ART & CULTURE

Nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến: “Tôi ở tuổi hay nghĩ mấy thứ viển vông”

Aug 16, 2022 | By Bảo Châu

Phạm Đình Tiến hay bông đùa, giỏi pha trò, nhưng cũng không kém nghiêm túc khi nói về nghệ thuật; và như lời chủ phòng trưng bày Craig Thomas nhận xét: Anh là nhà điêu khắc giỏi nhất Việt Nam hiện nay.

“Tôi thích một tác phẩm mà khi nhìn vào, người xem biết nhưng cũng không biết nó là gì…” 

Tiến tự cho mình là một người “cơ bản cũng vui vẻ, nhẹ nhàng” và Tuổi Mộng Mơ, theo lời của anh là “cái tuổi cho những thứ viển vông không thể thực hiện được,” thể hiện một phần tính cách đó. Đơn cử như bức tượng “Hip Hop Never Dies” được đặt tên theo meme yêu thích của nghệ sĩ, hay “Nhà Có Lóc” và “Cá Dép Hóa Rồng” thể hiện sở thích chơi chữ nghịch ngợm của anh, hay “Giờ Giới Nghiêm” tỏa ra ma lực nào đấy khiến khách tham quan cứ phải tạo dáng y như tượng để chụp hình.

Nhà Có Lóc Phạm Đình Tiến tác phẩm điêu khắc

Tác phẩm “Nhà Có Lóc”

Điêu khắc gia Phạm Đình Tiến và tác phẩm “Giờ Giới Nghiêm”

“Có những câu đùa phù hợp với văn hóa. Người Tây sẽ không hiểu, người lớn cũng không hiểu, chỉ có chúng ta trong thời đại này mới hiểu thôi. Tôi thích những thứ như vậy, mà nếu không ghi lại (những câu đùa đó) thì sẽ quên mất. Nhiều bức tượng làm xong, tôi không biết nên gọi là gì, nếu có meme phù hợp tôi sẽ sử dụng để đặt tên. Mà đặt như vậy mới nhớ!” Anh bộc bạch trong lúc giải thích về quá trình thực hiện tác phẩm.

Nhưng đó chỉ là một phần tính cách của Tiến. Phần còn lại, có chất thơ và sự nghiêm túc với nghệ thuật, cũng được khắc họa rõ nét trong mỗi bức tượng, dù nó có cái tên khôi hài hay không. Trong đó, ấn tượng nhất, được Tiến dành nhiều thời gian và tình cảm nhất là “Cuối ngày.” Bức tượng đồ sộ thấp thoáng dáng hình cơ thể người – một đầu, một cổ kéo dài xuống gối, để rồi kết thúc ở bàn tay. Chỉ có sự am hiểu chắc chắn mới có thể khiến nghệ sĩ tự tin giải cấu trúc cơ thể như thế. 

Phạm Đình Tiến và tác phẩm “Cuối Ngày”

Đó là tác phẩm được anh thực hiện cách đây một thập kỷ, khi anh còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, cũng là tác phẩm khiến Craig Thomas “mơ có cơ hội trưng bày tác phẩm điêu khắc của Phạm Đình Tiến từ lần đầu nhìn thấy.” Khi ấy “Cuối ngày” chỉ là một bức tượng composite nhỏ, nhưng đủ để người chủ phòng trưng bày nhìn thấy sự đặc biệt của người nghệ sĩ trẻ.

“Trước đây tôi đúc tượng bằng nhựa composite và thạch cao. Sau 10 năm tượng bắt đầu mục. Vòng đời tác phẩm chỉ vỏn vẹn 10 năm thì hơi ngắn. Tôi muốn vài trăm năm sau, mọi người đào tượng tôi làm lên rồi thắc mắc ‘Ngày xưa người ta làm cái gì vậy?’ Sử dụng chất liệu kim loại khiến khoảnh khắc hiện tại được lưu giữ lâu hơn.”

Khi được hỏi về cảm xúc anh muốn để lại cho người đến xem Tuổi Mộng Mơ, Tiến có câu trả lời tương tự: “Tôi muốn họ đặt câu hỏi. Hỏi tôi cũng được, hỏi người khác cũng được, tự hỏi bản thân cũng được.”

Thái độ của Tiến với nghệ thuật cũng vậy – luôn tò mò vì muốn làm tốt hơn, đẹp hơn. Những bài tập thời sinh viên đã chấm điểm vẫn được anh đem về làm tiếp; tượng đã trưng bày ở triển lãm vẫn có thể được đem về sửa sang. Anh đặt mục tiêu là học hỏi, nên cuộc sống không có vạch đích, tiêu chuẩn cho bản thân cao đến vô hạn. Có lẽ lối suy nghĩ đó đã cho anh sự tự do, thỏa sức sáng tạo mà vẫn giữ được nét vui vẻ hồn nhiên.

“Trên Dép Dưới Dép” với sự góp mặt thân thương của dép tổ ong và ghế nhựa được mạ vàng bóng – những hình ảnh rất dân dã Việt Nam trong vẻ ngoài “sang trọng.”

Tôi đã thắc mắc Tiến là người như thế nào khi anh đứng lớp tại trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mỉa mai làm sao, vì đồ án tốt nghiệp của anh có tên “Escape,” tức là “giải thoát,” vậy mà anh lựa chọn ở lại trường), đặc biệt khi anh là người được truyền cảm hứng, được tiếp sức từ đam mê của người khác.

“Cũng vui vẻ như vậy thôi. Tôi chỉ sợ sinh viên không có ý tưởng, chứ có rồi thì cứ thế mà làm. Quan trọng là sinh viên biết bản thân muốn gì, chứ tôi cũng không áp đặt. Tôi chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn là dạy, vì đôi khi mình cũng không đủ trình độ để dạy.”

“Tôi nghĩ anh ấy là nhà điêu khắc giỏi nhất Việt Nam,” Craig Thomas chia sẻ. “Tôi đã tìm kiếm một người như anh ấy trong suốt 10-15 năm nay, và miễn là phòng trưng bày còn mở cửa, tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc cùng Tiến.”

Triển lãm Tuổi Mộng Mơ của Phạm Đình Tiến

Thời gian: 29 tháng 7 – 20 tháng 8 năm 2022

Địa điểm: Craig Thomas Gallery, 27(i) Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh 

 

Ảnh: RABHUU Studio


 
Back to top