ART & CULTURE

Có nên bán vé vào xem triển lãm nghệ thuật tại gallery?

Apr 24, 2022 | By Trang Ps

Vừa qua, vấn đề triển lãm nghệ thuật tại gallery (Việt Nam) có nên bán vé hay không được đưa ra để bàn luận sôi nổi, khởi đầu từ nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, sau đó đến giám tuyển Ace Lê và một số nhà sưu tập kỳ cựu như Hoàng Anh Tuấn. Hãy cùng LUXUO tham khảo ý kiến của những cá nhân có ảnh hưởng này.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi: Bán vé vào xem triển lãm là con dao ba lưỡi

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi chia sẻ rằng anh rất ủng hộ việc bán vé cho các triển lãm, những thực tế, đặc biệt ở Việt Nam, hãy còn nhiều éo le. Vì không phải triển lãm nào cũng bán vé được, và vài triển lãm, nói một cách thẳng thắn, còn trông mong nhiều người đến xem cho vui.

“Mới đây, bạn tôi đến một triển lãm tại Hà Nội, mà mục đích là mua tranh. Vừa đến cửa, có người hiện ra đòi bán vé 100.000 đồng, nên đành đi về. Bạn tôi về nhắn tin như sau: “Tớ ra cửa hàng xe hơi mua xe mấy tỷ, qua cửa hàng điện máy mua cái tivi vài trăm triệu, mà họ có bán vé đâu, sao đi mua cái bức tranh có vài ngàn USD thì bị đòi bán vé? Vậy họ muốn bán tranh hay bán vé?”.

“Tại Sài Gòn cũng có vài không gian bán vé xem triển lãm, ý tưởng này nghe rất lành mạnh, văn minh, nhưng do nhiều triển lãm và sự kiện chưa xứng tầm để bán vé, nên kết quả đã có không gian phải đóng cửa. Cho nên, việc bán vé xem triển lãm thương mại là một con dao 3 lưỡi, rất cần cảnh giác và tỉnh táo khi sử dụng. Đừng vì tham con tép mà bỏ mất con tôm.” – Lý Đợi chân thành chia sẻ.

Giám tuyển Ace Lê: Cân nhắc các mô hình đón tiếp khác nhau cho các tệp người xem khác nhau

Tiếp sau Lý Đợi, giám tuyển Ace Lê cũng nêu thẳng quan điểm sau khi thấy gallery tổ chức triển lãm nghệ thuật có bán vé, mà điển hình là triển lãm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại The Muse Artspace (giá vào cửa: 100.000 đồng).

“Ở các nước, chuyện phân định này rất rõ ràng. Nếu là triển lãm phục vụ công chúng, được tổ chức bởi các bảo tàng, kinh viện phi lợi nhuận, thì vé vào cửa là một nguồn thu thiết yếu để trang trải cho chi phí tổ chức. Trong một số trường hợp, họ xin được đủ tài trợ từ các quỹ văn hoá, thì sẽ không bán vé (một số quỹ chỉ tài trợ với điều kiện sự kiện sẽ không bán vé).

Nếu là phòng tranh tư, mục đích chính là để bán tranh, nên triển lãm của nghệ sỹ do phòng tranh đại diện đều miễn phí, vì càng nhiều người vào xem càng tốt – nhất là ở các nước có thu nhập cao và thói quen mua tranh của tầng lớp trung lưu, chứ không chỉ tập trung ở số ít giàu có. Riêng với các hội chợ triển lãm lớn, thì mặc dù là sự kiện thương mại, họ đều vừa bán gian hàng cho các phòng tranh, vừa bán vé cho khán giả. Cái họ bán ở đây là một kỳ quan tổng hợp vượt trên trải nghiệm đơn lẻ tại mỗi phòng tranh, vì nó được định vị như sự giới thiệu những tác phẩm “tốt nhất” trong năm đó. Không thể áp dụng hoàn toàn các mô hình trên tại Việt Nam, nên chúng chỉ mang tính chất tham khảo.

Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng tại The Muse Art Space. Ảnh: The Muse Art Space

Ở đây, The Muse là một phòng tranh tư nhân, tổ chức một triển lãm (tôi đoán là) thương mại cho một nghệ sỹ kỳ cựu như thầy Thượng. Việc bán vé là quyền của phòng tranh và nghệ sỹ. Riêng cá nhân tôi thấy quyết định này có cả điểm hay và bất lợi.”

