ART & CULTURE

Vũ trụ trong những họa phẩm sơn mài của Ando Saeko

Jun 26, 2021 | By Trang Ps

Sau 21 năm sống và sáng tác ở Hà Nội và Sài Gòn, Ando Saeko quyết định trở về thành phố di sản Hội An vào năm 2016. Đây cũng là giai đoạn mang tính chuyển hóa tâm thức, khi nữ họa sĩ sơn mài cảm nhận là một với thiên nhiên. Những tác phẩm gần đây của chị khiến tôi bất giác nhớ đến câu nói của Henri Matisse: “What I dream of is an art of balance” (Điều tôi mơ về là nghệ thuật cân bằng).

Ando Saeko lưu trú và sáng tác trong một ngôi biệt thự hiện đại màu trắng trang nhã, nằm giữa khu vườn xanh tràn đầy sức sống và phía trước là cánh đồng rộng lớn phảng phất nét đẹp bình yên chốn làng quê. Kể từ khi trở về Hội An, Saeko dần cảm thấy bản thân là một phần của vũ trụ. Vẻ đẹp hiền hòa của đô thị di sản đâu đó lan tỏa nguồn năng lượng thực sự mãnh liệt. Sáng nào, chị cũng ra ngoài dạo bộ với chú chó, và ngạc nhiên cảm thấy mọi thứ đều thay đổi. Cơn bão vừa rồi, cây xanh trước nhà chị phải chặt đi vài nhánh mà giờ đây xum xuê, xanh tươi trở lại. Sự sống nhiệm màu ấy bằng cách nào đó đã khiến nữ họa sĩ sống chậm lại, có cơ hội đi sâu vào bên trong mình, điều mà trước đây, khi chị sống ở Hà Nội và Sài Gòn đã không thường diễn ra vì sự tất bật hối hả cho những thú vui bên ngoài.

Điều khiến giới chuyên môn cảm thấy ngạc nhiên khi thưởng thức những tác phẩm tranh sơn mài trưng bày trong ngôi nhà của chị là độ trong và bóng không tì vết. Chính độ bóng-trong ấy tạo nên trải nghiệm thị giác khá lý thú, có lúc ta dường như cảm thấy tính vô hạn trong không gian họa phẩm, và có lúc lại cảm tưởng nhiều lớp không gian xếp chồng lên nhau. Và thứ hai nữa là ở tính cân bằng, như câu nói trên của Henri Matisse, phản ánh rõ ràng năng lượng giao thoa giữa chị và thiên nhiên và ngôi nhà nơi chị đang lưu trú sáng tác, để khi chiêm ngưỡng mỗi tác phẩm, khán giả như đang đi sâu hơn vào chính nội tại của mình và cảm thấy an ổn trong đó.

Colorful Matter, 50.5×50.5×3.8cm, 2017

Chào Ando Saeko! Tôi thật vui và bất ngờ khi ngắm nhìn các họa phẩm của chị. Cảm giác như sơn mài không còn là một chất liệu đơn thuần nữa mà đã trở thành một “tác phẩm” trong một tác phẩm vậy!

Với tranh sơn mài, để càng lâu thì càng trong. Bức tranh vẫn tiếp tục biến đổi sau khi người họa sĩ vẽ xong. Độ trong bóng của những họa phẩm này giúp ta cảm nhận rõ tính thẩm mỹ của những lớp sâu và sâu hơn nữa. Ta có thể nhìn thấy nhiều lớp màu khác nhau, bên dưới và dưới nữa.

Nhiều người nghĩ rằng sơn ta màu đục, không thể bóng và xem sơn ta đơn thuần như một chất liệu vẽ rồi pha trộn bột màu vào. Tuy nhiên, trong thời gian học nghề ở xưởng của nghệ nhân, tôi nhận thấy nghệ nhân biết cách giúp sơn ta phát huy hết khả năng tối đa và biến nó trở thành một tác phẩm trong một tác phẩm. Có những người trộn sơn ta với bột màu và tạo ra những bức tranh đẹp về gam sắc lẫn bố cục nhưng đôi lúc, tôi nghĩ vậy thì sao lại phải vẽ bằng sơn ta, họ có thể vẽ bằng chất liệu khác cũng được mà (cười). Tôi nhận thấy sơn ta tuyệt vời, nếu không khai thác đặc tính tối đa của nó thì tiếc quá.

Tôi thường sáng tác trên những bức tranh kích thước nhỏ và vừa, vì thế mài độ bóng phải thật sự kiên nhẫn. Có những lúc thất bại nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán. Ngày nào cũng như ngày đầu tiên, không bao giờ có điều kiện lặp lại hay giống nhau.

