ART & LIFE

“Mãi mãi Fukushima”: Chuỗi tranh thể hiện bối cảnh bất toàn và hoang vắng sau thảm họa hạt nhân

Jan 31, 2020 | By Trang Ps

Gần một thập kỷ sau thảm họa Fukushima Daiichi, nhiếp ảnh gia Giles Price chụp lại khung cảnh những cư dân đầu tiên quay trở lại Namie và Litate, hai thị trấn bình yên từng chịu đựng hậu quả của phóng xạ hạt nhân vào năm 2011.

Năm nay, Tokyo – Nhật Bản sẽ là thành phố chủ nhà của Thế vận hội Mùa hè 2020. Một quốc gia từng bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn luôn được cả toàn cầu biết đến là đất nước tiến bộ với nền công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Song, sự kiện thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011 có lẽ vẫn để lại nhiều tiếc thương trong lòng công chúng.

Nếu “đất nước mặt trời mọc” là nạn nhân của thảm họa hạt nhân vào năm 1945, thì chuỗi sự kiện bi thảm vào năm 2011 hoàn hoàn là sự cố của riêng quốc gia diễn ra sau trận động đất và sóng thần Sendai, khiến hơn 20.000 người chết và xé toạc bờ biển của đất nước vào ngày 11/03/2011.

Fukushima và bi kịch còn mãi trong tâm trí người dân di tản

Về mặt lý thuyết, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cách thủ đô Tokyo khoảng 250km về phía Bắc, được bảo vệ khỏi cơn sóng thần nhờ bức tường biển cao 30m. Nhưng thảm họa dữ dội hơn khiến nước lũ tràn vào lò phản ứng, vô hiệu hóa nguồn điện của nhà máy. Các hệ thống làm mát ngừng hoạt động, nhiên liệu uranium bắt đầu tan chảy và khí phóng xạ tích tụ bên trong lò phản ứng. Cơn sóng thần ngày càng trở nên ác liệt hơn khiến bụi phóng xạ lấn vào đại dương và khu rừng xung quanh, buộc 115.000 người trong vùng lân cận phải sơ tán ngay sau đó.

Trong cơn hoảng loạn ấy, chính quyền dường như không biết đến tình trạng hiểm nguy của công chúng. Tại đồn cảnh sát gần đó, các quan chức đã mặc đồ bảo vệ bức xạ trong khi vẫn thông báo với người dân địa phương không có rủi ro nào xảy ra. Những cộng đồng được đưa đến trung tâm sơ tán ghi nhận mức độ phóng xạ cao hơn so với những ngôi nhà họ đang trốn thoát. Khoảng 60 người già bị thiệt mạng vì căng thẳng khi được di chuyển từ các trung tâm chăm sóc và bệnh viện. Số còn lại chết vì mất nước và đói.

Giáo sư Wade Allison của Đại học Oxford từng viết: “Tại Nhật Bản, mọi người đều biết cách làm gì trong trận động đất. Nửa triệu người đã thoát khỏi cơn sóng thần. Nhưng công chúng đều đinh ninh không có chuyện tồi tệ xảy ra với nhà máy hạt nhân. An toàn tuyệt đối được đảm bảo. Vì vậy, khi điều không thể xảy ra đã xảy ra, tình trạng hoảng loạn xuất hiện.”

Bi kịch của Fukushima không chỉ mang tính hình ảnh hay thống kê. Nó đã không được quan tâm về mặt cơ thể. Lõi lò phản ứng không nổ tung dưới ánh nắng mặt trời. Động vật đột biến đang âm thầm rình rập trong khung cảnh trống rỗng. Thảm kịch, thay vì đó, nằm ở tâm lý con người, khi nạn nhân Fukushima cảm thấy bản thân mình không còn có thể sống với cơ thể cũ của chính họ nữa. Các vụ tự tử và chẩn đoán PTSD trong số những người di tản đã tăng lên nhanh chóng kể từ ngày đó.

