Trò chuyện Art Republik: Giám tuyển Vũ Đỗ – “Mỗi tác phẩm như một chứng tích lịch sử”
Nhân triển lãm tranh “Phan Kế An, Kho tàng ẩn giấu” đang diễn ra tại Viện Pháp Hà Nội (L’Espace), Art Republik Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng anh để hiểu thêm về quá trình bảo tồn, phục chế các tác phẩm được cất giữ từ nhiều năm qua.
Vũ Đỗ là họa sĩ, nhà nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Pennsylvania (PAFA), từng tham gia giảng dạy tại các trung tâm nghệ thuật và một số trường đại học tại Việt Nam. Sáng lập trường nghệ thuật mang tên The Painter’s Studio, đồng thời đang nghiên cứu về hạt màu và kỹ thuật hội họa cổ Bắc Việt từ thế kỉ 17 đến 19, Vũ Đỗ còn là một nhà giám tuyển nghệ thuật.
Nhân duyên nào khiến anh trở thành giám tuyển của dự án triển lãm tranh họa sĩ Phan Kế An?
Tôi có vinh dự biết gia đình cụ và được gặp cụ một lần duy nhất vào tháng 4 năm 2015. Khi ấy, cụ tuổi đã cao nhưng mắt còn sáng và minh mẫn. Tôi đã cho cụ xem tranh mình vẽ và được cụ khen là “đẹp”! Tôi nhớ mãi khoảnh khắc ấy. Năm 2020, sau khi cụ mất, trong một lần tình cờ trò chuyện với cô Phan Mai Thanh Thúy, con gái thứ của cụ, tôi được biết gia đình mới chuyển nhà và không biết làm gì để bảo quản những di vật của cố họa sĩ. Tôi ngỏ lời muốn giúp gia đình và nhận được sự đồng ý. Thật bất ngờ, chúng tôi đã được chạm đến một kho tàng mà họa sĩ đã cất giấu. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, sẽ thật là ích kỷ nếu chỉ có mình và gia đình được chiêm ngưỡng các tác phẩm này. Chúng xứng đáng được giới thiệu rộng rãi tới công chúng.
Triển lãm trưng bày bao nhiêu bức tranh, thuộc thể loại nào và chất liệu gì?
Triển lãm trưng bày 24 tác phẩm đa chất liệu gồm 3 nhóm tác phẩm chính:
1. Những tác phẩm bỏ ngỏ, chứa đựng nhiều câu chuyện bí ẩn.
2. Chùm tác phẩm than chì khi họa sĩ đang du học tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Repins từ năm 1960 – 1963
3. Series tranh kí họa vui phác họa một cách dí dỏm những bạn bè văn nghệ sĩ thân thiết trong những năm 1947 – 1960. Tất cả tác phẩm này đểu chưa từng được công bố, chính tay cụ cất rất kĩ và chỉ được phát hiện vào tháng 5 năm 2020 sau khi gia đình chuyển nhà.
Họa sĩ Phan Kế An lúc sinh thời vẽ bức nào ra là bán hết bức đó, vậy những bức tranh này được vẽ vào thời kỳ nào?
Phần lớn những bức tranh được bán là do được đặt hàng nên vẽ xong có người đến hỏi lấy ngay. Còn những tác phẩm tại triển lãm lần này đa phần là những sáng tác còn dang dở của họa sĩ. Hẳn đó là những bức tranh mà cụ còn trăn trở, hoặc là kỉ niệm mà có thể họa sĩ giữ lại riêng cho mình nên cụ giữ rất kín, đến người nhà còn chưa bao giờ thấy… Kể cả khi ốm không vẽ được, cụ cũng chỉ yêu cầu con gái mình – cô Thanh Thúy cất những gói đồ đã được cụ bọc cẩn thận. Không ai được động vào đồ của cụ nếu không được sự cho phép. Mãi đến khi cụ qua đời, “Kho tàng ẩn giấu” này mới được gia đình tìm thấy trong chính ngôi nhà của mình khi họ chuyển đi.
Mảng ký họa dường như “khá mạnh” trong triển lãm lần này?
