Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nghệ sĩ CHO Yea Jae và triết lý thể hiện thông điệp tối đa trong tác phẩm tối giản

Jun 07, 2020 | By Trang Ps

Sinh năm 1971 tại Busan, Hàn Quốc, CHO Yea Jae dành trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp cho việc quan sát kỹ lưỡng và liên tục thế giới xung quanh. Thông qua lăng kính triết học, xã hội, văn hóa và môi trường, CHO đã phát triển tính đồng cảm và hiểu biết sâu sắc về loài người thông qua các tác phẩm nghệ thuật tối giản. 

CHO Yea Jae @ Hamptons, Triển lãm New York năm 2019

Tự nhận mình là công dân toàn cầu, CHO Yea Jae thực hiện triển lãm đầu tiên vào năm 2000, và từ đó vươn lên trở thành nhân vật được biết đến rộng rãi trong các triển lãm, hội chợ nghệ thuật và sự kiện đặc biệt.

Hai sê-ri tranh mang tên “Ready to open” và “Transcendence” thể hiện kết luận giản đơn được rút ra từ những hành trình quanh co trong tâm hồn và tâm trí, từ đó mang tới thông điệp ý nghĩa cho người xem. LUXUO và ART Republik đã có cuộc trò chuyện sâu sắc với CHO để hiểu hơn về triết lý thể hiện thông điệp tối đa trong các bức tranh tối giản của cô.

Cô có thể kể về những bước đầu tiên của mình với tư cách là một người nghệ sĩ?

Bất cứ khi nào nghe câu hỏi này, thật khó để tôi kể lại chính xác cho người khác hiểu “cuộc sống của tôi với nghệ thuật”. Thật khó để chia sẻ những bước đầu tiên của tôi với tư cách là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để xác định ý nghĩa của hai từ “nghệ sĩ”.

Một điều mà tôi chắc chắn xuyên suốt sự nghiệp của mình là tôi luôn muốn trở thành nghệ sĩ. Tôi đã vẽ nhiều từ hồi còn bé, và luôn mong muốn vẽ nhiều hơn. Tôi sống cả đời để thưởng thức nghệ thuật, làm việc trong môi trường nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật mặc dù hành trình cuộc đời không cho phép tôi đạt điều đó dễ dàng.

Triển lãm đầu tiên của tôi diễn ra vào năm 2000 tại Hồng Kông, và sau đó, tôi tham gia một vài triển lãm nhóm. Sau những trải ngại trong cuộc sống, tôi đã trở thành nghệ sĩ toàn thời gian vào năm 2010.

Người Hàn Quốc được biết đến rộng rãi với tính gắn bó sâu sắc với văn hóa và lịch sử sâu sắc. Cô đã đi nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ biết bao nghệ sĩ Âu Mỹ. Những chuyến đi đã ảnh hưởng đến nghệ thuật của CHO như thế nào?

Đúng là tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, nhiều nền văn hóa, lịch sử và câu chuyện khác nhau. Tôi cũng sống ở nhiều quốc gia trong suốt cuộc đời mình (thực tế là tôi đã sống một nửa cuộc đời ở nước ngoài). Điều tôi học được trong suốt hành trình ấy là mỗi nơi đều sở hữu nét quyến rũ và màu sắc riêng, không chỉ người Hàn mà những công dân khác cũng có sự gắn bó chặt chẽ với nền văn hóa và lịch sử của họ. Tất cả điều này là một phần trong thế giới quan cá nhân lột tả rõ nét tôi là một công dân toàn cầu.

Triết lý đằng sau một số bức tranh của tôi hay những lựa chọn của tôi cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi nơi tôi đến và những gì tôi từng trải nghiệm.

Cho dù thích hay không, nền tảng văn hóa và cá nhân là một phần trong tôi. Việc sử dụng các đường kẻ ngang trong các bức tranh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nơi tôi đến, một nơi mà bầu trời dường như hợp nhất với biển để lộ ra đường chân trời xa xôi. Triết lý đằng sau một số bức tranh của tôi hay những lựa chọn của tôi cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi nơi tôi đến và những gì tôi từng trải nghiệm.

Các nền văn minh phương Đông và phương Tây giống nhau hơn những gì chúng ta nghĩ. Tất cả chúng ta đều kết nối với nhau. Tôi luôn cảm thấy sự hợp nhất đó được thể hiện rõ ràng thông qua nghệ thuật của mình. Tôi sử dụng các sáng tạo phương Tây như sơn dầu và acrylic trên toan để thể hiện cảm xúc và khái niệm từ phương Đông.

Ví dụ, trong sê-ri tranh mang tên “Earth series”, tôi sử dụng màu acrylic với mực truyền thống của Hàn Quốc trên toan, vải lanh Hàn Quốc và cotton Pháp. Các nét cọ thể hiện kỹ thuật vẽ tranh truyền thống của Hàn Quốc rất khác so với phương Tây.

