Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Gang of Five – Mở cửa và bước tiếp

Apr 01, 2021 | By Lê Thuận Uyên

Có nhiều lý do để thực hiện một cuộc triển lãm, và trong hành trình giám tuyển ngắn ngủi của tôi, mỗi lần làm việc với một nghệ sỹ hay một dự án là một lần cái duyên đưa đẩy. Đối với triển lãm về nhóm Gang of Five cũng vậy, hoàn toàn là sự tình cờ.

Máu liều cùng sự tò mò về một nhóm họa sỹ nổi tiếng vô cùng nhưng lại gần như không có thông tin, tư liệu nghiên cứu nào đào sâu về hoạt động của họ đã thôi thúc tôi tham gia vào quá trình xây dựng triển lãm Lạc bước Tân kỳ. Một nhóm họa sỹ – tuy tên tuổi không phải quá lẫy lừng nhưng cũng đủ để gọi là có danh có diện – không có tuyên ngôn, khác nhau từ tính cách tới cá tính nghệ thuật, duy chỉ có một chất kết dính duy nhất đó là thời cuộc.

Nửa đầu thập niên 80, khi khuôn mẫu tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội với nghệ thuật minh họa và tranh cổ động vẫn bao trùm không gian nghệ thuật miền Bắc Việt Nam, mong muốn gỡ bỏ những ràng buộc của nghệ thuật dòng chính đã không còn thích ứng với nhu cầu biểu hiện cảm xúc hay suy nghiệm về xã hội đương thời đã kéo những con người đồng điệu về tâm hồn đến với nhau. Bênh cạnh đó, điều kiện xã hội trước và ngay sau Đổi Mới còn nhiều khó khăn, không đảm bảo được việc các họa sỹ có thể “sống với nghề”. Chính vì lẽ đó, theo bản năng, vô cùng tự nhiên, các họa sỹ trẻ tụ họp lại cùng nhau sáng tác, tạo không gian sinh hoạt nghệ thuật và hỗ trợ lẫn nhau. Duyên may nữa là sự xuất hiện ở thời điểm “tranh tối tranh sáng” khi phong cảnh nghệ thuật sau nhiều năm bị cào bằng, yếu tố mới mẻ mà Gang of Five mang lại gần như ngay lập tức được chú ý và đón nhận.

Nhìn lại lịch sử nghệ thuật Việt Nam mấy thập niên gần đây, tinh thần bằng hữu thể hiện rõ là nền móng vững chãi cho sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng văn hóa còn thiếu hụt.

Chính mối liên kết này đã giúp các nghệ sỹ điều phối nguồn lực (cả nhân sự lẫn đóng góp về mặt tài chính) ở một mức độ khó có thể quy đổi thành giá trị tiền bạc; tạo nền tảng cho việc trao đổi, chất vấn cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật, cho sự hình thành của các không gian, cho việc phối hợp thực hiện các dự án, đóng góp vào tiến trình thay đổi của nền nghệ thuật địa phương. Cấu trúc hoạt động nói trên được duy trì bởi lòng tin. Và lòng tin này được hình thành dựa trên một số yếu tố như có chung gu thẩm mỹ, trải nghiệm tương đồng, cùng chí hướng và đích đến, sự tôn trọng tài năng hay kinh nghiệm của nhau… Không mặc định sẵn có mà phải mất thời gian mới đạt được sự tin tưởng này. Và nó liên tục được củng cố, thử thách qua năm tháng.

Quá trình thành lập cũng như duy trì Gang of Five diễn ra cũng bởi chất dẫn nói trên. Xuất phát từ mong muốn nuôi dưỡng đam mê hội họa mà các họa sỹ tổ chức cùng bày tranh tại nhà riêng, sau đó mời các họa sỹ đàn anh tới nhận xét và trao đổi về nghệ thuật. Từ một nhóm đông các sinh viên mới ra trường, sau một thời gian ngắn, chỉ còn vài người (trong đó có năm họa sỹ) vẫn tiếp tục thực hành. Sự tin tưởng ở những thế hệ đi trước có lẽ phần nào giúp năm họa sỹ vững tin sáng tác trên con đường riêng của mình; và ngược lại, sự kỳ vọng, yêu mến tài năng trẻ của các tiền bối đã thành ‘bà đỡ’ cho triển lãm đầu tiên của nhóm năm 1990 cũng như sự chú ý của một số kênh truyền thông tới triển lãm này.