Microuniverse , 40 x 40 x1.5cm, 2020

Tôi đã thử sơn Myanmar, Campuchia, Thái Lan,… và tham gia các dự án nghiên cứu, giao lưu để trao đổi kinh nghiệm. Chẳng hạn, tôi có thể đề nghị tổ chức giảng dạy về sơn mài ta ở Việt Nam trong một trường đại học ở Đài Loan, đổi lại là cơ hội tham quan các vùng thu hoạch sơn của họ. Nhờ khám phá kỹ thuật sơn ở nhiều nước khác nhau mà tôi có thể hiểu sơn mài ta sâu hơn khi ở Việt Nam sáng tác. Dù thử dùng các loại sơn khác nhưng cuối cùng tôi vẫn chung thủy với sơn ta.

Thật thế, độ trong-bóng trên họa phẩm sơn mài của chị đã khiến màu sắc dù trầm nhưng cảm giác vẫn vô cùng tươi vui!

Chẳng hạn với sơn dầu, nếu ta sử dụng nhiều màu đen thì trông tranh sẽ khá buồn và nặng nề. Nhưng sơn ta thì khác, nó có thể tạo ra màu đen trong suốt như thế này, hay màu đen trong mờ như thế kia. Các màu đen trong suốt khác nhau kết hợp với những gam màu ở độ trong suốt khác tạo nên sự sống động cho đời sống họa phẩm. Hơn nữa, khi thưởng thức tranh sơn mài ở các góc khác nhau cũng sẽ tạo ra trải nghiệm thị giác khác nhau, từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến thông điệp tranh mà bạn có thể cảm nhận.

Thầy của tôi từng nói sơn mài là sử dụng hư vô (có mà như không có). Tôi cảm thấy không chất liệu nào có thể thể hiện điều đó tốt hơn sơn mài ta.

Between Light & Shadow, 45 x 45 x 1.7cm, 2016

Ở Nhật, tôi đã từng học nghệ thuật và thực hành nào cũng đòi hỏi tình nghiêm khắc, chuẩn mực. Hoa văn nào cũng phải thật chính xác, kỹ thuật thì phải làm theo sư phụ, nếu làm khác có thể bị đuổi học. Nhưng khi học kỹ thuật sơn mài ta ở Việt Nam, tôi cảm thấy thoải mái và phù hợp từ không gian đến cách thức giảng dạy, thực hành. Tôi nghĩ cơ hội thể hiện cảm hứng cá nhân quan trọng hơn là việc tạo ra những tác phẩm chính xác mà không mảy may một hạt bụi nào. Có lẽ nhờ đó mà tác phẩm sơn mài của tôi được ảnh hưởng bởi tính phóng khoáng và rộng mở ấy.

Quyết định trở về hẳn Hội An lưu trú và sáng tác trong 4 năm qua dường như đánh dấu một đổi khác trong phong cách sáng tác của chị, khi những họa sơn mài trở nên tự nhiên trọn vẹn và kết nối sâu với nội tại chị?

Ngày xưa, khi tay nghề của tôi chưa thật vững, lúc nào, tôi cũng phải tính toán và suy nghĩ thật kỹ rằng hôm nay làm cái gì, ngày mai làm cái gì, mọi kế hoạch phải định sẵn trong đầu. Tôi biết để học được nghề, bản thân phải thực hành thật nhiều. Dần dần năm tháng trôi đi, sự tích lũy từ nhỏ đến lớn ấy đã nuôi dưỡng bản năng của tôi như một họa sĩ sơn mài. Giờ đây, tôi không cần phải suy nghĩ hôm nay vẽ cái gì, thời tiết như thế này thì phải ủ tranh như thế nào, dường như mình đã làm chủ được mọi điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài, để đi sâu hơn vào bản năng và trực giác có sẵn ấy. Và chính vì thế nên mọi thứ diễn ra cũng thật linh hoạt và tự nhiên. Có lúc, vẽ xong, tôi bất ngờ ồ lên: “Mình không nghĩ mình vẽ được như thế này!”

Crystallinity, 40 x 40 x 1.4cm, 2016

Hồi xưa học triết, tôi được dạy về việc con người chỉ là một phần nhỏ trong vũ trụ, và khi mình có thể trở thành một với vũ trụ thì kết quả sẽ thật tuyệt và không cần hoàn hảo vì có lẽ mọi thứ đều bất toàn. Như con nhện vậy, ngày nào nó cũng giăng tơ, và có thể giăng tơ ở bất cứ đâu. Nhện men theo hình thù có sẵn của chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ,… rồi dệt lên bao mạng nhện hết sức nhiệm màu. Dù lặp đi lặp lại, nhưng mỗi mạng nhện là một “tác phẩm” khác biệt. Dù lặp đi lặp lại nhưng nhện không bao giờ nhàm chán việc giăng tơ. Có lẽ, tôi cũng vậy, cũng đang trên đường trở thành con nhện, làm việc tự nhiên mà không suy nghĩ. Tôi gọi đó là tính thiền.

