ART & CULTURE

Nghệ sĩ múa Đặng Linh Nga: Tìm về hội họa là tìm về mạch nguồn cảm hứng bất tận

May 28, 2021 | By Trang Ps

Với nghệ sĩ múa Đặng Linh Nga, tìm về hội họa là tìm về mạch nguồn cảm hứng bất tận, nơi tạo nên những rung cảm và đồng điệu đặc biệt, từ đó khiến ngọn lửa sáng tạo trong cô vừa âm ỉ vừa dữ dội hơn.

Công chúng biết đến Đặng Linh Nga như “Thiên nga của làng múa Việt Nam”, nhưng bên cạnh vai trò chủ đạo ấy, chị còn có những sở thích nghệ thuật thú vị khác như chơi tranh. Chị có thể chia sẻ thêm về niềm đam mê này?

Tôi khám phá hội họa Đông Dương và đương đại Việt Nam sâu hơn trong khoảng thời gian gần đây với tư cách là một người nghệ sĩ yêu cái đẹp. Trong cuộc sống, tôi chơi cùng một nhóm bạn hiểu và sưu tầm nghệ thuật từ đó mà kiến thức cá nhân về lĩnh vực ngày càng hoàn thiện hơn.

Khi đắm mình vào hội họa Đông Dương với những bức tranh của danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu,… tôi chợt thấy ngôn ngữ tranh thật tương đồng với nghệ thuật múa. Có thể trải nghiệm này đến từ sự thấu cảm và đồng điệu. Còn về hội họa đương đại, tôi cảm thấy khá thích thú với những bức tranh theo phong cách trừu tượng.

Đối với tôi, cũng giống như những bộ môn nghệ thuật khác, tranh là cuộc hội tụ của cả một nền văn hóa, và buộc những tín đồ như mình cần kiên định tìm hiểu trong thời gian dài. Sở thích tranh có thể biến thiên theo thời gian, tùy thuộc vào chiều sâu nội tâm.

Chất xám của người nghệ sĩ như nghệ sĩ múa, họa sĩ, nhà điêu khắc,… tất cả tạo nên một văn hóa tổng hợp. Có một đặc điểm chung giữa họ là đều khai thác kho tàng tiềm ẩn bên trong mình theo năm tháng.

Là một người làm nghệ thuật, khi khám phá sâu hơn về hội họa, tôi cảm thấy lửa sáng tạo trong mình cháy mạnh mẽ hơn.  Thả mình vào thế giới của một bức tranh có thể cho tôi những ý tưởng điệu múa mới. Chưa kể, thưởng tranh cũng là một cách nuôi dưỡng tâm hồn, dẫn ta bước vào khoảng không gian riêng tư và tĩnh lặng từ đó mà đạt trạng thái cân bằng.

Chị có thể nói rõ hơn về tính tương đồng giữa nghệ thuật múa và tranh?

Những họa sĩ nổi tiếng thời Đông Dương như Lê Phổ, Lê Thị Lựu,.. thường dùng chất liệu là các cô gái Việt Nam. Những hình dáng trong tranh ấy khiến tôi liên tưởng đến chuyển động múa. Khi tìm hiểu nhiều hơn thì bản thân nhìn ra được nét vẽ này của ai. Có những họa sĩ nam vẽ phụ nữ với nét vô cùng mềm mại và phóng khoáng, như Lê Phổ là một ví dụ.

Càng nhìn kỹ hình ảnh người phụ nữ trong tranh của các danh họa, tôi bỗng cảm thấy tất cả như đang chuyển động nhịp nhàng. Đó có lẽ là sợi dây liên kết, tần sóng giao thoa giữa tranh và người, hoặc bản thân tìm thấy phần nào đó của chính mình trong tranh vậy.

Có lẽ nắm bắt tính tương đồng với hội họa là điều mà Linh Nga ưu tiên hơn cả!

Chơi tranh cũng giống như tình yêu vậy, nếu thích một bức, tôi nghĩ đó là nhân duyên. Có những bức tranh nhìn một lần không thấy đẹp, nhưng càng nhìn càng thấy đẹp. Nhưng cũng có những bức mình thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng sau đó lại chẳng thích nữa. Chơi tranh, với cá nhân tôi, tùy thuộc vào cảm xúc. Khi yêu thích một bức, mình có lý do và động lực nhiều hơn để tìm hiểu. Thế nhưng, có một số bức mình cần kiên nhẫn rồi mới phát hiện ra những cái đẹp tiềm ẩn.

