Kiến trúc vĩ đại sẽ cho chúng ta hy vọng và chữa lành những vết thương
Trong một cuộc chia sẻ ở Ted Talk, kiến trúc sư Michael Murphy kể những câu chuyện thú vị về kiến trúc, từ đó nhấn mạnh quan điểm kiến trúc vĩ đại sẽ mang đến hy vọng và giúp chữa lành những vết thương.
Kiến trúc đã cứu sống bố anh
Trong ký ức của Michael Murphy, vào cuối tuần, bố anh sẽ thường dậy sớm, mặc một chiếc áo len sờn màu và thực hiện nghi lễ cạo sơn tường bằng khẩu súng nhiệt cũ và con dao nhọn. Sau đó, ông sẽ sơn lại chỗ mà mình đã cạo sạch, và bắt đầu mọi thứ như vậy vào tuần sau. Cạo và cạo lại, sơn và sơn lại, công việc sửa sang nhà cũ dường như không bao giờ dừng lại.
Vào ngày bố bước sang tuổi 52, anh nhận được một cuộc điện thoại từ mẹ, bảo rằng bác sĩ vừa phát hiện một khối u trong dạ dày của ông. Chẩn đoán cuối cùng cho biết ông mắc ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được 3 tuần.
Michael ngay lập tức bay đến Poughkeepie – New York để ở cạnh cha những ngày cuối và hoang mang không biết cuộc sống tiếp đó sẽ ra sao. Để đỡ phân tâm, anh xắn ống tay áo và hoàn thiện việc sửa sang ngôi nhà cũ mà bố buộc phải bỏ dở.
3 tuần trôi qua, và bất ngờ thay, bố Michael được chẩn đoán có tín hiệu khả quan. 3 tháng sau, ông cùng anh sửa sang nội thất. Sau 6 tháng, các cửa sổ cũ được đánh bóng và trong 18 tháng, mái hiên mục nát đã được thay thế.
Người bố, đứng bên ngoài ngôi nhà trong diện mạo mới mẻ, tỏ vẻ ngưỡng mộ. Ông quay sang Michael và nói: “Con biết không, ngôi nhà này đã cứu sống ta!”
Và Michael quyết định theo học ngành kiến trúc một năm sau đó.
Kiến trúc sư ở đâu khi bệnh viện đang khiến bệnh tình con người nặng hơn?
Nhưng ở trường đại học, anh tiếp thu những điều khác về một công trình. Có điều gì đó làm anh khó chịu. Anh tự hỏi tại sao những kiến trúc sư giỏi và vĩ đại nhất, rồi tất cả những điều đẹp đẽ với tầm nhìn và sự sáng tạo, lại rất hiếm và dường như phục vụ quá ít. Và hơn nữa, với những tài năng sáng tạo này, chúng ta có thể làm gì tốt hơn?
Khi Michael sắp sửa bước vào kỳ thi cuối cùng, anh quyết định tạm lánh khỏi lối sống cú đêm, để đến nghe bài giảng của tiến sĩ Paul Farmer, một nhà hoạt động y tế hàng đầu cho người nghèo trên toàn thế giới. Anh ngạc nhiên khi nghe ông nói về kiến trúc, rằng, các công trình đang khiến bệnh con người nặng nề hơn, đặc biệt với những người nghèo nhất thế giới. Kiến trúc cũng là một trong những tác nhân gây nên dịch bệnh. Trong một bệnh viện tại Nam Phi, giả sử, một bệnh nhân bị gãy chân đến, anh ta phải chờ đợi trong hành lang không thông gió, và tiếp xúc với một người bệnh lao. Các thiết kế kiến trúc thiếu khoa học kia đã làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, và có người đã phải chết vì điều đó. Paul Farmer nhấn mạnh: “Những kiến trúc sư đang ở đâu, khi mà bệnh viên đang khiến bệnh tình nặng nề hơn?”
Mùa hè năm sau, trên một chiếc Land Rover, Michael cùng những người bạn của mình rong ruổi trên sườn đồi Rwanda. Năm tiếp đó, anh sống tại một nhà khách cũ ở Butaro, nơi từng là một nhà tù sau cuộc diệt chủng. Anh ở đó, và thiết kế xây dựng một bệnh viện mới cùng bác sĩ Farmer và đội ngũ của ông. Trong trường hợp hành lang khiến bệnh tình trầm trọng hơn, Michael nghĩ đến giải pháp xây hành lang bên ngoài để mọi người có thể đi bộ và hưởng khí trời. Nếu hệ thống cơ khí hạn chế, thì anh bèn nghĩ đến hệ thống thông gió tự nhiên, và cùng lúc, có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Còn trải nghiệm của bệnh nhân thì sao? Anh thiết kế những ô cửa kính rộng mở, tạo trải nghiệm hòa vào thiên nhiên. Đó cũng là cách giúp bệnh nhân tự chữa lành.
