Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Không gian ký ức Lê Bá Đảng: Sự hiện hữu của một giấc mơ

Aug 31, 2020 | By Trang Ps

Không gian ký ức Lê Bá Đảng (Le Ba Dang memory space), ở thôn núi Kim Sơn (Huế) được dựng lên như một niềm kiêu hãnh về sự nghiệp của một người họa sỹ tài danh. Có thể nói, đây là không gian nghệ thuật với kiến trúc thuộc vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.

Giữa một không gian bốn bề núi rừng, một công trình kiến trúc đồ sộ nổi lên với ba màu chủ đạo đen, xám, trắng. Với vùng đất hoài cổ như ở Huế, đây quả là một điều mới mẻ, cách tân và có sức vẫy gọi trí tưởng tượng.

Tối giản, hiện đại, hữu dụng và thân thiện với tự nhiên là những điều được thấy đầu tiên khi chúng ta bước tới Không gian ký ức Lê Bá Đảng. Là thành quả sau bốn năm xây dựng, không gian rộng tới 15.000m2 được thiết kế với nhiều khu vực nghệ thuật khác nhau, được tính toán một cách tinh tế và hài hòa trong tổng thể tuyệt mỹ. Một tổng thể hài hòa từ bên trong đến bên ngoài, bên trong là sự trưng bày một cách hợp lý các tác phẩm qua các thời kỳ sáng tác, bên ngoài là sự hài hòa giữ kiến trúc với môi trường sinh thái.

Lê Bá Đảng Memory Sapce: Sự hiện hữu của một giấc mơ

Công trình nghệ thuật này là sự hiện hữu từ một giấc mơ lúc sinh thời của Lê Bá Đảng. “Sinh thời, ông từng mơ về một không gian mà nơi đó có thể tự do sáng tạo và trưng bày tác phẩm của mình theo chiều kích thật.”  Công trình này là sự kết hợp một cách tinh tế giữa kiến trúc hiện đại với nghệ thuật Lê Bá Đảng. Nếu nhìn từ trên xuống, tòa nhà là hiện thân ở chiều kích lớn hơn từ một tác phẩm cắt trên giấy của ông. Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh và các nhà thiết kế đã tuân thủ nguyên mẫu khi xây dựng. Tòa nhà đã được xây dựng ở độ cao 10m so với nền đất. Đây là sự hòa điệu một cách tinh tế, ngoạn mục giữa lý trí và trực cảm, giữa khoa học và nghệ thuật.

Đặc biệt, từ không gian này, một chân dung Lê Bá Đảng được khắc họa cụ thể, chi tiết, người xem từ đó có những căn cứ để đi vào chiều sâu của những nghệ phẩm mà ông đã tạo tác. Từ sự sắp đặt các tác phẩm thông qua từng thời kỳ sáng tác, từng chặng đường gắn với những biến cố thăng trầm của lịch sử, từng chất liệu mà họa sỹ đã thực hành, từng lớp ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau mà họa sỹ đã kinh qua, người xem nhận biết một Lê Bá Đảng trọn vẹn, thấy được căn nguyên nào khiến ông trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.

Lê Bá Đảng: Nghệ sĩ tài năng với tư tưởng nhân đạo

Lê Bá Đảng (27/06/1921 – 07/03/2015) sinh ra tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1939, ông sang Pháp trong phong trào lính thợ, sau đó học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse. Triển lãm đầu tiên của ông ra tại Paris diễn ra vào năm 1950.

Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ. Năm 1992, ông được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge, Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994, ông được Nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp. Ông cũng được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của 2 thế giới Đông-Tây…

Không gian ở tầng hầm.

Từ không gian lưu niệm này, người ta thấy dù ở vào giai đoạn sáng tác nào, dù trên chất liệu tạo hình, lĩnh vực tạo hình nào, Lê Bá Đảng cũng luôn hướng về phương Đông. Nơi đó chính là suối nguồn nghệ thuật của ông và cũng chính là nơi mà ông có thể khai thác cái khác biệt so với nghệ thuật phương Tây.

Nghệ thuật của Lê Bá Đảng đa dạng, biên giới rộng nhưng lại thống nhất trong ngôn ngữ riêng, những điều này giúp nghệ thuật của ông có một nguồn mạch thực sự, nguồn mạch đó là chiều sâu trong căn tính dân tộc, chiều sâu ở thế giới tâm linh, một thế giới rộng lớn có thể tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ về sau.