Ace Lê đưa ra giải pháp: Một vài ngày đầu: private sales, chỉ mở đặc biệt dành cho các khách quen & tiềm năng của phòng tranh tới xem, by invitation only; cũng là cho họ cơ hội “chấm” và mua trước các bức họ thích nhất. Phần lớn các ngày triển lãm sau đó: bán vé như dự định; nếu có khách đặc biệt thì vẫn có thể gửi thư mời. Vài ngày cuối: mở cửa miễn phí, phục vụ cho học sinh, sinh viên.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn: “Best practice” trong các triển lãm thương mại là mở cửa tự do cho công chúng.

Hoàng Anh Tuấn tại bảo tàng MoMa, tranh của nghệ sĩ đương đại Andy Warhol.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn đưa ra hai sự kiện thực tế để liên hệ tới các cuộc thảo luận bán vé xem triển lãm tranh của gallery thương mại. Vào năm, 2007 là lần thứ hai anh thăm Bảo tàng Đương đại New York MoMa, và phải xếp hàng gần 2 giờ để được vào xem, báo hại đúng ngày mưa tuyết lạnh dưới 0 độ C. Bởi lẽ, đó là ngày bảo tàng không bán vé. Trong chuyến công tác năm 2004 tại Hoa Kỳ, anh có dịp tranh thủ ghé thăm Gagosian gallery tại New york, một hệ thống gallery thương mại hàng đầu thế giới, và nó hoàn toàn mở cửa tự do, không bán vé.

“Việc bán vé vào cửa của gallery là lựa chọn tự do. Họ có trách nhiệm với thành công và cả thất bại. Cách lựa chọn lại nói lên rất nhiều về tính chuyên nghiệp hay hiểu biết về ngành mà họ đang tiến hành. Việc gallery hay bảo tàng quyết định bán vé hay mở tự do cho công chúng là một kỹ năng trong kinh doanh, người ta gọi là định giá dịch vụ. Mở của tự do cho công chúng chính là định giá 0 đồng và bán vé vào xem là định giá X đồng. Các bảo tàng thường định giá linh hoạt từ 0 đồng đến X đồng như trường hợp Bảo tàng Đương đại New York MoMa. Họ có thể chọn lựa ngày cố định theo tuần, tháng để mở cửa miễn phí.

Còn các gallery thương mại dù tầm cỡ như Gallery Gagosian (với các tác phẩm về giá trị nghệ thuật và tài chính có thể cạnh tranh với một số mảng của các bảo tàng) đều định giá 0 đồng – tức là mở tự do cho công chúng. Điều này trong kỹ năng kinh doanh, tôi gọi là tham chiếu thông lệ tốt nhất hoặc cách làm tốt nhất – best practice. Tại sao vậy? Vì nó tiết kiệm cho một tổ chức kinh doanh bước vào hay ra một lựa chọn chiến lược quan trọng. Bằng cách tham chiếu trường hợp tốt nhất tức là ta đã ‘thực hành giả lập’ với chi phí (có thể vô cùng lớn) của một tổ chức hay người giỏi nhất với nhiều nghiên cứu hoặc thử – sai và cả thất bại đúc kết thành best practice. Best practice trong các triển lãm thương mại là mở cửa tự do cho công chúng.” – Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Công chúng yêu nghệ thuật xếp hàng vào xem MoMa vào ngày thứ sáu miễn phí – họ tiết kiệm được 25 USD.

Anh cũng thẳng thắn cho rằng, nếu để đo lường mức độ quan tâm và tận dụng cơ hội truyền thông thì chỉ có một cách duy nhất cân bằng lợi ích (truyền thông và thử sáng tạo lại bánh xe) mà không bị phản ứng ngược một cách tiêu cực: Đặt giá vé một cách hơn mức tượng trưng và công bố ngay từ ban đầu là tiền bán vé sẽ dành cho hoạt động từ thiện hay xã hội cụ thể.  Mức hơn mức tượng trưng này chỉ nên là 20.000 đồng, vừa đủ để cho những người trẻ hoặc người có nhu cầu đơn giản là thưởng ngoạn dễ dàng chấp nhận. Giá vé 100.000 đồng là quá cao (thử tưởng tượng nhóm sinh viên với 3 hoặc 4 người – đó là một khoản tiền lớn). 20.000 đồng là số lớn hơn số tượng trưng và vừa phải để đo lường người xem có thực sự quan tâm. Việc thu phí và công bố dành cho từ thiện thể hiện đúng mục đích của việc thu phí, chứ không phải là tận thu.


 
Back to top