Thiết kế là một chuyện, và xây dựng nó lại là việc hoàn toàn khác. Đội nhóm của anh làm việc với Bruce Nizeye, một kỹ sư xuất sắc và anh ấy có suy nghĩ khác biệt về xây dựng so kiến thức mà Michael học ở trường. Khi họ khởi công xây dựng tòa nhà trên đỉnh đồi lớn này, việc thuê xe ủi đất rất đắt và khó tiếp cận địa điểm, thì Bruce gợi ý làm điều đó thủ công, sử dụng một phương pháp ở Rwanda mang tên Ubudehe, nghĩa là “công việc cộng đồng cho cộng đồng”. Hàng trăm con người đến với xẻng và cuốc. Cả đội đã hoàn thành xong mọi thứ chỉ với nửa thời gian và nửa chi phí sử dụng máy ủi. Và thay vì nhập khẩu đồ nội thất, Bruce đã quyết định thành lập một nhóm, đưa thợ mộc về dạy cho người dân cách làm đồ nội thất thủ công. Và ngay trên công trường, 15 năm sau nạn diệt chủng tại Rwanda, Bruce kiên quyết những người lao động đến từ mọi nơi, và một nửa họ phải là phụ nữ.
Bruce đã dùng việc xây dựng để hàn gắn, và không chỉ với những người bị ốm, mà cho toàn thể cộng đồng nói chung. Và Michael tin rằng, cách xây dựng này có thể được nhân rộng khắp thế giới, và thay đổi cách đánh giá về kiến trúc.
Khi đi ra ngoài và nhìn vào những tòa nhà, chúng ta thường chỉ băn khoăn không biết chúng có bền vững với môi trường hay không. Nhưng chúng ta ít khi tự hỏi dấu ấn mà những người sáng tạo muốn gửi gắm vào công trình này là gì.
Và Michael đã bắt đầu một thử nghiệm mới dựa trên câu hỏi ấy trên khắp thế giới. Giống như ở Haiti, nơi anh và đội ngũ đã giải quyết câu hỏi liệu một bệnh viện mới có thể chấm dứt dịch tả. Trong bệnh viện 100 giường khác, anh đã thiết kế một chiến lược đơn giản làm sạch chất thải y tế ô nhiễm trước khi chúng bị thải ra nguồn nước. Ý tưởng này đã cứu sống vô số sinh mạng. Hoặc ở Malawi, anh đặt câu hỏi liệu kiến trúc có thể khiến một trung tâm sinh sản giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh. Và anh đã thiết kế một công trình thu hút phụ nữ và gia đình của họ đến bệnh viện sớm hơn và sinh con an toàn. Hoặc ở Congo, anh sử dụng bùn – đất và gỗ để xây dựng một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học, nhằm giáo dục con người về bảo vệ động vật hoang dã nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu. Ngay cả ở Mỹ, anh đặt vấn đề về trường đại học lớn nhất dành cho người khiếm thính, bằng cách thiết kế một khuôn viên đánh thức cách chúng ta giao tiếp bằng lới nói và không lời.
Kiến trúc có thể là một động lực quan trọng giúp thay đổi xã hội.
Trong một lần, Michael đọc được một bài báo về một nhà lãnh đạo nhân quyền mang tên Bryan Stevenson, một người có tầm nhìn xa về kiến trúc. Ông và đội ngũ đã ghi phóng sự hơn 4000 trường hợp người Mỹ gốc Phi treo cổ tại Nam Mỹ. Và họ đang có kế hoạch xây dựng một đài tưởng niệm quốc gia cho những nạn nhân treo cổ ở Montgomery, Alabama, nhằm phản ánh sự tàn bạo của quá khứ và chữa lành vết thương tại quốc gia. Anh đã gửi một email đến Bryan đề nghị được thiết kế công trình. Vô cùng ngạc nhiên, Bryan đã liên lạc lại với anh và mời anh đến Montgomery để bàn bạc thêm. Bryan đã dẫn anh đến ngọn đồi, nơi hướng tầm nhìn ra toàn thành phố. Ông chỉ tay về phía con sông và đường ray xe lửa, nơi từng là cảng kinh doanh nô lệ thịnh vượng nhất nước Mỹ. Ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ xây một đài tưởng niệm mới nhằm thay đổi bản sắc thành phố và quốc gia này.”
Đội ngũ của Michael đã làm việc bền bỉ nhằm khuyến khích con người bước vào một hành trình cổ như ở đền Parthenon hay cột tháp Vatican. Những chiếc cột này gợi hình ảnh người bị treo cổ, những gì xảy ra ở các quảng trường. Và khi tiếp tục, chúng ta sẽ bất giác nhận ra rằng họ vẫn chưa được yên nghỉ. Khi nghĩ đến việc xây dựng, Michael nhớ đến Ubudehe đã học được tại Rwanda. Anh lấp đầy các cột với đất từ địa điểm nơi vụ giết người xảy ra, và cho vào lọ cá nhân như một giải pháp chữa lành.
Michael liền nghĩ đến lời bố anh nói năm xưa, rằng ngôi nhà đã cứu ông ấy. Anh nhận ra mối quan hệ sâu sắc hơn giữa con người và kiến trúc, rằng các công trình không đơn giản là tác phẩm điêu khắc mà hiện hữu như một thành tố quan trọng trong xã hội. Kiến trúc vĩ đại có thể cho chúng ta hy vọng và chữa lành những vết thương.