mà đạo diễn Trịnh Bảo Thụy dành riêng cho việc tái hiện bối cảnh Cửu Long Trại Thành. Đây là một mê cung kiến trúc đồ sộ với hàng trăm khu ổ chuột và hàng vạn hộ dân cư đan xen, xếp chồng lên nhau chỉ từ nền móng một thành lũy từng trải qua bao cuộc binh biến từ triều Tống đến triều Thanh. Không chỉ là nơi nuôi hi vọng của những mảnh đời tha hương cầu thực, mà nó còn là một chốn vô pháp vô thiên cho các băng đảng tung hoành trong các thập niên 1970–1980.

Cửu Long chính thức được định hình sau Thế chiến thứ Hai với mật độ dân số cao khủng khiếp. Tòa “thành lồng trong thành” này đã từng là nơi nương náu của gần 45.000 con người (số liệu năm 1986). Trong số đó, ước tính có tới 70% là Gaginang – tức “tự kỷ nhân” (自己人) – cách người Triều Châu gọi đồng hương của mình. Ngay cả khi bị hạ giải toàn bộ, chấm dứt lịch sử 147 năm tồn tại vào năm 1994 (việc phá hủy kéo dài từ tháng 3 năm 1993 tới tháng 4 năm 1994), khu Tân Cửu Long qua hàng thập kỷ vẫn còn mang dấu ấn văn hóa Triều Châu một cách sâu sắc.

Triều Châu phủ, ngày nay là thành phố duyên hải Triều Sán (gồm ba thành phố: Triều Châu, Sơn Đầu, Yết Dương), tọa lạc ở phía đông tỉnh Quảng Đông, là quê hương của hơn 15 triệu người Hoa di cư trên toàn địa cầu. Dưới sự ảnh hưởng của những cuộc nội chiến qua nhiều thời kỳ và thời tiết khắc nghiệt, người Triều Châu (còn gọi là người Tiều) đã rời quê hương để tìm chốn định cư ở khắp nơi trên thế giới, và Hương Cảng chính là điểm chuyển giao của một đại bộ phận này trong giai đoạn hỗn loạn giữa thế kỷ 20.

“Ở đâu có thủy triều,

ở đó có người Triều Châu”

Du dương hí khúc Triều kịch

Phân đoạn trong ngôi cổ miếu

Dù không hề được đề cập trực tiếp, nhưng yếu tố Triều Châu vẫn rất rõ ràng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Ngay từ phần intro, khán giả đã được chiêu đãi một điệu khúc rất hoài cổ, nhưng hoàn toàn không phải tiếng Quảng Đông – ngôn ngữ chủ đạo của 99% thoại phim, mà là tiếng Triều Châu, hay còn gọi là Triều ngữ. Không khó để những Gaginang nhận ra đây là giai điệu của vở Triều kịch nổi tiếng “Ngọc Đường Xuân” (玉堂春), trích đoạn “Vương Kim Long mạng trung bất hạnh” (王金龍命中不幸).

Có vẻ, ekip đã khéo léo liên kết chữ “Long” – con rồng trong tựa vở kịch và tên bộ phim điện ảnh, nhằm nhấn mạnh đây sẽ là yếu tố chủ chốt của mạch phim, từ “Cửu Long Thành Trại: Vây thành” (九龍城寨之圍城), Long Quyển Phong (龍捲風) cho tới gậy Long đầu (龍頭棒), v.v.. Giai điệu được lặp lại hai lần, phần intro và phần hồi tưởng về trận quyết tử của hai băng đảng tại miếu Thiên Hậu, theo khẩu âm kịch xưa du dương và da diết. Phối khí cũng được lược bớt bộ gõ, chỉ còn âm chủ đạo của tiếng sáo/tiêu, bộ đàn kéo (đầu huyền, trúc huyền,v.v.) và đàn tam thập lục, càng tăng sự não nề nhưng tạo ra hiệu ứng tương phản thú vị, giữa sự u sầu trầm lắng của hí điệu và sự kịch tích, hung tàn của trận quyết tử.

───     Trích đoạn “Vương Kim Long mạng trung bất hạnh” (王金龍命中不幸), vở “Ngọc Đường Xuân” (玉堂春), do Lâm Sơ Phát (林初發) diễn xướng.

Những nhạc cụ thường thấy trong một vở Triều kịch.

Hơi thở Triều Sán trong đời sống thường nhật

Hậu trường phân cảnh làm chả bò viên Triều Sán

Trong sa số những công việc mà Trần Lạc Quân kinh qua thuở mới gia nhập Cửu Long Thành Trại, có đoạn làm bò viên. Đây chính là món chả bò viên Triều Sán (潮汕牛肉丸 – Triều Sán ngưu nhục hoàn) nức tiếng, cho thấy tổ sản xuất đã nắm bắt tốt lối sống của những hộ dân tại Cửu Long Trại Thành khi xưa, và lồng ghép chi tiết này vào quá trình xây dựng tâm lý nhân vật rất trơn tru và tự nhiên.