Thực ra bên cạnh mảng kí họa thì những tác phẩm phác thảo chủ đề nude, tượng lột da… chính là những bức vẽ thực hành nghiên cứu về cơ thể người trong thời gian họa sĩ du học ở Liên Xô. Chúng thể hiện nét vẽ chắc chắn, kiến thức uyên thâm của cụ về giải phẫu học nghệ thuật. Họa sĩ Phan Kế An có một niềm đam mê đặc biệt với y học và giải phẫu học. Ngay từ năm đầu tiên tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, ông đã ứng tuyển tham gia nghiên cứu giải phẫu dành cho nghệ thuật tại trường. Năm 1960 – 1963, họa sĩ đã được du học tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Repin (Liên Xô). Những tác phẩm nghiên cứu hình họa này thể hiện rõ nét sự say mê của ông với phong cách nghệ thuật Hàn Lâm Viện, nơi mà ông có thể tiếp tục theo đuổi chuyên sâu về cơ thể người.
Trong quá trình sưu tập hẳn đã có rất nhiều câu chuyện hay và gây cảm xúc với anh?
Điều ấn tượng nhất với tôi có lẽ là mọi thứ trong kho tàng thư viện của họa sĩ đều có ý nghĩa với ông. Hầu như cuốn sách nào của ông cũng kẹp một vài mảnh giấy cũ, tờ lịch cũ, và khi mở ra mỗi trang sách ấy, tôi lại tìm thấy những chú thích của cụ, có thể là để đính chính lại năm sinh, năm sáng tác của tác phẩm của mình được in trong sách. Điều lý thú nhất với tôi có lẽ là một tập giấy bọc kĩ bên ngoài có ghi chữ “giấy ingres”. Giấy ingres là một loại giấy nhung của Pháp, chuyên dùng để vẽ than và phấn. Đối với sinh viên, họa sĩ bây giờ cũng chỉ dám dùng tờ giấy này cho tác phẩm thật tâm huyết. Cùng là một họa sĩ hay vẽ phấn và than nên tôi hiểu tập giấy này quý hiếm và “sành điệu” như thế nào vào cái thời mà người ta phải lo cơm áo gạo tiền.
Trong số các tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An, anh thấy ấn tượng nhất với tác phẩm nào?
Có lẽ tác phẩm khiến tôi quan tâm nhất là bức sơn mài “Hai thiếu nữ người Nga”. Bởi vì có lẽ đây là một trường hợp hiếm trong thế giới nghệ thuật. Thông thường ta sẽ chỉ tìm thấy những bức tranh sơn mài hoàn thiện hoặc đã mài nhưng còn dang dở. Nhưng đối với tác phẩm này, tác giả đã hoàn thiện đến những công đoạn cuối cùng và chỉ chờ để thực hiện bước mài. Điều này có thể thấy rõ trên các lớp sơn dày, nhăn, các mảnh trai, ốc thô gắn trên bề mặt để tạo sự đa dạng của bề mặt chất liệu. Hy vọng trong tương lai với các công nghệ khoa học phân tích hiện đại chúng tôi có thể hé lộ những bí ẩn nằm dưới các lớp sơn đó. Từ đó sẽ giúp chúng ta kết nối với một thế hệ tưởng chừng đã bị thời gian chia cắt.
Anh có thể phân tích một số kỹ thuật vẽ của họa sĩ Phan Kế An mà anh có thể cảm nhận được?
Tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa sen” là khiến tôi chao đảo nhất. Lúc ấy tôi tìm thấy một tấm gỗ bọc kín, có kẹp giấy rất cẩn thận, khi gỡ lớp bọc ra là một bức tranh sơn mài vẽ thiếu nữ mặc áo dài trắng, tay cầm cành sen trắng thật quyến rũ. Điều đáng ngạc nhiên là kĩ thuật vẽ sơn mài mà họa sĩ Phan Kế An sử dụng không giống với các tác phẩm sơn mài tôi thường thấy ở trong bảo tàng mỹ thuật. Sẽ rất khó để có thể đạt được những đoạn chuyển sáng tối nhẹ nhàng khi vẽ bằng sơn mài. Có thể nói đây là kết tinh của sự giao thoa giữa Đông và Tây. Họa sĩ Phan Kế An đã kết hợp những kiến thức Hội họa hàn lâm mà ông học ở Liên Xô với chất liệu sơn ta để thể hiện tác phẩm này.
