Quý ông Heuer
Việc chế tác đồng hồ đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa xe hơi nhờ vào một quyết định then chốt của Jack Heuer và giây phút làm nên lịch sử trong ngành công nghiệp quảng cáo.
Vào thời điểm về hưu, người đàn ông 86 tuổi Jack Heuer đã kinh qua mọi thăng trầm của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ từ thập niên 50. Theo học Đại học Zurich từ năm 1952 đến 1957, ông tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện tử, chuyên về quản trị khoa học và kỹ thuật sản xuất. Vào thời điểm đó, khả năng thiết kế và kỹ nghệ cơ khí khiến ông được nhiều người biết đến. Vào những năm 60, Heuer đưa định hướng kinh doanh của công ty gia đình đi theo việc hợp tác giữa ngành đồng hồ và xe đua thể thao.
Dưới sự lãnh đạo của ông, các mẫu đồng hồ huyền thoại đã ra đời như Carrera, Autavia và Monaco. Những chiếc đồng hồ cơ này đánh dấu nỗ lực gắn kết đầu tiên của hai loại máy móc thật sự rất khác nhau: đồng hồ và xe hơi. Và hợp đồng tài trợ cho đội xe Ferrari F1 vào những năm 70 chính là một bước đi tiên phong trong ngành đồng hồ thời bấy giờ – tài trợ cho những người nổi tiếng.
Những tên tuổi lừng lẫy lúc bấy giờ như Jacky Ickx, Niki Lauda, Mario Andretti, và Gilles Villeneuve đều là những đại sứ thương hiệu đáng tự hào của Heuer. Cuối cùng, mối quan hệ giữa Jack Heuer và Jo Siffert trở thành yếu tố then chốt nhất, song ít ai nhận ra được điều này.
Dẫu rằng mối hợp tác của Steve McQueen với TAG Heuer là cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp đồng hồ, điều đó thực tế lại không đến từ sự nổi tiếng của ông như chúng ta thường thấy ngày nay. Để chuẩn bị cho vai diễn để đời trong bộ phim Le Mans, McQueen đã học lái xe đua dưới sự hướng dẫn của Siffert, chính mối quan hệ thân tình này khiến ngôi sao Hollywood chọn đeo Heuer khi lên phim. Nếu không vì Siffert (và ảnh hưởng chung từ các tay đua nổi tiếng khác), chúng ta đã không bao giờ có được tấm ảnh huyền thoại của McQueen trong bộ đồ đua xe màu trắng, trên tay đeo chiếc đồng hồ Monaco mặt vuông màu xanh biển.
Nhưng trớ trêu thay, so với các mẫu đồng hồ với thiết kế mang phong cách xe đua thể thao khác, Heuer Monaco không được như kỳ vọng, và chiếc Monaco có khả năng bị đoàn làm phim thay thế. Chia sẻ với tờ Financial Times vào tháng 9 năm 2017, ông Heuer đã thừa nhận: “Họ muốn có nhiều mẫu khác nhau để chọn, vì vậy chúng tôi gửi đến vài chiếc Carrera và Autavia, nhưng vì Monaco là món bán kém nhất và vẫn còn khá nhiều đồ tồn kho, nên chúng tôi quyết định gửi đi tới 7 chiếc.”
“Tôi chưa từng mường tượng về một ngày nào đó những chiếc đồng hồ này lại được mọi người sưu tầm. Ngày ấy, ý nghĩ sưu tập những chiếc đồng hồ đeo tay chưa từng tồn tại – tôi chỉ muốn làm ra những thứ mà mọi người muốn mua và công ty có thể kinh doanh được.”
– Jack Heuer phát biểu trên tờ Financial Times năm 2017
Cuối cùng thì, một trong những chiếc đồng hồ được yêu thích nhất thế giới lại là chiếc không hề thành công về mặt thương mại mà xuất hiện trên phim. Khi kết thúc bộ phim, Heuer nói với người quản lý đạo cụ Don Nunley rằng ông có thể tùy ý sử dụng các mẫu đồng hồ. Và dẫu việc để Steve McQueen được nhận chiếc Monaco là ý tưởng không tồi, Nunley lại không làm điều đó. Khi McQueen biết chuyện này, mối quan hệ giữa hai người đàn ông trở nên xấu đi một thời gian sau đó. Tuy nhiên, sai sót ấy cuối cùng cũng được bù đắp, và sự hỗ trợ của McQueen với Heuer đã tạo nên mối quan hệ bền vững như chính thương hiệu vậy.
CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐƯỜNG ĐUA
Vào công ty do ông cố Edouard sáng lập, chàng trai Heuer 26 tuổi bị đẩy vào giai đoạn đầy biến động của Ed.Heuer & Co., với doanh thu chỉ đạt 1.7 triệu CHF năm ấy, giảm 20% so với năm trước đó. Với chuyên môn cao, Heuer nhanh chóng nhận ra rằng thị trường Mỹ đang tiêu thụ tới hai phần ba số lượng đồng hồ bấm giờ của Thụy Sĩ, trong khi thị phần công ty ông ở đó chỉ vỏn vẹn con số 2%. Phát hiện trên giúp nhà điều hành trẻ quyết định tập trung hơn vào thị trường tiềm năng này, với các mẫu đồng hồ đeo tay và trên mặt điều khiển của xe đua.
Năm 1958, ngay năm đầu làm việc, Heuer đã tham dự nhiều cuộc đua xe ở Thụy Sĩ. Trong một tình huống kém may mắn (hoặc có thể nói là may mắn vì ông đã biết tận dụng thời cơ ấy sau này) bộ phận hiển thị trên đồng hồ bấm giờ Autavia gặp trục trặc, và sự cố càng trở nên nghiêm trọng khi xe đua thường chạy ở tốc độ rất cao. Đây chính là tiền đề cho việc ra đời một mẫu đồng hồ bấm giờ mới cùng hợp tác với Dubois-Depraz. Mang tên Monte-Carlo, chiếc đồng hồ bấm giờ với khả năng hiển thị thời gian đã trôi qua bằng số lớn tại cửa sổ ở vị trí 6 giờ đã được các tay đua hàng đầu trên thế giới đón nhận, mở ra kỷ nguyên mới cho Autavia, mẫu chronograph với vòng đệm xoay được.
Được ra mắt năm 1962, mẫu Autavia mới sở hữu phần vòng đệm xoay màu đen cùng độ chia vạch tự chọn. Cùng năm ấy, Jack Heuer được Câu Lạc Bộ Xe Đua Thể Thao Hoa Kỳ (SCCA) mời tham gia Cuộc đua 12 Giờ tại Sebring, Floria, nơi ông có cơ hội gặp gỡ những tay đua chuyên nghiệp như Jochen Rindt. Song ông nhanh chóng nhận ra rằng niềm đam mê xe cộ này không chỉ giới hạn trong giới chuyên nghiệp, mà còn mở rộng ra cho những cá nhân khác, để tạo nên thị trường tiềm năng cho Heuer. Cũng tại Sebring, lần đầu tiên ông nghe đến cái tên Carrera. Với đam mê thiết kế sôi sục sẵn trong người, ông tạo ra chiếc Carrera chronograph đầu tiên.
Về phương diện chức năng, đồng hồ chronograph thường khá phức tạp với nhiều dạng biểu thị và dấu chỉ quá trình (marking), tuy nhiên khi nhà sản xuất mặt kính bằng nhựa hay hesalite phát minh ra vòng thép ứng lực để cải thiện khả năng chống nước bằng cách ép mặt kính vào vỏ thép, Heuer đã có thể sử dụng phần vòng đệm bên trong vòng ứng lực để tạo nên dấu chỉ quá trình trong 1/55 giây, tránh việc phải khắc hoặc in chúng lên phần vòng đệm bên ngoài hay trên chính mặt số. Đây chính là bí quyết để Carrera có thiết kế gọn gẽ, tinh giản như chúng ta được biết.
TỪ NHỮNG NGÔI SAO
Những khám phá của Jack Heuer không chỉ dừng lại ở khía cạnh công nghệ hay thẩm mỹ. Những năm đầu thời hiện đại, thương hiệu TAG Heuer cũng được biết đến với sức mạnh quảng bá từ hình ảnh của nhân vật nổi tiếng. Đây chính là kết quả của sự hợp tác gần kéo dài một thập kỷ với Al Ries, chuyên gia marketing hàng đầu đã thai nghén và phát triển ý tưởng về định vị thương hiệu cho TAG Heuer, cũng như những mối quan hệ thân tình với đối tác và cả đối thủ cạnh tranh trong thị trường Mỹ.
Trong một cuộc họp với Giám đốc Điều hành của Rolex tại Mỹ, Jack Heuer chú ý đến hàng loạt hình chân dung ký tặng được treo dọc theo hành lang dẫn đến văn phòng của vị lãnh đạo cấp cao, và tất cả đều đề tặng ngài Chủ tịch của Rolex Mỹ. Sau đó ông nhận ra tất cả đều là thành quả của mối quan hệ thân thiết với các tài phiệt Hollywood, chính họ đã giúp đồng hồ Rolex được xuất hiện trên cổ tay các ngôi sao mới nổi.