Thiên Hậu cổ miếu

Hình ảnh hiếm hoi của công trình Thiên Hậu cổ miếu bằng đá, nằm giữa mê cung trước khi  bộ Cửu Long Trại Thành bị hạ giải vào năm 1993–1994.

Thiên Hậu miếu là nơi thờ phụng thánh mẫu Thiên Hậu, hay còn gọi là Ma Tổ Bà, nữ thần bảo trợ ngư phủ và người đi biển trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa vùng Mân Nam. Bởi tính chất địa lý giáp biển, nhân dân vùng Triều Châu rất sùng bái bà, ở đâu họ cũng lập miếu hoặc hội quán thờ phụng Thánh mẫu. Trong “Cửu Long Thành Trại: Vây thành”, ngôi cổ miếu này đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nắm giữ nhiều mắt xích giải đáp nội dung phim.

Bất ngờ là, Thiên Hậu cổ miếu trong phim hoàn toàn không phải hư cấu mà là công trình tái hiện dựa trên một ngôi cổ miếu có thật từng tồn tại giữa trận đồ mê cung Cửu Long. Ngôi miếu được dựng lên vào thời Thanh, tọa lạc trên đường Ta Kwu Ling (打鼓嶺 – Đả Cổ Lĩnh) gần đê biển, nhưng tiếc thay đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ Hai. Người dân trước cảnh loạn lạc đã đưa Thần tượng Thánh mẫu Thiên hậu vào Cửu Long Trại Thành và dựng nên một ngôi miếu mới.

Công trình này khác hẳn các nơi thờ tự Thánh mẫu khác trong cùng khu vực, bởi tấm hoành phi đề tên miếu và cặp liễn ở cửa chính đều được khắc chìm trên đá trơn rồi thếp vàng. Ta biết được đây là hình mẫu chính xác mà tổ sản xuất đã tham khảo để dựng lại cho phim, nhờ nội dung cặp liễn trước cửa hoàn toàn trùng khớp tư liệu lịch sử:

水德配天香島慈航普濟

母儀稱后龍城廟宇重光

Thuỷ đức phối thiên, hương đảo từ hàng phổ tế

Mẫu nghi xưng hậu, Long Thành miếu vũ trọng quang

Ngôi miếu được dựng lại trong khuôn viên ngôi trường bỏ hoang tại quận Yuen Long (元朗 – Nguyên Lãng), Hồng Kông.

Tất cả chi tiết trên đều được tổ sản xuất chỉn chu đưa vào bối cảnh Thiên Hậu cổ miếu. Lại nói thêm, vì tính chất phim trường cần không gian để lắp đặt thiết bị cũng như tạo điều kiện cho diễn viên thực hiện các pha hành động mạo hiểm, quy mô ngôi miếu cũng được cơi nới đáng kể. Cũng nhờ vậy mà ta thấy rõ cấu trúc miếu thờ Triều Châu được thể hiện khá rõ ở các cảnh quay xa, chẳng hạn: mái âm dương thanh lưu y, diềm mái ngang.

Đặc biệt nữa chính là chi tiết ở đầu hồi ngôi miếu. Đầu hồi là phần tường được xây áp vào kèo đầu nhà và được thiết kế, trang trí thông qua nhiều họa tiết khác nhau tạo nên điểm nhấn cho đỉnh và đuôi mái nhà. Theo phong thủy kiến trúc vùng Triều Châu, chúng được gọi là “sơn tường” (山墙) và được quy định theo Ngũ hành với năm kiểu dáng đặc thù. Xét theo tạo hình ngôi miếu trong phim với “sơn tường” vát cạnh, thì đây thuộc hành Mộc.

Trái sang, trên xuống: Kim thức, Mộc thức, Thổ thức, Thủy thức, Hỏa thức

Triều Châu đăng lộng

Phân đoạn “Vu Lan thắng hội” đánh dấu sự trở lại của nhóm huynh đệ Trần Lạc Quân, được trang hoàng nhiều lồng đèn Triều Châu.

Tận dụng sự cơi nới của bối cảnh miếu Thiên Hậu, tổ sản xuất đã giới thiệu với khán giả thêm một di sản văn hóa: đèn lồng Triều Châu.

Phân đoạn “Vu Lan thắng hội” đánh dấu sự trở lại của nhóm huynh đệ Trần Lạc Quân, được trang hoàng nhiều lồng đèn Triều Châu.