Được biết, nghệ sĩ CHO luôn tìm kiếm và đào sâu các kỹ thuật mới, kết cấu mới và nét vẽ mới, đồng thời hướng đến màu sắc bền hơn. Cô có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

1/ Vẽ tranh tối giản đồng nghĩa với việc tạo ra hình ảnh tối giản nhất có thể dù tôi có rất nhiều điều để nói, đặc biệt là sau hành trình quanh co của tâm hồn và tâm trí. Thủ tục giảm/bỏ các bản phác thảo và màu sắc không cần thiết trong bức tranh tưởng tượng của tâm trí là hành động giống nhau, nhằm đơn giản hóa bản thân ở một thời điểm nhất định trong cuộc sống, để theo đuổi giá trị chân hạnh phúc và trí tuệ.

2/ Phát triển các kỹ thuật mới, kết cấu mới và nét vẽ mới không chỉ cần thiết trong việc tạo ra bản sắc nghệ thuật riêng mà còn thể hiện bản thân tối đa trong một tác phẩm tối giản. Trên hết, tôi tin rằng thử nghiệm với màu sắc bền và nghiên cứu các vật liệu chất lượng cao là trách nhiệm đạo đức của người nghệ sĩ.

3/ Tìm kiếm sự cân bằng giữa bản thân và nghệ thuật là yếu tố quan trọng khác trong quá trình sáng tạo. Ví dụ, tôi thích đi dạo chậm rãi trong thiên nhiên khi bản thân cảm thấy kiệt sức trong môi trường bận rộn. Chỉ có thiên nhiên mới có thể chữa lành tôi theo kinh nghiệm sống của tôi. Nó xoa dịu tôi, giúp thư giãn năm giác quan. Âm thanh của sóng, gió, chim,… tạo thành bản hòa ca vui nhộn và sống động trong tâm trí và tâm hồn. Lấy năng lượng từ thiên nhiên, rồi tất cả sẽ tự động xảy ra như một quá trình tận hưởng hiển nhiên.

Phát triển các kỹ thuật mới, kết cấu mới và nét vẽ mới không chỉ cần thiết trong việc tạo ra bản sắc nghệ thuật riêng mà còn thể hiện bản thân tối đa trong một tác phẩm tối giản.

Sê-ri “Transcendence” là cái nhìn sâu vào bên trong tâm hồn cô cũng như các giá trị phương Đông và cách tiếp cận triết học của cô với cuộc sống. Loạt tác phẩm này ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật và tầm nhìn của nghệ sĩ về cuộc sống ra sao?

Cuộc sống nội tâm của bản thân là chủ đề chính giúp tôi tạo ra sê-ri “Transcendence”. Trong thời gian sáng tác sê-ri này, tôi đã đào sâu quan điểm triết học ẩn đằng sau.

Triết học, tâm lý học và khoa học giúp tôi hiểu thế giới bằng cách áp dụng logic và trí tuệ. Cuối cùng, nghệ thuật và triết học đan xen nhiều hơn chúng ta nghĩ. Nghệ thuật cần một tiêu điểm triết học để đào sâu. Triết học cần sự linh hoạt nghệ thuật để suy niệm và mở ra.

Triết học Đông Á, cụ thể hơn là Phật giáo và Nho giáo, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sê-ri này. Có nhiều lời dạy tuyệt vời, nhưng tôi đặc biệt thích hai nguyên tắc sau:

1/ Con đường trung đạo trong Phật giáo: Nói chung, những gì chúng ta hiểu là không quá nhiều và cũng không quá ít, hoặc không cực đoan hẳn về phía hai bên. Trung đạo biểu thị tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp. Đó là cách tốt nhất để nhận thức điều này những có một ý nghĩa khác: cách thứ ba để nhìn thấy một điều gì đó.

2/ Chuẩn mực vàng (Golden Mean) trong Nho giáo: Chuẩn mực vàng tập trung vào cách chúng ta ứng xử với người khác với suy nghĩ đúng đắn và tôn trọng cuộc sống hài hòa.

Ngoài ra, tôi muốn đề cập đến “Hongik Ingan” (홍익인간 弘益人間) trong triết học Hàn Quốc, nghĩa là “sống và làm việc vì lợi ích của nhân loại”. Đó là tất cả về con người đích thực. Sê-ri tranh “Ready to open” cũng chịu ảnh hưởng từ triết lý này.

Cả ba triết lý trên quy về thông điệp: cách loài người cùng sinh sống trong hòa thuận và hòa bình.

Còn sê-ri “Ready to open – symbol of hope for humanity” cũng là thông điệp sâu sắc sau đại dịch Covid-19. Cô có thể chia sẻ thêm về thông điệp này?

Trước khi nói về sê-ri này, tôi xin kể qua sê-ri “cha đẻ” của nó mang tên “Ready to open”.