Chẳng hạn, có những người hỏi tôi rằng tôi có “concept” trước khi vẽ không. Rồi tôi nghĩ, nếu cứ tập trung vẽ, vẽ bản năng thì một lúc nào đó nhìn lại, ta sẽ bất giác nhận ra đây chẳng phải là “concept” của mình hay sao? Với một nghệ sĩ ngẫu hứng như tôi, tạo “concept” rồi mới sáng tác thì giống như đi trên một đường ray vạch sẵn, thiếu tự nhiên lắm (cười).

Có lẽ, điều đó được thể hiện đặc biệt trong những bức tranh sơn mài mang âm hưởng thiên nhiên trong thời gian gần đây!

Tôi đã thích thiên nhiên từ hồi xưa, nhưng khi sống ở thành phố, bản thân không có điều kiện hòa vào thiên nhiên mọi lúc mọi nơi nên cảm hứng phải quay trở về ký ức. Khác với bây giờ, khi sống và sáng tác trong môi trường xanh như thế này, hơi thở của mình và thiên nhiên hòa làm một.

Hai bức tranh mới đây của tôi thể hiện tính giao thoa ấy. Tôi không vẽ hoa và cây cụ thể, nhưng khi nhìn vào, người ta cảm nhận được nguồn năng lượng căng tràn ấy. Tôi cảm thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều theo một mô thức hình học nào đó rất kỳ diệu. Tôi rất thích cảm giác ngồi cạnh cửa sổ trên máy bay và những lúc đó, khi nhìn xuống mặt đất, tôi có cảm tưởng những sông ngòi chằng chịt dưới kia cũng giống như những đường vân lá hay gân tay của con người vậy. Chúng ta tìm được đường đi thông qua dòng nước, và mỗi lúc nghĩ về điều đó, tôi cảm giác vũ trụ này thật thú vị.

Thế nên, có lẽ, trở về Hội An sống và sáng tác như một dấu mốc mang tính chuyển giai đoạn, là cơ hội để tôi khám phá sâu hơn vào bên trong mình.

Lyricist, 60 x 80 cm, 2004

Tôi nhận thấy chị đang thực hành sáng tác sơn mài trên chất liệu mica, chị có thể chia sẻ thêm về thử nghiệm thú vị này?

Tôi đã và đang thực hành sáng tác sơn mài trên chất liệu mica trong khoảng 5 năm nay, thế nên, vẫn phải đào sâu nghiên cứu thêm nữa.

Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi làm sao để tận dụng và thể hiện tối đa độ bóng-trong của sơn mài. Tôi từng thử vẽ trên kính nhưng kính sẽ dễ vỡ và độ bám kém. Sau đó, tôi mới thí nghiệm vẽ thử trên mica với độ dày mỏng khác nhau và thấy khả quan. Có những loại mica chịu được tia UV và lại vô cùng bền. Tranh sơn mài trên mica gồm hai mặt tranh khác nhau, nên chúng ta có thể treo tác phẩm giữa không gian để chiêm ngưỡng cả hai mặt này. Điều đặc biệt thú vị là mỗi mặt là mỗi nội dung-lớp màu khác nhau, và khi nhìn ở những góc độ khác nhau cũng sẽ mang đến trải nghiệm thị giác và ý tưởng khác.

Năm 2020 có điều gì mới và thử thách đến với chị, chị có thể chia sẻ chứ?

Năm nay, lẽ ra, tôi sẽ đến Nhật tham gia một triển lãm sơn mài quốc tế rất lớn ở trường đại học Tokyo, nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ và chuyên gia sơn mài khắp nơi, nhưng vì Covid-19 nên sự kiện đã bị hoãn. Tôi cũng có lịch sang London triển lãm và giới thiệu về sơn mài ta nhưng cũng bị tạm hoãn.

Trước đây, tôi vốn chủ yếu tập trung sáng tác, nhưng năm nay, tôi đã quyết định thành lập công ty, trụ sở tại Quảng Nam. Tôi đã được học bí quyết vẽ tranh sơn mài ta từ những nghệ nhân Việt Nam và tôi muốn truyền nghề, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Bây giờ, họa sĩ dùng sơn ta có thể đang nhiều hơn, nhưng không nhiều người theo học kỹ thuật truyền thống và nghề sơn của Việt Nam. Tôi muốn dạy điều đó để bức tranh sơn mài không chỉ đẹp mà còn mang đến giá trị nghệ thuật cao.

 Cảm ơn Ando Saeko vì những chia sẻ thú vị nhé!

Hội An, 30/11/2020

Ảnh chân dung: Chris Love


 
Back to top