Đã từng tiếp xúc với họa sĩ Phan Kế An, cảm nhận của anh về con người họa sĩ như thế nào?
Tuy chỉ được gặp họa sĩ Phan Kế An một lần duy nhất, nhưng từ những di sản ông để lại, có thể thấy đây là một người nghiêm cẩn, chỉn chu, yêu hội họa và yêu phụ nữ. Mỗi cuốn sách, mỗi bút ký hay bản phác thảo đều có chứa nhiều kỉ niệm, suy tư về cuộc sống, về nghệ thuật. Thi thoảng, khi tôi lật giở trang sách của ông đã đọc, tôi gặp những dòng chữ ghi chú của ông rất cẩn thận, khi là một bức tranh nho nhỏ, khi là vài dòng chữ, giấy note thường bóc từ bao thuốc lá. Gần như cuốn nào cũng có dấu tích của ông. Điều này khiến tôi cảm động và càng trân trọng, khâm phục kiến thức của ông hơn.
Việc phục chế, trưng bày, sắp xếp các tác phẩm trong triển lãm lần này có vẻ như là vấn đề… khá đau đầu cho người tổ chức, giám tuyển?
Có hai bức sơn mài, ngoài làm sạch, tôi không cần làm gì cả, chỉ bảo quản ở nhiệt độ nhất định. Bức sơn dầu trên toan: “Trận chiến đình Mông Phụ” ở tình trạng bị khung gỗ, sát si, các thứ đè chồng lên nhau. Có lẽ chiếc khung của tranh này được làm từ gỗ của một thùng hàng cũ nào đó, có khá nhiều đinh thừa. Tranh bị trùng xuống, tự cọ vào bề mặt, bụi bám nhiều, thậm chí cả xác côn trùng dính trên đó. Tôi đã gặp chú Dũng Tiến, chuyên gia phục chế (nguyên giám đốc trung tâm phục chế – Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam), để học hỏi kinh nghiệm và cách xử lý. Tôi và êkip mất thời gian tháo gỡ toan khỏi bề mặt, tháo gỡ đinh một cách nhẹ nhàng khéo léo. Tác phẩm sau đó đã được gia cố và căng lại lên một bề mặt mới ổn định hơn. Màu sắc của tranh cũng được trở lại dáng vẻ ban đầu sau khi lớp bụi đã được làm sạch.
Tác phẩm họa lại trận chiến đấu tại đình Mông Phụ, Đường Lâm, quê hương của họa sĩ. Với một phần mới được vẽ những lớp mỏng đầu tiên, chúng ta dễ bỏ sót nhiều chi tiết thú vị nếu chỉ nhìn thoáng qua. Được xây dựng dùng cách can hình (một hoặc nhiều) phác thảo bằng giấy than, tác phẩm khắc họa trận chiến đấu của bộ đội giải phóng. Tỉ lệ cơ thể, chuyển động của các nhân vật được thể hiện chính xác qua hình ảnh thương binh nằm giữa gạch vữa ngổn ngang, toán lính đang lùng sục trong đình, hay du kích phục trên mái. Qua lăng kính của một phóng viên ký họa chiến trường, Phan Kế An sử dụng những hiểu biết sâu sắc về luật phối cảnh để tái hiện khung cảnh chiến trường ác liệt và không gian bề thế của ngôi đình. Tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh được sắp xếp rõ ràng, gợi câu hỏi về vị trí quan sát của tác giả để có được cái nhìn bao quát, liệu đó là ngọn đồi, nóc nhà, hay vị trí chỉ huy từ trên cao.
Bức tranh lụa “Hoa phượng” cũng lâm vào tình trạng báo động. Tác phẩm đặc biệt này được tìm thấy trong tình trạng không nguyên vẹn: bị rách, có những chỗ bị ám rỉ sắt, bị ăn mủn, còn phần khung bị mục gãy. Nếu cứ để nguyên tranh trên khung, một chiếc khung đã bị co ngót, ẩm ướt, tấm lụa sẽ tự nó bị kéo rách. Tôi cố gắng giữ các vết tích của bức tranh, từ vết rách, vết hằn bởi nhiều loại đinh, khung cong vênh…
Nhóm chuyên gia đã quyết định gỡ từng mép lụa rách ra khỏi khung, duỗi mép tranh, cố định lớp lụa bằng phương pháp “biểu” truyền thống (bồi, dán lụa lên một lớp giấy mới). Quá trình phục chế kỳ công, tỉ mỉ diễn ra trong nhiều tháng mang mục tiêu giữ lại tính nguyên vẹn của hiện vật: Mọi đường nét vết đinh, các mép tranh đều cho thấy đời sống riêng và lịch sử của một di sản nghệ thuật, bên cạnh tính thẩm mỹ.
