Nghệ thuật thinh không: Tượng vô hình phi trọng lượng, giá “chỉ” 18.000 USD
Một tác phẩm điêu khắc không khí của nghệ sỹ Salvatore Garau được một nhà sưu tầm ẩn danh đấu giá lên đến 15.000 EUR, tương đương 18.200 USD hoặc hơn 419 triệu VND. Hẳn là nghệ thuật tự tâm sinh.
Hai tuần trước, tượng thinh không “Tôi là” (“I am”) của Salvatore Garau được bán với giá 15,000 EUR trên sàn Art-Rite. Trên website của sàn, hình ảnh tác phẩm cũng để trống trơn, phần miêu tả chỉ ghi “kích thước khoảng 150 x 150 cm”, là “tượng tàng hình, để sắp đặt tại cư gia nơi không có gì vướng víu”, đi kèm với tờ chứng thực có chữ ký nghệ sỹ.
Savaltore Garau (sn. 1953) là một nghệ sỹ Ý tương đối có tiếng, từng tham gia Venice Biennale 2003. Ông coi “Tôi là” như một “hố thinh không”, nơi năng lượng được tích tụ và chuyển hóa vào trong mỗi chúng ta. Đây cũng không phải là tượng tàng hình duy nhất của tác giả: vài tháng trước, ông đã bày một tượng tương tự “Phật đang thiền” – đánh dấu bằng một khoảnh vuông ngoài Piazza Della Scala, Milan, và tuần trước là “Vệ nữ khóc” – đánh dấu bằng một vòng tròn trước Sàn Chứng khoán New York.
“Phật đang thiền” (2021), Salvatore Sarau – đánh dấu bằng một khoảnh vuông ngoài Piazza Della Scala, Milan
“Vệ nữ khóc” (2021), Salvatore Garau – đánh dấu bằng một vòng tròn trước Sàn Chứng khoán New York
Tất nhiên, số đông vẫn nhăn mặt và không thể không hỏi một câu quen thuộc “Thế cũng là nghệ thuật ư?” Hay thay, đó lại chính là mục đích của nghệ thuật ý niệm: thách thức cách ta nhìn nhận nghệ thuật.
Nghệ thuật ý niệm là loại hình nghệ thuật trong đó ý tưởng đằng sau quan trọng hơn hoàn phẩm. Bắt nguồn từ bồn tiểu của Duchamp năm 1917 và phát triển thành trào lưu nở rộ thập kỷ 60s-70s, nó vốn sinh ra để phản biện lại cái nhìn truyền thống về nghệ thuật như một hình thái vật chất (được lưu trữ dưới dạng một tranh vẽ hay bức tượng) được thị trường coi như một thứ hàng để buôn bán trao tay. Khi bán nó đi, ta sẽ mất cơ hội chiêm ngưỡng nó. Ngược lại, sau khi đã nghe qua một ý tưởng, nó sẽ được lưu trong đầu ta, không ai có thể cưỡng chế lấy nó đi được.
Cũng bởi tính phá cách ấy mà nghệ thuật ý niệm cũng tạo ra lắm hoang mang, nhiều khi như bộ quần áo vô hình của đức vua vậy. Sau bồn tiểu của Duchamp, bể phóc-môn của Damien Hirst hay quả chuối của Maurizio Cattelan, lần này Garau tiếp tục đẩy băn khoăn hiện sinh của nghệ thuật ý niệm thêm một nấc nữa. Ta phải, và nên, nán lại và tự vấn về loại hình này một cách nghiêm chỉnh, để hỏi những câu khó nhất.
Thứ nhất, với ví dụ tượng thinh không, ranh giới giữa tác phẩm và phi tác phẩm gần như không còn. Vậy một ý tưởng nếu không được thực thi (viết/xếp/biểu diễn…), có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật không? [về định nghĩa nghệ thuật]
Thứ hai, vai trò của tác phẩm trong việc truyền đạt ý tưởng là gì? Có cần phải có tác phẩm (bức tượng tàng hình) không, vì ta có thể nêu ý tưởng trực tiếp luôn? [về phương tiện]
Thứ ba, còn gì để diễn giải tác phẩm khi phải ngồi đợi tác giả đích thân nói ra ý tưởng? Rõ ràng, nếu Garau không nói, ta sẽ không phân biệt được ý niệm của ba pho tượng không khí, vì về mặt vật chất chúng đều bằng nhau, và bằng không. [về diễn giải]
Thứ tư, nghệ thuật có còn cần kỹ năng cứng không? Điều này đặc biệt quan trọng khi những kỹ năng mỹ thuật truyền thống trở nên không còn liên quan trong quá trình sản xuất tác phẩm. Ta không cần tốt nghiệp đại học mỹ thuật như Garau để nghĩ ra cái tượng ấy. [về kỹ năng]
Thứ năm, nghệ thuật có còn cần đẹp (hoặc xấu) không? Cái thinh không thì làm gì có gì mà đẹp với xấu? [về giá trị thẩm mỹ]
Thứ sáu, nếu đã không cần đẹp, thì giá trị nhận thức của nghệ thuật là gì? “Tôi là” có dạy ta được gì ngoài những thứ ta đã tự đúc kết được? Chí ít, nó có gợi cho ta tìm hiểu thêm được những thứ hay ho không? [về giá trị nhận thức]
Thứ bảy, nếu mục tiêu của nghệ thuật ý niệm là để phi vật chất hóa nghệ thuật, thì sao nó vẫn được mua bán và thao túng, thậm chí có phần còn tệ hơn tranh tượng truyền thống? [về giá trị thương mại]
Suốt 100 năm qua, nghệ thuật ý niệm đã nhận nhiều nghi vấn không ngừng của cả khán giả và học giả. Vai trò của nghệ thuật trước hết là để đặt câu hỏi thay vì đưa lời đáp, và ít ra theo khía cạnh này, nghệ thuật ý niệm đã thành công. Các khía cạnh còn lại, thì còn phải bàn dài.
Nguồn:
Lô “Tôi là” (2021), Salvatore Garau trên Art-Rite
Về tác giả:
Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.