Khác với một “art collective” (một nhóm nghệ thuật đồng nhất về mặt sáng tác) – hiểu trong diễn ngôn lịch sử nghệ thuật thế giới – Gang of Five, theo một số quan sát, không mang tinh thần của một nhóm nghệ thuật tập hợp với tiêu chí sáng lập nên một phong trào/định hướng mới. Cấu trúc nhóm của Gang of Five khá lỏng lẻo, như một “túm bạn” thường xuyên tụ tập ăn uống, trò chuyện và thi thoảng có triển lãm chung với nhau. Mỗi thành viên từ trước tới nay vẫn luôn duy trì hoạt động độc lập và tuyệt nhiên cả năm người chưa trực tiếp cùng nhau tự triển khai một dự án nghệ thuật nào hay cũng chưa bao giờ cùng nhau đồng sáng tác.

Nhìn ở góc rộng hơn, phải chăng Gang of Five là sản phẩm của các lực kéo – đẩy ở bên ngoài – từ ảnh hưởng của bậc đàn anh tới khả năng duy trì một nhóm có thể cho là tiên phong trong thời kỳ Mở Cửa, từ mong muốn tạo ra một “làn sóng mới” của nghệ thuật Việt Nam đến từ các gallery trong nước và nước ngoài, hay cái nhìn tích cực có phần lãng mạn hóa của các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật tại thời điểm đó? Và phải chăng chính những tác động này đã làm nên một Gang of Five lừng lẫy nhưng cũng đầy bí ẩn, một mặt họ (những thành tố nói trên) giới thiệu tác phẩm của các nghệ sỹ trong nhóm ra rộng rãi công chúng, nhưng ngược lại cũng làm ẩn đi những đánh giá khách quan về nhóm dưới góc nhìn nghiên cứu lịch sử nghệ thuật?

Dù thế nào đi chăng nữa, hiện thực cho thấy Gang of Five – dù hay hay dở – cũng đã khắc tên mình trong tiến trình phát triển nghệ thuật Việt Nam giai đoạn ngay sau Đổi Mới.

Khoảng hai mươi năm kể từ lần cuối cùng các nghệ sỹ cùng nhau triển lãm dưới tư cách một nhóm và là khoảng thời gian được cho là “tan vỡ” của Gang of Five tới giờ có lẽ là một khoảng nghỉ đủ dài. Đủ dài để các nghệ sỹ nhìn nhận lại, lấy hơi và quyết định cùng nhau đi tiếp; vừa đủ để có một thế hệ trẻ hơn với khoảng cách tuổi tác đủ xa để có thể khách quan truy vấn lại tư duy sáng tạo, cá tính nghệ thuật cũng như vị trí của Gang of Five trong giai đoạn chuyển giao, một cột mốc lịch sử (bao gồm lịch sử nghệ thuật) đầy nội lực và biến chuyển.

“Lạc bước Tân kỳ” – cái tên triển lãm khiến ối người nhăn trán, lắc đầu vì có phần hơi “sến” – thực chất lại phù hợp với cuộc hội ngộ sau gần hai chục năm của nhóm nghệ sỹ. Tân kỳ mà Gang of Five thuộc về là một thời đại mới của mỹ thuật (hay nghệ thuật) Việt Nam, một thời kỳ ngắn, cụ thể, không có biên độ rộng như Modern hay thời kỳ Hiện đại của nghệ thuật. Gang of Five không phải là những người tiên phong làm cách mạng nghệ thuật, ngược lại, dòng chảy lịch sử đưa đẩy họ một cách rất tự nhiên đến với bối cảnh thực hành mới, nơi họ được nới lỏng sự kiểm soát, tách khỏi những rập khuôn diễn ra giai đoạn trước đó và tỏa sáng.