“Ready to open” ra đời vào năm 2010 và được trưng bày vào năm 2011. Đây là loạt tranh minh chứng cho vẻ đẹp và sức mạnh của nhân loại được nhìn thấy qua lăng kính “True Hope”. Bộ sưu tập phản ánh khía cạnh cá nhân khác: một khoảng thời gian dài trong cuộc đời tôi cảm thấy cần hy vọng hơn bao giờ hết. Tôi đã giữ hy vọng để được là chính mình và là chủ nhân cuộc đời mình thêm một lần nữa. Phải mất rất nhiều can đảm, vô số kiên nhẫn và hy vọng thực sự để vượt qua thời điểm khó khăn ấy.

Trong phần “Ready to open”, tôi tập trung vào màu sắc và kết cấu để thể hiện bản thân mình tốt nhất. Mỗi người đều có mục đích riêng, cuộc sống riêng. Mặc dù, một số bức tranh trông giống với bức khác, nhưng nhìn kỹ, bạn sẽ thấy chúng mang sắc thái khác nhau, mỗi bức đều mang một cảm giác riêng độc đáo.

Trong sê-ri này, các màu đen, xám và trắng có nghĩa truyền đạt vẻ đẹp đơn giản hoàn toàn, làm nổi bật các đường, hình dạng và kết cấu.

Sê-ri “Ready to open – symbol of hope for humanity” cũng thể hiện một thông điệp ý nghĩa khác. Tôi đã sống ở Hồng Kông trong dịch SARS vào năm 2002, MERS ở Hàn Quốc vào năm 2015 và hiện tôi đang sống qua đại dịch Covid-19. Cuộc sống của chúng ta không giống nhau sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta không thể quay lại cuộc sống như trước đây. Đó là sự thật. Do đó, điểm băt đầu là: CHẤP NHẬN.

Dù ta có thích hay không, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những điểm mù ở mỗi quốc gia/xã hội, và những cái bóng bị coi thường. Covid-19 là lời cảnh tỉnh cho nhân loại. Nó cho chúng ta thấy rằng chúng ta không còn đủ khả năng để trì hoãn việc phát triển đúng đắn trong thế kỷ 21.

Tại thời điểm này, tôi cần xây dựng triết học “Hongik Ingan” (홍익인간 弘益人間) với thông điệp “mang lại lợi ích và cống hiến diện rộng cho nhân loại”. Đó cũng là chân lý để trở thành một con người nhân đạo trên thế giới.

Tôi cũng hy vọng thông qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta “mở mắt” (open) và nhận thức được những gì đang diễn ra trên toàn cầu. Chúng ta đừng lãng phí cơ hội quý giá này và thay đổi để trở nên tốt hơn.

Sau các triển lãm ở châu Á, Mỹ và Pháp, dự án tiếp theo của cô là gì?

Gần đây, tôi đang trong quá trình thành lập xưởng vẽ ở thành phố ven biển Sitges, Tây Ban Nha. Nhưng vì đại dịch Covid-19, mọi kế hoạch đều bị tạm hoãn.

Tôi đang lên kế hoạch tổ chức triển lãm trên khắp Âu châu và đặc biệt là ở Tây Ban Nha (Madrid và Barcelona). Về mặt này, tôi cũng đang thực hiện các dự án mới cho sê-ri “Ready to open” và “Transcendence”. Những tác phẩm mới sẽ tiết lộ trong các triển lãm.

5 tính từ mô tả nghệ thuật của cô?

Tối giản, vị niệm (conceptual), hiện đại, tương phản và cân bằng.

Người cố vấn truyền cảm hứng cho sự nghiệp của cô?

Thật tiếc là tôi chưa từng gặp cố vấn nào trong suốt sự nghiệp của mình. Tôi cố gắng tìm nguồn cảm hứng qua sách hay truyền thông, chẳng hạn như lối sống của Nietzsche, tiểu thuyết của Dostoevsky, Bong JunHo và cách ông ấy làm phim, bài học của Đức Phật và nhiều hơn nữa. Tôi không thần tượng ai nhưng tôi đều tôn trọng cách sống và cách làm việc của mỗi người.

Một số câu chuyện cuộc đời của nghệ sĩ khiến tôi thích thú và tưởng tượng nếu nó xảy đến với tôi thì tôi sẽ làm gì. Tôi cố gắng đặt bản thân mình vào họ và suy niệm. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, các tác phẩm của Van Gogh được thực hiện kỹ thuật số với những con quạ bay lên bầu trời (thực tế là trần nhà). Nếu Van Gogh nhìn thấy điều đó, không biết ông có thích?

Chúng tôi có thể tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật và dự án sắp tới của CHO ở đâu?

Bạn có thể truy cập vào trang web của tôi.

Sau triển lãm tại Hội chợ Nghệ thuật Đương đại Singapore năm 2017, các tác phẩm của tôi được bán trên nền tảng Nghệ thuật trực tuyến Artling. Ngoài ra còn có một số tác phẩm có thể mua trực tuyến tại  Artsy.

Cám ơn nghệ sĩ CHO vì những chia sẻ thú vị!


 
Back to top