ART & CULTURE

KTS Phạm Nhân Thọ: “Tôi luôn cảm thấy bản thân đang vẽ một và chỉ một công trình”

Nov 12, 2021 | By Trang Ps

“Rèn luyện lớn nhất của người làm nghệ thuật là phải vượt qua cái tôi của mình, để tìm đến tự do, chỉ có trong tự do, con người mới thực sự sáng tạo. Ngoài tự do này, mọi sáng tạo đều là phóng túng.” – KTS Phạm Nhân Thọ chia sẻ với LUXUO và Art Republik những quan điểm thiết kế của anh cũng như đội ngũ tho.A, từ đó để ta thấy vì sao “sứ mệnh của nghệ thuật là làm xuất hiện cái chưa hề quen thuộc từ cái quen thuộc nhất”.

Được biết tho.A thường tiếp cận quen thuộc các công trình cải tạo, vậy ở một dự án cải tạo, những yếu tố nào là tiên quyết để thực hiện một cách hiệu quả, đáp ứng không chỉ về mặt chức năng mà còn trong mối liên thuộc với môi trường? 

Đối với tho.A, không có nhiều khác biệt giữa một dự án cải tạo và xây mới. Ở bất kỳ công trình nào, chúng tôi cũng làm việc với những cấu trúc hiện hữu. Có nghĩa là, cả trong những dự án xây mới hoàn toàn, tho.A cũng tìm thấy ở đó “dấu vết” có tính cấu trúc của đô thị, thiên nhiên. Đấy là chưa kể đến những cấu trúc trừu tượng như của xã hội. Không một công trình kiến trúc nào có khả năng tách ra khỏi bối cảnh, hoàn toàn độc lập về mặt không gian và thời gian. Vì lý do đó, chúng tôi quan niệm mọi sự xây cất, dù có là cải tạo hay xây mới (từ đầu), vẫn là viết tiếp câu chuyện đã có ở nơi chốn cũ.

Roundhouse là một ví dụ như vậy. Về mặt hình thức, kiến trúc mới dường như không có liên hệ với căn nhà cũ, nhưng nếu quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy sự tiếp diễn của cấu trúc gia đình ba thế hệ. Thông qua việc tăng cường không gian sinh hoạt chung về mặt khối tích, và chất lượng ánh sáng, cây xanh… giao tiếp và tương tác giữa các thành viên được tăng lên, truyền thống gia đình được tiếp nối.

Khi nghiên cứu một dự án mới, đâu là lý do để tho.A đồng ý đảm nhiệm, đâu là lý do để từ chối? 

Đơn thuần là vì yêu thích được vẽ, tho.A sẽ đồng ý đảm nhiệm một dự án nếu như chủ nhà cũng chia sẻ niềm vui đó với chúng tôi. Thực tế mà nói, lúc này không có sự phân biệt giữa người chủ nhà và người kiến trúc sư trong mối tương quan với công trình, nghĩa là chúng tôi nhìn nhận công trình như là “của mình” vậy. Khi không đạt được những yêu cầu trên, tho.A sẽ từ chối, vì chắc chắn khách hàng sẽ tìm được đối tác khác phù hợp hơn.

Một công trình kiến trúc bền vững thường hướng tới sự tương tác hài hòa giữa tự nhiên và con người, con người với con người và tự nhiên với tự nhiên. Khi nghiên cứu một dự án, làm sao để sự tương tác này diễn ra một cách công bằng hay không thiên vị? Và làm sao để biết được mình đã tạo ra một dự án về mặt cơ bản đã có sự cân bằng trong đó? 

Một cách thành thật, chúng tôi cũng không dám chắc liệu mình đã tạo ra những công trình đạt tới sự cân bằng kể trên hay chưa. Mặc dù, đây là mối bận tâm thường trực, chúng tôi cũng luôn nuôi dưỡng ý thức rằng: sự cân bằng nằm ở chính người vẽ. Nghĩa là, khi người vẽ thực sự cân bằng thì công trình, vốn là biểu hiện bên ngoài của những suy tư nội tại, cũng sẽ cân bằng theo. Điều này, do vậy, là không dễ. Và có lẽ, tho.A vẫn trong quá trình tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu như khách hàng nhìn ra được sự cân bằng ở trong công trình của tho.A, thật vui, vì có lẽ chúng tôi đang đi đúng hướng.

Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, kiến trúc lại có sự ảnh hưởng lớn đến môi trường. tho.A đã từng bước thể nghiệm nào mới hay nghiên cứu sự ảnh hưởng của chất liệu đến môi trường? Và còn có cách tiếp cận nào để giảm thiểu sự tác động của kiến trúc đến tự nhiên? 

Tôi rất tâm đắc một phát biểu về nghệ thuật của nhà thơ Kahlil Gibran: “Sứ mệnh của nghệ thuật là làm xuất hiện cái chưa hề quen thuộc từ cái quen thuộc nhất”. Có lẽ nhờ vậy, thực hành của tho.A luôn chú trọng vào việc thay đổi góc nhìn của bản thân với vật liệu sẵn có, hơn là thay thế nó bằng cái gì đó mới mẻ.