Đối mặt với những tác động lâu dài của bức xạ trong khu vực, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận thay đổi mạnh mẽ vào năm 2017. Với nỗ lực động viên về mặt tài chính, đất nước khuyến khích cư dân quay trở lại Namie và Litate, hai thị trấn bình yên từng là nơi sinh sống của 27.000 công dân. Cả hai đều chịu đựng hậu quả của phóng xạ cực đoan vào năm 2011. Những người quyết định quay lại sẽ là những công dân đầu tiên cư trú trong suốt một thập kỷ qua, giữa cảnh quan gần như hoang vắng. Trong khi đó, lò phản ứng Fukushima vẫn chưa được sửa chữa. Một số nhà khoa học tin rằng khu vực nằm trong ảnh hưởng sẽ không thể an toàn ít nhất trong 50 năm nữa.

“Mãi mãi Fukushima”: Bối cảnh bất toàn và hoang vắng sau thảm họa hạt nhân

Giờ đây, một loạt bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh – Giles Price dưới tựa đề “Restricted Residence” (Khu vực lưu trú hạn chế) có chức năng xem xét việc sơ tán và trở về của những cư dân Nhật Bản vùng Namie và Litate. Price chia sẻ: “Trọng tâm của tôi là hình dung sự bất an và căng thẳng tiềm tàng khi sống trong môi trường đầy biến đổi này. Tôi muốn kiểm nghiệm nỗi sợ phóng xạ đi cùng tác động tâm lý lâu dài của nó.” Cuốn sách được xuất bản với Loose Joints thể hiện kinh nghiệm của khoảng 150.000 công dân trở lại cuộc sống bình thường trong khu vực loại trừ (exclusion zone).

Price đã bắt lại cảnh những công nhân được giao nhiệm vụ dọn dẹp và tái thiết thị trấn với mức chi phí khoảng 50 triệu USD. Ông cũng chụp lại những bức hình thể hiện đội ngũ nhân viên y tế phác thảo nhằm quyết định xem liệu khu vực an toàn hay không, bên cạnh các nạn nhân, chủ cửa hàng, nhân viên văn phòng… Price cũng lần theo những câu chuyện cá nhân đơn lẻ.

Chuỗi tác phẩm của Price đầy chân dung những con người khác nhau nhưng ẩn chứa trong đó là sự vắng vẻ, vô hình và không chắc chắn. Ẩn sâu bên trong các hình ảnh, ông nắm bắt được ý niệm nào đó bất ổn hơn, về những gì có thể xảy ra, không thể phát hiện được trong cơ thể con người. Những căng thẳng tiềm ẩn – thể chất lẫn tâm lý – xoay quanh chuyện họ có thực sự hiểu vùng đất mà họ đã quyết định quay trở lại hay không?

Để khám phá khái niệm này, Price sử dụng công nghệ hình ảnh nhiệt thường thấy nhất trong y học hoặc thực hành quan sát. Các kết quả biến đổi cảnh quan của Namie và Litate hiện trong màu xanh lam, xanh lá cây và đỏ đầy ám ảnh. Nhà nhiếp ảnh gia tài năng cho rằng công nghệ nhiệt học thường được sử dụng trong khảo sát và y học sẽ thú vị trong tính trừu tượng của riêng nó.

Phương pháp đo nhiệt dường như có khả năng cho phép chúng ta nhìn xuyên qua các đối tượng mà Price chụp lại, như thể chúng là các tia X. Sự ấm áp của cơ thể họ chuyển thành màu hồng, phản lại các tia vàng và màu xanh lá cây của thảm thực vật xung quanh. Những hình ảnh mời gọi chúng ta tìm kiếm những khiếm khuyết lạ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Ryoko Ando, một người dân sơ tán từ Fukushima chia sẻ kinh nghiệm cho tạp chí y khoa Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi thấy mình chìm đắm trong những con số [và] những đơn vị lạ mà chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến. Phóng xạ không có vai trò trong ý thức của chúng tôi cho đến lúc đó; đột nhiên chúng tôi thấy rằng đó là một phần của cuộc sống của mình.”

Theo Wallpaper

 


 
Back to top