Cũng trong thời gian ấy, Heuer cung cấp đồng hồ bấm giờ cho các đạo diễn Hollywood vì họ cần theo dõi chính xác thời lượng của các cảnh trong phim. Chiếc đồng hồ dành cho người ngồi sau máy quay dần tự nhiên xuất hiện trước ống kính. Trao đổi với nhà bán lẻ của TAG Heuer ở Los Angeles là Barney Feldmar, Heuer tìm cách tiếp cận một chuyên gia đạo cụ, mà lý tưởng nhất là người ấy có liên quan nhiều đến thể thao, đặc biệt là xe đua. Và ông đã gặp Don Nunley, người sau này giúp đồng hồ TAG Heuer xuất hiện trên tay những ngôi sao lừng lẫy như Charlton Heston, Burt Reynolds, Jack Lemmon, và không thể thiếu chàng “trai hư Hollywood” Steve McQueen, người đã làm thay đổi quỹ đạo của TAG Heuer mãi mãi.
CHO ĐẾN ĐỘNG CƠ
Câu chuyện về Dự án 99 có lẽ khá ly kỳ. Khi tăng trưởng quá nhanh làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản, Heuer quyết định hợp tác với Breitling và Heuer-Leonidas để tạo ra thế hệ đồng hồ mới – đồng hồ tự lên dây cót. Lúc này, Autavia đã là một trong những mẫu đồng hồ bán chạy nhất của TAG Heuer, và ông muốn tạo ra chiếc Carrera dựa theo kiểu thiết kế của các mẫu lên dây cót bằng tay nổi tiếng. Tại Heuer, đó chính là bộ máy huyền thoại Calibre 11, không chỉ được dùng trong những tuyệt tác chronograph của thương hiệu mà còn cả chiếc Monaco tân cổ điển.
Nhưng sự thiếu vắng chiến lược marketing có thể giết chết một chiếc đồng hồ ngay cả trước khi nó được ra đời. Ông Heuer thấy được con đường u ám trước mắt khi ngân sách dành cho marketing quá ít ỏi, không đủ để quảng bá ở quy mô thế giới. Và một lần nữa mối quan hệ trên sân golf được tận dụng tối đa, gia đình người bạn của Heuer chịu chi cho chiến dịch quảng cáo với một tay đua đầy hứa hẹn.
Nổi danh từ việc chiến thắng cuộc đua công thức 1 Grand Prix tại Anh tháng 7 năm 1968, vượt qua các đối thủ sừng sỏ như Chris Amon, Jacky Ickx và Jackie Stewart, Jo Siffert (vâng, người đã dẫn dắt McQueen trong bộ phim sau này) trở thành ngôi sao được chú ý nhiều nhất.
Siffert cho phép Heuer đưa biểu tượng chiếc khiên lên quần áo và xe hơi, đồng thời đeo chiếc Autavia. Đi xa hơn nữa, để hướng đến mối liên hệ thật sự với đại sứ thương hiệu, Siffert còn có đặc quyền được mua đồng hồ TAG Heuer với giá gốc.
Hợp đồng hai năm đầu có giá trị 25,000 CHF, nhưng sau đó chính mối thâm tình của Siffert và McQueen đã tạo nên một huyền thoại sống mãi với thời gian. Trong phim Le Mans, nhà sản xuất đã thuê Derek Bell và Jo Siffert hướng dẫn McQueeen cách điều khiển siêu xe Porsche 917. Từ khi tập luyện, Siffert và McQueen đã trở thành những người bạn thân thiết cả trong công việc lẫn ngoài đời, họ giúp đỡ nhau rất nhiều với tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp. Và vào ngày khởi quay, McQueen đã nhất định yêu cầu được mặc trang phục sao cho thật giống với Siffert.
Mọi người thường nói rằng Siffert có một bộ đồ đua mang biểu tượng Heuer, vì vậy khi quản lý đạo cụ Nunley đưa cho McQueen một chiếc Omega, anh không chịu và đã chọn Heuer. Nunley dùng 3 chiếc Monaco giống hệt nhau để thay phiên cho các lần quay, và đúng là số mệnh đã đưa đẩy McQueen phải đeo chúng. Kể từ đó trở đi, thương hiệu TAG Heuer sẽ luôn luôn gắn liền với đường đua công thức 1.