Để thấm thấu hội họa luôn cần thời gian. Tôi thường tò mò hỏi về tiểu sử nghệ sĩ và tranh: họ là ai, sáng tác bức này vào thời gian nào, nội dung là gì… Chính câu chuyện ấy khiến giá trị bức tranh tăng lên. Hiện tại, tôi không chú trọng nhiều vào vấn đề kinh tế vì vẫn chưa đủ tầm để hiểu một bức tranh như vậy đáng giá bao nhiêu. Thay vì đó, tôi muốn hiểu vì sao thế giới có thể điên loạn chỉ vì một tác phẩm hội họa. Từ những bước đi vững chãi như vậy mà vẻ đẹp hội họa mới đi sâu và ở lại trong mình.

Trong hội họa Đông Dương và đương đại Việt Nam, chị có thể kể tên những họa sĩ mà chị yêu thích và sưu tập?

Tôi khá yêu thích Nguyễn Trung và Đặng Xuân Hòa, hai tên tuổi lớn của hội họa miền Nam và miền Bắc bây giờ. Thời kỳ Đông Dương thì tôi tìm thấy sự đồng điệu trong tranh Lê Phổ và Lê Thị Lựu.

Gần đây, tôi sưu tập tranh của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tại Hà Nội. Những năm nay, ông bị tai biến và không thể sáng tác như xưa. Chính điều đó khiến một người yêu tranh như tôi cảm thấy tiếc nuối và thêm trân quý sáng tác của ông.

Tôi cũng yêu thích hai bức chân dung mà họa sĩ Phương Quốc Trí vẽ tặng. Hồi ấy, anh Trí chuẩn bị ra mắt một triển lãm tranh về đề tài phụ nữ. Anh bảo tôi rằng anh ấn tượng với những chuyển động múa của tôi nên quyết định vẽ tặng. Hôm ấy, hai anh em hẹn uống cà phê trò chuyện. Anh quan sát tôi đến nỗi tôi cảm thấy ngại (cười). Nhưng về sau, khi anh gửi đến hai bức tranh, tôi mới vỡ òa. Càng nhìn, tôi càng phải xuýt xoa vì anh thể hiện thần thái thật hoàn hảo.

Tôi nghĩ trong nhà có treo những tranh mà mình rung động và yêu thích thì không gian cũng ấm áp hơn nhiều phần.

Hẳn là Linh Nga cũng dành thời gian nhất định để ghé thăm những không gian nghệ thuật tại Việt Nam!

Đợt rồi, tôi ra Huế và ghé thăm Không gian ký ức Lê Bá Đảng. Khi xuống tầng hầm xem bộ phim tài liệu về ông, tôi cảm thấy thực sự xúc động. Tôi nghĩ Lê Bá Đảng là một trong những họa sĩ Việt Nam không chỉ nổi trội về kho tàng sáng tác mà còn về tư tưởng. Việc ông chọn lựa Huế để xây dựng không gian trưng bày cũng thể hiện sự cống hiến và tầm nhìn đặc biệt của ông.

Cũng gần đây, tôi ghé thăm triển lãm tranh thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi có dịp biết đến Thầy thông qua những bài giảng trên YouTube nhưng khi có cơ hội chứng kiến những sáng tác của Thầy, bản thân thực sự hoan hỷ.

Trong cuộc sống hôm nay, thi thoảng được lạc vào những không gian như vậy khiến mình thêm trân trọng hành trình nghệ thuật của mỗi cá nhân.

Tôi nghĩ khi bước ra thế giới, điều đáng để khoe ở đất nước mình chính là văn hóa và con người. Trong hoàn cảnh toàn cầu đang sôi sùng sục lên vì đại dịch, những người nghệ sĩ vẫn giữ lửa, đối diện và sáng tác. Thế nên, tôi nghĩ, tìm đến hội họa là cách để bản thân cân bằng, tĩnh lặng. Đó là không gian nuôi dưỡng ngầm để nhiệt huyết trong mình vẫn luôn luôn cháy.

Linh Nga có thể chia sẻ rõ hơn về sự cân bằng thông qua nghệ thuật?

Từ nhỏ đến lớn, tôi cân bằng thông qua nghệ thuật là chính. Kinh doanh chỉ là một nhánh rất nhỏ, ít người biết và bản thân cũng không PR. Với tôi, làm nghệ thuật, hay trở thành một nghệ sĩ trước đám đông là rất khó. Bản thân phải kiên định và dành cả cuộc đời trau dồi giá trị nghệ sĩ ấy.