Nhìn vào chiều sâu trong tư duy nghệ thuật của Lê Bá Đảng, chúng ta thấy đó là kiểu tư duy luôn biến dịch, điều này được chứng minh qua từng giai đoạn sáng tác. Mỗi giai đoạn, Lê Bá Đảng có một kiểu ngôn ngữ riêng, một cách thăm dò ngoại tại và nội tại riêng. Điều này khiến nghệ thuật của ông vừa đa dạng, vừa không ngừng nới rộng biên giới.

“Bàn chân Giao Chỉ” là một trong những dòng tranh khiến nghệ thuật Lê Bá Đảng trở nên riêng biệt ở phương Tây, bởi ở đây, ông đi vào thằm dò và khai phá cái riêng nhất của dân tộc mình để từ đó đưa ra một cách nhìn dị biệt với những căn tính của các dân tộc khác. Dòng tranh này lấy cảm hứng từ những huyền sử của dân tộc như Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, huyền thoại này là khởi sinh biểu tượng Bàn chân Giao Chỉ mà Lê Bá Đảng đã thực hiện trong nhiều năm. Vì thế mà dòng tranh này vừa vô hình vừa hữu hình, vừa huyễn mộng vừa như những chứng tích của lịch sử bi hùng trên đất mẹ.

“Có-có-không-không”.-Tổng-hợp.-85x98cm.

Dòng tranh “Có có không không” (tranh hai mặt) lại là cách Lê Bá Đảng đi vào khai thác cái nhìn đa diện về sự vật. Ở mỗi tác phẩm, mặt trái hay mặt phải cũng đều được xem là một tác phẩm nghệ thuật, nhìn vào hình thể, cách bố trí các biểu tượng, cách sắp xếp tác phẩm tương tác với không gian bên ngoài, chúng ta nhận thấy ý nghĩa của tác phẩm tùy thuộc vào từng góc nhìn, từng thời điểm nhìn. Sự liên tưởng tới một thế giới khác lạ, sự sâu hút của tiềm thức, sự mê hoặc quyến rũ của các huyền thoại… là những gì người xem có được sự trải nghiệm trong dòng tranh này.

“Thiền-xanh”.-Sơn-dầu trên toan.-73x92cm

Dòng tranh “Thiền xanh” (2002) lại là nguồn cảm hứng có từ Phật Giáo. Qua dòng tranh này, chúng ta thấy được thế nào là một tài năng lớn trong cách phối màu, từ sự chuyển động của màu sắc sinh ra sự chuyển động của hình thể, từ sự chuyển động của hình thể sinh ra sự chuyển động của vạn vật, từ sự chuyển động của vạn vật sinh ra sự chuyển động của vũ trụ, từ sự chuyển động của vũ trụ quay về với cái Không của Phật giáo.

Dòng tranh minh chứng cho những hoài nghi, tự vấn, dòng tranh khởi đi từ những nỗi đau bao la sầu nhân thế trong tâm thức của Lê Bá Đảng chính là “Tấn tuồng nhân loại (1980). Nỗi đau cụ thể để ông cho ra đời dòng tranh này đó là sự ra đi của người con trai duy nhất sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Ở thời kỳ này, ông đi vào khai thác tấn bi kịch của nhân loại, của chính cuộc đời ông, bi kịch từ những hoài ghi về giá trị của sự tồn tại. Thậm chí đây là là cái nhìn bi quan về thế giới.

Bên cạnh đó còn có nhiều dòng tranh đáng chú ý của Lê Bá Đảng như Chiến tranh, Cõi người ta, Ngựa, Mắt… Mỗi dòng tranh đều cho thấy ông luôn nỗ lực đứng ngoài sự chi phối về những chuẩn tắc của các trường phái. Cảnh lớn nên cảnh trở nên vô hình, cảnh không tồn tại nhưng tồn tại ở khắp mọi nơi…

Sự nhuần nhuyễn kỹ thuật hội họa Phương Tây là nền tảng để Lê Bá Đảng chuyển tải một cách trọn vẹn tâm thức và triết lý phương Đông.

Nghệ thuật của Lê Bá Đảng mang nhiều giá trị lớn, nhưng có lẽ lớn nhất đó là từ thế giới của ông người ta tìm thấy được một nguồn cảm hứng lớn lao trong sáng tạo nghệ thuật, trong cách thăm dò vào thế giới nội tại. Không gian ký ức Lê Bá Đảng là một địa điểm cần đến với những ai muốn tìm thấy suối nguồn cho sự hiện hữu của mình.

Bài: Lê Minh Phong

Bài viết thuộc một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top