ART & CULTURE

“Xứ thần kinh” của 4 họa sĩ đến từ Huế

Oct 12, 2022 | By Trang Ps

Triển lãm “Xứ thần kinh” là cuộc chơi chung của 4 họa sĩ đang sinh sống và làm việc tại Huế, bao gồm Trần Hữu Nhật, Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Hữu Long và Nguyễn Trung Kiên. Như tên gọi triển lãm, tín đồ nghệ thuật Sài Gòn sẽ có dịp chiêm ngưỡng và lạc vào “xứ” hay “miền đất” điên rồ và chẳng giống ai của mỗi họa sĩ.

Người ta thường gọi Huế là xứ sở mộng mơ nhưng những người họa sĩ mà tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với cá tính lẫn công việc của họ thì dường như không đơn giản như vậy. Bên trong họ luôn chất chứa sự nổi loạn về mặt tư duy, vì thế, dù mỗi ngày họ hít từng hơi thở của vùng đất cố đô nhưng không phải lúc nào những nhẹ nhàng, bảng lảng và truyền thống nơi Huế cũng được thể hiện trực diện lên tranh họ, và nếu có, cũng là ngấm ngầm và ẩn dụ. Nhận định này có lẽ thật đồng điệu với những sáng tác của Trần Hữu Nhật, Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Hữu Long và Nguyễn Trung Kiên. Họ có những nỗi niềm khác nhau, vốn sống khác nhau nhưng cùng chung một “nhịp đập” về tính phá cách và khả năng đào sâu nội tâm.

Tranh của Trần Hữu Nhật.

Trừu tượng của Trần Hữu Nhật mang một vẻ đẹp đương đại hết mực uyển chuyển trong những gam màu đối lập nhưng lại có mục đích mang đến sự cân bằng và hài hòa. Tính Huế của Nhật được thể hiện trong chủ đề tác phẩm, thường nghiêng về bản chất trong sáng và phá chấp của nhà thiền, vì thế mà dễ chạm vào bản tính tự do và phóng khoáng nơi mỗi người. Nhật là một trong những họa sĩ chăm chỉ vẽ trực họa nhưng lại có khả năng đưa những xúc cảm lãng mạn, nhẹ nhàng và đôi phần cổ kính vào tranh. Tranh trực họa của Nhật đậm tính Huế, nhưng khi đến thể loại trừu tượng, anh thoát ra khỏi tính Huế đặc trưng để chạm đến vẻ đẹp vừa bay bổng nhưng lại vừa mạnh mẽ, vừa lưu luyến nhưng có lúc lại rất dứt khoát. Tính cân bằng trong tranh của người họa sĩ này nằm ở khoảng giữa của các cực đoan đó và anh men theo đó để tạo ra tính dòng chảy cho tranh.

Nguyễn Đức Nghĩa lấy hình tướng để lột tả tinh thần. Trong một gam màu hết sức tối giản nhưng đầy ám ảnh, Nghĩa phơi bày thẳng thắn trước mắt chúng ta những khoảnh khắc nội tâm không thể giấu diếm của con người thuộc về thời đại này. Thân thể núng na núng nính biểu hiện cho việc chúng ta đang sống trong một xã hội thừa mứa về mọi thứ nhưng bản thân mỗi người lại chưa thực sự cảm nhận đủ đầy từ bên trong. Vì thế, họ vẫn khao khát lắm sự thấu cảm và sẻ chia. Đằng sau những ngấn da thịt hay hình hài béo tròn, ta thấy những ánh mắt như bao hố đen xoáy sâu thật sâu, tượng trưng cho sự mong mỏi, ngóng trông đến kiệt quệ.

Có vẻ khá ngược với Nghĩa, hội họa Lê Hữu Long lại phong phú về màu, mạnh và quái đản trong nội tâm, tính trừu tượng pha lẫn siêu thực… Nguồn năng lượng trên tranh Long dị biệt và đầy rẫy sự xung đột, đấu đá vì thế mà không dễ dàng cảm thụ. Hội họa của anh phơi bày tính cuộc chơi trong đời sống để phân chia kẻ mạnh – kẻ yếu, người thắng – người thua, người lành – kẻ ác… Đó vốn là bản chất hai mặt của cuộc sống nhưng được Long khắc họa đầy táo bạo và độc đáo trong những gam màu như đi hết cực đoan. Thế giới trong tranh của Long cũng náo loạn và rối rắm, có lúc lại như hư ảo và tối tăm, vì thế mà khó phân biệt hay phân định.

3 bức tranh của Nguyễn Trung Kiên.

Cũng như Nguyễn Đức Nghĩa, họa sĩ Nguyễn Trung Kiên lấy thân xác con người để làm đối tượng lột tả thân phận. Nhưng hình hài mà Kiên hướng đến lại thật “người ngợm”, hàm ý vừa “con” vừa “người”. Có những lúc, anh đã đẩy tính “con” và “người” này lên đến cực hạn, vì thế đôi lúc khán giả dễ rùng mình trước tính hoang dã đồng thời dễ bị tổn thương của chính mình. Kiên thường lột tả nhân vật với tư thế co quắp lại, có lúc một mình, có lúc với người khác, và ánh mắt nhắm nghiền hay khép hờ buồn bã để lột tả nỗi cô độc đến hoang dại. Ngoài chất liệu sơn dầu, anh còn tận dụng vải phun sơn lên để tăng tính xúc cảm cho tác phẩm.


Triển lãm “Xứ Thần Kinh” sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 14/10/2022 đến hết ngày 23/10/2022 trong khung giờ: 9:00 – 18:00

Địa điểm: Mây Artspace – 36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TP.HCM


 
Back to top