Hơn nữa, làm nghệ thuật tức là làm văn hóa, chính vì thế mà bản thân luôn tự nhắc nhở để giữ gìn và không ngừng phát triển.

Tôi không có khái niệm làm nhiều nghề mà làm một nghề cho tinh. Mục đích của những nghề tay trái trong cuộc sống suy cho cùng nhằm nuôi nghệ thuật chứ không hướng bản thân đến một nữ doanh nhân. Điểm xuất phát của tôi là nghệ thuật, và để giữ lửa thì cuộc sống cá nhân mình phải đa dạng. Tất cả những lựa chọn kết nối nhau.

Tôi chưa bao giờ nhận tham gia một dự án điện ảnh nào vì vẫn chưa thấy bản thân trong đó, nhưng với hội họa, tôi lại tìm thấy sợi dây liên kết. Đó là nhân duyên. Bởi nghệ thuật thì không thể ép buộc. Người nghệ sĩ thật sự mưu cầu tự do rất mạnh mẽ. Họ có nổi loạn và cô đơn, và cô đơn ấy chính là sự tĩnh lặng. Càng tĩnh lặng, người nghệ sĩ càng có nhiều cảm hứng sáng tác.

Linh Nga là một vị khách mời đặc biệt trong sự kiện A Walk in the Secret Garden by LUXUO Art. Tại đây, chị có nói về cuộc thưởng lãm càng thêm thăng hoa khi đi cùng những chai rượu quý. Chị có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm độc đáo này?

Như thưởng tranh, tôi nghĩ thưởng rượu cũng mang đến hành trình khám phá đầy sức hút. Trong không gian xanh mát nên thơ trưng bày các tác phẩm hội họa giàu văn hóa và mang đậm dấu ấn lịch sử của A Walk in the Secret Garden by LUXUO Art, thả hồn mình vào trong những nốt trầm bổng của âm nhạc, thưởng rượu đã được nâng lên một tầm cao mới vô cùng đặc biệt khiến bản thân không thể nào quên.

Tôi cảm thấy may mắn khi là một trong những người đầu tiên được khám phá 8 dòng rượu mạch nha đơn quý hiếm từ những nhà chưng cất Scotland huyền thoại được tập hợp trong bộ sưu tập Special Releases – RARE BY NATURE vừa mới ra mắt trong năm nay. Đặc biệt, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với Mortlach 21YO – được mệnh danh là tuyệt tác giấu kín trong thế giới whisky đầy bí ẩn, quá trình chưng cất độc bản 2.81 tạo ra chất rượu nồng nàn sâu lắng cùng hậu vị kéo dài, ngọt thanh xen lẫn cay nồng.  Và tôi cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi hương vị cân bằng và êm mượt hoàn hảo của nhà chưng cất Singleton, cùng nhiều nhà chưng cất trứ danh khác tất cả như dẫn dắt tôi vào khu vườn bí mật của xứ sở Scotland huyền bí.

Rượu và tranh, một bên thưởng thức bằng vị giác và khứu giác, một bên lại thưởng thức bằng thị giác, cả hai tưởng chừng như khác biệt nhưng lại như những người bạn tâm giao – đều được tạo nên bằng sự tinh tế, đôi tay tài hoa và tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật. Bàn đôi câu về tranh lại thưởng vài ngụm rượu, làm tâm hồn nghệ thuật thêm thăng hoa, cuộc trò chuyện của những người bạn cũng thêm phần hào hứng.

Ngoài sở thích chơi tranh, Linh Nga còn có niềm đam mê nào khác?

Chắc chắn là âm nhạc. Âm nhạc là linh hồn của múa, nuôi dưỡng tất cả ngôn ngữ trong múa. Âm nhạc cũng có sự “tĩnh lặng” riêng biệt. Âm nhạc và múa như hai mắt xích mắc vào nhau nhưng vẫn để cho nhau sự tự do. Tôi nghe nhiều thể loại nhạc và thường nghe theo cảm xúc. Nhưng âm nhạc cổ điển vẫn chiếm ưu thế vì từ bé học múa đã hay nghe thể loại nhạc này.

Ảnh chân dung nghệ sĩ múa Linh Nga: RAB HUU STUDIO


 
Back to top