Tranh lụa sau khi được tháo khỏi khung cũ, nhiều người muốn giấu các vết rách mép. Nhưng tôi nghĩ, nhìn nhận bức tranh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một chứng nhân của lịch sử, nó có đời sống gắn với con người nghệ sĩ, vậy thì cái xấu-đẹp, nguyên-rách ở đây không còn quá quan trọng. Tôi nhìn chúng như một chứng tích lịch sử nên quyết định giữ nguyên viền mép hơi rách sờn của bức tranh. Hy vọng khi xem tranh, công chúng sẽ thấy và cảm nhận được những dấu ấn của thời gian và của người nghệ sĩ còn lưu lại trên tác phẩm nghệ thuật. Triển lãm lần này, tuy đã dốc sức hết mình cho một khối lượng công việc rất lớn, nhưng tôi đã cảm thấy chưa bao giờ chạm tới tận cùng của những gì ông để lại. Vẫn còn nhiều “bí mật còn ẩn giấu” nữa mà chúng tôi sẽ cần thêm thời gian để phân loại, sắp đặt, lưu trữ, bảo tồn và tiếp tục giới thiệu tới công chúng những gì mà kho tàng của họa sĩ Phan Kế An đã để lại.
Xin chân thành cảm ơn anh.
Thực hiện: Codet Hanoi.
Ảnh: Vũ Đỗ cung cấp
TIỂU SỬ NGHỆ THUẬT HỌA SĨ PHAN KẾ AN
Bút danh: Phan Kích
Năm sinh: 1923
Quê quán: thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây
1942 – 1944: Khoá dự bị Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.
1944 – 1945: Khoá chính thức Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến khi Nhật đảo chính Pháp
1946: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp.
1960 – 1962: Thực tập tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin tại Saint Petersburg (Liên Xô cũ) về Hội họa hoành tráng.
NHỮNG TÁC PHẨM TIÊU BIỂU HIỆN ĐANG ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI.
1946:
“Ký hoạ ngoại thành Hà Nội”, Thuốc nước, 30cm x 40cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
1955:
“Nhớ một chiều Tây Bắc”, Sơn mài, 70cm x 112cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Mùa đông năm 1950, 27 tuổi, với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật, Phan Kế An đeo giá vẽ và cả súng, balo theo trung đoàn 165 đi chiến đấu. Trong một lần dừng chân nghỉ để đào hầm trú ẩn, ông đã vẽ phác thảo bức tranh. Tác phẩm sau khi hoàn thành đã đoạt giải Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955).
“Gặt ở Việt Bắc”, Sơn mài, 50cm x 65cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
“Du kích trên ngọn Khao Luông”, Sơn mài, 70cm x 110cm, Bảo tàng Cố cung, Bắc Kinh, Trung Quốc.
1958:
“Gác chuông chùa Trăm gian”, Sơn mài, 60cm x 90cm, Bảo tàng Hermitage (St.Petersburg Liên bang Nga)
“Mục Nam Quan”, Sơn mài, 120cm x 160cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
1960:
“Bụi nứa”, Sơn mài, 76cm x 100cm, Bảo tàng Phương Đông Mát-xcơ-va, Liên bang Nga.
1961:
“Bụi nứa miền xuôi”, Sơn mài, 75cm x 100cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
1970:
“Vườn mai”, Sơn dầu, 60cm x 75cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
1981:
“Những chiến sĩ biên phòng”, Lụa, 50cm x 60cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
“Lưới trên sông Hàn”, Lụa, 60cm x 90cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
2005:
“Chân dung Bác Hồ”, Khắc gỗ, 30cm x 40cm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.