Cũng là gạch ống, nhưng nếu đập vỡ nó thay vì để nguyên vẹn, hoặc cho thấy phía trong thay vì mặt ngoài quen thuộc, hoặc đơn giản là đảo lộn các trình tự sắp xếp, tạo ra những quy luật mới … chúng ta đã có thể có một thiết kế mới, gây ngạc nhiên không kém việc giới thiệu một vật liệu chưa từng xuất hiện. Thêm vào đó, trong công trình của mình, chúng tôi luôn cố gắng giảm thiểu sử dụng điều hòa nhờ vào thông thoáng tự nhiên, giới thiệu cây xanh, mặt nước …

Hình khối (điêu khắc) nào thường lặp đi lặp lại trong các dự án kiến trúc của tho.A và vì sao?

Thực tế là, chúng tôi yêu mến tất cả mọi hình khối, và hào hứng trải nghiệm chúng cho hầu hết các công trình của mình. Nhưng nếu phải kể tên một hình ảnh lặp đi lặp lại, đó là hình thức Con Cá. Con Cá? Đúng là nghe thật chẳng mấy liên quan đến kiến trúc! Nhưng bằng cách này hay cách khác, nó luôn tìm được “đường trở lại” trong công trình của tho.A… ở trong dự án Hẻm, nó hoá thân thành biểu tượng đánh dấu lối vào… với the Fish, nó biến thành những cây cột khổng lồ… đến Kum Kent House, Con Cá là chiếc lồng đèn khổng lồ “bơi” trong không gian…

Trong thiết kế, tho.A kỵ nhất điều gì? 

Cá nhân mình – tôi kỵ những mặt bằng “xấu”. Mặt bằng (plan) là biểu hiện rất chân thật của công trình, một mặt bằng “xấu” ( ở đây muốn nói đến tỷ lệ không ổn, bố cục thiếu mạch lạc, giao thông rườm rà không chủ đích…) là nguyên nhân cho một công trình thiếu sức sống về sau. Vì vậy khi vẽ, chúng tôi cực kỳ chăm chút cho mặt bằng, một nét vẽ dư thừa, vô lý có thể khiến chúng tôi day dứt không yên và trở đi trở lại nhiều lần,…

Kiến trúc cũng là sự sáng tạo, là nghệ thuật. Theo tho.A, sáng tạo là bản năng của con người? Làm sao để tự do sáng tạo nhưng không phải là phóng túng sáng tạo?

Sáng tạo, theo thoA, là phẩm chất chứ không phải bản năng, nó phải được khơi nguồn qua rèn luyện và quan sát không ngừng. Rèn luyện lớn nhất của người làm nghệ thuật là phải vượt qua cái tôi của mình, để tìm đến tự do, chỉ có trong tự do, con người mới thực sự sáng tạo. Ngoài tự do này, mọi sáng tạo đều là phóng túng.

Những “khoảng thở” của kiến trúc vô cùng quan trọng, cũng giống như con người cần những khoảng lặng vậy. tho.A định nghĩa khoảng thở, khoảng lặng kiến trúc như thế nào? 

Khoảng thở là điều kiện “bắt buộc” đối với mọi công trình kiến trúc. Bởi xa xôi tận gốc rễ, kiến trúc được dựng nên cho sự cư ngụ, nương náu. Vậy nên, làm sao có thể cư ngụ ở nơi không tìm ra một “khoảng thở” hay một khoảng lặng cho tâm hồn?

Với tho.A, những khoảng thở trong công trình được suy tôn như những “đền thờ” vậy. Bắt tay vào vẽ bất kỳ công trình nào, điều đầu tiên chúng tôi làm sẽ là tìm chỗ để xây “đền thờ”. Chính là cái “Không” – cần thiết, để dựa vào đó những cái “Có” được cho xuất hiện. Nếu mất đi cái “Không” này, những cái “Có” khác chỉ là một tập hợp rời rạc, vô nghĩa.

BiesDorf Villa là ví dụ gần đây nhất, khi mà những vận động của ngôi nhà hoàn toàn bị chi phối bởi khoảng sân đá “không chức năng”… Lấy nó làm tham chiếu, mọi hoạt động khác được định hình và phát triển.

Làm sao để cân bằng ý tưởng thiết kế giữa các thành viên trong nhóm khi mà mỗi người có thể có một tư duy khác nhau?

Kiến trúc là một công việc có tính tập thể rất cao, vì thế không thể tránh khỏi việc bất đồng quan điểm. Mặc dầu vậy, chúng tôi chia sẻ với nhau cùng một niềm tin: thông qua miệt mài thực hành, con đường (đạo) sẽ dần được hé lộ. Nhờ vậy, chúng tôi mới có thể đi đến cùng, với nhau.

Một dự án mới của tho.A?

Tôi luôn cảm thấy bản thân đang vẽ: một và chỉ một công trình. Dù đó có là những dự án rất đỗi khác biệt, về quy mô, khách hàng, bối cảnh… Thế nhưng, ngày qua ngày tôi cảm giác vẫn đang hoàn thành một công trình duy nhất trong tâm tưởng. Lẽ đó mà không có công trình nào là mới với tôi hết. Hay, chính bởi vậy mà chúng luôn mới. Mới lại từng ngày!

Ảnh chân dung nhân vật: RAB HUU STUDIO / Ảnh công trình: QUANG DAM


 
Back to top