Nghệ thuật của Gang of Five, mang nét táo bạo hơn – với biểu hình đa dạng hơn, cái nhìn cá nhân hơn. Thông qua nỗ lực thử nghiệm với các dạng thức biểu đạt thẩm mỹ khác nhau (nổi trội là bán Trừu tượng và Biểu hiện); nhìn nhận lại những hiểu biết và giảng dạy phổ thông về hội họa; tái hiện sự vật hiện tượng dựa trên cảm xúc và quan điểm cá nhân (chứ không chỉ từ những hiện thực họ “nhìn thấy”); xoáy sâu khắc họa chủ đề tâm lý con người và đời thường (chứ không phải tái tạo một thế giới được tô hồng), tác phẩm của Gang of Five dường như lại bắt đầu “có quyền” được “lãng mạn” hơn. Tuy vậy, “Tân kỳ” của họ không chỉ toàn cái mới, mà phía sâu bên dưới vẻ bề ngoài biến đổi không ngừng kia còn cả những giá trị, những thái độ, hành vi và những tư duy cũ. Đằng sau cánh cửa của vô vàn cơ hội lại là không ít ẩn số, bất trắc, va chạm, mâu thuẫn về phương thức, về quan điểm thực hành. Thành công, “đứt đoạn” hay sự tái hợp của Gang of Five đều hết sức tự nhiên, không chủ ý, tính toán.

Quá trình thực hiện “Lạc bước Tân kỳ” tại Xưởng phim Hãng phim truyện Việt Nam không thiếu những khó khăn, áp lực đến từ các tác nhân bên ngoài (không gian triển lãm, quyết định sáng tác mới…) một lần nữa thử thách tình bạn của Gang of Five và lớn hơn nữa là thách thức vai trò của Gang of Five trong xã hội đương đại nơi mọi thứ đã tiến đi quá nhanh. Bản thân trong nhóm ở một số thời điểm cũng đã tồn tại những nhận định khác nhau về vị trí, vai trò hay chính sự tồn tại của nhóm. Sau hơn ba mươi năm, tình thân của họ đã được thử lửa: đã có vấp ngã, có đau xót, có bất đồng quan điểm và có cả niềm vui. Từng thành viên đủ hiểu, đủ thành công và đủ khác nhau để cùng bước tiếp.

Hơn cả tình bạn – khi giờ đây “ngũ hổ” không còn là những người bạn thân tình luôn chia sẻ với nhau – Gang of Five là tập hợp năm nghệ sỹ luôn hướng về nhau, tôn trọng nhau.

Như bất cứ một hiện tượng nào, Gang of Five sẽ tiếp tục được thế hệ sau nhắc đến bằng cả sự hâm mộ có lẫn phản biện, cũng bởi vì dòng chảy lịch sử đã khách quan lưu dấu họ – năm cá tính nổi bật của nghệ thuật Việt Nam trong một giai đoạn chuyển động không ngừng.

Về Gang of Five:

Gang of Five là tên một nhóm họa sỹ (Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh) tại Hà Nội đạt được nhiều thành công từ đầu những năm 90 tại Việt Nam. Họ được biết đến như những họa sỹ đầy triển vọng trong thế hệ đương thời và là một trong những nhóm nhận được sự quan tâm từ cộng đồng nghệ thuật quốc tế thời kỳ sau Đổi Mới. Các tác phẩm của nhóm mang nét táo bạo trong bối cảnh đương thời thông qua việc thể hiện những cảm xúc và quan điểm cá nhân tách rời khỏi khuôn mẫu tư tưởng chủ nghĩa xã hội với nghệ thuật minh họa bao trùm nghệ thuật Việt Nam tới những năm giữa thập kỷ 80, cũng như khám phá những dạng thức biểu đạt thẩm mỹ khác nhau (trong việc lựa chọn chủ đề, màu sắc, bố cục và chất liệu). Mặc dù mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng tại thời điểm xuất hiện, cả năm thành viên đều chia sẻ sự đồng điệu trong việc kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại.

Tiền thân là một nhóm họa sỹ trẻ (tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật và Đại học Mỹ thuật công nghiệp đầu những năm 80), nhóm Gang of Five chủ động theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật của mình một cách độc lập. Mỗi thành viên đều đứng vững ở một khía cạnh khác nhau – Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa và Hà Trí Hiếu có vị trí riêng trong cộng đồng mỹ thuật Việt Nam cũng như trên thị trường trong và ngoài nước; Trần Lương là một trong những nghệ sỹ thị giác đương đại gạo cội, và giám tuyển dày dạn kinh nghiệm; Phạm Quang Vinh phát triển sự nghiệp trong ngành xuất

(Trích bài viết giám tuyển, nằm trong catalogue của triển lãm Lạc bước Tân kỳ)

Bài viết của: Lê Thuận Uyên


Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top