Văn hóa địa phương có câu: “Nhân đăng hưng vượng” (人丁興旺). Nhân đinh (人丁) có nghĩa là người con trai tuổi trưởng thành, mạnh mẽ. Theo phát âm Triều ngữ, chữ “đăng” (燈 – đèn) và “đinh” (丁 – tráng kiện) thì đồng âm, đều đọc là “têng”. Truyền thống treo “đăng hiệu” (燈號) – cặp đèn có viết họ của gia tộc – trước cửa nhà, nơi kinh doanh hoặc phủ thờ tự cũng là một niềm tự hào khó thể không nhắc của vùng đất này. Vai trò tâm linh của di sản này quan trọng tới nỗi, người Triều Châu thường không nói là “đi mua”, mà phải nói là “đi viết” lồng đèn.

Chính vì lẽ đó, lễ rước đèn và Trung thu ở Triều Châu được xem là đặc sắc và giữ được tinh thần mạnh mẽ nhất tại Trung Quốc đại lục.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, lồng đèn Triều Châu đã định hình sự khác biệt so với tất cả lồng đèn ở địa phương khác, nhờ cấu trúc làm bằng nan tre/trúc vát mỏng (mỏng nhất có thể chưa tới 1 milimet), và đan chéo tinh xảo. Quá trình chọn tre/trúc, ngâm, gọt, đan, định hình, bọc giấy hồ gạo, quét dầu và cho chữ đều được thực hiện bởi những nghệ nhân lành nghề với kinh nghiệm tính bằng thập kỷ.

Nghệ nhân Huỳnh Thu Quyền (黃秋權), truyền nhân đời thứ 11 của hiệu lồng đèn Huỳnh Hiệp Lợi (黄合利) bên con sông Hạc Khê, Triều Châu, đang giới thiệu thủ pháp đan lồng đèn truyền thống tại quê nhà.

Sau khi bồi giấy hồ gạo, lồng đèn sẽ được viết chữ lên bằng mực chu sa. Ảnh: Ông Huỳnh Thu Quyền (黃秋權) và thân phụ Huỳnh Vinh Sâm (黃榮森) lần giở cuốn sách lưu giữ hơn 100 mẫu chữ của 100 họ khác nhau.

Trong phim, cặp đăng hiệu treo ở bối cảnh miếu Thiên Hậu đề 4 chữ “Thiên Hậu cổ miếu” (天后古廟).

Lý giải vì sao tre/trúc là vật liệu chính để làm lồng đèn Triều Châu và được chăm chút tỉ mỉ như vậy, cũng do hiện tượng đồng âm. Nói bằng giọng Triều Châu, chữ “tre/trúc” (竹) và chữ “đức” (德) đều đọc là “tệch”. Vì vậy, hiểu nôm na rằng, khung lồng đèn tre/trúc càng đẹp càng tinh nhã, thì gia đạo có đức càng cao càng dày.

Kết hợp hình ảnh chiếc lồng đèn với sự đồng âm hai chữ đăng-đinh, ta có câu đối:

財丁興旺、德澤綿長

Tài đinh hưng vượng, đức trạch miên trường.

Có thể nói, “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” đã hoàn thành khá tốt một nhiệm vụ cực kỳ nan giải, không chỉ tiên phong trong việc dựng lại quy mô và sự hỗn loạn của công trình có một không hai này, mà còn là việc tái hiện hơi thở, những nếp xưa lối cũ trong một mê cung vốn dĩ không hề được nghiên cứu sâu rộng, mà phần lớn do bối cảnh chính trị. Văn hóa Triều Châu, tuy là cội nguồn của hàng triệu con người, cũng như của 2/3 hộ dân từng nương náu tại Cửu Long Trại Thành xưa kia, nhưng lại dần khuất bóng sau những biến động thời cuộc. Không chỉ Triều kịch, mà phương ngữ Triều Châu cũng dần bị “phổ thông hoá” tại Đại lục, hay “Quảng Đông hóa”, thậm chí là “Phước Kiến hóa” ở hải ngoại… Những dấu hiệu đáng buồn cho một bản sắc có bề dày lịch sử hàng thiên niên kỷ.

Việc đạo diễn Trịnh Bảo Thụy lồng ghép nhiều di sản Triều Châu trong một tác phẩm Hồng Kông kinh điển đã chứng minh sự chuyên nghiệp trong nghiên cứu, sự tôn trọng lịch sử đáng tuyên dương. Với tham vọng sản xuất “Cửu Long Thành Trại” thành một trilogy, sau “Vây Thành” sẽ lần lượt ra mắt “Cửu Long Thành Trại: Long Đầu” đóng vai trò tiền truyện, và “Cửu Long Thành Trại: Chung Chương” là hậu truyện, không biết rằng sẽ còn góc nhìn văn hóa thú vị nào mà vị đạo diễn tài ba sẽ tiếp tục khai thác?


 
Back to top