ART & LIFE

Chuyên đề Trị liệu và chữa lành (Phần 7): Buông xả là sống thiền

Sep 21, 2021 | By Trang Ps

Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần cố gắng thì mình sẽ đạt được trạng thái cân bằng. Nhưng về sau, tôi nhận ra rằng thực hành này là sai lầm lớn. Cố gắng xuất phát từ bản ngã chỉ càng khiến tinh thần của mình thêm căng thẳng. Kể cả việc cố gắng thiền định hay chánh niệm thì chẳng phải ta đang thực hành dựa trên bản ngã hay sao? Chỉ có buông xả và thả lỏng hoàn toàn mới giúp ta chạm đến sự rỗng lặng của tâm. 

Một người bạn nọ nhắn tin hỏi tôi làm sao để buông bỏ và than thở rằng nỗ lực buông bỏ thật khó. Nhưng họ có biết rằng càng cố gắng buông bỏ thì càng khó khăn hơn rất nhiều. Cố gắng buông bỏ là đang thúc đẩy bản ngã càng thêm sâu dày và khiến cho việc buông bỏ khó khăn hơn. Vì bạn phải hiểu, bản chất là buông bỏ bản ngã, mà bây giờ dùng động lực bản ngã để buông bỏ thì làm sao ta có thể buông bỏ được cơ chứ.

Lão Tử từng có thuyết vô vi. Vô vi ở đây nghĩa là làm mà như không làm. Không làm ở đây ám chỉ về thái độ chứ không phải là không làm việc/lao động. Có một anh chàng khi gặp một bậc minh triết bèn thưa: “Một phần nào đó bên trong con không muốn có vợ, không muốn có con, không muốn làm nghĩa vụ của một người đàn ông có gia đình, con muốn buông bỏ tất cả điều này.” Vị thầy bèn trả lời: “Vậy thì anh hãy xem lấy vợ mà như không có vợ, có con nhưng xem như không có con, làm công việc gia đình mà xem như không đang thực hiện nghĩa vụ của người đàn ông có gia đình, thì khi đó anh đã thực sự buông xuống được.”

Lời của vị thầy cũng đúng với thuyết vô vi của Lão Tử. Lấy vợ mà coi như không lấy vợ ở đây xuất phát từ thái độ của người đó. Tức anh ta vẫn chăm lo cho vợ cho con nhưng trong lòng không có gánh nặng là đang chăm lo cho họ, trong lòng không có gánh nặng mình là một người chồng, đang có một người vợ và một người con. Thì khi ấy, mọi việc anh ta làm mà như không làm. Nhẹ tênh. Đó mới là buông. Cũng giống như khi bạn làm từ thiện nhưng trong lòng không nghĩ rằng mình đang cho đi. Đó cũng là buông xả. Còn nếu khi bạn cho đi, mà trong lòng cứ nghĩ về việc cho đi đó, thì bản ngã sẽ có xu hướng mong cầu được nhận lại. Khi đó thì nặng nề thật rồi. Kỳ vọng tạo nên phiền não. Đó là chưa biết buông, mà là sự nắm giữ. Nắm giữ bao giờ cũng sinh đau khổ mà thôi.

Khi có một mệt mỏi hay gánh nặng nào đó,  bạn hãy thực hành ngồi/ nằm thật thả lỏng toàn bộ cơ thể. Không tạo thêm một cố gắng nào. Không có một nỗ lực nào dù chỉ là nhỏ nhất. Buông xả toàn bộ thân lẫn tâm. Nếu những suy nghĩ và cảm xúc có đi ngang qua, thì mình vẫn sáng suốt quan sát các suy nghĩ cảm xúc đó mà không phán xét đúng sai, không tập trung nắm giữ bất cứ suy nghĩ cảm xúc nào mà chỉ đơn thuần là nhìn chúng lướt qua. Tôi liên tưởng điều này đến tư thể nằm ngửa mình giữa biển khơi rộng lớn. Ta nhắm hờ mắt và buông xả toàn thân. Mọi suy nghĩ và cảm xúc cứ thế trôi đi chứ không hề bị giữ lại.

Bạn cứ thử nghiệm lại cuộc đời mình xem. Khi bạn cố gắng quên một ai thì bạn lại càng nghĩ đến họ. Khi bạn muốn quên một kỷ niệm buồn, thì kỷ niệm buồn đó lại càng ám ảnh hơn. Bởi cái cố gắng này đến từ bản ngã, mà bạn không thể dùng bản ngã để chữa lành một tổn thương, bởi bản ngã chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn mà thôi. Bạn không cần phải tạo áp lực hay cố gắng quên bất cứ một điều gì, mà hãy buông xả và thả lỏng toàn bộ. Nỗi nhớ đến, hãy quan sát nỗi nhớ như nó đang là. Đừng thêm bớt bất cứ cảm xúc hay suy nghĩ nào. Cứ thế quan sát mà thôi. Và sự quan sát này phải thật sự xuyên suốt và sáng suốt, bởi nếu không các suy nghĩ và cảm xúc bên trong bạn sẽ khởi lên liên tục, rồi đọng lại sâu trong tàng thức, và khiến bạn thêm phiền não. Nỗi đau ấy như vậy là vẫn chưa thực sự được giải quyết một chút nào.

Hãy làm sao để đừng đặt nặng bất cứ một việc gì trong cuộc đời này. Một việc quan trọng nhưng thái độ với việc đó thì nhẹ nhàng. Khi thái độ với mọi thứ nhẹ nhàng thì mình không bị áp lực. Chẳng hạn, sếp giao cho bạn một công việc quan trọng. Có người đặt nặng nó trong thái độ quá mà sinh căng thẳng. Nhưng có người cũng biết tính chất công việc là quan trọng nhưng thái độ của họ với nó là nhẹ nhàng, nên họ làm một cách tỉ mỉ nhưng không hề phiền não một chút nào.

Thái độ của ta trước mọi thứ quyết định ta đang nắm giữ hay là buông xả. Trong bộ phim Forrest Gump, nhân vật chính là một người thực hành tốt vô vi. Anh chạy vì chỉ đơn giản là thích chạy. Và khi anh chạy, anh biết mình chạy, và chỉ có mỗi chạy thôi. Cũng như vậy, khi làm việc thì ta chỉ cần biết đến làm việc mà thôi. Hãy trọn vẹn với những thứ mà bạn đang làm bây giờ. Nếu bạn làm việc mà cứ nghĩ đến kết quả tốt hay xấu, thì có phải là nặng nề lắm không! Chính ảo tượng, tưởng tượng viễn cảnh này nọ ấy mà bạn đánh mất thực tại, khiến cho  cuộc sống tinh thần không trôi theo dòng chảy tự nhiên. Mà sống không trôi theo dòng chảy tự nhiên là tâm đang sinh bệnh đó thôi.


 
Back to top