Sự kết hợp âm nhạc trong tranh của các bậc thầy hội họa
Những bậc thầy hội họa quá khứ và hiện tại không ngừng tìm kiếm cảm hứng từ âm nhạc, lĩnh vực nghệ thuật không hình hài nhưng là chìa khóa tuyệt vời để tạo nên một vũ điệu cân bằng và mạnh mẽ cho họa phẩm.
Bậc thầy hội họa Kandinsky tin rằng những sắc thái trên tranh cộng hưởng lẫn nhau để tạo ra “hợp âm” thị giác dội ngược vào tâm hồn người thụ hưởng. Ý tưởng âm nhạc xuất hiện khắp mọi nơi trong tác phẩm của ông. Người ta nói rằng chúng là những bản nhạc giao hưởng thị giác xuất chúng, và tất cả được ông đặt tên theo thuật ngữ âm nhạc như: Compositions, Improvisation và Impressions.
10 sáng tác vĩ đại của Kandinsky được tạo ra trong hơn ba thập kỷ từ Composition 1 vào năm 1907 đến Composition X vào năm 1939. Ba tác phẩm đầu tiên bị phá hủy trong chiến tranh thế giới thứ hai nhưng vẫn may mắn sống sót trong các phác thảo và ảnh. Có lẽ, các tác phẩm này được sinh ra từ sự ảnh hưởng của bản nhạc nhất định nào đó và người xem sẽ đạt cảm giác thăng hoa khi thụ hưởng tranh Kandinsky cùng các bản nhạc cụ thể.
Tác phẩm của Kandinsky thể hiện rõ tham vọng hấp dẫn về việc hợp nhất âm nhạc và hội họa.
Chính Vienna đã tạo cho Kandinsky tình bạn nghệ thuật đáng trân trọng nhất giữa ông với nhà soạn nhạc Arnold Schoenberg. Vào năm 1911, Kandinsky tham dự một buổi hòa nhạc của Schoenberg và nhận ra mình đã tìm thấy tri kỷ. Họ đã trải qua một tình bạn lâu dài và đầy sóng gió liên quan đến những lời nhận xét gay gắt về tác phẩm của nhau cũng như chia sẻ về ý tưởng và ảnh hưởng.
Schoenberg, cũng là một họa sĩ và nhà văn, đã tham gia sâu vào ý tưởng phá bỏ hàng rào giữa các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như Kandinsky. Không nơi nào sống động hơn các thí nghiệm sân khấu của họ. Kandinsky và Schoenberg đều tìm cách tạo ra những bộ phim ca nhạc mà trong đó màu sắc được đánh giá ngang hàng như âm thanh và hành động.
Nhiều họa sĩ lớn lấy cảm hứng từ âm nhạc để thoát khỏi gông cùm tự sự
Những họa sĩ thể kỷ 19 nỗ lực giải phóng nghệ thuật của họ khỏi gông gùm tự sự đã coi âm nhạc như một loại hình nghệ thuật có thể tạo ra tác động đến người thụ hưởng mà không cần hình ảnh, câu chuyện hay hình thức đại diện nào. Các nhà lý luận, nhà phê bình và nhà văn viết về nghệ thuật khác cũng có suy nghĩ tương tự. Trong một cuộc triển lãm của Kandinsky tại London, Roger Fry nhận xét rằng: “Càng xem kỹ, các bức tranh của nghệ sĩ người Nga càng trở nên rõ ràng, hợp lý, kết cấu chặt chẽ và đẹp một cách kinh ngạc trong sự đối lập màu sắc, đồng thời chính xác ở trạng thái cân bằng. Chúng thuần túy là âm nhạc hình ảnh.”
Có lẽ, mối quyện hòa của âm nhạc trong hội họa đã khiến tác phẩm của Kandinsky hiện lên như một vũ điệu mới, sống động và giàu năng lượng.
Nhiều họa sĩ hiện đại lấy cảm hứng lớn từ âm nhạc, điều đó thể hiện chí ít trong tiêu đề tác phẩm. James McNeill Whistler vẽ bức “Nocturnes” cùng tên với bản nhạc của Chopin, tất cả thể hiện rõ ràng trong những cảnh ban đêm đầy mê hoặc. Trong khi đó, bức tranh trừu tượng Polyphony (1932) của Paul Klee thể hiện niềm tôn kính và đam mê vô bờ bến với những tác phẩm hợp xướng đa âm của Bach. Nhiều kiệt tác tiên phong sau này góp phần làm vang danh nhạc Jazz phổ biến ngày nay, từ Swing Landscape (1938) của Stuart Davis, Broadway Boogie Woogie (1942–43) của Piet Mondrian đến Jazz Suite (1947) của Henri Matissee.
Nghệ thuật thị giác luôn bị ảnh hưởng bởi âm nhạc và ngược lại. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, các nghệ sĩ phương Tây tìm kiếm điều gì đó hơn là sự cộng sinh đơn thuần giữa các loại hình nghệ thuật. Họ cố gắng khơi gợi nhịp điệu, cấu trúc và âm sắc âm nhạc trong các tác phẩm của mình – nói ngắn gọn là chuyển đổi dạng này thành dạng khác.
Và chúng ta không thể nói đến âm nhạc và chủ nghĩa hiện đại mà không nhắc đến nhà phê bình nghệ thuật của thế kỷ 19 – Walter Pater, người được nhớ đến với câu viết nổi tiếng vào năm 1877: “Tất cả nghệ thuật đều không ngừng hướng tới trạng thái âm nhạc.” Theo góc nhìn của Walter, âm nhạc là nghệ thuật duy nhất mà hình thức và nội dung không những không tách rời, mà còn giống nhau. Điều này khiến âm nhạc về cơ bản khác với hội họa phương Tây truyền thống, trong đó, cùng một nội dung nhưng có thể có hàng trăm hình thức khác nhau.
Paul Klee, sinh ra ở Thụy Sĩ, từng là thần đồng vĩ cầm trước khi chuyển sang vẽ tranh, nhưng kiến thức về âm nhạc của anh ấy góp phần lớn trong việc tạo ra những tác phẩm hội họa. Một bố cực dày và mang tính động học như May Picture (1925) tạo cảm giác về một phiên bản âm nhạc múa nhảy trên bìa cứng.
Vào những năm 1910, cùng Franz Marc, Albert Bloch và Wassily Kandinsky, Klee là một thành viên trung tành của nhóm The Blue Rider. Mặc dù Kandinsky không đánh giá cao từ “synesthesia” (kết hợp) nhưng ông đã giúp phổ biến nó bằng cách lập luận một cách say mê rằng nghệ thuật vĩ đại nhất thúc đẩy trải nghiệm đa giác quan ở người xem.
Giống như việc, nhìn tranh thấy nhạc, nghe nhạc nhìn thấy tranh.